Câu đố Là Gì?

542

Câu đố là gì? Các đặc điểm, cấu trúc, bản chất của câu đố

Mục lục ẩn 1. Khái niệm câu đố 2. Bản chất thể loại – đặc điểm câu đố 3. Đề tài của câu đố 4. Nội dung ý nghĩa câu đố 5. Đặc điểm thi pháp Cấu trúc của câu đố: Miêu tả trong câu đố: Nghệ thuật dùng từ trong câu đố:

1. Khái niệm câu đố

Câu đố là một thể loại độc đáo của văn học dân gian. Ở đó vừa có chất trí tuệ của ngụ ngôn, tục ngữ, vừa có chất trữ tình của ca dao dân ca, vừa có chất dí dỏm hài hước của truyện cười, vè…

Ông Chu Xuân Diên (SGK 10. T1) cho rằng câu đố là những sáng tác dân gian ngắn gọn, miêu tả sự vật bằng lời nói chệch (nói một đằng hiểu một nẻo). Một cách định nghĩa khác thay cách “nói chệch” bằng “nửa kín nửa hở” là của ông Đỗ Bình Trị (SGK 10 . T1 . Ban KHXH). Theo ông, câu đố là những câu (nói) vần vè, mô tả sự vật, hiện tượng quen thuộc một cách nửa kín nửa hở thành cái gì khác lạ để… đánh đố người ta, đòi hỏi người ta đoán ra nó. Hay tác giả Trần Hoàng (ĐHSP Huế) cho đó là một loại sáng tác nghệ thuật dân gian ngắn gọn phản ánh các sự vật hiện tượng khách quan bằng một lối nói đặc biệt, lối nói chệch, lối nói gần với ẩn dụ. Cách “nói chệch” hay “nửa kín nửa hở” đó, theo ông Lê Chí Quế (ĐHSP H), được hình thành từ sự quan sát những nét tương đồng giữa các sự vật, giữa vật đố với vật được miêu tả, và đó chính là phương thức khám phá van phản ảnh các sự vật hiện tượng khách quan bằng những hình tượng nghệ thuật đặc biệt.

Câu đố là hình thức sáng tác dân gian có chức năng miêu tả, phản ảnh đặc điểm của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống xã hội bằng phương pháp dấu tên và nghệ thuật ẩn dụ đặc biệt (hay phương pháp chuyển hóa – chuyển cái nọ thành cái kia) để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui giải trí.

Thật vậy, “câu đố vừa là nghệ thuật vừa là khoa học (khoa học thường thức dân gian), câu đố đem lại cho nhân dân một loại thức ăn tinh thần đặc biệt, vừa bổ ích vừa rất thú vị hấp dẫn” (Hoàng Tiến Tựu)

2. Bản chất thể loại – đặc điểm câu đố

Câu đố và sinh hoạt đố – giải có nguồn gốc rất cổ xưa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đời của câu đố có liên quan tới tục kiêng kị trong lời nói và lối miêu tả sự vật không tên (hoặc thiếu tên) của con người thời cổ đại – dần dần sáng tác câu đố và sinh hoạt đố giải trở thành hình thức vui chơi, giải trí và rèn luyện trí lực của dân gian.

Khi sáng tạo câu đố, người ta tìm ra đặc trưng và chức năng của từng đồ vật cá biệt và sau đó phản ánh thông qua sự so sánh, hình tượng hóa. Hoạt động đố giải là một quá trình chuyển hóa giữa tư duy logic và tư duy hình tượng. Chẳng hạn khi đố về việc sàng gạo, người đố quan sát về cái sàng, thấy có “hàng trăm cái lỗ”, sau đó là những hạt gạo khi được sàng tạo nên sự liên tưởng rất hình tượng (có tính ẩn dụ) là “vô số trẻ con, đua nhau chạy tròn, chen nhau chui xuống”. Như vậy, nhân dân thường quan sát những nét tương đồng giữa các sự vật, giữa vật đố (tức lời giải đố) với vật được miêu tả (câu đố). Những nét tương đồng ấy thể hiện mối quan hệ giữa con người và thế giới chung quanh.

