Chấn Thương Đầu Nhẹ - Bệnh Viện FV - FV Hospital

Chấn thương đầu nhẹ là gì?

Loại chấn thương đầu nhẹ thường gặp nhất là chấn động não. Chấn động não có thể liên quan đến tình trạng mất ý thức (“bất tỉnh”). Tình trạng này thường diễn ra trong một thời gian ngắn và sau đó sẽ nhanh chóng hồi phục hoàn toàn .

Nguyên nhân gây ra chấn thương đầu nhẹ?

Xương sọ và xương mặt là một khối xương cứng có chức năng bảo vệ não bộ, là bộ phận có cấu tạo rất mềm. Nếu các xương này bị thương thì não bộ sẽ dễ bị tổn thương hơn.

Khi đầu một người bị đánh hoặc bị va đập, não của họ sẽ dịch chuyển và va chạm vào xương sọ và xương mặt, có thể gây bầm tím và làm cho người này “bất tỉnh”. Đôi khi xương sọ còn bị gãy rạn (mặc dù trường hợp này hiếm gặp khi bị chấn thương đầu nhẹ).

Các triệu chứng của chấn thương đầu nhẹ là gì?

Người bị chấn thương đầu nhẹ có thể bị bầm tím, sưng phù và chảy máu ở bất kỳ vùng nào xung quanh hoặc bên trong não. Các triệu chứng này có thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ chấn thương đã xảy ra. Một số người sẽ “bất tỉnh” trong một thời gian ngắn. Một số người bị lú lẫn về nơi chốn và quên chuyện đã xảy ra. Tình trạng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, hơi chóng mặt hoặc hơi buồn ngủ là các triệu chứng thường gặp.

Điều trị và khảo sát

Khi ở Khoa cấp cứu, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ và có thể:

  • Dùng các loại thuốc giảm đau tác dụng nhẹ để điều trị đau hoặc chứng đau đầu,
  • Có thể phải nhịn ăn uống – nghĩa là không ăn hay uống cho đến khi có hướng dẫn tiếp theo,
  • Dùng các loại thuốc viên chống nôn để điều trị buồn nôn hay nôn ói,
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) cho não, cổ hoặc xương (nếu cần thiết),
  • Chụp X-quang cột sống cổ nếu bị đau cổ hoặc nghi ngờ có chấn thương cổ.

HƯỚNG DẪN

 Bệnh nhân không chụp CT não khi khảo sát này được xác định là chưa cần thiết vào thời điểm đó, Bệnh nhân đã chụp CT và được chẩn đoán là không bị chấn thương.

Nếu nhân viên y tế sau khi thăm khám không tìm thấy bất kỳ chấn thương nghiêm trọng nào ở sọ não thì bệnh nhân được xem là an toàn để trở về nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể bị chấn thương não và việc này có thể làm xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn sau đó.

Chúng tôi đề nghị bệnh nhân nên hạn chế một số hoạt động.

Nghỉ làm hoặc nghỉ học trong _____ ngày. Hãy yêu cầu cấp Giấy chứng nhận nghỉ ốm nếu cần thiết.

  • Nghỉ ngơi yên tĩnh cả ngày và tránh tiếp xúc với các tình huống căng thẳng,
  • Không đi làm hay đi học trở lại cho đến khi hồi phục hoàn toàn,
  • Không để bệnh nhân ở một mình trong 24 giờ sau khi chấn thương,
  • Không lái xe có động cơ hoặc vận hành máy móc trong ít nhất 24 giờ sau khi xảy ra tai nạn,
  • Không ăn uống trong sáu giờ đầu tiên (trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ). Sau đó cho bệnh nhân ăn uống vừa phải,
  • Không uống rượu cho đến khi hồi phục hoàn toàn,
  • Không dùng các thuốc an thần hay các loại thuốc khác trừ khi có hướng dẫn,
  • Chườm túi giữ lạnh lên các vùng bị sưng hoặc đau. Để thực hiện công việc này, dùng một cái khăn để bọc các viên đá hoặc túi chườm đá thể thao. Không đặt đá trực tiếp lên da,
  • Dùng các loại thuốc giảm đau thông thường (như paracetamol) để điều trị chứng đau đầu,
  • Nếu bệnh nhân xuất viện vào buổi tối, phải đảm bảo bệnh nhân có tỉnh dậy vài lần trong đêm. Thân nhân hoặc bạn bè của bệnh nhân phải đảm bảo bệnh nhân có thể đi vệ sinh hoặc thực hiện các hoạt động để giúp đánh giá sự phối hợp của bệnh nhân – bệnh nhân có đi lại hoặc nói chuyện được không?
  • Không chơi thể thao trở lại cho đến khi tất cả các triệu chứng nêu trên không còn. Không chơi bất kỳ môn thể thao tiếp xúc nào trong ít nhất 3 tuần mà không trao đổi trước với bác sĩ. Nguyên nhân là do phản ứng và tư duy của bệnh nhân thường chậm chạp hơn, điều này làm cho bệnh nhân có nguy cơ chấn thương nhiều hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tránh bị thêm chấn thương đầu trước khi hồi phục hoàn toàn sau lần chấn thương đầu tiên, vì lần chấn thương thứ hai có thể gây tổn thương nhiều hơn.
Điều gì có thể xảy ra?

Nhiều người không thể nhớ các sự kiện trước hoặc sau khi chấn thương đầu (chứng mất trí nhớ).

Bệnh nhân có thể mất một thời gian để não hồi phục. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân thường gặp các cơn đau đầu và các rối loạn nhận thức ở mức độ nhẹ (như khó tập trung, khó nhớ thông tin, khó thực hiện các công việc phức tạp, và thay đổi tâm trạng). Đây cũng là điều bình thường nếu bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hơn thường lệ.

Các triệu chứng “sau chấn động” này có thể là một phần của quá trình hồi phục thông thường và đây không phải là các dấu hiệu tổn thương vĩnh viễn hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn và các triệu chứng chỉ kéo dài trong vài ngày. Không có phương pháp điều trị cụ thể ngoài việc cần nghỉ ngơi thật nhiều.

Một vài người sẽ có các triệu chứng kéo dài. Nếu xảy ra tình trạng này, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ.

Khi nào bệnh nhân nên trở lại khoa cấp cứu?

Đôi khi, các vấn đề nghiêm trọng sẽ hình thành sau khi chấn thương đầu. Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì phải đến Khoa Cấp cứu ngay lập tức:

  • Bất tỉnh hoặc ngủ gà quá mức,
  • Nôn ói liên tục,
  • Đau đầu hoặc chóng mặt trầm trọng, càng lúc càng nặng hơn và không khỏi,
  • Co giật, ngất xỉu hoặc co thắt ở mặt hay tay chân,
  • Có hành vi bất thường hoặc lú lẫn,
  • Khó thức dậy,
  • Tay hoặc chân trở nên yếu ớt,
  • Dáng đi bất thường hoặc loạng choạng,
  • Nói líu lưỡi,
  • Mắt mờ hoặc nhìn một thành hai hình,
  • Xuất huyết từ tai hoặc mũi.

Trong hầu hết các trường hợp, nếu bệnh nhân cảm thấy lo ngại về bất kỳ triệu chứng nào, thì thân nhân, hoặc bạn bè của bệnh nhân đừng trì hoãn mà hãy đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Tìm kiếm hỗ trợ

Trong trường hợp cấp cứu: vui lòng liên hệ số (028) 54 11 35 00 hoặc đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện FV tại số 6 Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, TP.HCM

Từ khóa » đầu Lõm ở Giữa