Cây Bần: Vị Thuốc Trị Vết Thương Ngoài Hiệu Quả

Nội dung bài viết

  • 1. Giới thiệu về Cây Bần
  • 2. Dược lý của cây Bần
  • 3. Công dụng của cây Bần
  • 4. Bài thuốc dân gian từ cây Bần

Cây Bần có tên khoa học là Sonneratia caseolaris (L.) Engl, thuộc họ Bần (Sonneratiaceae). Cây còn có tên gọi khác là Bần sẻ, Bần chua, Hải đồng. Thảo dược này chủ yếu được dùng trong kinh nghiệm dân gian chữa các vết thương bầm tím ngoài, có thể giảm ho, diệt giun. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về công dụng và cách dùng của loài cây này. 

1. Giới thiệu về Cây Bần

1.1. Mô tả dược liệu 

Bần là loài thực vật thân gỗ, chiều cao trung bình từ 4 – 5m hoặc hơn. Thân phân chia thành nhiều cành, cành non thường phân thành nhiều đốt phình to, màu đỏ. Không giống với các loại cây thân gỗ khác, chất gỗ của cây bần bở và xốp nên hầu như không được sử dụng để làm vật dụng sinh hoạt.

Rễ thở tập trung thành khóm ở quanh gốc thân, mọc ngập sâu vào bùn. Lá mọc đối xứng, phiến lá có hình trái xoan hoặc hình mũi mác, gốc thuôn, đầu tù, phiến dày và dai, rất giòn. Cuống lá và phần gân chính ở gốc có màu đỏ.

Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở ngọn thân hoặc kẽ lá, cuống hoa ngắn và mập, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu tím hồng.

Quả mọng, hình cầu, dẹt, có mũi thuôn nhọn ở đầu. Toàn cây nhẵn.

Mùa hoa: tháng 3 – 5; mùa quả: tháng 8 – 10.

Cây bần
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở ngọn thân hoặc kẽ lá, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu tím hồng

1.2. Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của cây Bần chủ yếu là quả, vỏ, thân và cành.

1.3. Phân bố, sinh thái 

Cây Bần chỉ sống được ở những rừng ngập mặn có khí hậu nhiệt đới. Loài thực vật này có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Nam Á nhưng hiện nay đã được di thực ở nhiều khu vực trên thế giới như Châu Đại Dương, Châu Phi và Châu Á.

Ở nước ta, Bần mọc nhiều ở các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Cà Mau nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Để thích nghi với điều kiện đất bùn nhão và thường xuyên bị ngập nước, cây có hệ thống rễ thở mọc trồi lên khỏi mặt đất. Bần phát triển mạnh ở khu vực rừng ngập mặn, giúp tạo ra hàng rào vững chắc nhằm chắn sóng và bảo vệ vùng đất ngập nước ở ven biển.

Cây Bần
Quả có vị chua, tính mát. Quả có tác dụng tiêu viêm và giảm đau, lá có tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu

1.4. Thành phần hóa học

Cây Bần chứa thành phần hóa học, bao gồm:

  • Vỏ thân và cành chứa 10 – 20% tannin thuộc nhóm tannin pyrogallic.
  • Gỗ chứa 2 chất màu archin và archinin. Ngoài ra còn có một hợp chất phenol là archicin.
  • Quả bần chứa chất màu, archicin, archin, 11% pectin và 2 chất flavonoid.

2. Dược lý của cây Bần

Theo Đông y, lá Bần có vị chát, tính mát, quả có vị chua, tính mát, có tác dụng tiêu viêm và giảm đau, lá có tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu.

Theo các nghiên cứu, chiết xuất từ cây Bần có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn. Ngoài ra, thành phần trong cây còn ức chế enzyme acetylcholinesterase – là enzyme có tác dụng làm ngưng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy vị thuốc này có tác dụng ngăn chặn phát triển bệnh Alzheimer.

Cây Bần
Dịch ép từ hoa là một thành phần trong bài thuốc chữa tiểu máu trong y học Ấn độ

3. Công dụng của cây Bần

Bần hiện chỉ mới được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian là chủ yếu. Lá Bần giã nát với ít muối, đắp tại chỗ có tác dụng chữa vết thương bầm tím do đụng dập. Ngoài ra quả lúc còn xanh có vị chua, dùng tăng mùi vị cho bột cari, còn lúc chín có mùi vị giống bơ, có thể ăn tươi hoặc nấu chín. Dược liệu còn được sử dụng nhiều ở các nước, cụ thể:

  • Ở Ấn Độ: Quả Bần được dùng làm thuốc đắp ngoài chữa bong gân sưng tấy. Dịch ép lên men từ quả có tác dụng cầm máu. Ngoài ra, dịch ép từ hoa là một thành phần trong bài thuốc chữa tiểu máu.
  • Tại Malaysia, lá tươi của cây Bần được sử dụng để chữa bí tiểu tiện. Ngoài ra, nhân dân còn ăn quả chín để tiêu diệt ký sinh trùng sống trong sán, giun. Nước ép từ quả xanh dùng làm thuốc giảm ho.
  • Nhân dân Philipines sử dụng quả non và lá bần giã nhuyễn để giảm sưng, trị bong gân và cầm máu.

4. Bài thuốc dân gian từ cây Bần

4.1. Bài thuốc chữa bí tiểu tiện

Quả và lá Bần. Giã nát rồi đắp vào vùng bụng dưới.

4.2. Bài thuốc trị viêm tấy và bong gân

Quả non rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng sưng tấy. Có thể dùng băng cố định và thay 1 lần/ ngày.

Chú ý: Quả Bần có vị chua nên tránh ăn khi bụng đói và cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng.

Bần không chỉ là loài cây được trồng để giữ đất mà còn được nhân dân sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh và chế biến món ăn. Tuy cây Bần là dược liệu chứa ít độc nhưng khi sử dụng cũng cần lưu ý về liều lượng để mang lại hiệu quả tốt nhất. 

Bác sĩ Phạm Thị Linh

Từ khóa » Cây Bần Rễ Gì