Địa điểm Xưởng Quân Giới - Nơi Chế Tạo Thành Công Súng Bazôka ...

Địa điểm Xưởng Quân Giới - nơi chế tạo thành công súng Bazôka năm 1947, tỉnh Thái Nguyên

Địa điểm Xưởng Quân Giới - nơi chế tạo thành công súng Bazôka nằm trên địa bàn thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Từ năm 1946 đến năm 1954, nhân dân ta bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trong điều kiện lực lượng, trang bị vũ khí hết sức thô sơ và thiếu thốn với súng trường, lựu đạn, tiểu liên, bom ba càng... Trong khi đó, Thực dân Pháp tiềm lực quân sự vô cùng mạnh mẽ với không quân, hải quân, pháo binh, đặc biệt có xe tăng thiết giáp yểm trợ cho bộ binh vô cùng lợi hại. Vì vậy, việc chế tạo vũ khí chống lại các phương tiện tối tân hiện đại của địch luôn được quan tâm và chú trọng.

Để khắc phục tình trạng thiếu đạn dược phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta, ngày 04/2/1947, Cục Quân giới được thành lập và Cục trưởng là Phạm Quang Lễ (sau này được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa để thuận tiện cho việc hoạt động cách mạng). Sau khi thành lập, xưởng quân giới ở các khu, các tỉnh thành trong cả nước đã xây dựng được 168 công binh xưởng. Ngoài ra còn nhiều tổ sửa chữa vũ khí nhỏ do chính quyền kháng chiến và đoàn thể quần chúng ở huyện, xã tự thành lập.

Tại thị trấn Giang Tiên có một nhà máy điện do các chủ mỏ Thực dân Pháp xây dựng từ năm 1920, ở chân đồi Tây Máy, nhằm mục đích cung cấp điện cho việc khai thác than ở Phấn Mễ và Làng Cẩm. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chúng bỏ lại nhà máy và nhiều trang thiết bị máy móc, nguyên liệu nằm ở vành đai Chiến khu Việt Bắc (gần ATK) rất thuận tiện cho việc bảo vệ, chi viện hỗ trợ vật lực, nhân tài, trang thiết bị... đã được Cục Quân giới chọn làm nơi thành lập xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí tại đây.

Ngoài lựu đạn lửa và bom ba càng, Cục Quân giới khẩn trương nghiên cứu chế tạo súng và đạn Bazôka. Đây là loại vũ khí chống tăng thiết giáp, bắn đạn lõm của Mỹ. Khi đạn nổ tạo thành luồng xuyên nóng tới hàng ngàn độ, áp suất đến hàng vạn ápmốtphe để xuyên phá vỏ xe tăng, tàu thủy, lô cốt. Tháng 6/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp giao cho Cục Quân giới nghiên cứu sản xuất.

Loại vũ khí chống tăng này đã được các nước đồng minh cung cấp cho quân ta trong thời kỳ Phát xít Nhật chiếm đóng. Khi ta bắt đầu nghiên cứu, sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng chưa đạt được kết quả. Sau 11 năm học tập, nghiên cứu tại Pháp, ông Trần Đại Nghĩa nắm bắt được công nghệ chế tạo vũ khí và về nước tiếp quản chương trình sản xuất súng Bazôka. Ông đã nghiên cứu, tính toán, thử nghiệm thay đổi thuốc phóng, tăng liều thuốc kích nổ, điều chỉnh mọi sai sót, cấu kiện, chi tiết cho phù hợp và sau bao lần bắn thử đổ mồ hôi, máu và nước mắt, tháng 2/1947 súng Bazôka đã được chế tạo thành công (theo kiểu mẫu của Mỹ – ATM6A1). Súng cỡ 60ly, dài 1,27m, nặng 11kg, có thể vác trên vai, bắn không giật, cự ly bắn hiệu quả từ 50m - 60m, xa nhất là 300m. Cùng thời gian này, các cơ sở quân giới còn nghiên cứu chế tạo được một số vũ khí chống tăng cỡ nhỏ (AT) súng phóng lựu, cối 51ly... Không lâu sau, súng Bazôka đã được sử dụng rộng rãi trên khắp các mặt trận cả nước, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngoài súng Bazôka, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn nghiên cứu và chế tạo ra loại súng bắn không giật (SKZ), đạn bay nặng 80kg với tầm phóng khoảng 4km đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược. Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sựViệt Nam còn lưu giữ và trưng bày súng BAZÔKA, SKZ, ĐKZ do GS.Trần Đại Nghĩa nghiên cứu, chế tạo trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Với giá trị tiêu biểu nêu trên, Địa điểm Xưởng Quân giới - nơi chế tạo thành công súng Bazôka (năm 1947), thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 98/2004/QĐ-BVHTT ngày 15/12/2004./.

Khánh Chi

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Từ khóa » Súng Và đạn Bazooka Của Cục Quân Giới