Nghệ thuật ẩn dụ phát sinh ngoài ý thức làm nghệ thuật của người xưa. Khả năng tạo ra hình tượng sẽ phụ thuộc vào những nét đặc điểm của vật được đố mà tác giả câu đố quan tâm nhiều nhất. Nhìn cây kéo, người Việt liên tưởng thân kéo như chiếc lá tre và tạo ra câu đố Vừa bằng lá tre, xum xoe đánh vật, nhưng người Nga lại chú ý đến hai mũi nhọn của kéo và cái chốt đinh ở giữa, thế là cũng đố cái kéo nhưng họ lại có câu Hai đầu nhọn ở giữa có đinh.

Chính những sự quan tâm khác nhau đó khi quan sát sự vật và hiện tượng mà câu đố có những đặc điểm khác nhau.

Có những câu đố nói lên chức năng của sự vật (Ví dụ Mười người thợ lo đỡ mọi bề (2 bàn tay) / Tay cầm bán nguyệt xênh xang – Làm tôi vì chúa sửa sang cõi bờ (Cái liềm) / Cả nhà có một bà hay la liếm (cái chổi) / Ngả thân cho thế gian nhờ, vừa êm vừa ấm lại ngờ bất trung (cái phản)…).

Có những câu đố nói lên nguồn gốc của sự vật (Ví dụ Thân em xưa ở bụi tre, mùa đông xếp lại mùa hè mở ra (Quạt) / Cây xanh mà trồng đỗ xanh, Trồng đậu trồng hành lại thả lợn vô (Cái bánh chưng).

Xuất hiện phổ biến hơn là những câu đố nói lên đặc điểm (hình dáng, kích thước, màu sắc, mùi vị, hoạt động…) của sự vật (Ví dụ như Sù sì da cóc / Trong bọc trứng gà, Bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (quả mít) / Ngày búp đêm nở (Ngọn đèn) / Trong trắng ngoài xanh, đóng đanh ở giữa (Miếng trầu) / Bằng cái vung, vùng xuống ao, đào chẳng thấy, lấy chẳng được (Mặt trăng) / Vừa bằng hột lạc, trong nạc ngoài xương (Con ốc vặn) / Bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước (con đỉa) / Chân đen mình trắng, đứng nắng giữa đồng (Con cò) / Thân dài, lưỡi trắng là ta, Không đầu không cẳng đố là cái chi? (cái gầu sòng) / Cha mẹ gai mà đẻ con trọc, cha mẹ trọc mà đẻ con gai (Cây bưởi và cây mít)…..

3. Đề tài của câu đố

Không có gì lạ khi đề tài câu đố vô cùng rộng lớn, phong phú, bởi lẽ sự quan sát, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội chung quanh con người là khôn cùng. Đó là nhu cầu của cuộc sống liên quan đến kinh tế , văn hóa, xã hội. Nó thể hiện mối quan hệ khăng khít của con người với môi trường sống của mình. Vì vậy, nói đến đề tài câu đố ta có thể kể ra hàng loạt đề tài quen thuộc và gần gũi.

Đó là các hiện tượng trong thiên nhiên, vũ trụ (mặt trăng, mặt trời, sao, mưa, gió, sấm chớp, núi, sông, biển. ). Ví dụ như Tròn như đỉa, xỉa xuống ao, Một

trăm cái thuổng mà đào chẳng lên (mặt trăng) / Thuở bé em có hai sừng, Đến tuổi nửa chừng mặt đẹp như hoa, Ngoài hai mươi tuổi sắp già, Rồi thì em lại mọc ra hai sừng (Trăng non, trăng tròn và trăng già) / Quê em thì ở thôn Đông, Em đi lấy chồng trên thượng thôn Tây, sáng chiều lên xuống hàng ngày, Nhìn em ai cũng cau mày nhăn nheo (Mặt trời) / Một mẹ sinh được vạn con, Rạng ngày chết hết chỉ còn một cha, Mặt mẹ như hương như hoa, Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn (Sao, mặt trăng và mặt trời) / Cây cao nghìn trượng, lá rụng tứ tung, nấu thì được, nướng thì không (hạt mưa) ….

