"Chiến đấu" Với Rừng Sâu, Sóng Núi để Chinh Phục Hòn Vọng Phu ...

Facebook Instagram Linkedin Twitter Youtube TÌM KIẾM Thứ tư, Tháng mười hai 25, 2024 FacebookInstagramTwitterYoutube Trang chủ Du lịch Hành trình - Điểm đến “Chiến đấu” với rừng sâu, sóng núi để chinh phục Hòn Vọng... FacebookTwitterWhatsAppLinkedin

(SGTTO) - Tiếp giáp giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa là một dãy núi sừng sững nằm tựa lên cao nguyên M’Drắk, tạo nên cảnh quan đẹp mắt với đỉnh Chư H’Mu và hòn Vọng Phu.

Hòn Vọng Phu có độ cao 2.051m và nổi trội với hai khối đá hoa cương nằm cạnh nhau, goi là Hòn Mẹ và Hòn Con. Người dân đặt cái tên Vọng Phu vì trông giống hình ảnh người mẹ bồng con chờ chồng. Hành trình chinh phục hòn Vọng Phu băng suối, băng rừng và đi dọc sóng núi sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm xen lẫn cảm giác mạo hiểm.

Vượt dòng sông Hinh
Hòn Vọng Phu trên đỉnh Chư H’Mu nhìn từ xa. Ảnh: Đặng Dũ Hòa

Lối thuận tiện nhất cho việc chinh phục hòn Vọng Phu là đi từ hướng Đắk Lắk, tiến sâu vào rừng với điểm xuất phát từ thôn 9 xã Ea M'Doal, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Thử thách đầu tiên là vượt dòng sông Hinh huyền thoại. Ảnh: Đặng Dũ Hòa

Thử thách đầu tiên du khách gặp phải khi vừa ra khỏi thôn 9 là vượt dòng sông Hinh. Tốt nhất du khách nên chuẩn bị kỹ áo phao, dây để tránh rủi ro.

Sau khi vượt sông Hinh, du khách tới bìa rừng với độ cao khoảng 200m so với mực nước biển. Đoạn này đường đi khá nhẹ nhàng, dốc không cao và chỉ cần bước theo những lối mòn của những người đi rừng. Dù vậy, du khách sẽ gặp những ngã rẽ và đường cũng khá xa, với sức lực của người hay đi trekking thường xuyên thì mất khoảng hơn 8 tiếng để đến được chân núi lớn. Đường dài nên người đi phải phân phối thể lực đều độ để không mất sức và kịp giờ đến điểm cắm trại sát chân núi.

Chân núi lớn cao khoảng 800m, có một bãi cắm trại ven suối, khung cảnh thoáng đãng. Vì địa hình không có độ bằng phẳng phù hợp để dựng lều, du khách có thể dùng võng dã chiến. Điều thích nhất ở đây là con suối trong lành, có thể dùng nước suối nấu sôi để uống.

Vượt dốc
Một điểm dừng nghỉ của nhóm khách du lịch đi trekking khi đến độ cao gần 1.800m. Ảnh: Đặng Dũ Hòa

Sau chặng đường từ thôn vào chân núi lớn, tiếp theo lại là một thử thách cho du khách với địa hình hoàn toàn mới: vượt dốc. Muốn từ chân núi lớn lên đỉnh của 2 khối đá to chỉ có một đường duy nhất, đó là du khách phải đi trên sóng lưng núi rất hẹp với độ dốc đứng. Hai bên dốc sẽ là... 2 vực thẳm nhưng đoạn này có nhiều cây to xung quanh che chắn nên cũng giảm đi phần nào sự hồi hộp.

Trên sóng lưng núi, du khách có thể phóng tầm mắt ra khung cảnh những dãy núi hùng vĩ, nhiều người sẽ có cảm giác bản thân thật nhỏ bé so với thiên nhiên xung quanh. Du khách sẽ tiếp tục vượt từ độ cao khoảng 800m lên thẳng độ cao chừng 1.800m mà không có điểm dừng nghỉ cho đoàn đông người. Vì vậy người đi chinh phục cần lưu ý mang đồ đạc gọn nhẹ để đỡ mất sức.

