Đường Châu Văn Liêm, Thành Phố Hồ Chí Minh - Wikipedia

Đường Châu Văn Liêm năm 2022

Đường Châu Văn Liêm là một tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh, nối từ đường Hồng Bàng đến đường Hải Thượng Lãn Ông trên địa bàn Quận 5.[1]

Vị trí

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuyến đường này bắt đầu từ nút giao với hai con đường Hồng Bàng và Thuận Kiều, cắt qua các con đường Lão Tử, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo và kết thúc tại vòng xoay trước Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn (Bưu điện Quận 5), nơi giao với các con đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Thi, Mạc Cửu.[1]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ thành phố Chợ Lớn năm 1874 thể hiện vị trí kênh Phố Xếp

Đường này xưa vốn là con kênh với tên gọi kênh Phố Xếp. Kênh này thông ra rạch Chợ Lớn, từ đó có thể vận chuyển hàng hóa ra kênh Tàu Hủ và đi khắp nơi.[2] Theo học giả Vương Hồng Sển, kênh được đào năm 1778, thời điểm người Hoa từ cù lao Phố đến đây lập phố chợ, tại đường Cây Mai có cây cầu bắc qua kênh gọi là "Cầu Phố".[3] Đến thập niên 1910, con kênh này bị lấp và trở thành đại lộ Tổng Đốc Phương, theo tên của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương (1841–1914), viên quan trung thành với thực dân Pháp, giúp Pháp đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân.[4][5] Tổng đốc Phương còn được mệnh danh là đệ nhị phú hào Sài Gòn xưa, gia đình ông trước kia có dinh thự ven kênh Phố Xếp.[3][6]

Góc đường Châu Văn Liêm và Trần Hưng Đạo

Năm 1975, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đổi tên đại lộ Tổng Đốc Phương thành đường Châu Văn Liêm như hiện nay.

Tại Sài Gòn trước đây có nhiều rạp hát nổi tiếng, là nơi chiếu phim, diễn cải lương, diễn kịch. Trên đường Châu Văn Liêm có ba rạp lớn là Đại Quang, Thủ Đô và Toàn Thắng. Hiện nay chỉ còn rạp Thủ Đô hoạt động tuy nhiên cơ sở vật chất tại đây cũng đã xuống cấp.[7]

Di tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1910, nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành đến lưu trú tại căn nhà số 1-2-3 Quai Testard (Bến Testard), Chợ Lớn từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 6 năm 1911 (lúc bấy giờ chưa lấp kênh Phố Xếp). Đây là cơ sở của phân cuộc Liên Thành thương quán, tổ chức hoạt động cách mạng đã hỗ trợ tài chính cho Nguyễn Tất Thành trước khi lên tàu sang Pháp. Trong ba căn nhà này có một căn được giữ lại làm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm tại địa chỉ số 5 đường Châu Văn Liêm hiện nay. Năm 1988, căn nhà được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.[8][9]

Xem thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Chợ Lớn
  • Bến Nhà Rồng
  • Đường Hải Thượng Lãn Ông, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Tổng đốc Phương

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Bản đồ thành phố”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  2. ^ “Những kênh rạch xưa thành đại lộ đẹp nhất Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. 10 tháng 4 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  3. ^ a b Vương Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa. tr. 155. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  4. ^ Vũ Ngọc Khánh (2008). Quan lại trong lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Thanh niên. tr. 376. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  5. ^ Sài Gòn xưa & nay. Tạp chí xưa & nay. 2007. tr. 155. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 5 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
  6. ^ “Người vợ giúp quan tổng đốc thành đệ nhị phú hộ Sài Gòn xưa”. Báo điện tử VnExpress. 29 tháng 11 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  7. ^ “Nhà hát Nghệ thuật Hát bội đối mặt thách thức”. Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử. 27 tháng 7 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  8. ^ “Căn nhà nơi Bác Hồ từng lưu trú”. Báo điện tử VnExpress. 19 tháng 5 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
  9. ^ “Thăm nơi Bác Hồ đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam – Trang Thành phố Hồ Chí Minh. 26 tháng 8 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2022.
Cổng thông tin:
  • Thành phố Hồ Chí Minh

Từ khóa » Chau Van Liêm