Đó là các loại sinh vật (bao gồm cả động vật và thực vật như trâu, bò, ngựa, chó, mèo, gà, cá, cua, tôm, ốc, ếch, đỉa, tằm, nhộng, nhện, ruồi, muỗi. Lúa, ngô, khoai, rau muống, chuối, mít, cau, dừa, tre, bưởi, ổi, chanh, cà, ớt. ) thường quen thuộc, gần gũi, dễ nhận biết. Ta có thể đọc lên hàng loạt câu đố thuộc đề tài này như Không bào mà nhăn (Cây chuối) / Hai gươm tám giáo, mặc áo da bò, thập thò miệng lỗ (Con cua) / Cây lăn tăn dễ ăn khó trèo (cây lúa) / Thân em bé nhỏ tí ti, Em có tí lửa cực kỳ sáng ghê, Trẻ em chẳng đứa nào chê, Chúng bắt em về bỏ lọ mà chơi (Đom đóm) / Mẹ gai góc con trọc đầu (quả bưởi) / Đầu rồng đuôi phượng le te, Mùa xuân ấp trứng mùa hè nở hoa (cây cau) / Sù sì da cóc, trong bọc trứng gà, bổ ra thơm phức cả nhà muốn ăn (Quả mít) / Vừa bằng hạt đỗ, ăn cỗ với vua (con ruồi)….

Đó là các đồ dùng và phương tiện do con người tạo ra, bao gồm những đồ dùng trong nhà, đồ dùng học tập, công cụ lao động (như cày, bừa, cuốc, rựa, liềm, hái, gầu sòng, khung cửi, kéo, kim, cối xay lúa, cối giã gạo, bát đĩa, dao thớt, chiếu, võng, đèn, chổi, lược, quạt, nón, tơi. ). Có thể là cái cày: Đi lè lưỡi về lè lưỡi / Cái cối xay: Ở nhà có một bà hay khóc / Cái đòn gánh và hai thùng nước:

Ở giữa cầu, hai đầu hai giếng / Có thể là cái võng: Trong nhà có một bà hai đầu / Cái chày giã gạo: Không ăn mà mổ cuống mổ cuồng, Đục lấy cái chuồng nhốt lấy cái đuôi / Con dao: Có con mà chẳng có cha, có lưỡi không miệng đó là vật chi?….

Đó là con người và hoạt động của con người.

Khi đố về con người, dân gian hay tập trung đố những bộ phận trên cơ thể người (mặt, mắt, mũi, miệng, hàm răng, đôi bàn tay, ồng chân, bàn chân. ). Đề tài này tạo ra nhiều câu đố thú vị như Lưng đàng trước bụng đàng sau, Con mắt ở dưới, cái đầu ở trên (cẳng) / Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm thì ngồi (bàn chân) / Hai cô mà ở hai phòng, Ngày thì mở cửa ra đông, Đêm thì đóng cửa lấp chông ra ngoài (mắt) / Một cây mà có năm cành, Ngâm nước thì héo để dành thì tươi (Bàn tay) / Đố anh chi sắc hơn dao, Chi sâu hơn bể, chi cao hơn trời (Mắt, lòng người và trán)….

