Chính Trị - Đồng Chí Châu Văn Liêm - Tấm Gương Sáng Về...
Có thể bạn quan tâm
(TUAG)- Đồng chí Châu Văn Liêm còn có tên là Việt, sinh ngày 29/6/1902 tại xã Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cũ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) trong một gia đình có truyền thống hiếu học.
Tượng nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902 - 1930) trong sân Trường tiểu học Châu Văn Liêm tại TP Long Xuyên, An Giang.
Ngay từ nhỏ, Châu Văn Liêm rất siêng học, được ông nội và cha dạy học chữ Nho và học nghề hốt thuốc Bắc. Năm lên 10 tuổi, Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ quốc ngữ, Châu Văn Liêm học rất giỏi và được cấp học bổng.
Năm 1922, sau khi có bằng Thành Chung, Châu Văn Liêm lên học tại Trường Sư phạm hậu bổ Sài Gòn. Đây cũng là lúc đồng chí được tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ và những người yêu nước, trong đó có báo Tiếng Chuông Rè và nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh, đồng chí sớm tham gia nhiều phong trào cách mạng ở Sài Gòn và Long Xuyên.
Cuối năm 1924, sau khi tốt nghiệp tại Trường Sư phạm hậu bổ Sài Gòn, Châu Văn Liêm về dạy học tại Trường Nữ Long Xuyên. Tại đây, ngoài việc dạy chữ, thầy giáo Liêm còn dạy cho học sinh lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng, tuyên truyền trong giáo chức tư tưởng tự do, dân chủ, tinh thần độc lập dân tộc.
Cuối năm 1927, Châu Văn Liêm được Nguyễn Ngọc Ba kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.
Đầu năm 1928, đồng chí Châu Văn Liêm đã vận động, kết nạp thêm hai hội viên là Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn, lập nên Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Long Xuyên. Chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu tiên của tỉnh ra đời trên vùng đất Chợ Mới do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư.
Tháng 02/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, đồng chí Châu Văn Liêm được bầu làm Bí thư.
Với sự nhiệt tình và năng lực tuyên truyền vận động, tổ chức quần chúng, đồng chí Châu Văn Liêm được đông đảo Nhân dân hết lời khen ngợi, giới thanh niên, trí thức tín nhiệm. Sau đó, đồng chí Châu Văn Liêm được tổ chức cử tham gia vào Ban Thường vụ Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ. Kể từ đó, đồng chí thôi công việc dạy học, dốc hết tâm lực để hoàn thành nhiệm vụ mới.
Đến tháng 5/1929, đồng chí Châu Văn Liêm được Kỳ bộ Nam Kỳ cử đi dự Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng, Trung Quốc. Sau khi về nước, tháng 8/1929, đồng chí Châu Văn Liêm đã triệu tập cuộc họp các đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Sài Gòn thành lập tổ chức mới lấy tên “An Nam Cộng sản Đảng” do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư.
Tháng 9/1929, đồng chí Châu Văn Liêm về Cần Thơ liên lạc với Ung Văn Khiêm và một số cơ sở lập nên Đảng ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư.
Ngày 06/01/1930, hai đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Sau khi bàn bạc của các đại biểu, Hội nghị thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Sau hội nghị này, được sự ủy quyền của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu về nước tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản và cử ra Ban Chấp hành lâm thời. Đồng chí Châu Văn Liêm được giao nhiệm vụ phụ trách Liên Tỉnh ủy Gia Định - Chợ Lớn. Đồng chí Châu Văn Liêm đã chọn Đức Hòa, tỉnh Long An, làm địa bàn xây dựng cơ sở và gây dựng phong trào cách mạng.
Chào mừng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) và ngày Quốc tế Lao động (01/5), hòa chung các phong trào đấu tranh của cả nước, Nhân dân Gia Định - Chợ Lớn dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, các cuộc biểu tình đã diễn ra rầm rộ.
Ngày 04/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của hàng ngàn quần chúng ở Đức Hòa, Long An. Cuộc biểu tình xuất phát từ Đức Hòa, quần chúng kéo lên Chợ Lớn đưa yêu sách: Đòi giảm thuế, kêu gọi đồng bào đòi giải phóng dân tộc… Lính của tỉnh và lính quận đã được điều tới, dàn hàng ngang chặn trước đoàn người. Bọn chúng chĩa súng và đoàn biểu tình. Mặc dù kẻ thù rất hung hăng nhưng đoàn biểu tình vẫn không hề nao núng, kiên quyết tiến lên. Trước sự dũng cảm, kiên cường của đoàn biểu tình, kẻ thù đã nổ súng. Chúng bắn thẳng vào người chỉ huy đoàn biểu tình. Đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh trong lúc lãnh đạo đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Đồng chí Châu Văn Liêm là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm, là tấm gương kiên trung bất khuất. Đồng chí Châu Văn Liêm đã gieo mầm cách mạng ở Nam Bộ. Đặc biệt là vùng Chợ Mới và Long Xuyên, tỉnh An Giang, đồng chí Châu Văn Liêm đã có công đóng góp rất lớn trong việc lập nên Chi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên của tỉnh Long Xuyên, rồi Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên tiền thân của tổ chức Đảng ở An Giang sau đó.
Mặc dù cuộc đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho quê hương, đất nước, trong đó có tỉnh An Giang luôn trường tồn với núi sông và trong lòng mỗi người dân An Giang, người dân Nam Bộ, cũng như cả nước.
Đảng bộ và Nhân dân An Giang mãi mãi khắc ghi những công lao đóng góp to lớn của đồng chí Châu Văn Liêm và nguyện một lòng xây dựng Đảng bộ luôn trong sạch vững mạnh, đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp.
Lâm Văn Giàu
Từ khóa » Chau Van Liêm
-
Đường Châu Văn Liêm, Thành Phố Hồ Chí Minh - Wikipedia
-
TIỂU SỬ CHÂU VĂN LIÊM - Viettel EduPortal
-
Tiểu Học Châu Văn Liêm
-
Châu Văn Liêm - Người Thầy Giáo Cách Mạng
-
Từ Nhà Giáo Yêu Nước đến Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường
-
Châu Văn Liêm Confessions - Home | Facebook
-
Tiểu Sử Châu Văn Liêm
-
Trường THPT Châu Văn Liêm
-
Đồng Chí Châu Văn Liêm - Nhà Giáo Yêu Nước, Nhà Giáo Cách Mạng
-
Chau Van Liem Street, Ho Chi Minh City
-
Kỷ Niệm 120 Năm Ngày Sinh đồng Chí Châu Văn Liêm - Báo Nhân Dân