Trần Đại Nghĩa - Người Anh Hùng Lao động Trí óc đầu Tiên Của Việt ...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đứng đầu ngành quân giới

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta trở thành một nước độc lập. Tuy nhiên, quốc gia mới độc lập còn non trẻ này đang phải đối mặt với vô vàng khó khăn bởi thù trong giặc ngoài, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Phòng Quân giới với nhiệm vụ “thu thập, mua sắm, sản xuất vũ khí”, tăng cường trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang, với tinh thần tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính. Đến ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó đổi tên Phòng Quân giới thành Cục Quân giới.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/10/1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ cùng một số trí thức yêu nước đã về với Tổ quốc thân yêu, tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Một tuần sau đó, kỹ sư Lễ được phân công làm việc ở Cục Quân Giới, tại xưởng Giang Tiên, Thái Nguyên với nhiệm vụ nghiên cứu và chế thử súng đạn Bazooka, theo súng và hai quả đạn của Mỹ do đồng chí Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đưa về trước đó. Đây là loại vũ khí hiện đại chống tăng không giật nổi tiếng của Mỹ, có sức công phá lớn, được sử dụng trong suốt thế chiến thứ hai. Nên nếu Việt Nam nghiên cứu chế tạo thành công loại vũ khí này sẽ đánh bại các loại xe tăng, xe bọc thép đang là lợi thế trên chiến trường của thực dân Pháp. Sau ba tuần miệt mài nghiên cứu, kỹ sư Lễ đã cùng anh em công nhân chế tạo được hai khẩu súng và sáu quả lựu đạn. Tuy đạt về nhiều mặt nhưng khả năng xuyên thủng chưa cao như nguyên bản đạn Mỹ.

Để tích cực chuẩn bị cho công cuộc toàn quốc kháng chiến, ngày 5/12/1946, tại Bắc Bộ phủ, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định cử ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (Cục trưởng đầu tiên của ngành Quân giới), và đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa. Sau này khi hồi tưởng lại những lời nói của Bác trong ngày trọng đại ấy, Giáo sư Nghĩa viết: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi, Bác giao cho chú nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa, vì thế, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Đây là bí danh từ nay trở đi của chú, để giữ bí mật và cũng là giữ an toàn cho bà con thân thuộc của chú ở trong miền Nam. Bác tin chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ”.

Với trọng trách mới, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa tiếp tục việc nghiên cứu chế tạo Bazooka. Ông đã dành thời gian rà soát tính toán lại các thông số kỹ thuật. Từ những kiến thức thu nhận được qua các tài liệu mật ở nước ngoài để tìm ra công thức tính toán cho thuật phóng và chỉ ra cách vận dụng thực tế vào tính toán bazooka, khi dùng thuốc phóng khác với thuốc của Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi mặt, địch lại phong tỏa chặt chẽ, trình độ công nhân còn yếu,…nhưng với quyết tâm cao độ, ông đã đem hết tâm trí và hiểu biết của mình cùng anh em công nhân phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ đã tin yêu giao cho.

Cuối tháng 2/1947, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa, cán bộ, chiến sĩ quân giới đã sản xuất thành công súng Bazooka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ của đạn Bazooka của Mỹ. Vừa mới ra đời, súng Bazooka đã khẳng định được uy lực trong trận chiến đấu diễn ra ngày 3/3/1947 tại Sơn Lộ, Quốc Oai (Hà Đông), đã bắn cháy hai xe tăng của Pháp, làm cho kẻ thù sửng sốt, bẻ gãy cuộc hành quân bằng thiết giáp của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra vùng Chương Mỹ, trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Nam.

Tiếp nối sự thành công của súng, đạn Bazooka, ông còn chỉ đạo kỹ thuật, cùng các công sự nghiên cứu, chế tạo thành công loại vũ khí như: súng không giật (SKZ); đạn chống tăng AT chuyên dùng để bắn các loại xe bọc thép, xe ôtô của địch; súng cối; súng phóng bom và bom phóng;… góp phần cung cấp kịp thời một khối lượng vũ khí lớn, trang bị cho bộ đội đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của các chiến trường trong cả nước.

Ngoài việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, ông còn có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân đầu tiên của ngành quân giới, mở lớp đào tạo sĩ quan pháo binh đầu tiên của nước ta.

Như vậy, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa luôn tích cực nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, công nhân ngành quân giới, cùng phát huy khả năng sáng tạo, lao động quên mình, đạt được thành quả cao, đáp ứng kỳ vọng và hoàn thành xuất sắc trọng trách Bác Hồ giao “Lo vũ khí cho bộ đội”.

Phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động

Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và sản xuất vũ khí, đồng chí Trần Đại Nghĩa vinh dự được phong hàm Thiếu tướng, trở thành 1 trong số 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, trong đợt phong tướng năm 1948. Năm 1949, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt, trong Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, đồng chí được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lao động.

Sau 4 năm thực hiện phong trào thi đua theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/4/1952, Đại Hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc tại Xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với sự tham dự của 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua trong cả nước. Đây là lần đầu tiên, Đại hội đã tuyên dương 7 anh hùng và hàng chục chiến sĩ thi đua tiêu biểu trên mọi mặt trận. Trong đó, có 4 người được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, 3 người nhận danh hiệu Anh hùng lao động (Hoàng Hanh tiêu biểu cho giai cấp nông dân, Ngô Gia Khảm tiêu biểu cho giai cấp công nhân, Trần Đại Nghĩa tiêu biểu cho giới trí thức cách mạng)

Danh hiệu này là sự ghi nhận xứng đáng về tinh thần lao động sáng tạo, những cống hiến của đồng chí Trần Đại Nghĩa đối với ngành Quân giới trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là kết quả giáo dục và dìu dắt của Bác Hồ đã lựa chọn và đặt niềm tin vào người trí thức Việt kiều giàu lòng yêu nước, luôn có khát vọng phụng sự tổ quốc và nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tạ Quang Bửu đã nhận xét: “Người có công lớn trong việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các loại vũ khí có hỏa lực mạnh thời kháng chiến chống Pháp là anh Trần Đại Nghĩa. Chính vì vậy, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ở Việt Bắc anh đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng. Anh Nghĩa rất xứng đáng là người trí thức Việt Nam đầu tiên được nhận vinh dự ấy.”

Trong điều kiện đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, vô vàng khó khăn, nhưng với nghị lực và sự quyết tâm cao, cùng với đồng chí, đồng đội miệt mài lao động, cống hiến tinh thần và trí tuệ chế tạo vũ khí cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã trở thành Anh hùng lao động trí óc đầu tiên và là Nhà Khoa học Anh hùng tiêu biểu của giới trí thức cách mạng Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

  • Giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam – Tỉnh ủy Vĩnh Long, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Tp. HCM, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật – 2013.
  • Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – Nguyễn Văn Đạo – Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh
  • Có một học bổng mang tên Trần Đại Nghĩa – Nhiều tác giả - Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long năm 2012.

Nguồn: Kim Hường Xử lý tin: Phương Hà

Từ khóa » Súng Và đạn Bazooka Của Cục Quân Giới