Chế độ Nghỉ Không Hưởng Lương Của Lao động, Công Chức, Viên Chức

Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về chế độ nghỉ không hưởng lương và nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật lao động khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!

Trong thực tế đời sống, có rất nhiều tình huống xảy ra khiến người lao động buộc phải xin nghỉ việc để giải quyết công việc của mình. Để đáp ứng nhu cầu này, cũng như để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động làm việc trong quá trình công tác, làm việc ngoài những ngày nghỉ nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ việc có hưởng lương theo quy định pháp luật thì người lao động còn có thể nghỉ việc không hưởng lương. Vậy xin nghỉ việc không lương như thế nào là đúng quy định của pháp luật, và mỗi lần xin nghỉ không hưởng lương thì có thể xin nghỉ bao lâu, để giải đáp vướng mắc của bạn với những vấn đề này Luật Dương Gia xin được phân tích và làm rõ hơn tới bạn các quy định của pháp luật hiện hành về Chế độ nghỉ không lương hiện nay như sau:

Thứ nhất quy định về chế độ nghỉ không lương.

Trong cuộc sống có đôi khi người lao động không thể tránh khỏi có công việc riêng mà xin nghỉ, pháp luật quy định tạo điều kiện để người lao động có thể xin nghỉ để làm việc riêng của họ, trong đó có những ngày nghỉ vẫn được hưởng lương và ngoài ra còn có thể xin nghỉ không lương. Cụ thể Điều 115 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định về chế độ nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:

– Những trường hợp xin nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động bao gồm:

+ Được nghỉ việc có hưởng lương 03 ngày khi người lao động kết hôn.

+ Được nghỉ việc có hưởng lương 01 ngày khi con của người lao động kết hôn.

+ Được nghỉ việc có hưởng lương 03 ngày trong trường hợp có người thân trong nhà là vợ, chồng; cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ; cha, mẹ chồng; cha, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi qua đời.

– Trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng nhưng không được hưởng lương và phải thông báo với người sử dụng lao động bao gồm:

+ Nghỉ việc 01 ngày không hưởng lương khi trong nhà có người thân là ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội, anh, chị, em, ruột qua đời; hoặc khi bố hoặc mẹ kết hôn, anh, chị, em ruột kết hôn. Trước khi nghỉ người lao động phải thực hiện thông báo đến người sử dụng lao động được biết.

+ Trong trường hợp vì những lý do khác thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Như vậy người lao động có thể xin nghỉ không hưởng lương trong 02 trường hợp: Một là liên quan đến công việc của người thân trong nhà đã được pháp luật quy định cụ thể; Hai là do thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Thứ hai về thời hạn xin nghỉ không lương theo quy định của pháp luật.

Thời hạn nghỉ không hưởng trong trường hợp bận công việc gia đình của người lao động khi có người thân qua đời hoặc kết hôn là 01 ngày và phải thông báo cho người sử dụng lao động được biết.

Ngoài ra, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian nghỉ không hưởng lương của mình. Pháp luật không giới hạn và cũng không quy định về thời gian xin nghỉ không hưởng lương đối đa của người lao động. Như vậy có nghĩa là người lao động nếu muốn nghỉ việc không hưởng lương thì chỉ cần thương lượng, thỏa thuận rõ ràng với người sử dụng lao động và đạt được sự thống nhất giữa hai bên về thời gian nghỉ của mình là được.

Trong Bộ luật lao động cũng quy định về việc người lao động nghỉ không phép, không báo trước và được sự chấp thuận của người sử dụng lao động 05 ngày cộng dồn trong vòng 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày thì có thể phải chịu xử lý kỷ luật. Cho nên để tránh những hiểu lầm không cần thiết và để đảm bảo quyền và lợi ích của mình thì người lao động cần phải thỏa thuận rõ ràng với người sử dụng lao động, để tránh ảnh hưởng đến công việc và cả lợi ích của hai bên.

