Chủ Nghĩa đế Quốc Ngôn Ngữ Trong Thời đại Toàn Cầu Hoá Và Vấn đề ...

PGS-TS Trần Thanh Ái, Đại học Cần Thơ(*)

Trong lịch sử phát triển của loài người, chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ luôn song hành cùng chủ nghĩa đế quốc thực dân để đồng hoá các dân tộc bị thống trị về mặt ngôn ngữ và văn hoá. Tham luận này nhằm giới thiệu đôi nét về chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ trong lịch sử hiện đại mà nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến trong thời gian gần đây, trong đó có Robert Phillipson, cựu thành viên của Hội đồng Anh (British Council), với tác phẩm Linguistic Imperialism (Nhà xuất bản Oxford University Press, 1992). Từ thực tiễn thế giới đó, chúng tôi sẽ liên hệ đến tình hình sử dụng tiếng nước ngoài xen vào tiếng Việt trên báo chí Việt Nam hiện nay mà dư luận gần đây rất quan tâm. Cuối cùng, tác giả cũng thử đưa ra một số giải pháp nhằm giữ gìn sự trong sáng và tăng sức đề kháng của tiếng Việt trước nguy cơ mới trong thời kỳ hội nhập thế giới.

Năm 1998, Charles Krauthammer một cây bút chính luận của báo Washington Post, một lý thuyết gia cánh hữu của chính trường Mỹ, đã khái quát các giai đoạn lịch sử thế giới cận đại và hiện đại trong một bài viết được đăng trên báo này như sau: “Thế kỷ 18 là của Pháp, thế kỷ 19 là của Anh và thế kỷ 20 là của Mỹ. Thế kỷ tiếp theo sẽ vẫn lại là của Mỹ.” Một năm sau, cũng trên nhật báo ấy, tác giả này lại viết tiếp để nêu bậc địa vị siêu cường của nước Mỹ:

Từ thời kỳ đế quốc La Mã đến nay, không có một quốc gia nào chiếm địa vị thống trị trên các mặt trận văn hoá, kinh tế, kỹ thuật và quân sự [như Hoa Kỳ]. Từ khi Rome tàn phá Carthage đến nay, không có một cường quốc nào khác đạt đến đỉnh cao như chúng ta hiện nay.” (dẫn lại từ Leclerc J, 2006).

Một năm sau, cựu Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher trong buổi nói chuyện tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) ngày 19/7/2000 đã phát hoạ những nét lớn của viễn cảnh của thế kỷ 21 như sau:

Trong thế kỷ 21, quyền lực thống trị là Hoa Kỳ, ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh, mô hình kinh tế chủ đạo là chủ nghĩa tư bản kiểu anglo-saxon.”(1)

Những phát biểu tương tự như thế vừa cho thấy sức mạnh của Hoa Kỳ trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, vừa phản ảnh quan niệm về vai trò thống trị của siêu cường này trên vũ đài thế giới. Lĩnh vực ngôn ngữ không hề bị xem nhẹ: ngược lại, đó là một trận địa mà Mỹ và người đồng minh gần gũi nhất là Anh đã có những chuẩn bị tích cực từ nhiều thập kỷ trước để biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ độc tôn trên thế giới.

1. Đôi nét về chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ thời hiện đại

Thuật ngữ chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ (Linguistic Imperialism) bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nó có thể được hiểu như là “sự thống trị trên mặt trận văn hoá bằng công cụ ngôn ngữ”, và vì thế hiện tượng này còn có thể được gọi là chủ nghĩa đế quốc văn hoá. Nói một cách tổng quát, đó là hiện tượng một cường quốc thực dân dùng nhiều biện pháp khác nhau để biến ngôn ngữ của mình thành ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu trong một quốc gia khác và làm cho các ngôn ngữ địa phương trở thành các ngôn ngữ thứ yếu, và dần dần tàn lụi, thậm chí diệt vong. Vì thế, thuật ngữ này có thể được dùng để chỉ sự thống trị ngôn ngữ của bất cứ cường quốc nào trên thế giới, như Pháp, Anh, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha… trong quá khứ. Tuy nhiên ngày nay, khi nói đến chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ là người ta muốn nói đến trường hợp của tiếng Anh.

1.1. Từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan…

Theo H. Masson, cụm từ Manifest Destiny (Số trời hiển nhiên) được sử dụng lần đầu vào năm 1845 trên tạp chí United States Magazine and Democratic Review dưới ngòi bút của Tổng biên tập John O’Sullivan, để biện minh cho việc sáp nhập Texas vào lãnh thổ Hoa kỳ. Năm 1885, John Fiske, một triết gia và sử gia Mỹ, phát triển khái niệm Manifest Destiny thành một quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, theo đó, Thượng đế đã giao cho Hoa Kỳ sứ mệnh đi khai sáng nhân loại, và chủng tộc anglo-saxon là một chủng tộc thượng đẳng do kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên. Quan điểm này rất gần với phong trào cực đoan WASP (White Anglo-Saxon Protestants – Những người da trắng gốc Anglo-Saxon theo đạo Tin Lành). Quan điểm ấy được các chính trị gia tiếp thu một cách triệt để, vì nó có lợi cho chính quyền nước Mỹ.

