Chớ đem Thành Bại Luận Anh Hùng - Báo Đà Nẵng điện Tử

“Quảng Nam tự hào có một Nguyễn Duy Hiệu đầy đủ đảm lực và trí lực lo cho vận mệnh dân tộc giữa một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử. Chớ đem thành bại mà luận anh hùng”.

Khu tượng đài Nguyễn Duy Hiệu tại thành phố Hội An.
Khu tượng đài Nguyễn Duy Hiệu tại thành phố Hội An.

Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887), lãnh tụ phong trào Cần vương, Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam đã ra pháp trường đền nợ nước ngày Rằm tháng Tám năm Đinh Hợi (1-10-1887). Ra đi, ông để lại một tấm gương chói ngời về lòng yêu nước và một sự nghiệp văn chương tuy khiêm tốn nhưng bất hủ trong lòng hậu thế.

Nguyễn Duy Hiệu là người thông minh học giỏi, đã được thụ giáo với những thầy giáo nổi tiếng hay chữ và mẫu mực sư phạm thời bấy giờ, đó là các cụ Cử nhân Lê Tấn Toán (Hà Lộc, Điện Bàn, đỗ cử nhân năm 1861), Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (Hội An, Tiên Phước, đỗ cử nhân năm 1861, phó bảng năm 1868). Ông được vua Tự Đức biết tiếng về tài văn chương và đức độ nên cử làm Giảng tập ở Dưỡng Thiện đường để dạy các hoàng tử.

Thế nhưng, ông là con người của hành động chứ không phải là con người lý thuyết hay thi văn. Nếu sự nghiệp cách mạng của ông cao vòi vọi thì sự nghiệp văn chương của ông thật khiêm tốn. Về mặt văn chương, nói đến ông người ta chỉ biết đến hai bài “Tuyệt mệnh thi” nguyên văn chữ Hán ông viết khi ra pháp trường, đã được Huỳnh Thúc Kháng lần đầu tiên dịch và đăng trên báo Tiếng Dân như sau:

Bài 1. Cần vương Nam Bắc kết tơ đồng,/ Cứu giúp đường kia khổ chẳng thông./ Muôn thuở cương thường ai Ngụy Tháo?/ Trăm năm tâm sự có Quan Công./ Non sông phần tự thơ trời định,/ Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng./ Nhắn bảo nổi chìm ai đó tá?/ Chớ đem thành bại luận anh hùng.

Bài 2. Không địch Tây Nam biết đã thừa,/ Thời cơ như thế lẽ ngồi trơ?/ Dáo như không trở tay giàn kín,/ Giặc khó gì hơn gộp lưỡi bừa./ Núi lạnh, tùng côi xơ xác đứng,/ Nhà to, cột một khó khăn ngừa./ Về chầu liệt thánh lòng son đó,/ Tháng tám trăng rằm sẵn nguyệt đưa.

Nguyễn Sinh Duy có bổ sung thêm hai câu đối và một bài thơ. Câu đối thứ nhất, Nguyễn Duy Hiệu viếng Tán Hoán và Cử Duật, hai nhân vật quan trọng của phong trào Nghĩa hội, hy sinh tại Bình Sơn, Quảng Ngãi: Thời thế dị nan, thiên cổ chiến trường phi lục lục;/ Anh hùng thành bại, bách ban tâm sự phú thương thương.

Câu thứ hai, thực sự chỉ là một vế đối, nhân lễ khánh thành ngôi đình mới ở làng Đồng Tranh (ở ngã ba Phú Bình, giao điểm của các con đường dẫn về các huyện Thăng Bình, Quế Sơn và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam - ĐNCT): Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần Gia Hội phụng hoàng trì, để đối lại vế đối của viên cử nhân của làng: Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ Đồng Tranh long hổ bảng.

Lâm Quang Thự cho rằng sau khi giải tán Nghĩa hội, Nguyễn Duy Hiệu trốn về quê thọ tang mẹ rồi mới đem thân cho giặc bắt và có viết câu đối thờ mẹ: Làm bầy tôi mà vua nạn không phò, vua chạy không theo, khó đem nỗi bất bình mà kêu cùng tạo hóa,/ Làm con trai mà mẹ đau không dưỡng, mẹ mất không chôn, chỉ biết lấy trường hận mà khóc công sinh thành.

Nguyễn Sinh Duy thì cho rằng câu đối này là do các văn thân làm thay ông. Thực hư không biết thế nào, nhưng Nguyễn Duy Hiệu lẽ nào không khóc mẹ được một câu đối?

Đặc biệt Phạm Văn Sơn có phát hiện thêm một bài viết của Nguyễn Duy Hiệu. Bài viết rất ngắn nhưng lại vô cùng quan trọng vì là di ngôn gửi lại cho con trai trước lúc đi xa và thể hiện một chính kiến tuyệt vời của ông. Tác giả này cho biết, khi ở trại Võ Lâm, Huế, chờ ra pháp trường Nguyễn Duy Hiệu có gửi cho con trai ( khoảng 15 - 16 tuổi, cùng bị bắt và giải một cũi theo ông từ Quảng Nam ra Huế) một mảnh giấy với nội dung “Nếu may mà triều đình xử tử hình toàn gia chúng ta thì chúng ta sẽ được gặp nhau hết nơi chín suối. Còn nếu không may, triều đình chỉ làm tội riêng cha thì con chịu khó nuôi bà, dạy các em như lúc cha còn sống, không nên đeo đuổi cái học khoa cử, từ chương nữa, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi”. (Việt Nam cách mạng cận sử (1885-1914). Sài Gòn 1963, trang 184).

Phải nghiền ngẫm bao nhiêu ngày, phải trải nghiệm bao nhiêu đắng cay, rút ra bao nhiêu bài học mới có thể thốt ra được lời khuyên, lời đánh giá như vậy? Nên nhớ lời phát biểu chính kiến này xảy ra vào trung thu năm 1887 cách ngày Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp viết “Chí thành thông thánh”, “Danh Sơn lương ngọc” hô hào bãi bỏ khoa cử đúng 18 năm (1905) và cách ngày cáo chung của khoa cử Nho học 32 năm (1919). Nguyễn Duy Hiệu đúng là người đã đi trước thời đại!

Những năm cuối thế kỷ XIX, Nho học và khoa cử vẫn còn rất thịnh. Nguyễn Duy Hiệu là người đã “hít thở”, “tắm gội” trong cái môi trường đó lại có thể bày tỏ một chính kiến đặc biệt như vậy. Đây quả là một tầm nhìn thấu suốt thời đại, mang mầm mống cách mạng.

Văn chương của Nguyễn Duy Hiệu không phải là thứ văn chương thù tạc, chỉ cần một bài “Tuyệt mệnh thi” và mấy dòng ngắn ngủi nhắn gửi cho con cũng đủ trở thành bất hủ trong lòng hậu thế vì nó chứa trong đó cả một trí tuệ và một tấm lòng không phôi pha trước vận nước và dân tộc.

Đúng như lời Nguyễn Sinh Duy: “Quảng Nam tự hào có một Nguyễn Duy Hiệu đầy đủ đảm lực và trí lực lo cho vận mệnh dân tộc giữa một thời kỳ đen tối nhất của lịch sử. Chớ đem thành bại mà luận anh hùng”.

LÊ THÍ

Từ khóa » Thành Bại Luận Anh Hùng