'Cha đẻ' Của Thám Tử Lừng Danh Sherlock Holmes

Bạn đọc yêu thích truyện trinh thám trên thế giới có lẽ không ai là không biết đến tên tuổi của nhà văn Anh Conan Doyle, cha đẻ của nhân vật thám tử lừng danh Sherlock Holmes. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng lúc sinh thời Conan Doyle có không ít điểm tương đồng với nhân vật mà mình sáng tạo nên, và cách xử lý tình huống của nhà văn cũng ly kỳ không kém những gì mà thám tử Holmes từng phô diễn. Conan Doyle sinh ngày 22/5/1859, mất ngày 7/7/1930.

Chào đời tại Edinburgh, Scotland (nay thuộc nước Anh), Conan Doyle đã phải trải qua một thời thơ ấu khó khăn. Bố ông vốn là một kẻ nát rượu. Conan Doyle được ăn học chu đáo là nhờ những nỗ lực của người mẹ. Bà là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho tới khi ông đã lập gia đình và theo đuổi nghiệp văn.

Theo học ngành y tại Trường Đại học Edinburgh từ năm 1876 đến năm 1881, sau khi ra trường, Conan Doyle trở thành bác sĩ trên một con tàu biển tới Tây Phi. Một năm sau, ông mở phòng khám tư tại Plymouth. Trong những lúc chờ bệnh nhân, ông bắt đầu viết truyện.

Năm 1887, “Chiếc nhẫn tình cờ”, tiểu thuyết đầu tiên về Sherlock Holmes của Conan Doyle ra mắt và được đông đảo độc giả đón nhận. Nhưng thành công của cuốn sách vẫn chưa giúp gì nhiều cho Conan Doyle trong cuộc mưu sinh.

Năm 1890, Conan Doyle tới London mở phòng khám mắt. Lúc này, Doyle quyết định viết truyện ngắn và nhân vật chính vẫn là Sherlock Holmes. Doyle tin rằng, Holmes và những vụ án của nhân vật này phù hợp với hình thức truyện ngắn. Đúng như Doyle tin tưởng, những truyện ngắn về Holmes đã tạo nên cơn sốt đối với các độc giả yêu thích truyện trinh thám lúc bấy giờ.

Đối với độc giả, hình tượng chàng thám tử thông minh, tài giỏi với chiếc kính lúp, cái tẩu trên môi và chiếc mũ lưỡi trai đặc trưng đã trở thành biểu tượng duy nhất, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nhân vật nào. Conan Doyle từng cho biết, nhân vật Sherlock Holmes của ông được lấy cảm hứng từ bác sĩ Josep Bell, giáo sư chuyên khoa giải phẫu của Trường Đại học Edinburgh, nơi Conan Doyle từng theo học.

Cũng giống như Holmes, giáo sư Joseph Bell nổi tiếng với những kết luận lớn được rút ra từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Chính từ tính cách này mà Conan Doyle đã tạo ra tuyên ngôn nghề nghiệp cho Holmes - một câu nói đã trở thành một trong những câu nói nổi tiếng nhất mọi thời đại, thậm chí cho đến nay các cơ quan tình báo và an ninh của Anh vẫn sử dụng phương pháp suy luận này để huấn luyện các nhân viên của họ: “Sau khi đã loại trừ tất cả những trường hợp không thể nào xảy ra được, giả thiết còn lại cuối cùng, dù chưa chắc chắn, thiếu cơ sở đến đâu cũng là sự thật”.

Tình cảm của Doyle dành cho Holmes diễn ra khá phức tạp. Doyle vừa yêu vừa ghét đứa con tinh thần đã đưa ông trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại. Suốt 2 năm, Doyle cống hiến hết mình cho nhân vật thám tử thông minh kiệt xuất. Nhưng càng đắt khách, áp lực với Doyle càng lớn. Thời hạn hoàn thành tác phẩm do các tạp chí đặt ra ngày càng trở thành gánh nặng với nhà văn. Cuối cùng, Doyle đã quyết định phải "kết liễu" cuộc đời Sherlock Holmes. Trong truyện ngắn "Vấn đề cuối cùng", Conan Doyle đã để Holmes bất cẩn tiến đến mép một tảng đá và rơi xuống thác nước Reeichenbach.

Quyết định của nhà văn vấp phải sự phản ứng đầu tiên rất quyết liệt của độc giả. Nhưng Doyle kiên định: "Tôi sẽ bị chỉ trích nhiều lắm nếu “xuống tay” với quý ông lịch lãm này. Nhưng đó không phải là một vụ giết người, đó là hành động tự vệ. Bởi nếu tôi không giết hắn ta. Hắn ta trước sau gì cũng giết tôi".

Thám tử Holmes và bác sĩ Watson.

Nhưng trước tình yêu mến quá nồng nhiệt của độc giả, gần 10 năm sau, Doyle đã buộc phải mang Holmes trở lại. Nhà văn để vị thám tử "tái sinh" trong cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1902 - “Con chó săn của dòng họ Baskervilles”.Doyle giải thích, câu chuyện này xảy ra trước khi Holmes đối mặt với cái ngày định mệnh. Năm sau, nhà văn tiếp tục ra mắt “Bí mật ngôi nhà trống”, trong đó Conan Doyle lý giải rằng chỉ có Moriarty rơi khỏi vách đá còn Holmes thì chỉ giả chết để tiếp tục điều tra về tổ chức của Moriarty.

Từ khóa » Câu Chuyện Sơ - Lốc Hôm Của Conan đoi - Lơ