Năm 1900, Theodore Roosevelt, lúc ấy là Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, đã viết bộ sách The Winning of the West trong đó có những lập luận biện minh cho các cuộc thảm sát người da đỏ năm 1864. Về người da đen, ông ta đã nói như sau trong một bức thư viết cho Owen Wiste năm 1906:

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông rằng, về phương diện chủng tộc và về tất cả, những người da đen hoàn toàn thấp kém hơn những người da trắng chúng ta.” (trích lại từ Masson H., 2009, tr. 15).

1.2. …đến chủ nghĩa bá quyền về quân sự và chính trị.

Năm 1904, Theodore Roosevelt, lúc này đã được bầu làm Tổng Thống Mỹ, đã thể hiện ý đồ bành trướng và áp đặt ảnh hưởng của mình trên thế giới với tuyên bố: “Hoa kỳ phải thực thi vai trò cảnh sát quốc tế”. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã đem lại cơ hội tuyệt vời cho người Mỹ leo lên địa vị siêu cường chi phối thế giới. Tiếp theo đó là việc nhà nước Liên xô và các quốc gia Đông Âu sụp đổ đã biến Hoa Kỳ thành một bá quyền duy nhất trên thế giới.

Trong một báo cáo vào năm 1992, Paul D. Wolfowitz, một nhân vật có thế lực ở Toà Nhà trắng dưới nhiều đời tổng thống, đã khẳng định là Hoa Kỳ phải nắm giữ vị thế của một siêu cường duy nhất. Báo cáo nhấn mạnh vai trò của sức mạnh quân sự trong việc thực hiện mục tiêu này. Sức mạnh quân sự ấy sẽ được quyết định sử dụng một cách đơn phương từ Hoa Kỳ, vì trật tự thế giới hiện nay do họ bảo đảm. Châu Âu và Nhật bản sẽ phải thôi cản trở việc thống trị của Hoa Kỳ trên thế giới. Tổ chức NATO đại diện quyền lợi Hoa Kỳ ở Châu Âu, vẫn là yếu tố bảo đảm hàng đầu an ninh trên cựu lục địa.

Năm 1997, Z. Brzezínski, người từng là Cố vấn về đối ngoại và An ninh quốc gia dưới thời tổng thống Jimmy Carter, xuất bản quyển The Grand Chessboard. American Primacy and its Geostrategic Imperatives, trong đó ông ta không hề che đậy địa vị bề trên của mình đối với phần thế giới còn lại:

Trên nhiều phương diện, Tây Âu vẫn nằm trong sự bảo hộ của Hoa Kỳ và các quốc gia trong phần lục địa này nhắc cho chúng ta nhớ các chư hầu của các đế quốc ngày xưa.” (dẫn lại từ Masson, H., 2009, tr. 6).

1.3. Và chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ hiện đại

Những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ thời hiện đại được Robert Phillipson đề cập đến trong quyển Linguistic Imperialism(2). Là cựu thành viên của Hội đồng Anh (British Council), ông có dịp tiếp cận với các tài liệu “lưu hành nội bộ” liên quan đến các chiến lược và kế hoạch đưa tiếng Anh lên địa vị ngôn ngữ toàn cầu. Theo ông, chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ Anh – Mỹ được định nghĩa như là

sự thống trị được thiết lập và duy trì bởi trật tự hiện hành, và như là sự tái hiện liên tục những bất công về cơ cấu và văn hóa giữa tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.” (Robert Phillipson, do Leclerc J. dẫn lại, 2006).

Năm 1934, Quỹ Carnegie (Carnegie Foundation) đã tổ chức một hội nghị tại New York để bàn về Việc sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ thế giới (The use of English as a world language). Trong hội nghị đó, các chuyên gia về ngôn ngữ được giao nhiệm vụ là tạo điều kiện thuận lợi cho tiếng Anh chiếm vị thế độc tôn trên thế giới. Trong đường hướng đó, Charles Kay Ogden, một nhà nghiên cứu về ngữ nghĩa học của Đại học Cambridge, đã đề ra một dạng tiếng Anh đơn giản được gọi là Basic English (British American Scientific International and Commercial), nhằm làm cho công chúng tiếp cận với tiếng Anh dễ dàng hơn. Ông cho rằng: “Điều mà thế giới này cần nhất là có thêm 1000 ngôn ngữ chết đi - và thêm một ngôn ngữ tồn tại»(3). Năm 1935, Hội đồng Anh (British Council) đã được thành lập để thực hiện việc mở rộng quyền lợi của nước Anh trên thế giới thông qua tiếng Anh, và các hoạt động truyền bá văn hoá.

