Cây đổ Lộ Ra Thêm Chuyện Quản Lý Cây Xanh Trong Trường Học

Cây đổ lộ ra thêm chuyện quản lý cây xanh trong trường học - Ảnh 1.

Cây xanh trong Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM. Thầy Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hằng năm nhà trường đều chăm sóc cây, cắt nhánh tỉa cành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Một loạt câu hỏi đặt ra mà câu trả lời không phải dễ dàng: ai quản lý cây xanh trong nhà trường, nên trồng cây gì, chăm bón thế nào, kinh phí ở đâu...

Thay dần các loại cây nguy hiểm

Ông Nguyễn Đức Hiền - hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) - cho biết trường bắt đầu xây dựng từ năm 2013 nên cây xanh chủ yếu được trồng lúc xây dựng dự án gồm phượng, bàng Nhật, hoàng nam và các loài hoa.

Hiện nay, trường giao việc chăm sóc cây xanh hằng ngày cho bảo vệ, người này thường tưới nước, bón phân định kỳ, cắt tỉa những cây nhỏ sau giờ học. Còn các vườn hoa thực hành các môn như sinh học, công nghệ do học sinh quản lý.

Trường cử một hiệu phó phụ trách cây xanh trong khuôn viên. Ông Hiền cũng cho biết trường chưa có kinh phí để tuyển dụng hẳn nhân viên chăm sóc cây cho trường, mà vẫn để bảo vệ kiêm nhiệm. "Vị trí này không bắt buộc, tùy các trường cân đối" - ông Hiền nói.

Theo ông Hiền, những vấn đề chuyên môn về cây xanh thường được công ty công ích tư vấn như trồng mới, cắt tỉa những cây lớn, chăm sóc, tưới nước như thế nào... Một số cây ở khuôn viên trường không phù hợp cũng sẽ dần được thay thế trong thời gian tới, trong đó có một cây phượng trồng trên nền đất trước đây là nền một nhà máy pin.

Ông Tống Phước Lộc - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10, TP.HCM) - cho biết trong hơn 10 năm qua trường thay dần các cây bàng theo khuyến cáo vì bàng giòn, dễ gãy, vừa đảm bảo an toàn vừa không đột ngột lấy hết bóng mát. Trường thay thế bằng các loại cây tán rộng nhưng không quá cao.

Về kinh phí, mỗi đợt cắt tỉa cành trước kỳ mưa bão, đặc biệt với 4 cây lớn trong trường, tốn 8-10 triệu đồng. Các chi phí như nước, phân bón không đáng kể trong khi nhân công là bảo vệ kiêm nhiệm.

"Mỗi giáo viên về hưu sẽ tặng trường một cây kỷ niệm, thường hỏi ý kiến của trường để dần thay thế một số loại cây trong khuôn viên" - ông Lộc nói.

Cây đổ lộ ra thêm chuyện quản lý cây xanh trong trường học - Ảnh 2.

Một cây cổ thụ trong khuôn viên Trường THPT Marie Curie, TP.HCM - Ảnh: NH.H.

Quy định rõ trách nhiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) - chưa đồng ý với những gì đại diện Sở Xây dựng TP.HCM thông tin trong cuộc họp báo chiều 26-5, trong đó giao hẳn trách nhiệm của trường trong việc quản lý cây xanh.

Ông Phú đặt vấn đề những cây cổ thụ quý có giá trị kinh tế hơn hẳn các cây phượng, bàng trong khuôn viên phải chăng chỉ thuộc quản lý của trường?

"Nếu vậy, trong trường hợp hội đồng trường thông qua, chúng tôi có thể đốn hạ lấy khoảng không xây dựng phòng học hoặc bán cây đem tiền về cho trường hay không?" - ông Phú thẳng thắn.

Ông Phú cho biết thêm hiện trường ông có 11 cây gỗ cổ thụ, trong đó 1 cây thuộc phần đất của nhà trường nhưng cũng được đánh số quản lý. Các cây mỗi khi muốn mé cành, tỉa cây đều phải mời đơn vị chuyên môn vào khảo sát rồi nhận quyết toán với chi phí khoảng 2 triệu một cây, tính ra không nhỏ.

Theo ông Phú, các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng, nên quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên với việc quản lý cây xanh trong trường, đặc biệt là những cây cổ thụ, chứ không chỉ giao cho trường.

"Nếu nói trường quản lý thì cần nêu rõ quản lý ở mức độ nào: bón phân, tưới cây hằng ngày có được xem là có quản lý hay không? Tôi nghĩ cần có trách nhiệm của nhiều bên" - ông Phú nói.

Ông ví dụ việc phòng cháy chữa cháy tại cơ sở, trường vẫn là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm nhưng tất nhiên không đủ chuyên môn, nghiệp vụ, mà cần có sự hỗ trợ, phối hợp với các phòng chữa cháy trên địa bàn.

Trường không thể tự quyết định

Tại cuộc họp báo ngày 26-5, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết những vấn đề chuyên môn kỹ thuật như trồng cây, đốn cây an toàn trong nhà trường thì trường không thể tự quyết định.

Chẳng hạn khi trường xây mới, các cây được phép trồng sẽ nằm trong quy định của giấy phép xây dựng phê duyệt. Các cây lớn tuổi khi đốn đi đều phải xin phép, hệt như giấy phép xây nhà.

"Đốn cây trên 10m phải xin ý kiến của các cơ quan có chức năng về quản lý cây xanh" - ông Nam nói. Ngoài ra, ông Nam cho biết thêm về kỹ thuật, hiệu trưởng không được quyết định đốn cây hay không, mà chỉ có thể làm văn bản gửi các cơ quan chức năng thẩm định để đảm bảo an toàn. Việc tỉa cành, mé nhánh hằng năm đều được các trường thực hiện trước mỗi mùa mưa, nhưng do những đơn vị có chuyên môn thực hiện.

Tăng cường an toàn trường học

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.

Theo đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường; kiểm tra và đảm bảo an toàn hệ thống điện tại các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành...

Sở cũng đề nghị ban giám hiệu các trường cần chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên; phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè... (HOÀNG HƯƠNG)

Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản khẩn tăng cường an toàn trường học Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản khẩn tăng cường an toàn trường học

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.

Từ khóa » Cây Xanh Trong Nhà Trường