Chỉ Số Giá Tiêu Dùng, Chỉ Số Giá Vàng Và Chỉ Số Giá đô La Mỹ Tháng 12 ...
Có thể bạn quan tâm
Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019[1]. Tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2020 giảm 0,74% so với năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
a) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Mười Hai tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 2,45% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/11/2020, thời điểm 11/12/2020 và thời điểm 26/12/2020 làm giá xăng, dầu tăng 6,52% (tác động làm CPI chung tăng 0,23%), bên cạnh đó, giá xe máy tăng 0,18%, giá phụ tùng tăng 0,03% và giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,3% do nhu cầu mua sắm, sửa chữa cuối năm tăng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01% do nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép và nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình tăng khi thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13% do nhu cầu phục vụ Giáng sinh, Tết Dương lịch năm 2021 và chuẩn bị nguồn hàng đón Tết Nguyên đán sắp tới [2]; nhóm giáo dục và nhóm thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,41% (trong đó, lương thực tăng 0,43% do giá gạo tăng 0,64%[3]; thực phẩm giảm 0,77%[4]); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1% do các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa[5]; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% chủ yếu do thời tiết lạnh ở các tỉnh phía Bắc và dịu mát ở các tỉnh miền Nam nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm làm cho chỉ số giá điện giảm 1,38%, chỉ số giá nước giảm 0,03%, mặt khác, giá gas tăng 1,87%, giá nhóm vật liệu, bảo dưỡng nhà ở tăng 0,17% và giá dầu hỏa tăng 9,45%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông không thay đổi.
Tính chung quý IV/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục tăng 3,82% (dịch vụ giáo dục tăng 4,17%); đồ uống và thuốc lá tăng 1,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,79%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,54%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,2%. Ba nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là giao thông giảm 12,82%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,28%; bưu chính viễn thông giảm 0,55%.
CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%; CPI tháng 12/2020 tăng 0,19% so với tháng 12/2019, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[6]. CPI bình quân năm 2020 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Giá các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,17%), trong đó giá gạo tăng 5,14% do giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng; (ii) Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 12,28% so với năm trước (làm CPI chung tăng 2,61%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23% (làm CPI chung tăng 1,94%); (iii) Giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao; (iv) Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2020 tăng 4,32% so với năm 2019.
Bên cạnh đó có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020: (i) Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,83%); giá dầu hỏa giảm 31,21%; giá gas trong nước giảm 0,95% do ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới; (ii) Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 6,24% so với năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm[7]; (iii) Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và tháng 6 năm nay giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước; (iv) Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định thị trường.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm nhanh trong những ngày đầu tháng 12 sau khi đạt đỉnh bởi thông tin vắc-xin Covid-19 được nhiều quốc gia phê duyệt và Mỹ có thể sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng trở lại trong những ngày gần đây sau khi Quốc hội Mỹ thống nhất về gói kích thích kinh tế 900 tỷ USD. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 26/12/2020 giảm 0,42% so với tháng 11/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,83% so với tháng trước; tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 28,05% so với năm 2019.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm sau khi gói kích thích kinh tế đã được Quốc hội Mỹ thống nhất. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,23% so với tháng trước và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 giảm 0,02% so với năm 2019.
c) Chỉ số giá sản xuất
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2020 tăng 0,88% so với quý trước và tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 1,01% và tăng 11,3%; lâm nghiệp tăng 0,11% và giảm 0,1%; thủy sản tăng 0,56% và giảm 1,63%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,24% so với năm 2019, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 11,87%; lâm nghiệp giảm 0,19%; thủy sản giảm 1,29%.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý IV/2020 tăng 0,1% so với quý trước và giảm 0,78% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 0,33% và giảm 10,42%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,09% và giảm 0,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,36% và giảm 1,96%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,44% và tăng 2,38%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,6% so với năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 8,76%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,23%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,32%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,65%.
Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý IV/2020 tăng 0,66% so với quý trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất dịch vụ của một số ngành như sau: Giáo dục và đào tạo tăng 2,03% và tăng 2,84%; dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,28% và giảm 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,02% và giảm 0,04%; y tế và trợ giúp xã hội không thay đổi so với quý trước và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá sản xuất dịch vụ giảm 0,73% so với năm 2019, trong đó chỉ số giá sản xuất vận tải, kho bãi giảm 5,21%; thông tin và truyền thông giảm 3,24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,8%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 2,01%; giáo dục và đào tạo tăng 3,47%.
