Câu Chuyện Của Người Việt Nam đầu Tiên Chế Tạo Ra Súng Không ...
Có thể bạn quan tâm
Chân dung đồng chí Trần Đại Nghĩa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở Vĩnh Long (1913-1997). Ông được phong quân hàm thiếu tướng năm 1948, là người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng ngành Khoa học kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, từng nắm giữ nhiều chức vụ cao trong Quân đội và còn được mệnh danh là “Ông vua vũ khí” của Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện của người Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, người đã có những hoài bão, đam mê với mong muốn được cống hiến hết mình cho nhân dân, cho tổ quốc, cho sự nghiệp chế tạo vũ khí Việt Nam trong thời kỳ đầu kháng chiến.
Mùa thu năm 1945, khi cuộc Cách mạng tháng Tám vừa thắng lợi, nhiều người trong số những người Việt Nam tại Pháp không cầm nổi nước mắt vì vui mừng khi nghe tin này. Ngày đêm chúng tôi thấp thỏm chờ đợi những tin tức hiếm hoi từ Hà Nội. Tốt nghiệp kỹ sư năm 1939, tôi làm việc trong một xưởng chế tạo máy bay. Tôi là thành viên của Hội những người Việt Nam ở Pa-ri. Ở thời điểm đó, tôi thường trải qua những đêm mất ngủ, dằn vặt vì phải xa đất nước trong thời khắc lịch sử này mà không thể đóng góp được gì dù nhỏ cho việc củng cố nền Cộng hòa non trẻ. Trong giấc mơ, tôi thấy đồng bào Việt Nam đang tưng bừng trỗi dậy bởi khát vọng tự do và độc lập. Tôi cũng từng mơ rất nhiều, thấy tổ quốc mình đang vươn tới một tương lai tươi sáng, cuối cùng đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Ngay lúc này, tôi muốn có ngay đôi cánh để bay về nước.
Vào cuối mùa xuân năm sau, cơ hội bất ngờ đã đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp với tư cách đứng đầu phái đoàn chính phủ, tôi đến tìm gặp Người và xin trở về nước. Bốn tháng sau, tôi lên tàu cùng với đoàn về Việt Nam. Từ một tâm hồn cao thượng, phẩm chất cao quý và đức tính giản dị tạo nên một nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt hành trình trên biển. Đặc biệt, tôi luôn khắc sâu trong tâm trí những lời khuyên của Người: “Vào cuối những năm 80 của chế độ khai thác tàn bạo, đất nước chúng ta còn rất nghèo. Hiện tại trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, đồng bào miền Nam vẫn đang phải đổ máu mỗi ngày. Đồng bào ta chắc chắn sẽ còn phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Con đường đem đến hạnh phúc cho chúng ta vẫn còn dài ở phía trước. Anh hãy luôn nhớ điều đó! Anh đã chọn con đường trở về là để phục vụ nhân dân và tổ quốc. Nhiệm vụ sắp tới là anh hãy đặt tất cả ý chí, sự nhiệt huyết của mình để vượt qua những khó khăn. Tiền bạc và phương tiện chúng ta có không đáng kể. Vì vậy đặc biệt là anh hãy tin tưởng chính mình và các đồng chí làm việc với anh”.
Tháng 11/1946, tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân giới. Ngày tôi nhậm chức, nhiều đồng chí đã nói với tôi: “Chúng ta thiếu mọi thứ. Anh sẽ làm gì?” Và tôi nói với họ, chính tôi mường tượng rằng tình hình còn xấu hơn. Vậy nên điều đó lại càng khích lệ tôi.
Vài ngày sau, tôi đi thăm kho vũ khí cùng giám đốc xưởng quân giới. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ ở tầng một của ngôi nhà. Trên ống khói có hai vỏ đạn bazooka. Một vỏ đạn đã bị tháo ra một cách bất cẩn. Các đồng chí đã đề nghị bỏ cái này và thay thế bằng một cái khác. Một cuộc thảo luận đã diễn ra. Chúng tôi nghe có tiếng ồn ở bên trong. Một số người cho rằng đó là nước, những người khác cho là những mảng bột.