Luật lao động luôn tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động có thể làm việc, gắn bó lâu dài với nhau cho nên pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận dựa trên ý chí tự nguyện và đảm bảo lợi ích của các bên, chỉ cần thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội.

Thứ ba về quyền lợi của người lao động trong thời gian nghỉ không lương.

– Về quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Tuy pháp luật không giới hạn về số ngày nghỉ không hưởng lương tối đa của người lao động tuy nhiên nếu trong trường hợp nghỉ không lương dài ngày thì người lao động cũng phải chú ý đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình.

Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định thời gian tính là tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là: người lao động không làm việc và không hưởng lương thời gian từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không được đóng bảo hiểm xã hội tháng đó và đồng thời thời gian nghỉ việc này cũng không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản).

Như vậy người lao động nếu nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn 14 ngày trong tháng thì tháng đó công ty sẽ không đóng bảo hiểm xã hội, và doanh nghiệp cũng sẽ không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, và tháng nghỉ việc này sẽ được coi là tháng không tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

– Về quyền lợi khi nghỉ không lương trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.

Trong trường hợp người lao động xin nghỉ không hưởng lương mà thời gian này lại trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ tết thì quyền lợi của người lao động vẫn sẽ được giải quyết. Do ngày nghỉ lễ, nghỉ tết ngay từ đầu đã được coi là ngày nghỉ làm và được hưởng nguyên lương của người lao động. Những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết này bao gồm:

+ Tết Dương lịch (ngày 01 tháng Một hàng năm): 01 ngày

+ Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch): 05 ngày.

+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày mùng 10 Tháng Ba âm lịch hàng năm): 01 ngày.

+ Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (ngày 30 tháng Tư dương lịch hàng năm): 01 ngày.

+ Ngày Quốc tế Lao động (ngày mùng 01 tháng Năm dương lịch hàng năm): 01 ngày.

+ Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( ngày mùng 02 tháng Chín dương lịch hàng năm): 02 ngày.

Trong trường hợp lao động là người nước ngoài đang lao động ở Việt Nam thì ngoài những ngày lễ trên người lao động này còn được nghỉ thêm 01 ngày vào ngày Tết cổ truyền và 01 ngày vào ngày Quốc khánh của quốc gia họ.

Như vậy cho dù người lao động xin nghỉ không hưởng lương thì trong những ngày lễ, tết kể trên người lao động vẫn được hưởng nguyên lương, vì đây đương nhiên là ngày được nghỉ làm mà vẫn có lương của họ. Mức tiền lương sẽ là tiền lương của người lao động trong hợp đồng, chia cho số ngày làm việc trong tháng, nhân với số ngày người lao động được nghỉ lễ, tết.

Ví dụ: chị A xin công ty nghỉ việc không lương 01 tháng từ ngày 15 tháng Tư đến ngày 15 tháng Năm, đã được công ty chấp thuận. Trong 30 ngày nghỉ việc của chị A có hai ngày nghỉ lễ được pháp luật quy định đó là ngày Chiến thắng Giải phóng miền Nam (30 tháng Tư) và ngày Quốc tế Độc lập (mùng 01 tháng Năm). Như vậy chị A vẫn sẽ được hưởng nguyên lương của 02 ngày này.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về vấn đề Chế độ nghỉ không lương? Nghỉ không hưởng lương tối đa bao nhiêu ngày? Ngoài ra bạn có thể tham khảo các dịch vụ khác của Luật Dương Gia trong lĩnh vực lao động như sau:

Mục lục bài viết

  • 1 1. Có được làm thêm trong thời gian nghỉ không hưởng lương?
  • 2 2. Quy định về việc cho công chức nghỉ không hưởng lương
  • 3 3. Viên chức có được xin nghỉ không hưởng lương?
  • 4 4. Quy định về việc nghỉ không hưởng lương của viên chức

