Cát Thiên Tam Thế Thực Lục - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2007
Nguyễn Văn Thanh
72. Cát thiện tam thế thực lục và việc nghiên cứu đạo Mẫu

Cập nhật lúc 10h58, ngày 11/08/2009

CÁT THIÊN TAM THẾ THỰC LỤC VÀ VIỆC NGHIÊN CỨU SÂU HƠN VỀ ĐẠO MẪU

NGUYỄN VĂN THANH

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Việc nghiên cứu đạo Mẫu cũng như Liễu Hạnh Công chúa được đẩy mạnh vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu đã đề cập nhiều mặt của hình thức tôn giáo bản địa phức tạp và độc đáo này như Lễ hội Phủ Giày, tín ngưỡng đạo Mẫu, thân thế Liễu Hạnh Công chúa, diễn xướng chầu văn các hình thức shamal trong hành lễ đạo Mẫu v.v… Tuy nhiên ở kho tàng văn bản Hán Nôm liên quan tới đạo Mẫu và Liễu Hạnh Công chúa chưa được khai thác nhiều và đồng thời các văn bản thường định bản muộn. Theo chúng tôi, ngoài một số sắc phong đang cần được thẩm định lại thì hiện nay, tấm bia Quảng cung linh từ bi ký đặt tại Phủ Nấp (Quảng Nạp) vào năm 1740 có thể được coi là tài liệu có thời gian định bản sớm nhất. Tấm bia này cho ta những thông tin thú vị về một thế tiền thân của Mẫu Liễu Hạnh đã giáng trần ở Phủ Nấp. Qua quá trình sưu tầm tư liệu theo hướng khẳng định một thế của Tiên thiên thánh mẫu chúng tôi gặp được cuốn Cát Thiên tam thế thực lục. Nhận thấy đây là một tư liệu có giá trị bổ sung cho xu hướng nghiên cứu trên chúng tôi xin giới thiệu tài liệu này. Cũng cần nói thêm, gần đây trong luận văn Thạc sĩ Ngữ văn Hán Nôm cũng có nhắc tới tài liệu này một cách sơ qua theo một nguồn tài liệu khác.

1.Giới thiệu văn bản

Sách bìa giấy dó vàng có khổ 21,3 x 14cm, phần nội dung sách là 48 tờ giấy dó. Sách in ván gỗ, trang bìa 2 có khắc hình tứ linh xung quanh và ghi dòng chữ ởgiữa: "Cát thiên tam thế thực lục" 葛 天 三 世 實 錄, mặt sau có đề ba dòng chữ Hán như sau: dòng giữa đề: "Hoàng Nam Duy Tân Quí Sửu trọng xuân phụng thuyên" 皇南維新癸丑仲春奉詮 (phụng khắc vào tháng trọng xuân năm Quí Sửu niên hiệu Duy Tân (1913), dòng bên phải đề: "Nam Định Nghĩa Hưng Đại An Vỉ Nhuế" 南定義興大安𠳿汭. Dòng bên trái đề: "Quảng Cung Tiên chúa linh từ tàng bản" 廣宮仙主靈祠藏板 (ván được tàng tại Quảng cung tiên chúa linh từ).

Trong sách dùng cả chữ Hán và chữ Nôm. Sách bao gồm các phần như sau:

- Thánh Mẫu bảo cáo. [1a-1b]

- Quảng Nạp linh từ phả ký. [2a-4a]

- Cát Thiên tam thế thực lục tự. [4b-6a]: bài tựa này do người tên là Khiêm phụng soạn, ông nói lên lẽ huyền vi hóa sinh, luân hồi của đạo thì đối với nho gia không tin, nhưng viện dẫn trong sử sách của Trung Quốc và của Việt Nam thì những nhân vật nổi tiếng như Khổng Minh, Trương Phi, Thánh hóa ở núi Sài (Thầy), rồi Phật bà chùa Hương Tích thì họ đều là tiền thân hoặc hậu thân của một vị nào đó. Thế thì chẳng phải là điều hiển nhiên là có chuyện hoá sinh đó sao. Thế thì việc thánh mẫu giáng sinh tam thế (ba lần) thì cũng có thể tin được. Đó là những ý mà người viết lời tự muốn gửi gắm để người đọc tin là có tam thế mẫu. Cuối lời tự còn có lời phê của các vị thánh như Trần Hưng Đạo, Trạng Trình duyệt (đây là lời duyệt thông qua người ngồi đồng, kê).