Sáng hôm sau, tất cả những người tham dự đã chứng kiến cuộc thử nghiệm ,đạn nổ đã tạo ra một vết nứt lớn trong bức tường bê tông. Tiếng reo vui vang lên và chúng tôi không thảo luận gì thêm nữa ngoài việc tập trung vào chế tạo đạn chống tăng.
Ngay lập tức tôi bắt đầu nghiên cứu chiếc vỏ duy nhất còn lại. Sau những cuộc thảo luận nghiêm túc, chúng tôi quyết định đặt vỏ vào máy tiện để tháo rời nó. Tôi đảm nhận thao tác tinh tế này khi mà tất cả mọi thứ đều mới hoàn toàn. Sau khi tháo gỡ, một số khó khăn mới nảy sinh: Kho vũ khí không có bột nhiên liệu của ngòi, mà chỉ có của súng. Do đó cần phải nghiên cứu lại các nguyên tắc của ngòi để có thể sử dụng bột nhiên liệu của súng thay vì bột nhiên liệu của ngòi.
Sau suốt hai ngày tính toán, đôi khi còn quên cả thời gian ăn. Tôi đã trình bày với đồng chí Y về kế hoạch làm vỏ đạn. Lỗi sản xuất của chiếc vỏ đầu tiên là không có ốc vít và bị dơ nhiều ở ống ngòi nhắm vào buồng bột. Tôi xem lại vòng xoay để làm cho đúng và theo dõi chặt chẽ khâu sản xuất. Sau mười ngày cố gắng miệt mài, chiếc vỏ đạn đầu tiên đã được ra đời.
Đầu tháng 12/1946, tôi mang vỏ đạn đó ra Hà Nội. Sau đó, cuộc tấn công của thực dân Pháp chống lại nền Cộng hòa non trẻ đã nổ ra. Tôi trở lại vùng căn cứ và luôn mang theo chiếc vỏ đạn bên mình.
Mùa đông năm đó thời tiết rất lạnh. Đội ngũ nhân viên của kho vũ khí đã giảm, chỉ còn vài cán bộ, kỹ thuật viên và công nhân. Họ sớm hoàn thành toàn bộ việc chế tạo vỏ: một số người cuộn giấy để sơn lót điện, số còn lại cho chất nổ vào vỏ đạn rỗng. Chúng tôi làm việc trong một căn phòng nhỏ, làm nóng các que hàn trên một cái lò nhỏ được làm bằng hai miếng thiếc cắt. Ngay sau đó, tôi đưa cho đồng chí T, người đứng đầu trong số cán bộ, các bản kế hoạch chế tạo đạn pháo. Đồng chí đã dẫn chúng tôi lên liên khu 4 để thử chế tạo hàng loạt.
Tháng 2/1947, đồng chí T từ liên khu 4 trở về mang theo 20 quả đạn pháo mới được sản xuất. Ở cuộc thử bắn đầu tiên, vỏ đạn phát nổ tại chỗ, kéo theo cái chết của hai nhân viên chế tạo.
Tôi ngừng các cuộc thử nghiệm rồi lượm những vỏ đạn còn lại để kiểm tra lại. Sau khi sửa chữa những khiếm khuyết của vỏ và của ống phóng ngòi, cuộc thử nghiệm thứ hai đã được tiến hành. Nhưng lần này đã có sự đề phòng. Các phát bắn được điều khiển từ xa bằng điện. Vỏ đạn xuyên thủng tường dày 70 cm và tạo ra một vết nứt lớn. Tất cả mọi người đều vui sướng. Kế hoạch tăng tốc sản xuất vỏ đạn ngay lập tức được thực hiện. Vài tháng sau, đội quân cơ giới của quân Viễn chinh Pháp đã mở đầu cuộc chiến ở Xo, hai quả đạn pháo đầu tiên do Việt Nam sản xuất đã "thổi" bay hai chiếc xe tăng đi đầu của Pháp.
