Chính Sách Về Lãi Suất Cho Vay Của Các Ngân Hàng Trong Thời Kỳ ...
Có thể bạn quan tâm
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH LÃI SUẤT CHO VAY CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRONG GIAI ĐOẠN 2020-2021
Những kết quả đạt được
Đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Chính vì thế, ngay từ quý đầu của năm 2020, các ngân hàng đã đưa ra các chính sách điều chỉnh phù hợp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động đề ra các giải pháp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu |
Trước khó khăn chung của nền kinh tế, năm 2020, NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành (tổng mức giảm 1,5%-2,0%/năm; giảm 0,6%-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm) (Hình). NHNN cũng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (ngày 13/3/2020 quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ) làm cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo đó, các TCTD đã 3 lần đồng thuận hạ lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhờ đó, năm 2020, lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Hình: Lãi suất điều hành của NHNN áp dụng trong năm 2020, tiếp tục được áp dụng trong năm 2021
Nguồn: NHNN
Theo NHNN, tính đến cuối tháng 12/2020, các TCTD đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 12/2020 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng [1].
Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là làn sóng thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4, đến tháng 7. Một loạt các tỉnh, thành phố "đầu tàu" về sản xuất công nghiệp và thu ngân sách, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai... phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều tháng liên tục. Dịch bệnh với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc Chính phủ phải chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều này khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, sức mua giảm mạnh, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng cũng đã có những động thái hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch. Cụ thể, sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng [2].
Một số giải pháp đặc thù ngành ngân hàng triển khai trong thời gian qua đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực, như: (i) Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, ngày 02/4/2021 và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, ngày 07/09/2021): các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng, hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng và miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; (ii) Chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7, tổng số tiền phí đã giảm cho khách hàng khoảng trên 2,5 nghìn tỷ đồng; (iii) Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và gần nhất là Nghị quyết số 126/NQ-CP. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc; (iv) Các gói hỗ trợ đặc thù, như: tái cấp vốn cho các TCTD cho vay Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu... [2].
Theo NHNN (2021), đến ngày 20/12/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 775 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296 ngàn tỷ đồng. Các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế mà các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng. Với hoạt động cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
Cũng trong năm 2021, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm. NHNN ngày 30/12/2021 công bố số tiền lãi mà 16 ngân hàng đã thực hiện giảm cho khách hàng tính đến cuối tháng 11/2021 khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết. Trong đó, Agribank có số tiền lãi giảm nhiều nhất 5.176 tỷ đồng, đạt 90,8% so với cam kết, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng. Vietcombank giảm lãi 3.822 tỷ đồng, đạt 95,56% so với cam kết; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,24 triệu tỷ đồng cho 236.864 khách hàng. BIDV giảm lãi cho 437.981 khách hàng với tổng số tiền lãi là 3.382 tỷ đồng, đạt 93,94% so với cam kết, với tổng giá trị dư nợ được giảm trên 1,31 triệu tỷ đồng. Vietinbank có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.019 tỷ đồng, đạt 112,17% so với cam kết; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,99 triệu tỷ đồng cho 834.397 khách hàng.
Các ngân hàng thương mại có mức giảm số tiền lãi dưới 1.000 tỷ đồng, bao gồm: MB với số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 612 tỷ đồng, đạt 40,94% so với cam kết; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 120.862 tỷ đồng cho 104.359 khách hàng. SHB giảm tiền lãi cho 37.248 khách hàng là 357 tỷ đồng, đạt 104,09% so với cam kết, với tổng giá trị nợ được giảm là 137.950 tỷ đồng. Techcombank giảm 440 tỷ đồng cho 2.222 khách hàng, đạt 44% so với cam kết, tổng giá trị nợ được giảm là trên 84.151 tỷ đồng. ACB giảm 592 tỷ đồng, đạt 84,57% so với cam kết, với tổng giá trị nợ được giảm lãi 252.805 tỷ đồng cho 120.113 khách hàng.
Các ngân hàng còn lại có số tiền lãi giảm dưới 500 tỷ đồng, như: VPBank là 478 tỷ đồng, TPBank là 221 tỷ đồng, Sacombank 285 tỷ đồng, HDBank 199 tỷ đồng, MSB 155 tỷ đồng, LienVietPostBank 128,75 tỷ đồng, SeABank 193 tỷ đồng, VIB 35 tỷ đồng.
