Chiến Lược Vắc-xin: Giải Pháp Cấp Bách Và Lâu Dài Trong Phòng ...

 

Theo Báo cáo của Chính phủ do do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã xác định chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc-xin và phương châm “4 tại chỗ”. Trong điều kiện khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vắc-xin cho Nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực, chủ động đàm phán việc mua vaccine, đồng thời chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ xác định chiến lược vắc-xin tập trung vào các giải pháp như: khẩn trương nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin trong nước và chiến dịch tiêm chủng; thực hiện nhất quán biện pháp “5K + vắc-xin”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết: Tính đến ngày 13/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc xin; đã thực hiện tiêm 4.079.066 liều vắc-xin phòng Covid-19,. Đến 6/7 mới có khoảng 24,5% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19, số dư Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 tính đến 17h00 ngày 13/7/2021 là 8.090 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi); tổng số tổ chức, cá nhân đã đóng góp là 439.215 lượt.

Đại biểu Lê Thu Hà trả lời phỏng vấn

Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng vi-rút mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Biến thể Covid luôn thay đổi, nguồn cung ứng vắc xin trên toàn thế giới còn hạn chế. Trong khi đó, việc sản xuất Vắc-xin trong nước vẫn đang trong tiến trình triển khai. Giãn cách xã hội là cần thiết để hạn chế việc tiếp xúc, khó kiểm soát nguồn lây, từ đó ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan rộng ra cộng đồng. Song, đây chỉ là biện pháp tạm thời khi chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cho rằng, vắc-xin mới được coi là mấu chốt, là cứu cánh, đảm bảo cho sự thành công của phòng, chống dịch. Hiện tại tỷ lệ người dân được tiêm vaccine của chúng ta còn thấp do diễn biến phức tạp của đại dịch trên thế giới và khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu vaccine của các quốc gia. “Cử tri và dư luận chia sẻ và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện chiến lược vắc-xin và tin tưởng rằng mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70 đến 75% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và sản xuất vắc-xin trong nước là hiện thực trong thời gian gần”, đại biểu Tô Văn Tám chia sẻ.

Về nội dung ngọại giao vắc xin, đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cũng nhận định, thời gian qua, với rất nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước qua các kênh ngoại giao như đối ngoại Đảng, ngoại giao Chính phủ hay ngoại giao Nghị viện, chúng ta đã có nhiều hơn nguồn vắc-xin viện trợ từ các nước. Về ngoại giao Nghị viện, Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề cao vấn đề ngoại giao vắc-xin. Trong nhiều cuộc điện đàm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo Quốc hội các nước, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều đến vấn đề hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam. “Ngoại giao vắc xin" không chỉ dừng ở chỗ chúng ta tăng cường nguồn vắc-xin về cho Việt Nam mà còn vận động các nước chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Vì vậy hiện nay chúng ta đã đàm phán được Nga, Mỹ và châu Âu để hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ. Vừa qua, chúng ta đã sãn xuất được lô Sputnik đầu tiên, đang được kiểm nghiệm và đặt niềm  hy vọng”, đại biểu Lê Thu Hà cho biết.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, ngoài việc tiếp cận các nguồn vắc xin từ sự hợp tác như vắc-xin ngoại giao hay vắc-xin thương mại, để chủ động được vắc-xin, Chính phủ đã quan tâm để đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc-xin nội. Ở trong nước chúng ta đã đầu tư và đã có thành công. Vì vậy, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ chỉ đạo triển khai để sớm công nhận, đưa vắc-xin nội “made in Vietnam” được sử dụng để tiêm chủng, từ đó tạo được miễn dịch cộng đồng.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Giải pháp hữu hiệu nhất là chúng ta phải triển khai chiến lược vắc-xin thần tốc, phải làm chủ được văc-xin, phải đạt tiêm chủng cho hơn 70% người dân”.

Đại biểu Trịnh Xuân An trả lời phỏng vấn

Để phát huy được các nguồn lực, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần có cơ chế khuyến khích đối với cả khu vực nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương trong việc tiếp cận đưa vắc-xin về nước. Còn đối với vắc-xin tự sản xuất trong nước, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần khẩn trương triển khai để sớm đưa vắc xin Nanocovax vào tiêm cho nhân dân. “Kinh nghiệm này giống như kinh nghiệm của người Nga đã làm với Sputnik V. Đến thời điểm này Nanocovax đang thử nghiệm ở giai đoạn 3 với kết quả rất khả quan. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc về quy trình, thủ tục, đặc biệt, cần sự tập trung tháo gỡ của Chính, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chức năng thì chúng ta sẽ sớm có vắc-xin nội địa”, đại biểu Trịnh Xuân An nhận định.

Triển khai Chiến lược vắc-xin là rất cần thiết và cấp bách nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết nghị, cho phép chuyển nguồn nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết: “Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”. Nghị quyết cũng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, trong đó, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắc xin”; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng".

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, triển khai chiến dịch vắc-xin, Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; hướng tới triển khai chiến lược vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, sự đồng hành của Quốc hội, huy động mọi nguồn lực của nhân dân để thúc đẩy Chiến lược vắc-xin sẽ góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho nhân dân trước đại dịch Covid-19./.

Từ khóa » Chiến Lược 5k + Vắc Xin