Cũng chính trong cùng thời gian này, chúng tôi nhận được tin xấu từ liên khu 4, trong lúc thử bắn đạn bazooka, một nhà nghiên cứu đã bị thương nặng bởi lớp vỏ đã phát nổ tại chỗ. Chắc chắn là có khiếm khuyết trong sản xuất. Bằng mọi giá tôi phải trình bày lý do về kỹ thuật gây ra vụ tai nạn. Tôi tập trung toàn bộ nhân sự và công nhân lại rồi tổ chức một cuộc thảo luận rộng rãi về nguyên nhân của các vụ tai nạn. Một thời gian sau, chúng tôi mới có thể sản xuất hàng loạt bazooka an toàn cho quân đội sử dụng chúng.
Khẩu súng SKZ 60. Nguồn: sưu tầm
Vào tháng 7 năm đó, một cuộc gặp gỡ với đồng chí cán bộ cấp cao tên là Ngô Gia Khảm (người sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động) đã đem đến cho tôi ấn tượng sâu sắc. Anh bị bỏng nặng trong quá trình sấy bột và hoàn toàn bị biến dạng. Trong giây lát anh đã bị mất thị lực và đôi tay bị thương. Nhưng khi gặp tôi, anh ấy vẫn cố gắng nói: "Ở xưởng, các đồng chí vẫn đang tăng tốc sản xuất thuốc súng và nitro-cellulose. Chúng tôi tin cậy vào anh trong nghiên cứu các loại vũ khí mới".
Anh ấy nói rằng anh ấy rất đau đớn vì bị tai nạn mà không thể tiếp tục công việc trong lúc này và “Tôi chỉ xin nghỉ ngơi một vài tháng, anh đừng có quên tôi đấy và giao ngay cho tôi một nhiệm vụ khác đi”.
Những ngày đầu tiên ở Việt Bắc, cái nôi của kháng chiến, tôi luôn nhớ đến ký ức về cuộc gặp gỡ đầy cảm động này với người cộng sản Ngô Gia Khảm để vượt qua nhiều khó khăn mà bản thân gặp phải.
Sự xuất hiện của đồng chí Th, người đứng đầu xưởng chế tạo vũ khí thực sự đem đến cho chúng tôi một bước tiến lớn. Một câu chuyện phi thường: đó là vào ngày 06/3/1946 khi quân đội Pháp rời khỏi Hải Phòng, đồng chí Th đã thành công khi thuyết phục các công nhân phá dỡ toàn bộ xưởng cơ khí Caron của người Pháp. Đồng thời vận chuyển nguyên vật liệu bằng đủ mọi cách như vác trên lưng, dùng xe trâu, xe ngựa, xe tải, thuyền bè vượt qua nhiều ngọn đồi, rừng núi, sông suối, ruộng nương, đường xá về khu căn cứ không mất một hạt. Họ đã mang về cho chúng tôi 40 thùng súng cối, hàng chục kế hoạch chi tiết các loại vũ khí và hàng trăm tấn nguyên vật liệu.
Chuyến hành quân nhiều tháng đã lập nên một kỳ tích. Các công nhân luôn nhận được sự giúp đỡ thực sự quý báu từ những người dân trong suốt hành trình của họ.
Phần lớn trong số họ không có đồ đạc gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Mặc dù rất thiếu thốn, nhiệm vụ thì vô cùng khó khăn và gian khổ, nhưng tôi vẫn nhìn thấy nụ cười của các anh sau mỗi cuộc hành quân đường dài. Việc duy nhất trên dọc đường là sẵn sàng giữ máy móc quý giá bằng mọi cách cho kháng chiến, cho nhân dân và cho tổ quốc.
Sự có mặt của xưởng quân giới này đã củng cố thêm cho tôi niềm tin vào sự bất khả chiến bại của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược. Tôi tự nhủ, không một khó khăn nào có thể làm cho chúng tôi dừng lại. Kẻ thù nguy hiểm nhất chính là sự nản lòng và hoảng loạn.