1. Có được làm thêm trong thời gian nghỉ không hưởng lương?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi đang làm việc tại một công ty đến nay đã được 13 năm. Hợp đồng lao động của tôi là không thời hạn. Tháng 11 năm 2017, tôi làm đơn xin nghỉ không hưởng lương 2 tháng để giải quyết công việc gia đình. Tuy nhiên về phía công ty lại giải quyết cho tôi nghỉ 3 tháng từ 15 tháng 11 năm 2017 đến 15 tháng 2 năm 2018 và có nói lý do là chủ trương của công ty. Xin hỏi trong thời gian nghỉ không hưởng lương để giải quyết việc gia đình những lúc rảnh rỗi tôi có được phép đi làm thêm để cải thiện thu nhập cho gia đình không. Về mặt Đảng và Chính quyền tôi có sai phạm gì không. Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 115 “Bộ luật lao động 2019” có quy định về việc nghỉ không hưởng hương như sau:

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Co-duoc-lam-them-trong-thoi-gian-nghi-khong-huong-luong

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:19006568

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Như vây, bạn hoàn toàn có thể xin nghỉ không hưởng lương và thỏa thuận với cơ quan nơi bạn làm về vấn đề nghỉ không hưởng lương. Pháp luật hiện hành không quy định về thời gian nghỉ không hưởng lương tối đa là bao nhiêu vì thế thời gian nghỉ ở đây hoàn toàn do hai bên tự thỏa thuận với nhau. Đồng thời, bạn có thể thỏa thuận với cơ quan bạn về vấn đề đi làm thêm trong thời gian nghỉ không hưởng hương. Việc làm thêm của bạn phải không vi phạm đến nghĩa vụ lao động của bạn đối với cơ quan bạn đang làm. Nếu cơ quan bạn đồng ý thì bạn hoàn toàn có thể đi làm thêm trong thời gian nghỉ không hưởng lương để tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời bạn cũng không sai phạm gì về mặt Đảng cũng như về mặt chính quyền.

2. Quy định về việc cho công chức nghỉ không hưởng lương

Tóm tắt câu hỏi:

1. Thẩm quyền cho chuyên viên (công chức) cấp Phòng (cụ thể là Phòng LĐTBXH trực thuộc UBND cấp huyện) nghỉ không lương?

2. Thời gian nghỉ không lương quy định cụ thể là bao nhiêu tháng? Chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

1. Thẩm quyền cho chuyên viên (công chức) cấp Phòng (cụ thể là Phòng LĐTBXH trực thuộc UBND cấp huyện) nghỉ không lương? 

Căn cứ Điều 13 Luật cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi như sau:

Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Điều 115 “Bộ luật lao động năm 2019” quy định về việc nghỉ không lương như sau:

“…

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Theo quy định “Bộ luật lao động 2019”, người có thẩm quyền ở đây là người sử dụng lao động. Như vậy, người có thẩm quyền cho công chức nghỉ không hưởng lương là Thủ trưởng cơ quan nơi người đó làm việc. Cụ thể đối với chuyên viên phòng lao động thương binh xã hội là Trưởng phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện.

2. Thời gian nghỉ không lương quy định cụ thể là bao nhiêu tháng?

Căn cứ Điều 115 “Bộ luật lao động 2019” quy định nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì hiện không có quy định về thời hạn nghỉ không hưởng lương tối đa bao lâu nên việc bạn được nghỉ không lương bao lâu tùy vào việc thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan và nội quy cơ quan nếu có.

3. Viên chức có được xin nghỉ không hưởng lương?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi là giáo viên nhưng vì lý do cá nhân nên muốn xin nghỉ dạy 3 tháng không hưởng lương (tháng 8, 9 và tháng 10). Xin hỏi Luật sư như vậy có được hay không? Trường hợp của tôi nhà trường giải quyết bằng cách: Không cắt lương của tôi trong bảng lương và sử dụng lương của tôi để chi trả cho giáo viên dạy thay. Xin hỏi như vậy có đúng với qui định hay không? Cách giải quyết hợp lý nhất là như thế nào?

