Cây Xóa Nghèo ở Vùng Biên Giới Quảng Ninh
Có thể bạn quan tâm
Người dân huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh thu hoạch quế. (Ảnh: MH)
Từ giữa tháng 4, người dân ở nhiều xã thuộc huyện Bình Liêu đã nhộn nhịp thu hoạch và xuất bán các sản phẩm từ cây quế. Trên các sườn đồi xanh ngát, nổi bật là hình ảnh bà con ở khắp các thôn, bản trên địa bàn huyện Bình Liêu vui vẻ bóc và cạo vỏ quế. Từ xa, mùi thơm của quế đã lan tỏa khắp các ngả đường. Vừa nhanh tay bóc vỏ quế, anh Hàm Văn Hân ở thôn 1, xã Vô Ngại (Bình Liêu) vừa vui vẻ cho biết, cây quế cho giá trị kinh tế cao vì có thể khai thác nhiều lần, có thể bán từ vỏ đến thân, lá. Cũng theo anh Hân, hiện gia đình anh còn khoảng 2ha rừng quế đang cho thu hoạch. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40kg vỏ quế. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh đã thu hoạch và bán được gần 80 triệu đồng tiền quế. Thu nhập từ quế giúp gia đình anh trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, anh lại tiếp tục trồng mới thêm hơn 1 vạn cây quế để vừa phủ xanh rừng, vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Tìm hiểu được biết, quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Cây quế trồng ở Bình Liêu sau chừng chục năm có thể khai thác bóc vỏ lần đầu. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu nên có giá trị kinh tế khá cao. Cây quế thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Bình Liêu, do đó, được trồng rải rác ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện; trong đó tập trung ở các xã Vô Ngại, Hoành Mô, Đồng Văn... và được khai thác 2 vụ/năm. Vào mùa xuân thời tiết ít mưa, nắng ấm kéo dài rất thích hợp cho khai thác và chế biến vỏ quế. Mùa thu, thường có mưa nhiều, thời tiết âm u rất dễ khiến vỏ bị mốc, bị mục ải. Với kinh nghiệm của người trồng quế ở Bình Liêu, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là thời điểm cây quế có lượng tinh dầu cao nhất trong năm. Quế được sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu, dùng trong các bài thuốc đông y. Hiện cây quế là một trong những loại cây đem lại nguồn thu ổn định cho người dân Bình Liêu.
Cụ thể, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, ước tính tổng giá trị kinh tế 1ha quế trồng được khoảng 15 năm đạt 580 triệu đồng từ việc tỉa thưa để thu cành, lá, vỏ; từ việc khai thác năm cuối thu cành, lá, vỏ, thân gỗ; ngoài ra, còn các sản phẩm phụ như hạt giống... Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng các loại cây gỗ khác. Khảo sát thực tế của chúng tôi tại Bình Liêu, hiện nay tùy theo chất lượng vỏ quế, giá thu mua tại chỗ vào khoảng từ 21.000 - 22.000 đồng/1kg vỏ quế tươi, vỏ vụn từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, vỏ quế khô từ 45.000 - 47.000 đồng/kg.
Cây quế đã và đang giúp người dân Bình Liêu phát triển đời sống, nâng cao thu nhập. (Ảnh: MH)Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, nhằm nâng cao giá trị kinh tế và phát triển đời sống người trồng quế, trong những năm qua, UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế, triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng và phát triển cây lâm sản như quế, hồi, sở. Cùng với đó, huyện Bình Liêu cũng đã đưa quế thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện, điển hình như sản phẩm tinh dầu quế được xếp hạng 3 sao, vỏ quế được chế biến thành các túi thơm để ở phòng, treo trong xe ô tô... Nhờ đó, nhìn chung đầu ra của các sản phẩm từ cây quế đã dần ổn định hơn trước; người dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng đặc biệt này.
Tuy nhiên, thực tế phát triển cây quế ở huyện biên giới Bình Liêu những năm qua cũng đang cho thấy một số bất cập. Sản lượng quế Bình Liêu chưa cao, giá thu mua chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Có những thời điểm giá quế biến động tăng, giảm bất thường. Thương lái hiện nay chủ yếu mua quế, thuê người cạo vỏ, phơi khô rồi xuất khẩu. Việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cây quế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn… Để khắc phục những bất cập nêu trên, hiện nay huyện Bình Liêu đang tích cực xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm từ quế; xây dựng các hợp tác xã thu mua sản phẩm quế để đảm bảo ổn định đầu ra cho quế và xây dựng mô hình phát triển vùng trồng quế gắn với du lịch cộng đồng.
Có thể thấy, quế là cây có nhiều công dụng, có tiềm năng đem lại giá trị kinh tế cao. Với kế hoạch dài hơi, sự đầu tư bài bản, tin tưởng cây quế sẽ thực sự trở thành cây “xóa nghèo”, góp phần từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân huyện Bình Liêu./.
Từ khóa » Trồng Quế ở Quảng Ninh
-
Chứng Nhận Hữu Cơ Cho Sản Phẩm Quế Quảng Ninh
-
Nghề Trồng Quế ở Bình Liêu - YouTube
-
Quế Quảng Ninh được Xuất Khẩu Sang Châu Âu
-
Quế Hữu Cơ Quảng Ninh được đón Nhận Tại Thị Trường Châu Âu
-
Quảng Lâm Thu Hoạch Quế | Huyện Đầm Hà
-
Uông Bí (Quảng Ninh): Chuyển đổi Cơ Cấu Cây Rừng | Xã Hội
-
Châu Âu "cấp Visa" Cho Cây Quế Quảng Ninh | Kinh Tế địa Phương
-
Trồng Quế Theo Hướng Hàng Hóa ở Hạnh Dịch Mang Lại Hiệu Quả Cao
-
DDCI BÌNH LIÊU बाट थप - Facebook
-
Trồng Rừng Gỗ Lớn ở Ba Chẽ: Phát Huy Vai Trò Của Già Làng, Trưởng Bản
-
Sản Vật Quảng Ninh Mùa Này Mới Có - VOV
-
Cây Quế Trà My
-
Quế Quảng Ninh Chuẩn Bị Xuất Khẩu Sang Châu Âu
-
Quảng Ninh: Hội Nông Dân Trồng Hàng Vạn Giống Cây Lim, Lát, Dổi Với ...