Xưởng sản xuất mới có 400 công nhân. Ở đó chúng tôi đã chế tạo súng cối. Về phần mình, tôi tính toán các phép tính để dựa vào đó xác định rõ đặc tính của súng cối: pháo, vỏ, bột, quỹ đạo, mức độ chính xác của các phát bắn. Làm đạn pháo là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất. Tôi lấy chiếc vỏ mới và thử bắn trên một khẩu súng cũ. Cuộc thử nghiệm đã thành công. Sau cuộc thử nghiệm ấy, tôi tiến hành một công trình hoàn chỉnh trên súng cối, theo yêu cầu của tất cả mọi người. Cần phải cho các xưởng quân giới sản xuất hàng loạt vũ khí này. Tôi đặt ra thời hạn là một tháng.
Nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi trong tay không có một tài liệu gì liên quan đến súng cối. Bây giờ tôi cố gắng ghi nhớ những con số và phương trình, nghiên cứu cách để vận dụng cho súng cối, một loại súng khác biệt rõ rệt so với đại bác. Tôi đã làm việc ngày đêm. Những phép tính ghi đen kín cả mặt giấy. Đã có lần tôi cảm thấy nản lòng, nhưng vào thời khắc quan trọng này, tôi đã thấy hình ảnh người cộng sản Ngô Gia Khảm, hình ảnh những người công nhân của xưởng Hải Phòng, được giúp đỡ bởi những người dân giản dị, cuối cùng đã thực hiện thành công những điều gần như không thể. Công việc tiến triển. Mùa thu năm 1947, khi quân đội Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn mở đầu cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc, tôi bắt đầu phần thứ hai của cuốn sách.
Tôi phải sơ tán đến một ngôi làng hẻo lánh của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi và vẫn tiếp tục viết. Cuốn sách về lý thuyết và chế tạo súng cối đã sớm được hoàn thiện.
Đến mùa thu năm 1948, căn cứ kháng chiến dần dần được củng cố. Dưới sự thúc đẩy của đồng chí X và Th, việc tổ chức xưởng chế tạo vũ khí được phát triển. Các chiến sĩ của chúng ta bắt đầu nhận được những quả súng cối 60 và 81 đầu tiên và súng phóng lựu đạn của xưởng chúng tôi. Vì những thành tựu tuyệt vời này, tôi đã được đồng chí Th tuyên dương trước quân đội và đã nhận được Huân chương Chiến công hạng Ba, một trong những danh dự cao quý nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho những công trình và nghiên cứu của tôi về vũ khí trong thời kỳ đầu kháng chiến.
Sau đó, lý thuyết về súng cối cho phép chúng tôi thiết kế và chế tạo súng cối cỡ nòng lớn hơn (120 và 185 mm), rất cần cho quân đội để hoàn thành các kế hoạch tác chiến.
Sau những thất bại cay đắng và lặp đi lặp lại nhiều lần, kẻ thù đã xây dựng nhiều đồn bốt kiên cố. Để tấn công chúng, quân đội chúng ta vẫn còn thiếu nhiều vũ khí hạng nặng dễ vận chuyển, đặc biệt là ở vùng núi. Vậy nên tôi bắt tay thực hiện một dự án cũ năm 1947: chế tạo những khẩu súng có độ giật rất nhẹ, nhưng lại có thể thay thế một cách thuận lợi hơn những khẩu pháo thông thường.
Lúc đầu, khi tôi trình dự án của mình, một số nhà quản lý trẻ không thể che giấu sự hoài nghi của họ. Vì vậy mà tôi bắt đầu suy ngẫm và đắm mình vào các con số và phương trình vô tận mà không có một tài liệu nào hỗ trợ cho công việc của mình. Sau ba tháng nghiên cứu, tôi đã triệu tập các nhà quản lý và thuyết trình trước họ lý thuyết về khẩu súng tương lai. Niềm đam mê mà tôi trình bày trong dự án thành công đã thuyết phục được người nghe. Theo thỏa thuận chung, đi đến quyết định tổ chức một cuộc hội thảo thứ hai mà tại đó dự án được kiểm tra một cách kỹ càng.