Rất mong được sự hồi đáp ! Xin cám ơn.

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, viên chức có được nghỉ không hưởng lương không?

Căn cứ Điều 13 Luật viên chức 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định quyền của viên chức về nghỉ ngơi như sau:

“1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.

2. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Đối với lĩnh vực sự nghiệp đặc thù, viên chức được nghỉ việc và hưởng lương theo quy định của pháp luật.

4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.”

Căn cứ Điều 115 “Bộ luật lao động 2019” quy định nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương thì viên chức có quyền xin nghỉ không hưởng lương và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị nơi người này đang làm việc.

Thứ hai, đối với việc trả lương:

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP quy định chế độ trả lương như sau:

“Chế độ trả lương gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; nguồn trả lương và theo quy chế trả lương của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau khi trao đổi với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế trả lương để thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Quy chế trả lương phải được gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, kiểm tra và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị”.

Như vậy, theo quy định trên khi bạn xin nghỉ dạy và không hưởng lương thì nơi bạn đang công tác phải báo với đơn vị chi trả tiền lương hàng tháng để báo giảm. Việc nhà trường bạn không báo cắt giảm và sử dụng tiền lương của bạn vào quỹ nhà trường là hành vi trái quy định pháp luật trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước. 

4. Quy định về việc nghỉ không hưởng lương của viên chức

Tóm tắt câu hỏi:

Em là giáo viên mầm non được biên chế, em đóng bảo hiểm từ năm 2003, đến 6/2/2020 em làm thụ tinh ống nghiệm em xin nghỉ không lương 9 tháng đến 6/10/2020. Em xin Luật Dương Gia tư vấn cho em nghỉ như vậy có gì bất lợi và được hưởng chế độ bảo hiểm như thế nào trong thời gian thai sản. Mong Luật Dương Gia tư vấn giúp: Em nghỉ cả năm liền hay nghỉ 3 tháng sau đó hè em được nghỉ hè 2 tháng 6 và tháng 7 và đến tháng 8 em xin nghỉ từ tháng 8 đến hết tháng 6/10/2017 có được không? Nghỉ như thế có ảnh hưởng gì đến việc tham gia bảo hiểm và chế độ nâng lương thường xuyên sau này? Dương Gia chỉ giúp em!

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Điều 13 Luật Viên chức 2010 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định quyền của viên chức về nghỉ ngơi thì đối với viên chức ngoài các ngày nghỉ hằng năm, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng theo quy định của “Bộ luật lao động 2019” thì còn được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

Căn cứ Điều 139 “Bộ luật lao động 2019” quy định Nghỉ thai sản như sau:

1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng“.

Theo quy định trên, lao động nữ được nghỉ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. 

Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”

Theo quy định trên, bạn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản.

Thứ hai, việc tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn:

Căn cứ Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: “3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”

Trường hợp bạn nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì đây được xem là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì sẽ không được tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

quy-dinh-ve-viec-nghi-khong-huong-luong-cua-vien-chuc

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568

Thứ ba, Về việc nâng lương:

Căn cứ Điểm b) Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV quy định như sau:

“Điều 2. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư này, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây gọi là chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong suốt thời gian giữ bậc lương như sau:

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:

– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

– Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

– Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác ngoài quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Tổng các loại thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm này (nếu có) được tính tròn tháng, nếu có thời gian lẻ không tròn tháng thì được tính như sau: Dưới 11 ngày làm việc (không bao gồm các ngày nghỉ hằng tuần và ngày nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động) thì không tính; từ 11 ngày làm việc trở lên tính bằng 01 tháng.”

Như vậy, trường hợp bạn nghỉ thai sản trong thời gian theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì vẫn được xét vào thời gian nâng bậc lương thường xuyên. 

Từ khóa » Xin Nghỉ Không Lương Dài Hạn