'Cha đẻ' Những Giống Siêu Lúa Cho Nông Dân Việt

Tạo giống lúa bằng năng lượng hạt nhân

Sinh năm 1948, năm nay gần 70 tuổi, nhưng khi chúng tôi gọi điện hẹn phỏng vấn, GS Quý vẫn đang bận bịu với những chuyến công tác ở các địa phương. Gặp ông vào buổi chiều đầu đông, bằng chất giọng ấm áp và hào sảng, GS Quý tâm sự rằng, ông gắn bó với ngành di truyền giống từ khi còn ở giảng đường Đại học Tổng hợp, tới nay đã ngót nghét nửa thế kỷ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, về làm việc tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, GS Quý vẫn “say sưa với cây lúa” và gắn bó với công việc chọn giống lúa cho tới hiện tại, khi đã nghỉ hưu. Sau 49 năm gắn bó với công việc di truyền chọn giống, GS Quý cùng các cộng sự đã chọn tạo được 27 giống lúa cùng nhiều giống đậu tương và hoa.

Tới nay, GS Quý đã sở hữu 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, 4 giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, 1 giải thưởng Nhà nước về lúa lai (2005). Năm 2002, ông được Viện danh nhân Thế giới của Hoa Kỳ bình chọn là 1 trong 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng đến thế giới năm 2002.

Tháng 9 năm ngoái, ông cùng các đồng nghiệp Viện Di truyền Nông nghiệp đã được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao tặng giải thưởng xuất sắc về đột biến tạo giống bằng công nghệ bức xạ. Đây là hướng nghiên cứu mà GS Quý gắn bó và theo đuổi suốt nhiều chục năm qua.

Ông kể, từ luận văn tốt nghiệp đại học, ông đã bắt đầu nghiên cứu về các đột biến của cây lúa dưới tác động của hóa chất và tia phóng xạ. “Lúc bấy giờ, đây là một hướng nghiên cứu mới mà một người thầy của tôi được đào tạo tại Nga lần đầu tiên mang về giảng dạy tại Việt Nam. Khóa chúng tôi là khóa đầu tiên bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu này”, GS Quý chia sẻ.

Khác với phương pháp lai tạo giống, phương pháp chọn tạo giống bằng công nghệ bức xạ tạo ra các giống lúa thuần với các tính trạng mong muốn bằng cách chiếu phóng xạ xuyên thấu vào hạt giống, gây đột biến tính trạng. “Trong thiên nhiên, tia tử ngoại cũng tạo ra nhiều đột biến. Nhờ biến dị di truyền này, thông qua chọn lọc của con người và tự nhiên thì sinh vật mới đa dạng và tiến hóa”, GS Quý nói.

GS Quý nói rằng, lúa lai có nhiều ưu thế tuy nhiên, cần phải đầu tư tốn kém và lích kích. Ngoài ra, việc sử dụng các giống lúa lai buộc người nông dân phải mua giống khi vào vụ mới, dễ dẫn tới độc quyền của các doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện phải nhập nội giống lúa lai như Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, việc lai tạo các giống lúa thuần bằng công nghệ bức xạ sẽ có lợi cho người dân, đặc biệt là trong giai đoạn còn nghèo như hiện nay.

GS Quý kể, mục tiêu nghiên cứu đầu tiên của ông là thay thế được giống Nông nghiệp 8, vốn rất phổ biến tại Việt Nam khi đó nhưng khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như chịu bão kém.

“Khi đó đất nước vẫn chưa thống nhất, mình chưa có lò phản ứng nên muốn chiếu xạ (cho hạt giống) chỉ có thể chiếu ở Bệnh viên K. Tuy nhiên ở đây các máy chiếu xạ ở bệnh viện công suất yếu, bệnh nhân lại đông nên bị ngắt quãng liên tục, không chuẩn. Vì thế, hàng tuần chúng tôi phải gửi hạt giống sang Liên Xô cũ để chiếu xạ rồi mang về chọn”, GS Quý nói.

Khó khăn là vậy, nhưng tới đầu những năm 90, bằng sự nỗ lực, GS Quý và những đồng sự của mình đã chọn tạo được giống lúa DT10 với khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu bão tốt, thay thế cho giống Nông nghiệp 8. Ông nhớ lại, khi trồng khảo nghiệm giống DT10, ông đã phải ký bảo lãnh với người dân: Nếu thất bại, chúng tôi phải đền dân 100% còn nếu được thì chia đều.

Năm 1991, bão về, lúa Nông nghiệp 8 bị đổ dạt hết nhưng giống lúa DT10 của chúng tôi thì vẫn đứng vững. Thành ra, nơi trồng Nông nghiệp 8 mỗi sào chỉ được 140 kg, còn DT10 thì đạt 200 kg/sào. “60kg mỗi sào trội lên người dân chia cho chúng tôi một nửa. Nhờ thế mà năm ấy nhiều quân của tôi xây được nhà đấy!”, GS Quý vui vẻ kể.