Vướng mắc trong thực hiện chính sách giảm lãi vay
Một là, tiếp cận vay lãi suất thấp còn khó khăn. Có thể thấy, trong 2 năm 2020-2021, việc triển khai chủ trương giảm lãi suất cho vay còn rất chậm, gần như các DN không được phê duyệt vay gói tín dụng. Nguyên nhân chung là do các quy định, điều kiện vay vốn theo chương trình quá chặt chẽ, doanh nhiệp rất khó đáp ứng. Các ngân hàng lớn là: Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank luôn có lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rẻ lại không hề dễ dàng. Cụ thể, ngân hàng yêu cầu DN phải có lịch sử tín dụng tốt, dự án tốt, là khách hàng lâu năm. Điều này vô cùng khó với DN, bởi họ đang gặp khó khăn do dịch bệnh và chưa thể hoạt động bình thường trở lại.
Nguyên nhân các ngân hàng đưa ra là việc giảm lãi suất, nhưng chất lượng tín dụng không thể giảm, nhất là khi nợ xấu có chiều hướng gia tăng mạnh. Vì thế, để tăng trưởng tín dụng, thì vấn đề không phải lãi suất, mà là làm sao để ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn.
Hai là, còn tình trạng ứ đọng vốn vay do DN không có nhu cầu. Dịch Covid-19 khiến nhiều DN khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên nhu cầu vốn không có. Phía ngân hàng mong muốn tìm được khách để cho vay, còn DN cũng rất cần vốn để khởi động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, với mức lãi suất như hiện nay và trong bối cảnh nguy cơ về dịch Covid-19 còn tiềm ẩn, nên nhiều DN không dám vay vốn.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngày 29/12/2021, lãnh đạo NHNN cũng nêu rõ quan điểm, NHNN luôn cân nhắc và tính toán khi nào điều kiện chín muồi để thực hiện giảm lãi suất điều hành hay là có sự điều chỉnh mức độ đối với các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Bởi, khi đưa ra quyết định thay đổi điều chỉnh không phải theo ý chí chủ quan của nhà điều hành mà phụ thuộc vào tính khách quan cần thiết của nền kinh tế. Cụ thể ở đây, để đưa ra mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh phải được tính toán dựa trên yêu cầu của thực tiễn, mà trước hết, phải đảm bảo được mục tiêu yêu cầu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp nữa đảm bảo ổn định vĩ mô, hài hòa lợi ích DN, người dân, bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng để đảm bảo sự ổn định tài chính của Quốc gia trong ngắn và trung hạn.
Theo quan điểm của NHNN, đến thời điểm hiện nay (kết thúc năm 2021), nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế. Hơn nữa, qua phân tích diễn biến thị trường, NHNN nhận thấy: vốn khả dụng các ngân hàng thương mại hay là thanh khoản các ngân hàng thương mại khá dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp, cầu tín dụng của nền kinh tế không cao trong thời điểm dịch bùng phát mạnh và đang thực hiện cách ly tại nhiều địa phương. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành hoặc điều chỉnh các công cụ khác của chính sách tiền tệ chưa phải là giải pháp thích hợp trong thời điểm hiện nay. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng, thì NHNN sẽ có điều chỉnh kịp thời.
Như vậy, năm 2022, trên cơ sở cân đối vĩ mô, NHNN vẫn sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép. NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Do đó, để có thể giảm lãi suất cho vay cho DN trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh vẫn tiếp diễn hiện nay, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, có thể tính tới phương án cấp bù lãi suất. Thực tế cho thấy, các ngân hàng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, DN và khó tiếp tục giảm lãi suất. Vì thế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, cấp bù lãi suất có lẽ là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã khuyến nghị NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ nay tới cuối năm và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Việc này sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu của NEU phân tích chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các TCTD sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế [5].
Mới đây, khi thảo luận về các giải pháp hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét khả năng thực hiện cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này thường có tác dụng đối với các TCTD có nhiều tài sản thanh khoản cao. Vì thế, không phải tất cả số tiền được giảm từ dự trữ bắt buộc có thể đem ra cho vay nền kinh tế. Ngoài ra, bên cạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các TCTD tại Việt Nam còn cần tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN (các TCTD cần duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày ở mức 10%...). Biện pháp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này cần thiết kế phương án trên nền tảng rút bài học từ năm 2009, đặt ra những chốt về vi mô và vĩ mô thật rõ ràng, cũng như đặt ra thời hạn để các DN lớn hay nhỏ đều được hưởng bình đẳng như nhau, không nên phân biệt ngành nghề.
