Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Và Hoạt động Ngân Hàng Giúp Kiểm ...
Có thể bạn quan tâm
- Tiêu điểm
- HOẠT ĐỘNG CỦA LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
- QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT XIII CỦA ĐẢNG
- HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
- CHÍNH TRỊ - XÂY DỰNG ĐẢNG
- KINH TẾ
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- QUỐC PHÒNG - AN NINH - ĐỐI NGOẠI
- Thế giới: Vấn đề sự kiện
- TRANG ĐỊA PHƯƠNG, NGÀNH
- THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
- NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
- THÔNG TIN LÝ LUẬN
- TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
- HỒ SƠ SỰ KIỆN
- Chính trị - Xây dựng Đảng
- KINH TẾ
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- QUỐC PHÒNG - AN NINH - ĐỐI NGOẠI
- Thế giới: Vấn đề - sự kiện
- THỰC TIỄN - KINH NGHIỆM
- NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
- THÔNG TIN LÝ LUẬN
Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng giúp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19
Nguyễn Thị Hồng Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam13:22, ngày 16-12-2021
TCCS - Kinh tế trong nước năm 2021 đối mặt với những khó khăn chưa từng có do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lên đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời đưa ra các quyết sách hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sứ mệnh điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai nhiều giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì vốn cho sản xuất, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch
Năm thứ hai kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, kinh tế thế giới vẫn biến động phức tạp và phân hóa mạnh mẽ. Các nước phát triển với tỷ lệ tiêm vắc-xin cao có thể mở cửa và phục hồi kinh tế sớm, trong khi đó các nước mới nổi và đang phát triển có tốc độ tiêm vắc-xin chậm hơn, dịch bệnh vẫn phức tạp khiến kinh tế tiếp tục khó khăn. Thương mại toàn cầu phục hồi do nhu cầu gia tăng từ các nước lớn, song chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy và lưu thông, vận chuyển khó khăn đẩy lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao trên toàn cầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới, như dầu mỏ, lương thực, thực phẩm, sắt thép, cước phí vận chuyển tăng cao nhất trong nhiều năm. Chính sách tiền tệ có xu hướng giảm dần quy mô nới lỏng hoặc tăng lãi suất chính sách để đối phó với áp lực lạm phát. Trong năm 2021, lần lượt Ngân hàng Trung ương ở các nước, như Anh, Ca-na-đa, Mỹ, khu vực châu Âu giảm quy mô nới lỏng định lượng; thế giới có tổng cộng 74 lượt tăng lãi suất chính sách.
Đối với nước ta, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, thách thức do tác động của biến chủng Delta, được đánh giá là nguy hiểm nhất từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Có thể nói, trong bối cảnh đất nước đối mặt với những thử thách to lớn, thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tạo tiền đề vững chắc, dẫn dắt cả hệ thống chính trị đồng lòng, quyết tâm, chung tay đối phó với đại dịch, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong khó khăn, dịch bệnh. Mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, yêu cầu sản xuất an toàn, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với các tác động tiêu cực từ đại dịch. Trong điều kiện khó khăn, so với cùng kỳ năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng trưởng 1,42%; nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, bình quân 10 tháng là 1,81%; thị trường tiền tệ, ngoại hối tiếp tục vận hành thông suốt và ổn định.
Bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách vĩ mô khác nhằm bảo đảm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp và người dân. Điều hành CSTT của NHNN phù hợp với xu hướng của nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới, mặt khác có những đặc điểm riêng phù hợp với đặc thù và tính chất cấp bách của tình hình trong nước, bao gồm những nhóm giải pháp sau đây:
Thứ nhất, bảo đảm thanh khoản trên thị trường tiền tệ, tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ các TCTD đẩy mạnh tín dụng. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động ngưng trệ, di chuyển của người dân bị hạn chế, sản xuất, lưu thông đứt gãy, dòng tiền gián đoạn. Giải pháp hỗ trợ thanh khoản được hầu hết các Ngân hàng Trung ương triển khai nhằm hỗ trợ các thị trường vận hành thông suốt, duy trì dòng tiền, hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp bảo đảm khả năng thanh toán. Tương tự, thanh khoản được duy trì dồi dào tại hệ thống các TCTD trên cơ sở NHNN mua lượng lớn ngoại tệ, đưa tiền đồng ra thị trường, đồng thời hằng ngày chào mua giấy tờ có giá trên thị trường mở nhằm phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, ổn định thị trường tiền tệ. Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng - là mức lãi suất vay mượn lẫn nhau kỳ hạn ngắn giữa các TCTD đã giảm xuống mức rất thấp trong lịch sử, khoảng từ 0,5%/năm đến 0,9%/năm cuối tháng 9, giảm chi phí vốn đầu vào cho TCTD, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, ổn định lãi suất điều hành ở mức thấp, tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất cho vay và huy động của TCTD giảm. Với đặc điểm của một nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn lớn song lại phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng nên việc giảm lãi suất cho vay tại Việt Nam không dễ dàng. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và người dân, ngay trong năm 2020 khi dịch bệnh mới xuất hiện, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5%/năm đến 2%/năm và là một trong những Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực; trong năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất thấp này, kết hợp với việc duy trì thanh khoản dồi dào trên thị trường tiền tệ. Kết quả là, đến cuối tháng 9-2021, lãi suất huy động và cho vay bằng VND bình quân của các TCTD giảm tương ứng khoảng 0,46%/năm và 0,72%/năm so với cuối năm 2020 sau khi đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (gồm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp vừa và nhỏ; xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao) là 4,4%/năm.