Bên cạnh đó, câu đố dân gian còn hướng đến những hoạt động của con người như sinh hoạt, học tập, lao động (đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi, thủ công với muôn vàn công việc phong phú như nhổ mạ, cấy lúa, tát nước, trục lúa, kéo vó, móc cua, chăn vịt, ươm tơ, dệt vải, xẻ gỗ, rèn sắt, xay lúa, giã gạo, ăn cơm, hút thuốc, nhai trầu, xâu kim, cho con bú.      ). Đề tài này đã nói lên rất rõ ràng tác giả của nó không ai khác hơn là quần chúng nhân dân lao động – đặc biệt là người lao động chân tay.

Ta có các câu đố như Một trăm tấm ván, một vạn thằng quân, thằng nào cởi trần, đều lăn xuống hố (Sàng gạo) / Con ai hai đứa hai nơi, Gặp nhau một chỗ, cùng chơi một phòng, Không may nhà sập đá chồng, tan xương nát thịt máu hồng chứa chan (Ăn trầu) /     Nghênh ngang cờ phất bốn bề, ngày thì tập trận, tối về điểm quân (Chăn vịt) / Đập đập trói trói, nhịn đói một ngày, Ngàymai đi đày, đặt cho tên khác (Nhổ mạ và cấy) / Năm ông cầm hai cái sào, Đuổi đàn cò trắng bay vào trong hang (Ăn cơm) / Ba ngày lặn xuống thủy cung, Tắm mát vẫy vùng rồi lên thượng gian, Lên rồi phủ lá vây màn, Khi mô đầu bạc lại toan ra ngoài (ngâm giống)…

Khi tư duy về các sự vật hiện tượng để sáng tác câu đố, các tác giả dân gian thường thiên về các sự vật hiện tượng cụ thể, hầu như ít có những câu đố về những khái niệm trừu tượng (như đạo đức, tôn giáo, luân lý, nhân sinh quan, thế giới quan. ). Điều này cũng dễ hiểu bởi những yếu tố trực quan sinh động

bao giờ cũng tác động mạnh hơn vào tư duy con người. Những câu đố các sự vật cụ thể sẽ hướng đến đối tượng người giải đố một cách rộng rãi hơn vì nó thật sự phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mọi người. Đó cũng là do tính tập thể của đông đảo quần chúng nhân dân quy định.

4. Nội dung ý nghĩa câu đố

Những tưởng câu đố là một thể loại mà chức năng chính của nó chỉ là giải trí, mua vui. Thật sự thì không hẳn như vậy. Câu đố tập hợp ở đó rất nhiều ý nghĩa. Trước hết là ý nghĩa khoa học thường thức. Câu đố thể hiện những tri thức thực tiễn của nhân dân rút ra trong quá trình tiếp xúc và quan sát các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Nội dung các câu đố hầu hết đều xoay quanh đời sống nông thôn. Qua câu đố, ta thấy hiện lên môi trường sống của người nông dân, đó là một cuộc sống giản dị mộc mạc của những con người gắn bó với ruộng đồng.

Dù không thể sánh bằng ca dao, tục ngữ nhưng câu đố, ở một bộ phận nào đó, tồn tại những ý nghĩa xã hội không kém phần sâu sắc. Nấp dưới cái vỏ là một vật đố, dân gian đã khéo léo lồng ghép những ẩn ý sâu xa về xã hội, về những mâu thuẫn giai cấp, phân biệt giàu nghèo. Ở những câu đố đề cập đến những vấn đề nhạy cảm này của dân gian, nó đã tạo ra khá nhiều lớp nghĩa thâm thúy và đôi khi còn gởi gắm cả thái độ phê phán quyết liệt của dân gian. Ta đọc các câu sau sẽ nhận ra điều vừa nói:

– Bộ tịch quan anh xấu lạ lùng Khom lưng uốn gối cả đời cong Lưỡi to ra sức mà ăn khoét Cái kiếp theo đuôi, có thẹn không (Cái cày)

– Một lũ ăn mày, một lũ quan Quanh đi quẩn lại, cũng một đoàn Đêm khuya gió lọt đèn thì tắt Hết cả ăn mày, hết cả quan ( Cái đèn kéo quân)

– Không vay mà trả ( Thuế)

Cảm hứng phê phán trong câu đố đã lạ. Cảm hứng trữ tình đằm thắm ngọt ngào làm cho ranh giới giữa câu đố và ca dao dường như bị xóa nhòa. Về mặt này , ta có những câu đố ngợi ca người lao động với những phẩm chất tốt đẹp, tấm lòng nhân ái, thủy chung. Câu đố, thậm chí, còn cất tiếng bênh vực cho thân phận người phụ nữ.

