Từ Nhà Giáo Yêu Nước đến Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường

Chân dung đồng chí Châu Văn Liêm Chân dung đồng chí Châu Văn Liêm

Năm 1915, sau khi tốt nghiệp sơ học yếu lược ở quê nhà, Châu Văn Liêm được cha mẹ gửi cho theo học ở Cần Thơ, đỗ tiểu học năm 1918 tại trường nội trú Cần Thơ. Năm 20 tuổi, Châu Văn Liêm đỗ bằng thành chung tại Sài Gòn.

Những năm học ở Cần Thơ và Sài Gòn, Châu Văn Liêm có dịp tiếp cận với các tài liệu lưu hành bí mật trong nước và ngoài nước. Các tài liệu này có ảnh hưởng sâu sắc đến chí hướng cách mạng của Châu Văn Liêm.

Năm 1924 tốt nghiệp sư phạm, đồng chí dạy học ở thị xã Long Xuyên rồi sau sang dạy Chợ Mới, thuộc tỉnh Long Xuyên, đồng chí thường quan hệ với những người có tinh thần yêu nước. Năm 1927, Kỳ bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cử cán bộ về vùng Chợ Mới và Sa Đéc gây dựng cơ sở cho Hội, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Chợ Mới. Sau khi đã vào tổ chức cách mạng, đồng chí tích cực hoạt động để phát triển Hội ở vùng Chợ Mới (Long Xuyên) và Sa Đéc.

Đầu năm 1929, Kỳ bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được bầu lại do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bí thư, đồng chí Châu Văn Liêm được rút từ đồng bằng lên Sài Gòn và tham gia vào Kỳ bộ.

Tháng 5 năm 1929, đoàn đại biểu của Nam Kỳ đi dự Đại hội của Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Hương Cảng gồm ba đồng chí: Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm và Trần Văn Phồng.

Sau ngày 09 tháng 5 năm 1929, khi Đại hội bế mạc, sáu đồng chí: hai ở Tổng bộ, hai ở Trung Kỳ và hai ở Nam Kỳ là đồng chí Phạm Văn Đồng và Châu Văn Liêm đã họp riêng với nhau bàn việc thành lập Đảng Cộng sản. Các đồng chí quyết định chọn lựa những người tích cực trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội kết nạp vào Đảng Cộng sản và lập ra các chi bộ, rồi từ đó lập ra tỉnh bộ, xứ bộ và cử ra Trung ương Đảng. Công việc này sẽ làm xong trong năm 1930. Một “Ban trù bị thành lập Đảng Cộng sản” được cử ra, đồng chí Châu Văn Liêm là một thành viên.

Ở Đại hội Thanh niên về, các đồng chí đang chuẩn bị bắt tay vào thực hiện theo kế hoạch đã vạch ra thì từ ngày 23 tháng 7 năm 1929, nhiều đồng chí cốt cán trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Sài Gòn lần lượt bị sa vào tay giặc. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Bí thư Kỳ bộ, về miền Trung khi trở vào Sài Gòn tới ga xe lửa ngày 29 tháng 7 năm 1929 cũng bị địch bắt. Đồng chí Châu Văn Liêm trở thành người chủ chốt của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội còn lại ở Sài Gòn.

Đồng chí Châu Văn Liêm cùng đồng chí Phan Trọng Bình (mới ở Trung vào) và đồng chí Trần Văn Phồng tìm gặp đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng mới tới Sài Gòn để bàn thống nhất thành lập một tổ chức cộng sản nhưng không thành công. Đồng chí cùng các đồng chí khác về nhà mình ở đường Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm) bàn và quyết định thành lập ngay đảng cộng sản lấy tên là An Nam Cộng sản Đảng.