Thứ ba, bảo đảm cung ứng vốn tín dụng đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế, linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng đối với các TCTD theo hướng tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng. Với đặc thù thị trường tài chính phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, việc điều hành tín dụng luôn cần có sự hài hòa, hợp lý. Tăng trưởng tín dụng quá cao gây rủi ro lạm phát, song tăng trưởng tín dụng quá thấp lại có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và lạm phát khoảng 4% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 12% trong năm 2021, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án xây dựng - chuyển giao - vận hành (BOT), dự án xây dựng - vận hành (BT) giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Trên cơ sở đó, tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đến cuối tháng 10-2021, tín dụng tăng trưởng 8,72% so với cuối năm 2020, tăng 14,29% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,71% so với cuối năm 2019 và tăng 10,24% so với cùng kỳ 2019). Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cả 5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2020, hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN.
Thứ tư, ổn định thị trường ngoại tệ. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cuối năm 2020 khoảng 200% GDP), việc điều hành tỷ giá của Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài như việc các nước lớn đang dần thu hẹp các gói nới lỏng tiền tệ, đồng USD lên giá... Ngay cả đối với thị trường trong nước, yếu tố tâm lý cũng luôn thường trực mỗi khi thị trường tài chính thế giới biến động. Trước tình hình đó, công tác điều hành tỷ giá vẫn tiếp tục bảo đảm linh hoạt, bám sát cung cầu thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Trong khi xu hướng rút vốn khỏi các nước mới nổi và đang phát triển khiến đồng tiền của nhiều nước trong khu vực mất giá khá lớn so với USD (USD tăng 4,65%, Baht Thái giảm 11,2%, Ringgit Malaysia giảm 2,68%, Đô-la Singapore giảm 1,95%) thì tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định, đến cuối tháng 10, tỷ giá trung tâm tương đương cuối năm trước. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Thứ năm, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các TCTD đồng hành, sát cánh với các doanh nghiệp, người dân thông qua triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, liên tục rà soát, chỉnh sửa để các biện pháp hỗ trợ ngày càng thiết thực hơn, bao gồm:
Một là, ban hành thông tư cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Với 2 lần sửa đổi và bổ sung, quy mô, phạm vi đối tượng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ đã được mở rộng đáng kể, thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài đến tháng 6-2022. Đến cuối tháng 10, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 330.000 khách hàng với dư nợ 540.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 1,8 triệu khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng.
Hai là, hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động. Ngân hàng nhà nước đã triển khai cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Hàng nghìn lượt người lao động đã được hỗ trợ trả lương trong thời gian ngừng việc từ các gói cho vay này, theo đó đợt hỗ trợ thứ nhất (kết thúc vào ngày 31-1-2021) có 245 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động; đợt hỗ trợ thứ hai được triển khai tích cực kể từ tháng 7-2021, đến 25-10-2021 có 1.244 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương 177.845 lượt người lao động (thời hạn kết thúc đợt hỗ trợ này là 31-3-2022 hoặc khi số tiền giải ngân đạt 7.500 tỷ đồng).
Ba là, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Vietnam Airlines (VNA) thông qua việc NHNN tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để các TCTD cho VNA vay lại nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bốn là, tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho người dân, doanh nghiệp với tổng số phí dịch vụ thanh toán NHNN và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) dự kiến giảm khoảng 1.557 tỷ đồng để hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19 trong năm 2021. Nhờ đó, các TCTD tiếp tục thực hiện giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng; tăng cường các ứng dụng công nghệ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, theo đó bên cạnh các phương thức thanh toán qua POS, ATM, chuyển khoản, in-tơ-nét, mã QR thì từ năm 2021, NHNN tiếp tục cho phép các ngân hàng mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ eKYC, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thanh toán qua tài khoản viễn thông (Mobile Money)...