-Trên vì nước dưới vì nhà Người dù không biết trời đà biết cho (Cái máng nước)

-Nắng ba năm ta không bỏ bạn Mưa một ngày bạn lại bỏ ta.( Cái bóng)

– Xưa kia em trắng như ngà Vì chàng quân tử em đà nên thâm Trách ai mang tính vô tâm Chàng đánh, chàng đập, chàng lại còn nằm với em ( Chiếc chiếu)

Vì vậy trong câu đố, dân gian đã để lại những triết lý nhân sinh sâu sắc, những cách sống, cách đối nhân xử thế ở đời. Câu đố sau đây dưới hình thức đối đáp với chất triết lý vừa bình dị vừa sâu lắng – thứ triết lý của tấm lòng, của trái tim.

-Trong trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp? Trong trăm thứ bắp, bắp chi không ai rang? Trong trăm thứ than, than chi không ai quạt? Trong trăm thứ bạc, bạc chi không ai tiêu? Trai nam nhi đối đặng, gái mỹ miều xin theo…

(Và câu đố này còn lưu truyền cả câu giải đáp cũng rất độc đáo:

-Trong trăm thứ dầu, có mưa gió dãi dầu là dầu không thắp. Trong trăm thứ bắp, có bắp mồm bắp miệng là bắp không rang. Trong trăm thứ than, có than thở thở than là than không quạt, Trong trăm thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không tiêu).

5. Đặc điểm thi pháp

Cấu trúc của câu đố:

Nhìn từ hình thức, có thể dễ dàng nhận thấy câu đố có những hình thức cấu trúc giống như một câu tục ngữ (bởi tính chất ngắn gọn), như một câu ca dao (bởi vần, điệu hòa hợp), như một bài thơ luật Đường của văn học viết. Và trong mỗi hình thức mà câu đố sử dụng, câu đố cũng phát huy hết tất cả sự nhịp nhàng, vần điệu, cân đối của hình thức thể loại đó. Ta thử khảo sát một vài hình thức cấu trúc câu đố như đã nói.

Trước hết là cấu trúc theo kiểu tục ngữ (Từ, thanh, vần, điệu, đôi khi sử dụng đối). Ví dụ các câu đố sau:

  • Không khều mà rụng (mưa)
  • Chợ đông không ai bán (trường học) Con đóng khố, bố cởi truồng (măng, tre) Bằng con bò nằm co giữa ruộng (gò đất) Cả nhà có một bà hay la liếm (chổi)
  • Anh lớn mặc áo đỏ, em nhỏ mặc áo xanh (ớt)
  • Bằng cái vung, vùng xuống ao
  • Đào không thấy, lấy không được (mặt trăng)

Kế đến là cấu trúc theo kiểu ca dao: dùng các thể thơ quen thuộc của ca dao với vần điệu trữ tình (thể thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ, thể thơ lục bát).