d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý IV năm nay tăng 0,54% so với quý trước và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 2,39% và giảm 0,46%; nhóm nhiên liệu tăng 3,72% và giảm 25,81%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 0,15% và giảm 0,32%. Chỉ số giá xuất khẩu quý IV so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng như sau: Quặng và khoáng sản tăng 6,02% và giảm 1,07%; hạt điều tăng 5,75% và tăng 3,2%; xăng dầu các loại tăng 5,21% và giảm 18,81%; gạo tăng 4,52% và tăng 12,21%; dầu thô tăng 3,62% và giảm 30,26%; chè tăng 0,24% và tăng 11,24%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 2,82% và giảm 1,94%; điện thoại và thiết bị di động giảm 1,65% và giảm 2,51%; than đá giảm 0,48% và giảm 0,51%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 1,32% so với năm 2019, trong đó nông sản, thực phẩm giảm 2,32%; nhiên liệu giảm 27,03%; hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,02%. Chỉ số giá xuất khẩu năm 2020 của một số mặt hàng: Dầu thô giảm 31,78%; xăng dầu các loại giảm 19,15%; hàng thủy sản giảm 6,01%; sắt thép giảm 5,68%; chè tăng 10,11%; quặng và khoáng sản tăng 7,43%; gạo tăng 4,78%.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý IV năm nay tăng 0,38% so với quý trước và giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 0,23% và tăng 1,05%; nhóm nhiên liệu tăng 3,25% và giảm 0,7%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 0,28% và giảm 0,56%. Chỉ số giá nhập khẩu quý IV của một số mặt hàng như sau: Khí đốt hóa lỏng tăng 18,55% so với quý trước và giảm 7,73% so với cùng kỳ năm trước; kim loại thường khác tăng 3,47% và giảm 0,59%; xăng dầu các loại tăng 2,52% và giảm 0,12%; thủy sản tăng 0,56% và giảm 1,88%; dầu mỡ động thực vật giảm 1,09% và tăng 12,78%; lúa mỳ giảm 0,58% và tăng 2,23%. Tính chung cả năm 2020, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,59% so với năm 2019, trong đó nông sản, thực phẩm tăng 0,93%; nhiên liệu giảm 2,88%; hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,56%. Chỉ số giá nhập khẩu năm 2020 của một số mặt hàng: Khí đốt hóa lỏng giảm 12,96%; hóa chất giảm 6,89%; kim loại thường khác giảm 3,35%; xăng dầu các loại giảm 2,65%; sản phẩm từ giấy tăng 10,67%; dầu mỡ động thực vật tăng 9,01%.
Tỷ giá thương mại hàng hóa[8] quý IV năm nay tăng 0,15% so với quý trước và giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, tỷ giá thương mại hàng hoá giảm 0,74% so với năm 2019, trong đó tỷ giá thương mại mặt hàng xăng, dầu các loại giảm 16,95%; sắt, thép giảm 5,85%; thủy sản giảm 4,3%; rau quả giảm 2,14%; hóa chất tăng 7,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 1,46%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,44%; cao su tăng 0,22%.
[1] Tốc độ tăng CPI bình quân các năm so với năm trước giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79%; 3,23%.
[2] Giá mặt hàng rượu các loại tăng 0,14%; bia các loại tăng 0,16% và thuốc lá tăng 0,08%.
[3] Chủ yếu tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước và nhu cầu dự trữ gạo dịp cuối năm (tác động làm CPI chung tăng 0,02%).
[4] Do giá thịt lợn giảm 1,65%; giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm (giá thịt quay, giò chả giảm 0,6%; nội tạng động vật giảm 0,86%; mỡ ăn giảm 1,59%); giá thịt gia cầm giảm 0,38%, giá các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi giảm 3,6%; giá rau tươi giảm 4,12%.
[5] Giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm 0,12%; giá khách sạn, nhà khách giảm 0,11%.
[6] Tốc độ tăng CPI tháng Mười Hai so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 4,74%; 2,6%; 2,98%; 5,23%; 0,19%.
[7] Giá vé máy bay giảm 34,7%; giá vé tàu hỏa giảm 2,12%.
[8] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.
Từ khóa » Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Năm 2020
-
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) NĂM 2020
-
CPI - Ngân Hàng Nhà Nước
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Tại Việt Nam - Chubb
-
Năm 2021 Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Tăng 1,84% So Với Năm 2020, Mức ...
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Tháng 11/2021 Tăng 0,32% - Bộ Tài Chính
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (CPI) Tháng 6/2021 Tăng 0,19% So Với Tháng Trước
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Năm 2021 Tăng 1,84% - Bộ Công Thương
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng - Cổng Thông Tin Thành Phố Hồ Chí Minh
-
CSGTD Tháng 8 Năm 2020 Tỉnh Bắc Ninh
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Năm 2021 Tăng Thấp Nhất Kể Từ Năm 2016 đến Nay
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Hàng Tháng
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng (CPI) Việt Nam Năm 2020 | Ước Tính 2021
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng - Consumer Price Index - UBND Tỉnh Nghệ An
-
Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Quý 1 Năm 2022 Tăng So Với Cùng Kỳ Năm 2021