Sau thành công vang dội tại Việt Nam, giống lúa DT10 của GS Quý đã được phổ biến sang hàng chục nước trên thế giới với diện tích hàng vài chục triệu ha. Có nơi, như Iraq, năng suất giống lúa DT10 đạt tới 11 tấn/ha, trong khi ở Việt Nam chỉ đạt 7-8 tấn ha. Nhờ sự thành công của giống DT10 mà năm 1995, GS Quý đã được Tổ chức Phát triển Nôgn nghiệp châu Á Thái Bình Dương tặng giải thưởng về giống lúa đột biến.

Cuộc chiến với lúa lai Trung Quốc

GS Trần Duy Quý (phải) đang giới thiệu sản phẩm lúa NPT3 với lãnh đạo Bộ KHCN.

Nghỉ hưu từ năm 2008, nhưng duyên nợ với cây lúa của GS Quý dường như vẫn chưa dứt. Trong 7 năm qua, GS Quý cùng những người đồng nghiệp tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương đã chọn tạo 6 giống lúa mới nhờ ứng dụng công nghệ bức xạ.

GS Quý cho biết, hiện tại diện tích lúa lai của Việt Nam chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo trồng lúa (gần 800 ngàn ha). Tuy nhiên, lượng giống lúa lai sản xuất trong nước chỉ khoảng 30%, 70% còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài mà chủ yếu từ Trung Quốc.

Việc phụ thuộc giống lúa từ nước ngoài dễ khiến các doanh nghiệp và người nông dân trong nước bị chèn ép giá. “Họ thấy mình khan hiếm là họ chèn ép ngay. Đáng lẽ giá một kg lúa giống chỉ 60 ngàn nhưng họ nâng giá lên 90 ngàn thì mình cũng chịu”, GS Quý nói.

Đó là chưa kể, mặc dù các giống lúa lai cho năng suất cao nhưng thực tế lại không chịu sâu bệnh hơn lúa thuần. “Càng trồng lúa lai nhiều lại càng bị sâu hại lớn, đặc biệt là các tổ hợp lúa lai Trung Quốc”, GS Quý cho hay. “Hơn nữa, thực tế, năng suất lúa lai bình quân ở Việt Nam cũng chỉ hơn lúa thuần khoảng 10-15%”.

Từ đó, GS Quý cho rằng, nếu như Việt Nam không chủ động tạo ra các giống lúa lai và lúa thuần có năng suất chất lượng tương đương hoặc cao hơn lúa lai nhập ngoại thì chúng ta luôn phải tốn ngoại tệ nhập khẩu giống lúa lai và phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như nhiều nước khác.

Bên cạnh đó, qua nhiều năm nghiên cứu, GS Quý phát hiện ra rằng, các giống lúa thuần không cho năng suất siêu cao như các quan niệm trước đây, cho rằng, năng suất lúa thuần không thể vượt quá 10 tấn/ha. “Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Năng suất lúa thuần thấp là do anh chưa thức tỉnh được những gen khổng lồ, khỏe, sức sống mãnh liệt trong cây mà thôi”.

Xuất phát từ quan điểm này, GS Quý và những người đồng sự đã thử nghiệm và đã chọn tạo thành công giống lúa thuần NPT3 cho năng suất rất cao. “Các đợt trồng khảo nghiệm cho thấy, năng suất bình quân giống NPT3 đạt 9-10 tấn/ha cao hơn hẳn các giống lúa lai hay thậm chí là giống lúa thuần nhập nội từ Trung Quốc như Thiên ưu hay Khang Dân 18... Trong khi đó, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận vượt trội so với các giống lúa lai”, GS Quý chia sẻ.

Ngoài giống siêu lúa NPT3, GS Quý cũng chọn tạo 2 giống lúa khác dự kiến sẽ được thông qua Hội đồng thẩm định giống quốc gia trong tháng 11 này là giống BQ và giống TQ14.

GS Quý cho biết, nếu như NPT3 là một “siêu lúa” với năng suất và khả năng chống chịu vượt trội thì giống BQ là một giống cho cơm rất ngon mà năng suất vẫn tương đương với lúa lai. Trong khi đó, giống TQ14 là giống ông chọn tạo dành riêng cho công nghiệp chế biến với khả năng thích ứng rộng và tiềm năng năng suất cao. “Ba giống lúa với 3 đặc điểm khác nhau này có thể thay thế được các giống lúa lai nhập nội từ Trung Quốc”, GS Quý nói.

Người ta thường nhắc nhở nhau nhớ tới sự vất vả của những người nông dân trồng ra hạt gạo trên cánh đồng mà ít người nhớ tới vai trò của những nhà khoa học hàng ngày cần mẫn trong những phòng thí nghiệm để tạo ra những giống lúa mang lại mùa màng bội thu cho nông dân. Thế nhưng, không phải vì thế mà những nhà khoa học của nông dân như GS Quý từ bỏ sự say sưa với cây lúa của mình. Ngược lại, họ luôn lấy người dân làm trọng, đặt lợi ích người dân lên trên hết cho mục tiêu nghiên cứu của mình. Đó là điều mà nhà khoa học nào cũng làm được, giống như GS Quý đã làm. 

Lê Văn (Nguồn: www.vietnamnet.vn)

Từ khóa » Hình ảnh Giống Lúa Dt10