- Cát Thiên tam thế thực lục tự tự. [6a-7b]: đây là bài tự tựa của Thánh mẫu giáng bút, Thánh mẫu ghi lại lai lịch năm tháng của mình trong lần giáng sinh lần thứ nhất. Nói lên việc viết Cát thiên tam thế thực lục bằng quốc âm. Viết xong có những lời hiệu duyệt của các bậc thánh kê duyệt. Cuối bài tựa có ghi ngày 24 tháng 10 năm Duy Tân thứ 6 (1912). Do Đệ Nhất vị Tiên Hương thánh mẫu giáng trước.

- Cát Thiên tam thế thực lục. [8a-10b]:

- Cát Thiên tam thế tổng tự. [10b-11b]: ghi tổng quát về tam thế (ba đời) của đức Thánh Mẫu. Đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp xã Vỉ Nhuế huyện Thái An phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần hai người cùng một quê. Ở đời này mẫu cũng luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu, mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473). Đời thứ hai của mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát huyện Vụ Bản phủ Nghĩa Hưng, thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577). Đời thứ ba của mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi. Sau bài tổng tự có ghi dòng tính từ đời thứ nhất của mẫu cho tới năm Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân (1912) tổng cộng là 535 năm.

- Cát Thiên tam thế thực lục quốc âm. [12a-25a]: gồm 138 câu lục bát được viết bằng chữ Nôm ghi về tam thế của thánh mẫu, có chú thích năm tháng bằng chữ Hán. (Phần này chúng tôi sẽ phiên chú toàn văn).

- Phụ lục đề Tiên hương từ thi. [25a-25b]: là hai bài thơ của Lộng Đình Phó bảng Quang lộc tự khanh lĩnh Đốc học trí sĩ Đặng Quĩ, một bài viết bằng quốc âm:

“Non Sòng vằng vặc bóng trăng đầy,

Phố Cát đi về một đóa mây.

Tiên Phật thánh thần nhân quả vẹn,

Đông đoài nam bắc tiếng thiêng bay…”.

- Cát Thiên thực lục hoàn mộc ân đệ tử tạ biểu. [26a-28a]: là bài biểu tạ sau khi đã hoàn thành tập sách. Bài biểu này do ông Đỗ Huy Liêu phụng mệnh bái thảo.

- Cát Thiên tam thế thực lục hậu tự [28b-34b]. Bài hậu tự này ghi những lời cảm nhận của người viết về lẽ huyền vi sinh sinh hóa hóa của đức Thánh mẫu, và khẳng định đức thánh mẫu Quảng Nạp có trước (tiền thân) của Thánh mẫu Vân Cát. Bài hậu tự này cũng do ông Đỗ Huy Liêu bái bạt.

- Mộng thụ ký [35-37a]: ghi lại cuộc gặp mặt của ông Trần Đăng Thái mộng đi tới nhà quan Đốc học Trần Xuân Thiều tại Bắc Giang và gặp được nghiệp sư họ Trần tên huý là Xuân Huy, ông hỏi về nguồn gốc ý nghĩa của một phiến đá lạ có khắc hình hổ phù và được thầy của ông trả lời, giải thích ý nghĩa rất tường tận. Đó là phiến đá Vân Mẫu thạch

- Phụ lục Tiên hương từ đối liên. [37a-37b]: ghi chép lại vào sách một số câu đối thờ mẫu.

- Phụ lục Quảng Nạp từ linh nghiệm ký. [38a-39b]: đoạn văn kể những câu chuyện linh nghiệm có thực mà người dân trong vùng được sự linh ứng của thánh mẫu phù giúp cho mà bị tà nhập muôn phần chết một phần sống đã được cứu sống.