Sau cuộc họp này đồng chí Châu Văn Liêm đã triệu tập những hội viên tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các tỉnh lên Sài Gòn họp, đồng chí tuyên bố cải tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Cuộc họp do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì mở tại Phong Cảnh khách lầu, đường Filippiny (nay là đường Nguyễn Trung Trực). Các đại biểu dự Hội nghị đều trở thành đảng viên cộng sản, có nhiệm vụ về các tỉnh kết nạp đảng viên và thành lập các chi bộ đảng. Từ đầu tháng 8 năm 1929, đồng chí Châu Văn Liêm thực sự trở thành người lãnh đạo Đảng, đã tích cực hoạt động để phát triển và củng cố Đảng về mặt tổ chức. Đồng chí thường đi vào các xí nghiệp và xuống các tỉnh để kết nạp đảng viên mới và xây dựng các chi bộ đảng.

Tháng 10 năm 1929, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng ra Hương Cảng để gặp đại diện của An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm cử đồng chí Nguyễn Thiệu ra Hương Cảng gặp đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng bàn việc thống nhất các tổ chức cộng sản. Nhưng rất tiếc là cuộc họp không đạt kết quả như mong muốn. Đồng chí Nguyễn Thiệu trở về Sài Gòn báo cáo tình hình. Sau khi nghe đồng chí Thiệu báo cáo, đồng chí Châu Văn Liêm chủ trương phải thành lập ngay Ban Trung ương lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng lấy tên là “Ban lâm thời chỉ đạo” gồm năm đồng chí: Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu (Nghĩa), Ung Văn Khiêm (Huấn), Huỳnh Quảng (Trần Não), Đỗ Quỳ (Lương), do đồng chí làm Bí thư và lấy bí danh là Việt.

Tượng nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902 - 1930) trong sân Trường tiểu học Châu Văn Liêm tại TP. Long Xuyên, An Giang (Nguồn: Ảnh tư liệu) Tượng nhà cách mạng Châu Văn Liêm (1902 - 1930) trong sân Trường tiểu học Châu Văn Liêm tại TP. Long Xuyên, An Giang (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Từ đây đến khi thống nhất các tổ chức cộng sản, với cương vị là Bí thư của Ban lâm thời chỉ đạo, đồng chí Châu Văn Liêm một mặt lãnh đạo các phong trào đấu tranh của quần chúng, chỉ đạo sự hoạt động của các chi bộ đảng ở các tỉnh, đồng thời ra sức hoạt động phát triển Đảng, xây dựng Đảng về mặt tổ chức và tư tưởng.

Đầu năm 1930, đồng chí Vương (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) từ Xiêm trở sang Hương Cảng, gửi giấy về triệu tập đại diện các tổ chức cộng sản trong nước ra Hương Cảng họp bàn việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản chân chính và thống nhất. Ban lâm thời chỉ đạo đã cử đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu ra Hương Cảng họp. Cuộc họp để thành lập Đảng đã tiến hành từ ngày 06 tháng 01 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930 tại một xóm lao động ở đường Cửu Long dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Châu Văn Liêm là một trong năm người dự hội nghị thành lập Đảng đã hăng hái đóng góp vào việc bàn thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau Hội nghị, đồng chí Châu Văn Liêm cùng đồng chí Nguyễn Thiệu trở về với tư cách là đại diện của Đại biểu Quốc tế cộng sản có toàn quyền thực hiện việc thống nhất các tổ chức cộng sản từ Khánh Hòa vào tới mũi Cà Mau. Đồng chí Châu Văn Liêm cho người tìm liên lạc với đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Sài Gòn là đồng chí Ngô Gia Tự (tức Bách) bàn việc thống nhất các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ. Sau khi đã thành lập ra Xứ ủy lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Thiệu đã trao nhiệm vụ thống nhất từ Xứ xuống tới cơ sở cho Xứ ủy tiến hành. Đồng chí cùng đồng chí Thiệu theo dõi, góp ý kiến, và chọn lựa người để đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Vào đầu tháng 3 năm 1930, việc thống nhất các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ đã hoàn thành, các tỉnh ủy, thành ủy và xứ ủy đã được thành lập, ba đồng chí được cử vào Trung ương ở Nam bộ cũng đã chọn xong; đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Thiệu đề nghị với Xứ ủy cho hai đồng chí đi vào các xí nghiệp để “vô sản hóa”. Đồng chí Ngô Gia Tự không đồng ý và tha thiết đề nghị đồng chí cùng đồng chí Thiệu phải tham gia vào cấp ủy. Với đức tính khiêm tốn, với tinh thần trách nhiệm, đồng chí và đồng chí Thiệu chỉ xin nhận mọi nhiệm vụ ở cấp thấp, do đó Xứ ủy đã cử đồng chí Thiệu làm Bí thư Liên tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre - Cà Mau và cử đồng chí Việt (tức Châu Văn Liêm làm Bí thư Liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.[1], [2]