  •     Đầu tròn trùng trục – Đuôi dài lê thê
  • Khắp chợ cùng quê – ai ai cũng có (gáo dừa)
  •      Năm ông cầm hai cái sào
  • Đuổi đàn cò trắng bay vào trong hang (ăn cơm)
  • Chiếc thuyền nho nhỏ – mũi đỏ như son
  • Chèo ra giữa biển nước non dầm dề Nghênh ngang cờ phất bốn bề
  • Ngày thời tập trận, tối về điểm quân (chăn vịt)

Hay cấu trúc theo kiểu thơ văn học viết (Đường luật: thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú). Ví dụ các câu đố sau:

  • Cái dạng quan anh xấu lạ lùng Khom lưng uốn gối cả đời cong Lưỡi to ra sức mà ăn khoét
  • Cái kiếp theo đuôi có thẹn không? (Cái cày)
  • Hai chân sòng sõng đứng bằng nhau
  • Một cẳng dài nguyên nhúc nhích đầu
  • Một cẳng đứng yên không động đậy
  • Một tay lơ lửng thúc mau mau (Tát nước gàu sòng)

Tuy nhiên, dù có cấu trúc theo kiểu nào, câu đố vẫn mang tính chất đối thoại (giữa người đố và người được đố). Vì vậy, người sáng tác ra câu đố luôn luôn phải chú ý đến người nghe để đặt ra những câu đố hay, độc đáo nhằm tạo hứng thú, hấp dẫn cho hoạt động đố giải.

Miêu tả trong câu đố:

Để hoạt động đố – giải diễn ra lý thú và hiệu quả, quá trình quan sát sự vật hiện tượng trong đời sống luôn luôn đi kèm với thao tác lựa chọn và mô tả (hay miêu tả) theo kiểu nói đặc biệt của câu đố. Ta có thể quy các biện pháp miêu tả trong câu đố thành hai loại chính. Đó là miêu tả trực tiếp và miêu tả gián tiếp.

Miêu tả trực tiếp là miêu tả những đặc điểm vốn có của sự vật (như hình dáng, màu sắc, tính chất). Chẳng hạn khi đố về cây rau sam, tác giả dân gian đã mô tả như sau: Lá xanh cành đỏ hoa vàng, Hạt đen rễ trắng, đố chàng cây chi? Hay đố về con đỉa, con cò, sự miêu tả sau thể hiện sự quan sát kỹ lưỡng đối tượng được đố: Vừa bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước (đỉa) và Chân đen mình trắng, đứng nắng giữa đồng (con cò). Lối miêu tả này giúp người nghe tái hiện lại sự vật, hiện tượng được đố. Và khi sự tái hiện đó tương đồng với khả năng miêu tả – hệ quả của sự quan sát thì lời giải đúng sẽ bật ra đầy thú vị. Mối giao cảm giữa người đố và người được đố trở nên gần gũi và đồng cảm hơn.

Miêu tả gián tiếp tức là bằng cách liên tưởng đến một đối tượng khác đôi khi chẳng ăn nhập gì đến đối tượng được đem đi đố nhưng kỳ thực là có một mối liên quan gần gũi và thú vị ít ai ngờ. Dạng câu đố này không chỉ thách thức trí tuệ của người được đố mà còn khơi gợi sự liên tưởng, trí tưởng tượng bay bổng, kích thích không chỉ tư duy mà còn là cảm xúc, tình cảm khi sự liên tưởng đó gắn với môi trường sống, môi trường văn hóa của mỗi con người (đó là cái nhìn có tình đối với tạo vật của những người lao động). Bằng cách này câu đố đã góp phần bồi đắp tình yêu và lòng tự hào của mỗi con người về quê hương đất nước mình.

Trong trường hợp miêu tả gián tiếp này, nghệ thuật ẩn dụ, nghệ thuật chuyển hóa đối tượng được phát huy một cách tối đa, sáng tạo và rất hiệu quả. Khi người đố và người nghe đố đã trùng “trường liên tưởng” thì ý nghĩa và chức năng mà câu đố mang lại hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Cụ thể là với một vật đố, dân gian lại nhân cách hóa, tức là chuyển nó thành con người với những hình dáng, hoạt động, suy nghĩ ứng xử như con người. Trường hợp này, đôi khi đại từ nhân xưng được khai thác tối đa để tạo sự nhập tâm.