- Thánh Mẫu tán văn. [40-42a]: bài văn viết ca tán công đức của đức thánh mẫu, khắp nơi xa gần đều biết sự hiển linh của thánh mẫu trong văn có ghi: “Nhi tiên nữ nhi thần nhi thánh” là bậc tiên nữ là vị thần là vị thánh.

- Bách hoa văn. [42a-44b]: bài văn viết về trăm loài hoa tươi tốt đem đến dâng trước thánh mẫu, bài văn cũng được viết bằng quốc âm theo thể thơ:

Mừng nay gặp hội tầm xuân

Kim ngân thanh tịnh trước sân lạy quì.

Sai bách hợp tức thì giáng phó,

Quế mới hòe vàng đỏ chen vai.

Báo tin đà có hoa mai,

Hoa đào hoa mận những ai đó chờ

Màn lan huệ phất phơ bóng rủ,

Gọi hải đường thức ngủ xuân tiêu…

Toàn bài văn theo như dòng chữ ghi phía dước thì tổng cộng là 74 câu thơ.

- Bách dược luyện văn. [45a-47a]: đây là bài luyện văn trăm thứ thuốc viết bằng quốc âm, được đọc khi xin thuốc chữa bệnh ở đền thánh mẫu Quảng Nấp.

- Tế văn. [47a- 48a]: Đây là bài văn tế đức Thánh mẫu tại Quảng Nạp cung linh từ, bài văn tế ca ngợi đức hạnh của thánh mẫu, linh ứng phù giúp cho quốc thái dân an, sở cầu tất ứng nên trải các triều đại sùng kính phụng thờ. Phần sau của bài văn tế là lời phê duyệt của Trần Thánh vương (những lời phê này là các vị thần giáng ứng vào người ngồi kê, ngồi đồng phán, người ngồi hầu chép lại)

Sách in năm Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân (1912).

Phần quốc âm:

Vân Cát tam thế thực lục quốc âm viết về tam thế của đức Thánh mẫu bằng 138 câu thơ Nôm lục bát. Thánh mẫu vốn là tiên trên trời bị giáng xuống trần thế một thời gian, khi hết hạn lại trở về trời cả ba lần đều có mô típ như vậy. Với những giá trị ban đầu nói ở trên cuốn sách Cát Thiên tam thế thực lục, có thể giúp thêm một phần tư liệu cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng như Đạo mẫu có thể nghiên cứu thêm về sự liên kết giữa các thế của mẫu trước thế giáng sinh ở Vân Cát. Với những suy nghĩ trên chúng tôi phiên âm giới thiệu toàn văn phần Vân Cát tam thế thực lục quốc âm như sau:

VÂN CÁT TAM THẾ THỰC LỤC QUỐC ÂM

---***---

Khi nhàn tựa án thảnh thơi,

Ngẫm xem tam thế luân hồi lạ thay.

Quả tu khéo tại lòng này,

Hoá sinh sinh hoá xưa nay ai tường.

Vẹn sao hai chữ cương thường,

Tiên nhân phật quả lưu phương dõi truyền.

Nhớ xưa ở huyện Đại Yên,

Xã là Trần Xá về miền Nghĩa Hưng.

Đương năm Cảnh Thịnh sơ hưng,

Cải làng Vỉ Nhuế phỏng chừng tam niên.

Thôn Quảng Nạp hiệu Huyền Viên,

Phạm gia tích đức bách niên đã nhiều. [12a]

Xưa làm Phó sứ thiên triều,

Khâm sai tra sổ phải điều bất công.

Bút son vâng mệnh đền rồng,

Giáng Trần Xá xã thôn trung đất lành.

Đất này tú khí chung linh,

Lâu đài cổ tích xung quanh cũng kỳ.

Chỉn e tử tức còn trì (chầy),

Trai đàn mong được sau khi nối đời.