Theo chủ trương của đồng chí, ba cuộc đấu tranh lớn của quần chúng nông dân được tổ chức cùng một ngày 04 tháng 6 năm 1930 tại Đức Hòa, Hóc Môn và Bà Hom. Ở Hóc Môn do đồng chí Lê Trọng Mân, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định lãnh đạo. Ở Bà Hom do đồng chí Hồ Văn Long, tỉnh ủy viên Gia Định lãnh đạo. Còn ở Đức Hòa chỉ có đồng chí Võ Văn Tần (khi ấy mới là Bí thư huyện) lãnh đạo, do đó đồng chí Châu Văn Liêm đã sang Đức Hòa để tiếp sức với đồng chí Võ Văn Tần. Cuộc đấu tranh đã diễn ra quyết liệt, số người tham gia đông nhất ở Nam Kỳ từ trước đến bấy giờ, kéo dài suốt từ 7 giờ sáng đến 23 giờ khuya, trực diện với chính quyền thực dân xâm lược và bọn quan lại tay sai ở quận Đức Hòa, Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Địch đàn áp dã man, quần chúng chống trả. Chúng đã bắn chết một số người trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm. Vào lúc 21 giờ 5 phút, đồng chí Châu Văn Liêm đã anh dũng hy sinh khi tiến lên dẫn đầu đoàn biểu tình và hô vang khẩu hiệu: “Đi tới! Đừng sợ chết! Chục này còn chục khác! Trăm này còn trăm khác!”. Đồng chí đã hy sinh cực kỳ oanh liệt trước mũi súng của tên cảnh sát Drenil.[3]

Đồng chí đã ngã xuống ngay trong những ngày đầu của cao trào 1930 nhưng tấm gương về sự trong sáng và lòng dũng cảm của đồng chí vẫn còn sống mãi đến ngày nay.[4]

Đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn – nơi thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng, năm 1929 (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh). Đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn – nơi thành lập chi bộ đầu tiên của An Nam Cộng sản Đảng, năm 1929 (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh).

Tên của đồng chí đã được đặt cho một số trường học và một số con đường tại An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có đường Châu Văn Liêm ở Quận 5; trường Trung học cơ sở Châu Văn Liêm ở quận Phú Nhuận; trường Tiểu học Châu Văn Liêm ở Quận 6.

Tại An Giang có trường tiểu học Châu Văn Liêm ở Thành phố Long Xuyên.

Tại Cần Thơ có trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm ở quận Ninh Kiều; công viên Châu Văn Liêm ở quận Ô Môn.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí, năm 2017 Thành phố Cần Thơ tổ chức lễ tôn vinh và khánh thành công trình đền thờ đồng chí tại quê nhà xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

____________________________

[1] Tạp chí Xưa & Nay - Hội Khoa học Lịch sử, số 119 (169), tháng 7, 2002

[2] Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6,1997

[3] Tạp chí Nghiên cứu Sử học, Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (263) (VII-VIII), 1992.

[4] Lưu Phương Thanh, Những người con trung dũng của Thành phố, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987

Từ khóa » Chau Van Liêm