Chẳng hạn như cây chổi, đôi đũa cả, cái võng trở thành người đàn bà (Trong nhà có một bà hay la liếm / Trong nhà có bà ăn cơm trước / Trong nhà có một bà hai đầu…). Hay lời tự bạch của một chiếc chiếu, một cây quạt – cũng đồng thời là lời của một người con gái (Xưa kia em trắng như ngà, vì chàng quân tử em đà nên thâm. Trách ai mang tính vô tâm, chàng đánh, chàng đập, chàng còn nằm với em / Thân em xưa ở bụi tre, mùa đông xếp lại mùa hè mở ra ). Ngược lại khi đố về con người, những bộ phận trên cơ thể người hoặc những hoạt động của con người, tác giả câu đố lại cố tình chuyển thành con vật, đồ vật hay những hiện tượng này bị chuyển hóa thành những hiện tượng khác. Chẳng hạn Đố anh chi sắc hơn dao (Mắt) chi sâu hơn bể (lòng người) chi cao hơn trời (trán). Hay chuyện ăn trầu bình thường lại thành chuyện sập nhà chết người đầy bất thường (Con ai hai đứa hai nơi, Gặp nhau một chỗ cùng chơi một phòng, Không may nhà sập đá chồng, Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan. )

Nghệ thuật ẩn dụ, chuyển hóa trong câu đố đã tạo thành một thế giới đặc biệt trong câu đố. Nhìn tổng thể thì đó là một thế giới lạ lùng, có phần kỳ dị (vì là kết quả của sự liên tưởng, tưởng tượng ở mức độ cao), thậm chí quái đản – chẳng những không hề có trong thế giới hiện thực mà cũng hiếm thấy ngay cả trong thế giới cổ tích. Thế nhưng từng bộ phận hợp thành thế giới ấy thì lại là sản phẩm hoàn toàn đậm đặc chất hiện thực. Ví dụ ẩn dụ và chuyển hóa hình ảnh vật đố là cái bánh chưng, nhìn tổng thể, tác giả câu đố tạo thành một không gian rắc rối như một mê cung: Một thửa đất vuông, bốn phía xây thành, xung quanh trồng chuối, giữa tỉa đậu trồng hành, ngoài thành trồng giang. Hoặc chuyện sàng gạo thì là Một trăm tấm ván, một vạn thằng dân, Thằng nào cởi trần, thằng ấy chui lọt. Còn cái đèn đĩa lại là Sông cạn nước vàng, con rắn nằm ngang, lấy sào mà chọc, nó ngóc đầu lên…..

Nghệ thuật dùng từ trong câu đố:

Do những cách miêu tả như đã trình bày ở trên, ngôn ngữ câu đố có những đặc điểm rất nổi bật. Đó là tính chất cô đúc và gợi hình, gợi cảm. Câu đố phải gọn ghẽ như thể một đề bài toán đố. Vì vậy tính chính xác của ngôn ngữ cộng với không gian ngôn ngữ tiết kiệm tới mức tối đa là những yêu cầu hết sức nghiêm nhặt. Phải vừa đủ, không thiếu không thừa thì cách nói “nửa kín, nửa hở”, “nói chệch” của câu đố mới phát huy tác dụng của nó. Tín hiệu ngôn ngữ để cho người nghe có thể đoán ra một cách không phải dễ dàng đòi hỏi những cách sử dụng ngôn ngữ có một yêu cầu nghệ thuật riêng (không giống như các thể loại văn học dân gian văn vần cũng như văn xuôi khác). Ta có thể kể ra một số biện pháp ngôn ngữ phổ biến trong câu đố như sau:

Nổi bật nhất là cách dùng từ hình ảnh (ẩn dụ, nhân hóa, liên tưởng chuyển hóa đối tượng). Những nghệ thuật vừa nêu tạo thành một thế giới từ ngữ trong câu đố đậm đặc và giàu có những hình ảnh phong phú gợi hình, gợi cảm. Từ đàn cò trắng phau / đầu rồng đuôi phượng  đến Lá xanh cành đỏ hoa vàng / Trong trắng ngoài xanh đóng đanh ở giữa. Rồi nào là lá tre xum xoe đánh vật / mẹ gai góc, con trọc đầu / Bằng cái vung, vùng xuống ao / Giữa cầu hai đầu giếng….