Đêm ngày khấn phật cầu trời,

Kim tinh Thái Bạch tới nơi tâu rằng.

Có nhà rày ở dưới trăng,

Thái bà Phạm lão tin nhằm có thai.

Ngọc Hoàng mở sổ ra coi,

Phạm ông ngày trước vốn người thiên cung. [12b]

Bởi vì giữ phép không công,

Vậy nên giáng trích vào vòng nhân gian.

Một đời rồi lại tái hoàn,

Nay xin cầu tự thời bàn làm sao.

Có quan Bắc Đẩu Nam Tào,

Sổ cầm chu mặc ghi vào tính danh.

Tâu rằng xin chút gái lành,

Kẻo cơ nghiệp ấy sau dành cho ai.

Đức vua nghe nói êm tai,

Truyền đòi công chúa thứ hai lên chầu.

Khuyên con giáng thế ít lâu,

Hỡi quan văn vũ cùng nhau hiệp bàn.

Tâu rằng đội đức thiên nhan,

Non cao bể rộng khôn toan cưỡng lời. [13a]

Công chúa tâu lạy mấy lời,

Hóa sinh sinh hóa kiếp người kiếp tiên.

Kiếp này là kiếp tiền duyên,

Ghi lòng để dạ chép biên đời đời.

Thần thông biến hoá mọi nơi,

Trước Nga Hoàng giáng vốn người tiên cung.

Ngọc nữ thăng lệnh chỉ truyền,

Vâng lời tấu đến điện tiền vua cha.

Khấu đầu lạy trước thềm hoa,

Lạy bà Hoàng hậu chính toà vừa thôi.

Gửi truyền văn vũ mấy lời,

Thờ vua phải giữ lòng thời chỉ trung.

Còn tiên lạy trước ngai rồng,

Tâu rằng cho xuống độ vòng bao nhiêu. [13b]

Thấy con nói hết mọi điều,

Bút son đề chữ linh tiêu lên đầu.

Thông minh linh ứng dài lâu,

Tứ phương lai cộng phật đầu Dần niên.

Sênh ca đàn sáo đôi bên,

Dập dìu phượng liễn xuống miền dương gian.

Phạm ông khi ấy thanh nhàn,

Màng màng giấc mộng đoàn đoàn tiên nga.

Khí thiêng sực nức mùi hoa,

Sao mai thấp thoáng trời đà vầng đông.

Thái bà chuyển động tâm trong,

Quế lan ngào ngạt hát sen hồng nở hoa.

Huệ hương dâng khắp đầy nhà,

Giáng sinh mồng sáu tháng ba giờ Dần. [14a]

Nhãn quang lóng lánh tinh thần,

Mày ngang vành nguyệt da ngần vóc sương.

Má đào môi hạnh phi phương,

Giá so tố nữ tiên nương khôn bì.

Phú ông xem thấy dị kỳ,

Giáng thần ứng hiện đặt thì Tiên Nga.

Yêu như ngọc dấu như ngà,

Nâng châu rốn bể hứng hoa lưng trời.

Màn the trướng gấm thảnh thơi,

Thâm khuê dưỡng dục khác vời tiên cung.

Ngũ chu thiên tính đà thông,

Thử xem nề nếp cũng dòng phú gia.

Chạnh lòng nghĩ đến gần xa,

Nay tuy đã vậy sau đà sao đây. [14b]

Năm lên mười tuổi khôn thay,

Một niềm hiếu thuận nết hay ai tày.

Thung huyên sớm mỏng tối dày,

Quạt nồng đắp lạnh đêm ngày vào ra.

Tôn thân thượng mục hạ hoà,

Lời ăn tiếng nói nhu hoà khoan dung.

Đủ điều ngôn hạnh công dung,

So xem cốt cách khác trong trần này.

Đua chen kẻ tớ người thầy,

Ra vào hầu hạ đêm ngày tựa nương.

Tới tuần tam ngũ phi phương,

Bạn Tần khách Tấn ngổn ngang đầy nhà.

