CEO CSAGA Nguyễn Vân Anh: Làm Sao để Chuyển Hóa Sân Hận ...
Có thể bạn quan tâm
MỪNG NHẤT LÀ CSAGA KHÔNG ĐƠN ĐỘC
- Nhà báo Codet Hanoi: Xuất phát từ điều gì khiến chị thành lập và phát triển trung tâm CSAGA?
- GĐ Nguyễn Vân Anh: Trong nhà Phật, từ “Duyên” giúp tôi giải thích mọi điều. Mọi sự ra đời đều cần hội đủ duyên lành. Đó là những trải nghiệm thời kỳ làm phóng viên chuyên mảng vấn đề xã hội, lê la các nhà tù, trung tâm 05, 06, theo cảnh sát các vụ đua xe, đánh bạc… lắng nghe tâm sự của người trong cuộc với những day dứt. Đó là việc ra đời của điện thoại, của trung tâm giải đáp thông tin văn hóa, là sự hỗ trợ của những người tốt, là sự đồng lòng của các đồng nghiệp.
Một tôi chả làm được cái gì. Hội tụ đủ những điều kiện như thế, thì CSAGA mới ra đời được.
- Vị trí của CSAGA trong các lĩnh vực phụ nữ và trẻ em hiện nay như thế nào thưa chị?
Tôi không dám đánh giá vị trí của tổ chức mà chính mình làm lãnh đạo. Chúng tôi cố gắng hết mình cho công việc này. Là một tổ chức Phi chính phủ nhỏ, chúng tôi luôn vận động để phối hợp được với các tổ chức khác, với các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế để có thể làm những điều tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào phụ nữ và trẻ em bị tổn thương bởi kỳ thị và bạo lực. 3 năm trở lại đây, chiến lược của chúng tôi tập trung vào bạo lực tình dục, một dạng bạo lực bị ẩn giấu mặc dù trong sự thực nó khá phổ biến.
- Trước những tình trạng bạo hành phụ nữ, hoặc xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em đang rất nóng ngày nay, liệu CSAGA có tiếng nói gì để đồng hành cũng các hoàn cảnh thương tâm ấy?
Như đã nói, nội dung này nằm trong chiến lược có chủ đích của chúng tôi. Nếu như giai đoạn trước, chúng ta chỉ nói về bạo lực với phụ nữ và trẻ em khá chung chung, tập chung vào bạo lực thể xác, bạo lực giới dẫn đến cái chết, thì bạn có thể quan sát sự thay đổi của mối quan tâm xã hội về chủ đề này.
Những báo cáo liên tục về các vụ việc dâm ô, xâm hại tình dục bên cạnh việc chỉ ra thực tại đau lòng đang diễn ra, thì nó là dấu hiệu tích cực của nhận thức đã thay đổi, người ta không còn che giấu, không còn coi đó là sự xấu hổ mà hiểu rằng đây là vấn đề cần được đưa ra ánh sáng.
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy CSAGA có rất nhiều chương trình trọng tâm vào chủ đề này. Và cũng có những cái bạn và mọi người không nhìn thấy. Đó là các chương trình hỗ trợ cho các trường Đại học, các bạn trẻ tạo ra các sáng kiến phòng chống quấy rối tình dục, bạo lực tình dục. Đó là các chương trình hỗ trợ các NGO khác xây dựng chiến lược truyền thông về chủ đề này.
Bạn có thể nhìn thấy sức lan tỏa của vấn đề, và CSAGA không còn đơn độc. Đó là điều mừng nhất. Sợ nhất là đơn độc mà làm không ai hưởng ứng. Khi đã rất đông người, tổ chức vào cuộc thì mình đứng lui xa xa để nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Mọi người đang làm quá tốt. Nhưng cần chiến lược dài hơi.
TỨC GIẬN VÀ CĂM HỜN THÌ DỄ - NHƯNG THẤU HIỂU ĐỂ CHUYỂN HÓA TẬN GỐC MỚI LÀ ĐIỀU CẦN!
- Gần 20 năm làm công tác xã hội và không ngừng vận động cộng đồng bảo vệ quyền trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình và người chuyển giới, nếu có thể xin chị điểm qua một vài vụ nổi bật khiến chị day dứt tới bây giờ?
Những day dứt là các trường hợp không thành công, là những nạn nhân phải chịu đau đớn vì bạo lực, lại chịu thêm những bất công và kỳ thị. Có em bé bị xâm hại từ khi 8 tuổi, giờ em đã 12, gia đình, các luật sư, các nhà báo cùng CSAGA đã vô cùng tích cực nhưng đến nay câu trả lời của cơ quan điều tra là “không đủ chứng cứ” và dừng hoàn toàn.