Không khí của cuộc họp thứ hai sôi động đầy phấn khởi. Mỗi người tham dự đều ghi đầy những phép tính trong cuốn sổ. Khả năng sản xuất vũ khí như thế không còn bất kỳ ai nghi ngờ nữa. Cuộc thảo luận kéo dài nhiều ngày xoay quanh nhiều vấn đề khác nhau để nghiên cứu chung như độ giật của pháo, tốc độ của đạn, lượng thuốc súng, độ chính xác của đạn…
Đến cuối năm 1949, đại bác không giật đầu tiên của chúng tôi (viết tắt tiếng việt là S.K.Z) đã xuất hiện trên mặt trận. Đầu năm 1950, những cú bắn S.K.Z đầu tiên đã phá tan Pho Lu, một trong những vị trí củng cố tốt nhất của địch. Giữa thời điểm đó, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Trong buổi lễ kết nạp, trước các đồng chí trong chi bộ, tôi thề suốt đời theo tấm gương kiên trì, chủ động sáng tạo của tầng lớp công nhân, mỗi ngày tu dưỡng mình hơn nữa để phục vụ nhân dân và Đảng.
Trở thành một người cộng sản, tôi tiếp tục nhiệm vụ của mình với sự hăng hái. Các xưởng sản xuất vũ khí còn khiêm tốn nằm rải rác trong rừng dần dần trở thành những ngôi làng nhỏ thực sự, sử dụng năng lượng điện và thủy lực. Với sự đóng góp của các công nhân và các nhà quản lý vũ khí Việt Nam, vũ khí và đạn dược mới liên tục được đưa ra các mặt trận khác nhau cho tới thắng lợi cuối cùng.
Mùa hè năm 1952, tôi đã đại diện cho các công nhân Cục Quân giới tham dự Đại hội Công nhân ưu tú toàn quốc. Tại đây tôi được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tôi có được vinh dự lớn lao này là nhờ vào sự hy sinh của tất cả các anh hùng, những lời khuyên của công nhân, của các nhà quản lý kho vũ khí. Cho phép tôi gửi lời biết ơn chân thành tới tất cả mọi người, cũng như tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đưa tôi tới con đường thực sự vinh dự này. Từ nay, trách nhiệm của tôi trở nên nặng nề hơn, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng với vinh dự lớn lao này.
Dịch từ Trích đoạn Báo cáo của Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trước Đại hội Anh hùng lao động và Công nhân ưu tú toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở khu căn cứ Việt Bắc, năm 1952, đăng trong cuốn “Vietnam en marche” năm 1959, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Từ khóa » Súng Và đạn Bazooka Của Cục Quân Giới
-
Súng Bazooka Made In” Việt Nam Ra đời Như Thế Nào?
-
Bài 2: Những “sản Phẩm đặc Biệt” - Báo Quân đội Nhân Dân
-
BAZOOKA "Made In VietNam" - Sáng Chế Việt Thời Kháng Chiến
-
Trần Đại Nghĩa - 'ông Phật Làm Súng'
-
Chuyện Về ông Phật Làm Súng - Báo Khoa Học Và Phát Triển
-
Địa điểm Xưởng Quân Giới - Nơi Chế Tạo Thành Công Súng Bazôka ...
-
Trần Đại Nghĩa - Người Anh Hùng Lao động Trí óc đầu Tiên Của Việt ...
-
Súng Chống Tăng B41 – Wikipedia Tiếng Việt
-
“Vua Vũ Khí” Trần Đại Nghĩa - Báo Cần Thơ Online
-
“ÔNG PHẬT LÀM SÚNG” - Đóng Gói Tri Thức Web Kiến Thức Chất ...
-
Người đầu Tiên Sử Dụng Bazoka Bắn Cháy Xe Tăng địch - Trang Chủ
-
Trần Đại Nghĩa - 'ông Vua' Vũ Khí Việt Nam - VnExpress
-
'Gia Sản' Vũ Khí Của Thiếu Tướng, Giáo Sư, Viện Sĩ Trần Đại Nghĩa