Thái ông ướm hỏi dò la,

Chiêu thân sớm định để già tâm khoan. [15a]

Nào ai dưới gối thừa hoan,

Nay con riêng phải lo toan việc nhà.

Chúa rằng đội đức sinh ra,

Ơn đà bể rộng nghĩa đà non cao.

Hổ con chút phận thơ đào,

Hình lâm tử tức tiêm vào phu quân.

Cuộc đời như thể phù vân,

Thân tiên buộc lấy duyên trần làm chi.

Nhớ khi nuôi nấng phù trì,

Nghĩ sao báo đáp ơn nghì cho phu.

Con xin dốc chí đường tu,

Triêu sớm ban tối di du vui cùng.

Mặc ai mối điệp tin ong,

Mặc ai lá thắm chỉ hồng bạn duyên. [15b]

Khi xưa phẩm cách người tiên,

Lẽ nào nỡ để hồng liên bùn lầm.

Thái ông nghe nói mừng thầm,

Hay là đức phật Quan âm thân tiền.

Thôi chi nói sự trần duyên,

Dù con trong sạch giá tiên mặc lòng.

Đào viên then khoá kín phong,

Giữ điều trinh tiết kính cung tiên đường.

Vá may canh cửi việc thường,

Rộng ơn thí xả bốn phương dân cùng.

Nền nhân xây đắp dốc lòng,

Khói hương thấu đến cửu trùng cho thông.

Dần dần nhị kỉ ngũ đông,

Thung đường phút đà xe rồng lên chơi. [16a]

Ngán thay dưới đất trên trời,

Một người mà gánh hai vai thâm tình.

Báo ơn tứ đức sinh thành,

Gần xa ai kẻ nức danh nữ tài.

Cư tang năm mới được hai,

Huyên đường hạc giá bay khơi lên ngàn.

Thân tiên bao quản tân toan,

Một mình khôn biết rằng bàn sao xong.

Bèn mời lân lý hương trung,

Kẻ thăm người viếng tây đông đầy nhà.

Thôn trung có kẻ lão già,

Thấy người thơ ấu nết na thương vì.

Năm thường dậy sớm luân di,

Hiếu trung hai chữ sau thì ắt nên. [16b]

Công chúa quì xuống thưa lên,

Trình rằng ơn nặng dám quên sau này.

Thôn trung thu xếp ra tay,

Hạ tuỳ thượng xướng việc nay chu toàn.

Đưa người yên xuống hoàng tuyền,

Mặc nàng coi sóc báo đền công xưa.

Chăm coi bao quản nắng mưa,

Gọi là chút báo tóc tơ sinh thành.

Thương thay thiên đạo bất bình,

Trăm năm để giận một mình khấu công.

Ba năm lòng những dặn lòng,

Nào ai khuya sớm đà cùng việc đây.

Đến tuần tứ cửu làm trai,

Đại đàn bố thí bẩy ngày bẩy đêm. [17a]

Lòng thành thấu đến cửu thiên,

Kim tinh Thái Bạch tâu lên ngai vàng.

Tâu rằng ở dưới dương gian,

Nơi bà công chúa Đại An tâu rày.

Cù lao chín chữ thương thay,

Trông ơn thượng đế xá rày siêu sinh.

Ngọc hoàng việc ấy đã minh,

Đem bộ trắc giáng đế đình mà tra.

Phán rằng đệ nhị Tiên Nga,

Bấy lâu sao vắng đại la quảng hàn.

Triều đình tâu trước thiên nhan,

Tâu còn kỉ nữ tái hoàn tiên cung.

Ngày nay tang tóc đã xong,

Một mình coi sóc ngoài trong xa gần. [17b]

Năm qua tháng lại lần lần,

Phong quang đã khác tiền nhân đó rồi.

Công chúa tỉnh giấc bồi hồi,

Tam tinh mộng thấy tới nơi doành doành.

Tâu rằng người ở động đình,

Vâng đem ngọc bảo kim tinh lai phù./.

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Chữ Hán Nôm Cát