Quế Hữu Cơ Quảng Ninh được đón Nhận Tại Thị Trường Châu Âu

Quảng Ninh hiện có trên 3.400ha đất trồng quế, tập trung chủ yếu ở các huyện: Đầm Hà (4.500ha), Tiên Yên (900ha), Bình Liêu (700ha) và rải rác tại các huyện Ba Chẽ, Hải Hà...

Mỗi ha quế trồng từ 15 - 20 năm sẽ cho thu hoạch từ 12 - 17 tấn vỏ quế, với giá bán dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/kg vỏ quế tươi loại I, từ 18.000 - 20.000 đồng/kg vỏ quế vụn.

Theo ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đầm Hà, là địa phương có sản lượng khai thác quế khô hàng năm lớn nhất tỉnh (khoảng 650 - 700 tấn/năm), cao nhất đến 1.000 tấn/năm, huyện Đầm Hà đã xây dựng dự án Organic quế nhằm mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ và châu Âu, đáp ứng khoảng 200 tấn quế khô hữu cơ năm 2021 và sẽ duy trì mở rộng 400 - 600 tấn quế khô các năm tiếp theo. Huyện cũng xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và đánh giá nội bộ việc tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hữu cơ; xây dựng hệ thống thu mua đến từng vùng nguyên liệu.

Thu hoạch quế hữu cơ ở huyện Đầm Hà

Để phát triển tiềm năng từ cây quế, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT ban hành văn bản về phát triển vùng nguyên liệu organic quế. Trong đó, giao trung tâm Khuyến nông phối hợp với Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà làm việc, khảo sát, tập huấn, lập hồ sơ, lấy mẫu tại các địa phương có diện tích trồng quế tập trung như Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu.

Tháng 3/2021, một số vùng trồng cây quế ở Quảng Ninh đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu.

Theo số liệu thống kê, 329ha quế của 79 hộ tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên đã được chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Sản phẩm quế được Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà thu mua, xuất khẩu sang thị trường châu Âu ngay trong vụ quế tháng 4/2021.

Đại diện Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà cho biết, chất lượng quế của Quảng Ninh đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhờ có chỉ số hoạt chất Couramin dao động từ 595 - 893 ppm, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu là thấp hơn 3.500 ppm. Đây chính là lợi thế xuất khẩu của quế Quảng Ninh so với quế các tỉnh khác, bởi các giống quế khác ở tỉnh Lào Cai, Yên Bái có chỉ số này dao động từ 3.630 - 7.903 ppm.

Bà Hoàng Thị Thế, Phó Giám đốc trung tâm Khuyến Nông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng vùng trồng quế tập trung thêm 150 - 200ha tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Việc sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm trên đều đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ từ các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho các hộ nông dân trồng cây quế. Thông qua các lớp tập huấn, nông dân được trao đổi, nắm bắt về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quế bền vững, có khả năng vận dụng vào hoạt động sản xuất quế của gia đình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quế, đáp ứng yêu cầu thu mua xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất và kết nối thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với người dân trồng cây quế và thị trường tiêu thụ.

Từ khóa » Trồng Quế ở Quảng Ninh