Thứ hai, các ngân hàng cần xem xét khả năng “nới” điều kiện tiếp cận gói tín dụng giá rẻ. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay các “gói hỗ trợ” đều bế tắc ở việc không thể tiếp cận được, vì điều kiện quá ngặt nghèo, đặc biệt trong vấn đề bảo toàn vốn. DN phải có tài sản thế chấp, hay chứng minh phương án kinh doanh có lợi nhuận để trả lãi ngân hàng. Cuối cùng là không ai giải quyết được, Nhà nước không thể bảo lãnh, ngân hàng thì càng không, nên DN không thể vay được. Do đó, đây là rào cản cần được tháo gỡ, nếu không thì vẫn là bế tắc.
Thời gian tới, phía ngân hàng cũng cần tính toán làm sao để nhiều DN có thể tiếp cận tín dụng hơn trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của DN lên cao hơn tài sản thế chấp. Chỉ khi nào gỡ được điều đó, thì nhiều DN mới có thể tiếp cận tín dụng hơn; từ đó, mới phát huy được hết những ý nghĩa của chính sách tín dụng, cũng như phát huy được hết ý nghĩa của việc ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho DN thông qua tổ chức trung gian là ngân hàng.
Bối cảnh dịch bệnh hiện nay đang làm tăng thêm khó khăn cho nền kinh tế, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn đa dạng các hình thức tổ chức kết nối ngân hàng - DN để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, người dân trong tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy, phục hồi kinh tế...
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong cho vay tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện các quy định nội bộ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD./.
Tài liệu tham khảo
1. Ngân hàng Nhà nước (2020). Tài liệu Hội nghị tổng kết nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Hà Nội, ngày 26/12/2020
2. Ngân hàng Nhà nước (2021). Tài liệu Hội nghị tổng kết nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Hà Nội, ngày 29/12/2021
3. Hồng Anh (2021). Giữ ổn định mặt bằng lãi suất, truy cập từ https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/giu-on-dinh-mat-bang-lai-suat-638466/
4. Đặng Hà My (2020). Thành công trong điều hành chính sách tiền tệ, truy cập từ https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/thanh-cong-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-629965/?fbclid=IwAR0dSdBJBnMqHT-O1HOcEvqb9JQEf2
5. Phạm Ngọc Phong, Nguyễn Thị Anh Ngọc, Võ Thanh Lâm (2020). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, truy cập từ http://tapchinganhang.gov.vn/anh-huong-cua-dich-covid-19-doi-voi-hoat-dong-cua-cac-ngan-hang-thuong-mai-tren-dia-ban-tinh-vinh-lo.htm.
5. Lâm Thanh (2021). Các chuyên gia kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau dịch, truy cập từ Các chuyên gia kiến nghị chính sách phục hồi kinh tế sau dịch (1thegioi.vn)
Nguyễn Thị Bích Thủy
Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1, năm 2022)
Từ khóa » Giải Pháp Chính Sách Lãi Suất
-
[DOC] Chính Sách Lãi Suất: Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn
-
Giải Pháp điều Hành Lãi Suất Với Mục Tiêu Tăng Trưởng Kinh Tế
-
8 Giải Pháp điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Những Tháng Cuối Năm 2021
-
Thực Hiện Tốt Các Giải Pháp điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Và Hoạt ...
-
Những Chính Sách, Giải Pháp Của Ngành Ngân Hàng Giúp Doanh ...
-
Giải Pháp điều Hành Tín Dụng Ngành, Lĩnh Vực Góp Phần Hỗ Trợ Tăng ...
-
Các Giải Pháp điều Hành Lãi Suất Phải Phù Hợp Với Cơ Chế Thị Trường
-
Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Và Hoạt động Ngân Hàng Giúp Kiểm ...
-
Đánh đổi Mục Tiêu Lạm Phát, Giảm Sâu Lãi Suất - Chi Tiết Tin
-
Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Chủ động, Linh Hoạt, Kiểm Soát Lạm Phát ...
-
7 Nhóm Giải Pháp Ngành Ngân Hàng Triển Khai Nghị Quyết 11 Của ...
-
Giảm Lạm Phát để Giảm Lãi Suất - Intresco
-
Lãi Suất Huy động Tăng: 'Kìm' Lãi Suất Cho Vay Thế Nào? | Tài Chính
-
Năm 2022: Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Linh Hoạt, Hỗ Trợ Doanh ...