Chiến Công Của Một 'bà Má Hậu Giang'

Cách nay mấy năm, mẹ đã được nhận danh hiệu 60 năm tuổi Đảng. Lần đầu biết mẹ là lần chúng tôi cùng các Mạnh Thường Quân của Báo CAND cùng Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, bấy giờ là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V - Bộ Công an, về Xà Phiên tặng quà Tết cho các gia đình chính sách nghèo ở vùng căn cứ Cách mạng. Xong, Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh mời cả đoàn “tạt” qua Vĩnh Thuận Đông để thăm một “bà má Hậu Giang”.

Sau khoảng hai cây số di chuyển, chúng tôi rời xuồng máy, lên bờ và bước vào căn nhà nhỏ, nằm sát bờ kênh Ba Doi. Thật bất ngờ khi Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh cho biết mẹ Minh, chủ nhà chính là… mẹ vợ của ông.

Nhìn từ bên ngoài, tôi không thấy có gì khác dù đó là nhà của một Mẹ VNAH, lại cũng là mẹ của một vị tướng Anh hùng. Nó cũng nghèo và đơn sơ chẳng khác những căn nhà của người dân mà tôi thấy hai bên bờ kênh trên đường di chuyển tới đây.

Trong nhà có treo bằng Tổ quốc ghi công ghi tên Liệt sĩ Trịnh Quốc Minh, hy sinh ngày 17/7/1962. Đó chính là chồng của mẹ Minh. Mẹ Minh kể: “Trước lúc hy sinh, ông là Bí thư Chi bộ xã. Còn thằng Việt, con trai áp út của má (liệt sĩ Trịnh Quốc Việt – PV) khi hy sinh - cận Tết 1973, nó mới 19 tuổi. Lúc đó nó là trinh sát An ninh vũ trang huyện”.

Chồng, con lần lượt hy sinh, mẹ đau thắt ruột. Nhưng với bản lĩnh của một người từng tham gia Cách mạng từ tháng 2-1945, được vinh dự kết nạp Đảng vào năm 1949, lại đang là cơ sở mật của Ban An ninh huyện, mẹ đã cố nén đau thương, biến nỗi đau thành hành động.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Minh (thứ hai từ trái sang) lúc còn khỏe.

Nhà mẹ Minh thời chiến tranh có lúc chỉ cách đồn Bến Ruộng của địch hơn 200m. Vào năm 1967, mẹ được lãnh đạo Ban An ninh và Huyện đội Long Mỹ tuyển chọn, giao nhiệm vụ quan trọng là… mang bom đi đánh cầu Nàng Mau và cầu Phú Xuyên nhằm cắt sự chi viện của địch từ Vùng IV chiến thuật đến chiến trường Chương Thiện và Chi khu Đức Long – Long Mỹ.

Nhận nhiệm vụ, mẹ chọn người tin cậy để cùng thực hiện kế hoạch của tổ chức. Cuối cùng, mẹ quyết định chọn bà Nguyễn Thị Lầu, hiện còn sống, ở cạnh nhà.

Bà Lầu là một phụ nữ nông dân, cũng có chồng hy sinh tương tự như mẹ Minh. “Công việc chuẩn bị đã cơ bản nhưng lòng chợt băn khoăn, đó là 4 con của má lúc đó còn nhỏ quá. Nếu mình hy sinh hay bị địch bắt, chúng dựa vào ai đây. Nhưng rồi má lại cũng suy nghĩ, đây không phải chỉ là thực hiện nhiệm vụ do tổ chức giao mà còn là cơ hội để mình trả thù nhà, trả thù cho quê hương…” - mẹ Minh kể tiếp.

Tự giải tỏa được sự băn khoăn thầm kín trong lòng mình xong, mẹ Minh tiến hành thực địa, nghiên cứu quy luật canh phòng của bọn địch tại 2 cầu, nghiên cứu lưu lượng dân đi lại để chọn thời điểm ra tay thuận lợi, không làm ảnh hưởng bà con; nghiên cứu dòng chảy trên 2 sông Nàng Mau và Phú Xuyên - Long Mỹ…. Rồi mẹ quyết định chọn phương tiện đánh địch là một chiếc ghe tam bản, dùng máy Kole 7. Để tránh sự nghi ngờ, dò xét của địch, mẹ đề xuất phương án ngụy trang là phía trên chở trấu, dưới ghe chở bom.

Mấy trái bom nặng tới nửa tấn có được là do cán bộ mình đào lấy bom lép của địch đem về, chuyển vào công trường cải tiến đặt đồng hồ hẹn giờ. “Khi sinh hoạt nghiệp vụ cho má, cấp trên có nói là độ an toàn của trái bom không cao. Trong khi đó, chặng đường di chuyển đến các mục tiêu khá xa (trên 5km), lại phải vòng vèo đi qua những đoạn kênh, rạch nhỏ, nhiều đoạn bị cạn hoặc đầy lục bình, rác rến. Đáng ngại hơn hết là để đến được mục tiêu, ghe máy của má phải đi ngang qua 5 đồn, chốt canh của địch… Tổ chức trấn an, động viên bản thân phải chấp nhận rủi ro. Thật lòng, lúc đó má hết lo sợ gì nữa nhất là khi được biết, nếu mình đánh sập được cầu sẽ góp phần bẻ gãy ý đồ chi viện quy mô của địch. Tổ chức động viên má; má quay qua động viên bà Lầu”.

Khoảng 1h30 ngày 20/12/1968, khi ghe máy di chuyển sát gầm cầu Nàng Mau, mẹ Minh dùng chân kìm cần lái, tay nhanh nhảu cắt dây neo hạ bom xuống đáy sông. Lát sau, một tiếng nổ lớn, làm chấn động cả vùng xung quanh. Tuy nhiên, lần nổ ấy chỉ làm hư móng chứ không làm cầu sập…

Đúng 1 tuần sau đó, lúc 6 giờ sáng, rút kinh nghiệm của trận đánh trước, mẹ Minh chạy áp sát hơn vị trí trụ cầu Phú Xuyên – Long Mỹ, rồi cắt dây. 45 phút sau, lại một tiếng nổ chấn động. Sáu tên tính chết tại chỗ, 10 tên khác bị thương. Trong khi bọn địch còn chưa hoàn hồn sau khi bị thiệt hại trong vụ “tấn công sập cầu”, thì tối 26/12/1968, bộ đội chủ lực của ta tiến hành tấn công vào Chi khu Long Mỹ. Và địch thật sự bị động trong việc thực hiện chi viện, đúng như ta đã nắm tình hình và dự báo trước đó.

Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh cho biết, hiện tại Mẹ VNAH Lê Thị Minh có tất cả 16 con, cháu nội ngoại (cả dâu, rể) là đảng viên, trong đó có 12 sĩ quan CAND. Công an tỉnh Hậu Giang cũng đang làm hồ sơ, đề nghị công nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho mẹ. “Sức khỏe của má tôi gần đây giảm sút rõ rệt nhưng mỗi lần tỉnh táo, bà vẫn hay nhắc con, nhắc cháu trong cuộc sống cũng như công việc hãy luôn giữ đạo đức Cách mạng theo như tấm gương của Bác Hồ, hãy luôn biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, nhất là đồng chí, đồng đội; dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp Cách mạng…” – Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh kể.

Từ khóa » Bà Má Hậu Giang Là Ai