  • Câu đố cũng phát huy tối đa cách dùng từ đồng âm ( tức là vật đố cùng tên với vật được đố)
  • Có mái mà không có trống (mái nhà) Trùng trục như con bò thui,
  • Chín mắt chín mũi chín đuôi chín đầu (bò thui)

Cách chơi chữ:

  • Nửa làm mứt nửa nấu canh
  • Đến khi mất sắc theo anh học trò (quả bí và hòn bi)

Nói đến chuyện xâu kim, ở đây, nghệ thuật chơi chữ đã kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật nhân hóa và nâng cao sự liên tưởng từ tính đa nghĩa của từ ngữ.

  • Văn cho thông lọt qua cửa ải
  • Văn không thông trở lại mất đầu (Xâu Kim)

Ông Đỗ Bình Trị phân tích, từ văn là vấn, là xe nhưng cũng có nghĩa là chữ nghĩa, giấy tờ. Thông là xỏ qua được nhưng còn có nghĩa là thông hiểu. Cửa ải là đồn biên phòng đi kèm nghĩa bóng là trôn kim. Mất đầu khá thú vị, nó nói lên một sự liên tưởng là khi xỏ kim không qua được, đầu sợi chỉ sẽ bị tòe ra, người xỏ phải cắn lại đầu sợi chỉ cho ngay ngắn để xỏ lại. Người đố đã lợi dụng tính đa nghĩa của ngôn ngữ để chơi chữ thật độc đáo và thú vị. Bởi lẽ nó hướng người nghe đến một sự liên tưởng khác là: Giấy tờ hợp lệ, lời lẽ rõ ràng, thì qua cửa ải suôn sẻ; giấy tờ không hợp, lời lẽ không rõ, thì bị đuổi trở lại và bị chết chém. Câu đố gợi đến tình cảnh người có tội muốn trốn qua quan ải.

Cách nói lái cũng tạo ra những câu đố ngộ nghĩnh, thú vị: Đục rồi cất, cất rồi đục (cục đất) /    Khi đi cưa ngọn, khi về cưa ngọn (con ngựa).

Ngoài ra, một bộ phận câu đố dùng ngôn ngữ Đố tục giảng thanh. Để tạo nên tính chất sống động, câu đố thừa nhận thủ pháp này một cách hồn nhiên: “Đố thô giảng thanh, miệng chào anh, hai tay nâng đít”. Vật được đố là thanh nhưng ngôn ngữ để tạo sự liên tưởng lại là ngôn ngữ tục (tức nói đến sinh thực khí và hoạt động tính giao hoặc nói đến cơ quan bài tiết, hoạt động bài tiết). Khi trí tưởng tượng hướng theo lĩnh vực này thì sự vật hiện tượng nào cũng có thể được tư duy bằng ngôn ngữ tục nhằm mô tả “việc ấy”, “chuyện ấy”. Tuy nhiên không thể coi đó là một xu hướng liên tưởng lành mạnh – nhất là đối với trẻ em.

(Nguồn tham khảo: Trần Tùng Chinh, Giáo trình văn học dân gian Việt Nam)

3.5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Tục ngữ là gì? Nguồn gốc, nội dung, đặc điểm thi pháp
  2. Văn học dân gian là gì? Khái quát văn học dân gian Việt Nam
  3. Truyện ngụ ngôn là gì?
  4. Ca dao – Dân ca là gì?
Văn họcVăn học dân gian

Từ khóa » Câu đố Dân Gian Là Gì