Chia Tách Doanh Nghiệp Và Các Vấn đề Pháp Lý Liên Quan

Khi một doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn rất dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong việc quản lý. Để đảm bảo doanh nghiệp phát triển phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn một trong hai hình thức chia, tách doanh nghiệp giúp việc quản lý đạt hiệu quả nhất. Khi chia và tách doanh nghiệp như vậy sẽ có những vấn đề pháp lý gì? Sau đâu Luật HÙNG PHÚC xin gửi tới các bạn các nội dung pháp lý liên quan đến vấn đề chia, tách doanh nghiệp:

1. Khái niệm chia, tách doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ có Công ty cổ phần (CTCP) và Công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH) mới được phép chia, tách doanh nghiệp.

Chia doanh nghiệp là hình thức CTCP hoặc Công ty TNHH chia các cổ đông hoặc thành viên và tài sản để thành lập hai hay nhiều công ty mới và chấm dứt hoạt động của công ty bị chia.

Tách doanh nghiệp là hình thức CTCP hoặc Công ty TNHH tách một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị tách để thành lập một hoặc một số  CTCP hoặc Công ty TNHH mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

2. Các trường hợp chia, tách doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp:

Công ty có thể chia doanh nghiệp để thành lập hai hay nhiều công ty mới trong một trong các trường hợp sau:

– Chia một phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia tương ứng với giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.

– Chia toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới.

– Kết hợp chia theo cả hai trường hợp trên.

Tách doanh nghiệp:

Công ty có thể tách doanh nghiệp theo một trong ác phương thức sau:

– Tách một phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng với giá trị tài sản dược chuyển cho công ty mới.

– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

– Kết hợp tách theo cả hai phương thức trên.

Theo đó chia hay tách doanh nghiệp giống nhau ở phương thức có thể chia hoặc tách một phần vốn góp, cổ phần của các thành viên kết hợp với tài sản của công ty bị chia hoặc tách để thành lập công ty mới; cũng có thể chia hoặc tách toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông của công ty bị chia hoặc tách để thành lập công ty mới.

3. Giải quyết các khoản nợ chưa thanh toán sau khi chia, tách doanh nghiệp

Đối với trường hợp chia doanh nghiệp, sau khi chia doanh nghiệp xong các công ty mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty bị chia sẽ chấm dứt tồn tại. Do đó, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này. Như vậy công ty bị chia không còn nghĩa vụ gì phải thanh toán.

Đối với trường hợp tách doanh nghiêp, sau khi tách doanh nghiệp xong công ty bị tách vẫn tồn tại. Do đó, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.

4. Thủ tục chia, tách doanh nghiệp

– Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia/tách phải tổ chức họp và thông qua nghị quyết về việc chia/tách công ty.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết chia/tách công ty phải gửi bản nghị quyết đến các chủ nợ và thông báo cho người lao động.

– Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ công ty, bổ nhiệm hoặc bầu các chức danh gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cho công ty mới.

– Sau đó chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chia tách doanh nghiệp.

– Nộp hồ sơ đã chuẩn bị cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia/tách đặt trụ sở.

– Sau 3 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp mới.

– Đồng thời Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật tình trạng chấm dứt hoạt động của công ty cũ trên Cổng thông tin quốc gia nếu đó là trường hợp chia doanh nghiệp.

– Công ty mới khắc dấu và thông báo mẫu con dấu của mình.

5. Hồ sơ chia, tách doanh nghiệp

– Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp mới

– Điều lệ của công ty mới

– Danh sách thành viên, cổ đông sáng lập của công ty mới (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và CTCP)

– Biên bản họp của của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên về việc chia/tách công ty.

– Nghị quyết chia/tách doanh nghiệp

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của công ty bị chia/tách

– Bản sao hợp lệ  các giấy tờ sau:

+ Giấy chứng minh nhân dân (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực đối với thành viên là cá nhân;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên là tổ chức, kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức.

Xem thêm:

  • Fanpage: Văn phòng Luật sư Hùng Phúc
  • Điều kiện và thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

Luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Công ty Luật TNHH Hùng Phúc

0979 80 1111 - 0984 62 4444

Theo dõi Luật Hùng Phúc trên YouTube

TẠI ĐÂY

Từ khóa » Tách Doanh Nghiệp Khi Nào