Những con số trên đây đã nói lên nỗ lực lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng lòng, sẻ chia với nền kinh tế vượt qua đại dịch, nhất là khi bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải đối mặt với các rủi ro do đại dịch gây ra. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình suy giảm tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu, làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong và sau đại dịch là vô cùng quan trọng để bảo đảm cung ứng và lưu thông vốn phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.
Phối hợp chính sách trong năm 2022 để vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế
Nếu tiến trình bao phủ tiêm vắc-xin tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả tại các quốc gia, có thể hy vọng vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Tháng 10-2021, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo, năm 2022 kinh tế thế giới tăng trưởng 4,9%. Song, đi kèm với sự phục hồi kinh tế sẽ là rủi ro lạm phát, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, xu hướng thu hẹp nới lỏng, tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ và sự biến động phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu.
Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cần lưu tâm đến rủi ro lạm phát do cộng hưởng bởi cả áp lực cung - cầu. Giá hàng hóa thế giới diễn biến khó lường, xu hướng tăng cao, cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, gây sức ép lên giá cả; trong khi đó, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý đang tiếp tục triển khai... IMF cảnh báo sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, nhiều nền kinh tế có thể phải tăng thuế để bù đắp thâm hụt NSNN cùng với các điều chỉnh mang tính cơ cấu (định hình lại chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, thay đổi nhân khẩu học, phát triển kinh tế số,...) có khả năng tạo ra một giai đoạn lạm phát cao hơn. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có thể chịu tác động không nhỏ bởi những xu hướng chung. Do vậy, việc duy trì các giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế là cần thiết nhưng không thể chủ quan với áp lực lạm phát, đòi hỏi công tác phối hợp chính sách phải thật chặt chẽ, nhịp nhàng về liều lượng, cách thức triển khai, nhất là CSTT và CSTK.
Theo đánh giá của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, điều hành CSTT của Việt Nam khá phù hợp và nằm trong xu hướng chung của thế giới, cần cẩn trọng với các rủi ro tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD. Việc sử dụng quá mức các gói hỗ trợ tiền tệ làm tăng rủi ro nợ xấu. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cụ thể:
Thứ nhất, NHNN điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng để bảo đảm thanh khoản, hỗ trợ các TCTD sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT, tạo điều kiện để giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp, và nền kinh tế; chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; cân đối hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng các giải pháp chính sách giúp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Thứ hai, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, đòi hỏi sự chủ động thích nghi thông qua chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, là chìa khóa để phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh áp dụng các giao dịch “phi tiếp xúc”. Đây cũng sẽ là định hướng mà ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2022 và những năm tới.
Thứ ba, về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, đặc biệt là sau khi Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng tâm là tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các TCTD yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống, đẩy mạnh xử lý nợ xấu nhằm tạo điều kiện cho các TCTD lành mạnh hóa tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực tài chính và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD./.
Tag đại dịch covid-19 điều hành chính sách tiền tệ kinh tế vĩ môNhững thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (21/11/2024)
Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (18/11/2024)
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới (11/11/2024)
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc (09/11/2024)
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả (05/11/2024)
Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (01/11/2024)
Xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (23/10/2024)
Từ khóa » Giải Pháp Chính Sách Lãi Suất
-
[DOC] Chính Sách Lãi Suất: Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn
-
Giải Pháp điều Hành Lãi Suất Với Mục Tiêu Tăng Trưởng Kinh Tế
-
8 Giải Pháp điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Những Tháng Cuối Năm 2021
-
Thực Hiện Tốt Các Giải Pháp điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Và Hoạt ...
-
Những Chính Sách, Giải Pháp Của Ngành Ngân Hàng Giúp Doanh ...
-
Giải Pháp điều Hành Tín Dụng Ngành, Lĩnh Vực Góp Phần Hỗ Trợ Tăng ...
-
Các Giải Pháp điều Hành Lãi Suất Phải Phù Hợp Với Cơ Chế Thị Trường
-
Đánh đổi Mục Tiêu Lạm Phát, Giảm Sâu Lãi Suất - Chi Tiết Tin
-
Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Chủ động, Linh Hoạt, Kiểm Soát Lạm Phát ...
-
7 Nhóm Giải Pháp Ngành Ngân Hàng Triển Khai Nghị Quyết 11 Của ...
-
Giảm Lạm Phát để Giảm Lãi Suất - Intresco
-
Chính Sách Về Lãi Suất Cho Vay Của Các Ngân Hàng Trong Thời Kỳ ...
-
Lãi Suất Huy động Tăng: 'Kìm' Lãi Suất Cho Vay Thế Nào? | Tài Chính
-
Năm 2022: Điều Hành Chính Sách Tiền Tệ Linh Hoạt, Hỗ Trợ Doanh ...