Đó là những bạn chuyển giới, đồng tính bị chính gia đình mình kỳ thị và bạo lực. Những nạn nhân bị chết, bị cắt gân chân tay, mà kẻ thủ ác không hề ân hận.
Đó cũng là những thử thách để đội ngũ CSAGA phải nghĩ và học hỏi nhiều hơn để làm việc hiệu quả hơn nữa.
- Theo chị, điều gì đáng chú ý nhất chúng ta phải "sửa chữa" từ gốc để tránh những hậu quả này xảy ra?
Sân hận dường như đang chiếm lấy bầu không khí của đất nước này. Tôi đang nghĩ rằng, Phật giáo đã có thể làm được rất nhiều cho việc thay đổi trạng thái tiêu cực đó. Có một từ của nhà Phật mà tôi rất tâm đắc, là “chuyển hóa”. Làm sao để chuyển hóa sân hận thành yêu thương, bao dung, từ bi, ngay cả cách chúng ta đối xử với tội ác và kẻ gây tội ác? Nhà Phật có thể góp phần cho sự chuyển hóa này.
Tôi chắc mọi người cũng như tôi, có lúc thấy sợ hãi truyền thông, tin tức từ cả báo chí chính thống lẫn mạng xã hội. Không chỉ sợ hãi về các vụ việc tàn ác xảy ra dày đặc hàng ngày, mà còn sợ hãi vì không khí hừng hực căm hờn lan tỏa khắp nơi. Nó bào mòn tình yêu, nó làm tổn thương và khô khát lòng nhân trong mỗi người.
Tội ác có nguồn gốc từ đâu? Làm gì cho sự thay đổi từ tận tít bên trong, bền vững thay vì sai đâu sửa đó, mới là điều cần chúng ta hợp lực suy nghĩ. Bởi tức giận và căm hờn thì dễ, nhưng thấu hiểu để chuyển hóa tận gốc mới là điều phải làm. Cảm ơn vì câu hỏi sâu sắc này.
- Sự lắng nghe có tầm quan trọng thế nào trong cuộc sống hiện nay thưa chị?
Trong nhà Phật có nói “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Nếu biết lắng nghe nhau, có lẽ bi kịch đã được giảm trên thế giới này. Bi kịch con người xảy ra chủ yếu vì những hiểu lầm, vì thông tin đến nhau sai lạc.
Mà trong lắng nghe, thì việc lắng nghe bản thân lại quan trọng nhất. Ngay cả những ý nghĩ, những mong muốn tội ác trong mình nếu được mình tự lắng nghe để chuyển hóa thì cũng đã là cách giảm đi điều xấu ở trên đời.
Để lắng nghe và thấu hiểu, cần tu dưỡng thân tâm mỗi giây mỗi phút, như luyện thở vậy. Và không phải khi nào cũng thành công.
HÃY CHĂM SÓC HƠI THỞ ĐỂ HIỂU MÌNH LÀ AI, ĐỂ BÌNH TĨNH ĐI TRONG ĐỜI KHÔNG SỢ HÃI
- Chị có từng nghiên cứu các giáo lý Phật giáo để sử dụng vào giải quyết công việc của mình không thưa chị?
Tôi cố gắng áp dụng những bài học về tình yêu thương, về bao dung, về cách nhìn nhận cuộc sống theo hướng cởi mở và tích cực của Đạo Phật. Nếu không có cách nhìn này, làm sao để làm việc và chuyển hóa được những người nam vốn là người gây ra bạo lực.
Chỉ có tình thương yêu và sự thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ mới có thể giúp họ thay đổi, không chỉ tốt cho xã hội mà cho chính cuộc sống của họ. Chẳng phải chúng ta mong muốn xung quanh mình nhiều người tốt hơn hay sao.
Nếu theo nhà Phật thì tầng người mới là tầng thứ 5 trong số 31 tầng. Tầng thứ 5 là tầng học hỏi. Sinh ra làm người là để học hỏi và thay đổi. Vì vậy gặp những điều bất ưng, thậm chí là tội ác thì tìm cách để chuyển hóa nó bằng con mắt thấu hiểu và bao dung.
Trạng thái hận thù không bao giờ là tốt cho thay đổi. Người có tội cần phải bị trừng trị đúng theo quy định của luật pháp, nếu luật pháp chưa đầy đủ thì cần thay đổi luật, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thúc đẩy hận thù.
Thấu hiểu không bao giờ dung chứa trong mình thù hận. Tôi biết điều này rất khó giải thích, nhưng những ai tiếp cận với giáo lý nhà Phật thì ít nhiều đều có thể cảm thấu.
