Chiến Lược Giáo Dục Mới Của UNESCO

Quan điểm về chiến lược giáo dục mới của UNESCO được thể hiện trong 21 điểm sau:

1. Giáo dục thường xuyên phải là nét chủ đạo của mọi chính sách giáo dục trong những năm tới, tại các nước công nghiệp phát triển cũng như các nước đang phát triển.

2. Giáo dục thường xuyên cho mọi lứa tuổi trong suốt cuộc đời, không chỉ bó hẹp trong bốn bức tường, có nghĩa là phải cải tổ toàn diện nền giáo dục. Giáo dục phải trở thành một phong trào quần chúng thực sự.

3. Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng khôn g phải là học theo cách nào mà là học cái gì và học được cái gì.

4. Xóa bỏ các hàng rào giả tạo hoặc lỗi thời giữa các ngành giáo dục và các cấp bậc giáo dục, giữa giáo dục chính thức và giáo dục không chính thức.

5. Giáo dục cho trẻ em trước tuổi đến trường phải là một trong những mục tiêu lớn của các chiến lược giáo dục trong những năm 1970.

6. Vẫn còn hàng triệu trẻ em và thanh niên không được hưởng bất kì một nền giáo dục nào. Giáo dục cơ bản phổ thông dưới những hình thức khác nhau tùy theo khả năng và nhu cầu của mỗi nước là mục tiêu hàng đầu của chính sách giáo dục cho những năm 1970.

7. Phải xóa bỏ những phân biệt cứng nhắc giữa các ngành giáo dục (phổ thông, khoa học, kỹ thuật và chuyên nghiệp). Ngay từ cấp sơ học giáo dục đã phải mang đặc tính kết hợp lý thuyết, công nghệ, thực hành và phổ thông.

8. Giáo dục không chỉ nhằm mục đích đào tạo thanh niên cho những công việc cụ thể mà còn trang bị cho người học thích ứng với nhiều loại nghề nghiệp khác nhau.

9. không phải chỉ riêng hệ thống nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc đào tạo kĩ thuật, mà cả các xí nghiệp, các ngành kinh doanh và giáo dục ngoài nhà trường càng phải chia sẻ trách nhiệm ấy với các trường học.

10. Giáo dục cao đẳng cần được mở rộng và khá đa dạng để đáp ứng các đòi hỏi của cá nhân và cộng đồng. Muốn vậy trước hết phải có sự thay đổi trong các thái độ cổ truyền đối với trường đại học.

11. Được nhận vào các ngành giáo dục và các nghề nghiệp khác nhau chỉ tùy thuộc ở kiến thức, khả năng và năng lực của mỗi người.

12. Phát triển nhanh chóng giáo dục cho người lớn, cả trong nhà trường lẫn ngoài nhà trường, phải là một mục tiêu ưu tiên của các chiến lược trong những năm tới.

13. Mọi hoạt động xóa mù chữ đều phải hướng mục tiêu phát triển xã hội – kinh tế của đất nước.

14. Đạo đức mới của giáo dục phải nhằm làm cho mỗi người trở thành thầy dạy và người kiến tạo nên sự tiến bộ văn hóa của bản thân mình.

15. Khi thảo ra và đặt kế hoạch cho các hệ thống giáo dục cần tính đến các khả năng do các kĩ thuật mới đem lại.

16. Các chương trình đào tạo giáo viên cần triệt để sử dụng các thiết bị và phương pháp giảng dạy mới nhất.

17. Mọi sự khác biệt, chênh lệch về ngôi thứ giữa giáo viên các trường tiểu học và các trường kĩ thuật, các trường trung học và giảng viên các trường đại học phải được hủy bỏ.

18. Giáo viên phải được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức.

19. Bên cạnh những giảng viên chuyên nghiệp, phải viện đến cả những trợ thủ có chuyên môn ở các ngành (công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ,…). Phải viện đến cả sự tham gia của học sinh, sinh viên, họ sẽ tự giác giáo dục họ trong khi dạy bảo người khác.

20. Trái với thông lệ cổ truyền, việc giảng dạy phải thích nghi với người học, chứ không phải người học phải tuân theo những quy định đã đặt ra sẵn từ trước trng việc giảng dạy.

21. Người học và công chúng nói chung cần có được tiếng nói nhiều hơn trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giáo dục.

Từ khóa » Mục Tiêu Giáo Dục Của Unesco Là Gì