Cấu Tạo Và Kỹ Thuật Diễn Tấu Đàn Tỳ Bà | Mobile - TẠ THÂM

Cấu tạo và kỹ thuật diễn tấu Đàn Tỳ Bà Tweet Email Print

Là một nhà chế tác nhạc cụ truyền thống chuyên nghiệp, bên cạnh việc nỗ lực để chế tác nên những cây đàn chất lượng đẳng cấp, TẠ THÂM luôn mong muốn chia sẻ cùng các bạn những kiến thức bổ ích về các loại nhạc cụ dân tộc giúp các bạn yêu mến và tự hào với những giá trị của nhạc cụ truyền thống đối với đời sống tinh thần người Việt Nam. Trong bài viết này, TẠ THÂM sẽ chia sẻ về cấu tạo và kỹ thuật diễn tấu đàn Tỳ Bà - một loại nhạc khí dây gảy rất phổ biến tại Việt Nam với khả năng độc tấu phong phú.

Hình thức cấu tạo:

  • Thùng đàn: hình quả lê bổ đôi, lưng đàn cong, phồng lên ở giữa làm bằng gỗ cứng.
  • Mặt đàn: làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc, trên mặt đàn có bộ phận để mắc dây đàn.
  • Thân đàn: Đàn Tỳ Bà không có dọc (cần đàn) riêng biệt mà dọc đàn gắn liền với thân đàn, xưa kia vẫn có phím nhưng là phím giả. Ngày nay đàn Tỳ Bà có gắn 3 phím trên cần đàn và 11 phím gắn trên mặt đàn, ngoài ra còn thêm 2 phím cho 2 dây cao. Các phím đều thấp và gắn liền kề nhau dựa theo thang âm bảy cung chia đều.
  • Dây đàn: Có 4 dây bằng tơ se nay thay bằng dây nylon.
  • Bộ phận lên dây: Có 4 trục gỗ để lên dây, ở phía cuối thân đàn có ngựa đàn (để mắc dây) bộ phận lên dây được cải tiến để dây không bị chùng xuống.
  • Phím gảy đàn: nghệ nhân gảy đàn bằng miếng gảy nhựa hay đồi mồi với các ngón tay, ngón hất, ngón vê, đặc biệt đàn Tỳ Bà sử dụng các ngón tay vẩy đuôi trên dây đàn gọi là ngón phi.

     Kỹ thuật diễn tấu:

Kỹ thuật diễn tấu của đàn Tỳ Bà có nhiều ngón giống như đàn Nguyệt.

Tư thế đàn:

Ngồi thấp: xếp chân trên chiếu.

Ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng.

Kỹ thuật tay phải: 

Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động.

Kỹ thuật tay trái:

 Kỹ thuật tay trái của đàn Tỳ Bà có các ngón nhấn, ngón vuốt, ngón mổ, bấm hợp âm, đặc biệt đàn Tỳ Bà có lối đánh song thinh (song thanh): 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.

Ngón phi:

 Ngón phi của đàn Tỳ Bà có thể đánh trên cả 4 dây hoặc phi trên từng cặp dây (dây1+2; dây 2+3 và 3+4) hoặc phi trên từng dây 1 hoặc 4 dễ dàng hơn.

Ngón nhấn: 

Các phím đàn gắn cách nhau không xa lắm, mỗi phím lại không cao như đàn Nguyệt nên các loại ngón nhấn (nhấn, nhấn luyến lên, nhấn láy…) đều có những hạn chế, thường chỉ nhấn từ nửa cung đến một cung liền bậc, hiệu quả ngón nhấn tốt nhất là khoảng âm trầm và một phần khoảng âm giữa.

Ngón vuốt: 

Được sử dụng nhiều ở đàn Tỳ Bà, trong các tác phẩm cổ truyền ngón vuốt được sử dụng nhiều như ngón nhấn của đàn Nguyệt. Ký hiệu ngón vuốt không vê dùng gạch chéo nối giữa hai nốt. Vuốt có vê dùng gạch chéo nối giữa hai nốt đồng thời gạch hai gạch chéo ở nốt nhạc có đuôi, nếu nốt nhạc không có đuôi thì gạch hai gạch chéo ở trên hoặc ở dưới nốt.

  •  Vuốt xuống: 

Là cách vuốt dây của tay trái trong khi tay phải không gảy, không vê, không phi, âm thanh các ngón vuốt xuống phát ra nhỏ, yếu nhưng không thể dùng trong hòa tấu. Do vậy các âm vuốt thường xen kẽ với các âm gảy, vê hay phi để có thể thừa hưởng dư âm của các âm ấy.

  • Vuốt nhiều dây:

 Có thể vuốt hai, ba dây một lúc trong khi tay phải gảy, vê hay phi, kỹ thuật nầy ít sử dụng trong diễn tấu nhạc cổ truyền.

Ngón chụp: 

Tay trái ngón 1 bấm vào một cung phím, tay phải gảy dây, khi âm thanh vừa phát ra, ngón 2 hoặc 3 bấm mạnh vào cung phím khác (thường là liền bậc cao hoặc thấp) âm thanh từ cung phím nầy vang lên mà không phải gảy đàn. Âm luyến nghe được do một phần của dây đàn còn chấn động, một phần do ngón tay mổ vào cung phím tạo thêm chấn động. Âm luyến nghe yếu nhưng mềm mại, ở những thế bấm cao âm luyến nghe kém vang nên ít được sử dụng. (Ký hiệu ngón chụp: dùng dấu luyến giữa các nốt nhạc).

Ngón mổ: 

Gần giống như ngón luyến, nhưng tay phải không gảy dây mà ngón tay trái cứ mổ vào các cung phím để phát ra âm thanh, âm thanh ngón mổ nghe nhỏ, yếu và có màu âm riêng biệt. Không nên sử dụng ngón mổ trong bản nhạc có tốc độ nhanh và trong hòa tấu vì hiệu quả ngón mổ nghe rất nhỏ. Ký hiệu ngón mổ ghi như dấu hỏi đặt trên nốt nhạc.

Ngón vỗ:

 Một ngón tay đang bấm trong khi ngón khác vỗ lên dây đàn.

Chồng âm, hợp âm:

 Đàn Tỳ Bà có thể cách đánh chồng âm dễ dàng và hiệu quả nhất là sử dụng bằng miếng gảy, khi đánh chồng âm, hợp âm có thể đánh bằng móng tay hoặc phím gảy trên 4 dây, hai hoặc ba dây không khó khăn và giữ tính chất đệm trong hòa tấu. Ðiểm độc đáo nhất của đàn Tỳ Bà là đánh hợp âm rãi, kỹ thuật đánh hợp âm rãi của đàn Tỳ Bà có hiệu quả đặc biệt và độc đáo như tiếng Á của đàn Tranh.

Đàn Tỳ Bà chế tác bởi Tạ Thâm luôn cho âm thanh hoàn hảo, được các nghệ sĩ nổi tiếng yêu mến và lựa chọn để biểu diễn độc tấu và hòa tấu trong các dàn nhạc dân tộc đương đại Việt Nam. Tạ Thâm hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về cây đàn Tỳ Bà – một nhạc khí dây gảy độc đáo với màu âm trong sáng, trữ tình.

 

 

Từ khóa » Gảy đàn Tỳ Bà