Khi con dốc lớn đã ở sau lưng và độ cao đã khoảng 1.800m, địa hình bằng phẳng và rộng hơn với những cây thông to, cây pơ mu quý hiếm, những đệm mùn thực vật. Nơi đây cũng có khe suối nhỏ nên vào mùa mưa du khách có thể sử dụng nước suối sinh hoạt. Ban đêm trời lạnh, do đó bạn phải dùng những túi ngủ tốt mới có thể chợp mắt.

Độ cao 1.800m cây to vẫn khá rậm rạp nên du khách sẽ khó nhìn thấy đỉnh núi dù đang cận kề. Để tiếp tục lên độ cao 1.900m, du khách phải đi ngang trên lưng dãy núi với những tảng đá to, những hang động, hốc đá, những cây tùng với tư thế uốn éo và vô số loài lan rừng bám trên cây. Khung cảnh huyền ảo như lạc vào khu rừng cổ tích cộng thêm chút ma mị của sương mờ khiến bạn luôn bị lôi cuốn bởi cảnh vật nơi đây.

Một cây tùng với tư thế uốn éo tự nhiên và vô số loài lan rừng bám trên cây. Ảnh: Đặng Dũ Hòa

Đến gần 2 hòn đá hơn nữa, du khách sẽ gặp một khu vực có những tảng đá to xếp chồng lên nhau như toà lâu đài hay mê cung đá. Nơi đây không có lối mòn mà du khách phải tự mình băng rừng, chui vào những hốc đá lớn và len lỏi vào đó đến khi thấy rõ Hòn Mẹ và Hòn Con của đỉnh Vọng Phu.

Hòn Vọng phu trên đỉnh Chư H'Mu 1 của 3

Xét về độ lớn, 2 hòn đá Vọng Phu to tương đương hai toà nhà cao tầng hoặc hơn nữa. Khí hậu trên cao khá lạnh, những đám mây bay vùn vụt sẽ khiến du khách ngỡ như lạc vào tiên cảnh. Hai khối đá sừng sững, rừng xanh bạt ngàn, chắc hẳn nhiều người đến đây sẽ nghĩ làm sao để leo lên 2 khối đá. Câu trả lời là thiên nhiên cho ta nhìn ngắm thán phục trước sự độc đáo này chứ không thể nào vượt lên trên nó được, vì vậy đơn giản là hãy ngắm nhìn, cảm nhận và yêu quý nó.

Đặng Dũ Hòa

BÀI VIẾT LIÊN QUANXEM THÊM

Ngắm Kon Tum khác lạ qua đề cử ‘Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung’

Ghé thăm những làng nghề truyền thống ở Hưng Yên

Vành đai 3 TPHCM đoạn qua huyện Hóc Môn đang thi công ra sao?

Về miền núi Quảng Nam cắm trại, săn mây trên nóc Tắk Pổ

Đến Lâm Đồng trekking, cắm trại trên đỉnh Lomburr

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn Vui lòng nhập tên của bạn ở đây Bạn đã nhập một địa chỉ email không chính xác! Vui lòng nhập địa chỉ email của bạn ở đây

Lưu tên, email và trang web của tôi trong trình duyệt này cho lần tiếp theo tôi nhận xét.

two + = image

Tổng biên tập TRẦN MINH HÙNG Phó tổng biên tập PHẠM HỮU CHƯƠNG

Tổng biên tập TRẦN MINH HÙNG Phó tổng biên tập PHẠM HỮU CHƯƠNG

Giấy phép số: 42/GP-CBC cấp ngày 2-6-2021.

  • Tổng biên tập: Trần Minh Hùng
  • Thư ký tòa soạn: Thủy Triều, Hồng Văn
  • Tòa soạn: 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM
  • ĐT:(8428)3829 5936; Fax:(8428)3829 4294;
  • Email: admin@sgtiepthi.vn
  • Ban Tư Vấn và Phát triển Truyền thông: online.thesaigontimes@gmail.com

Trang ngoài sẽ được mở ra ở cửa sổ mới. Sài Gòn Tiếp Thị không chịu trách nhiệm nội dung trang ngoài.

Sài Gòn Tiếp Thị giữ bản quyền nội dung của trang web sgtiepthi.vn. Không sử dụng lại nội dung trên trang này dưới mọi hình thức, trừ khi được Sài Gòn Tiếp Thị đồng ý bằng văn bản.

Từ khóa » Núi Mẹ Bồng Con