Điều này cũng phù hợp với văn minh nhân loại, khi ta phân biệt tội lỗi và nhân phẩm. Người có tội không có nghĩa là không còn nhân phẩm và quyền con người.
Ranh giới này ở mình đang bị xóa nhòa do sự thiếu nghiêm minh của luật pháp, do những thiếu hụt trong chính hệ thống luật pháp, do các thói quen đánh đồng người có tội là đáng bỏ đi không đáng nhận bất cứ chút lòng từ bi nào.
Cái này đang tạo thêm tội ác chứ không có giá trị ngăn ngừa tội ác. Nói ra điều này là đi ngược với đám đông hiện nay. Nhưng chừng nào chúng ta hiểu điều đó thì mới bình tĩnh để thay đổi tận gốc rễ những bất hạnh mà chúng ta đang gánh chịu.
- Trong nhà Phật thường có bài học tưởng như đơn giản nhất nhưng lại khá khó khăn về cách sử dụng ái ngữ để tạo dựng hạnh phúc, yêu thương nhau, dường như người Việt ta không quen sử dụng ái ngữ?
Vâng, chính bản thân tôi cũng phải luyện từng ngày về việc này. Thay đổi các thói quen là khó lắm. Đừng đợi đến khi xa lìa nhau mãi mãi mới ân hận đã không nói hàng ngày câu “ em yêu anh” hay “ anh yêu em” . Mỗi lời ái ngữ đều giúp chúng ta hồi phục tổn thương mà chính mình tự gây ra hoặc xây xước trên đường đời thường nhật.
- Ở nhà, chị thư giãn bằng cách nào thưa chị?
Tôi không làm gì. Ngồi ở gốc cây nhấp chén trà thơm, ngắm hoa và những con chim ríu rít chuyền cành. Không nghĩ gì, không làm gì là một cách để làm sạch thân tâm mình trong một khoảng thời gian nhất định.
- Ngôi chùa nào chị hay đi nhất?
Tôi ít đi chùa. Những ồn ào khiến tôi cảm thấy không phù hợp. Tôi thường ngồi tĩnh tâm để nghĩ về những điều Phật dạy thôi.
- Cuối cùng, điều gì cần để con người, nhất là trẻ em, phụ nữ, người yếm thế (các đối tượng của chị) cần phải làm gì để tăng thêm nghị lực cho chính mình?
Trong mỗi chúng ta ai cũng có phần mạnh mẽ, chỉ là mình có biết chạm đến nó, đẩy nó ra khi cần hay không thôi. Hãy chăm sóc bản thân mình, hãy nhìn sâu vào bản thể mình nhiều hơn thay vì nhìn ngó ra ngoài xem ai nói gì, ai nghĩ gì về mình. Chăm sóc kỹ lưỡng từng hơi thở, bạn sẽ hiểu mình là ai, mình muốn gì để đi bình tĩnh trong đời không sợ hãi.
- Xin trân trọng cảm ơn chị.
Bài liên quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh và bài học về 'cách để yêu': Muốn yêu cần thấu hiểu!Chị Nguyễn Vân Anh là nhà sáng lập CSAGA - Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên. (CSAGA) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực tại Việt Nam.
- Website: http://csaga.org.vn/ luôn có hotline túc trực khi bạn cần là có. Nếu bạn đang vướng mắc một trong những vấn đề trên, hãy "dắt túi" ngay địa chỉ và hotline của CSAGA để có thể giúp bạn.
Từ khóa » Nguyễn Vân Anh Csaga
-
Nguyễn Vân Anh, Một Trong 50 Phụ Nữ Có ảnh Hưởng Nhất ... - CSAGA
-
CSAGA - Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới
-
Nguyen Van Anh - Director - CSAGA - LinkedIn
-
Vân Anh CSAGA - 'Người đàn Bà Giới' Lội Ngược Dòng
-
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh - Người Phụ Nữ đấu Tranh Cho ...
-
Van Anh Nguyen | Bureau Of Educational And Cultural Affairs
-
Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh Và Dự án đưa Nghệ Thuật Tới ...
-
Nguyen Van Anh - Global Ambassadors Program
-
CSAGA Vietnam - ⚠️ Theo Kết Quả điều Tra Quốc Gia Về Bạo Lực ...
-
Nguyễn Vân Anh- Cả đời đi Tìm Lại Khát Vọng Sống Cho Nữ Giới
-
Nguyễn Vân Anh - Người Phụ Nữ Bảo Vệ Quyền Của Những Người ...
-
Nguyen Van Anh's Email & Phone Number - RocketReach
-
Nguyen Van Anh | Facebook