Ý tưởng về Basic English đã nhận được sự ủng hộ từ hai nguyên thủ quốc gia F. Roosevelt và W. Churchill. Mặc dù chiến tranh thế giới lần thứ hai đang trong giai đoạn ác liệt, nhưng W. Churchill vẫn tỏ ra quan tâm đặc biệt đến kế hoạch này: trong một bức thư gửi hãng tin BBC vào tháng 7 năm 1943, ông đã viết:

Tôi rất quan tâm đến vấn đề Basic English. Việc sử dụng rộng rãi ngôn ngữ này sẽ là một thắng lợi lâu dài và to lớn đối với chúng ta hơn cả việc sáp nhập nhiều tỉnh lớn [vào nước Anh].”(4)

Năm 1961, tại Cambridge, Anh và Mỹ đã bí mật thoả thuận với nhau trong một hội nghị “Yalta về ngôn ngữ”, với nội dung là phân chia các vùng ảnh hưởng của các ngôn ngữ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các thành viên trong hệ thống này chính là các nước dính lýu đến vụ xìcăngđan về hệ thống nghe trộm viễn thông Echelon(5) mà thế giới đã phanh phui vào những năm đầu của thế kỷ 21 này. Trong hội nghị này, một “báo cáo mật” đã trình bày một cách hết sức tường minh chiến lược bành trướng tiếng Anh trên toàn thế giới. Một số lập luận cơ bản được R. Philipson tóm tắt như sau:

Việc dạy tiếng Anh cho người nước ngoài có thể biến đổi một cách thường xuyên liên tục mọi thế giới quan của những người học tiếng Anh. Khi một ngôn ngữ mới trở thành ngôn ngữ thông dụng trong một quốc gia kém phát triển, thế giới của người học phải tái cấu trúc lại. Một Bộ trưởng Giáo dục – dưới sức ép của tinh thần dân tộc – có thể sẽ không là một người phán xét tốt về quyền lợi của một quốc gia. Một tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể huỷ hoại mọi kỳ vọng về tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Anh chẳng những đã là đại biểu cho tư tưởng và tình cảm của cộng đồng sử dụng tiếng Anh đương đại, mà còn là một công cụ chuyển tải mọi truyền thống nhân văn đang phát triển.” (Philipson R., 2005, tr. 2).

với một lộ trình đầy tham vọng được phát hoạ:

Tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ thống trị thay thế các ngôn ngữ khác và thế giới quan khác: theo trình tự thời gian, tiếng mẹ đẻ sẽ được học trước tiên, nhưng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ ưu việt bởi phẩm chất tốt đẹp của nó trong sử dụng và trong chức năng giao tiếp.” (Phillipson R., dẫn lại từ Leclerc J., 2006, tr. 5).

Điều này đã được David Rothkopf, chánh văn phòng tư vấn của Kissinger (Kissinger Associates), tái khẳng định trong bài viết Praise of Cultural Imperialism xuất bản năm 1997 như sau:

dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, Hoa Kỳ sẽ làm tất cả để tuyên truyền tiếng Anh trên toàn thế giới, và điều đó sẽ được thực hiện với sự đồng lõa của đa số các dân tộc yếu hơn.” (Rothkopf D., 1997, tr. 38).

vì họ nhận thức được tầm quan trọng về nhiều mặt mà tiếng Anh có thể mang lại khi nó chiếm được vị trí hàng đầu trên thế giới:

Vì quyền lợi kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ, phải bảo đảm rằng, nếu thế giới phải chọn một ngôn ngữ chung, thì đó là tiếng Anh; nếu thế giởi phải hướng đến những chuẩn mực chung về viễn thông, về an ninh và về chất lượng, thì đó là những chuẩn mực của Hoa Kỳ; nếu thế giới được kết nối lại với nhau qua phát thanh, truyền hình và âm nhạc thì các chương trình phải là của Hoa Kỳ; và nếu phải xây dựng các giá trị chung, thì những giá trị ấy phải làm cho người Mỹ cảm thấy thoải mái.” (Rothkopf D., 1997, tr. 48).

Chính vì những quyết tâm cao độ như thế mà chính phủ Mỹ đã không tiếc tiền của để phục vụ cho chính sách bành trướng ngôn ngữ này. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Quỹ Ford đã tài trợ cho các chương trình tăng cường việc dạy và sử dụng tiếng Anh trên 38 quốc gia. Ngay cả cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cũng vào cuộc trong chiến dịch toàn cầu này: trong một báo cáo vào năm 1997, các chuyên gia của tổ chức này đã nhận định rằng những năm trước mắt là những năm quyết định cho việc áp đặt tiếng Anh trên phạm vi toàn thế giới như là ngôn ngữ quốc tế duy nhất, và chính phủ Mỹ phải hành động nhanh chóng trước khi có “những phản ứng thù nghịch khắp nơi chống lại Hoa Kỳ và chính sách Mỹ hóa trên toàn thế giới”, vì CIA sợ rằng cơ hội sẽ không còn nữa nếu phải chờ đợi lâu hơn. Và một trong những mục tiêu là phải sớm tấn công vào những thể chế quy định phải sử dụng ngôn ngữ chính thức, gây cản trở sự bành trướng của tiếng Anh. Để đạt được ý đồ đó, mặt trận thông tin đại chúng đã được nhắm đến như một trận địa có tầm vóc chiến lược:

Đối với Hoa Kỳ, mục tiêu trọng tâm của họ trong kỷ nguyên thông tin là phải chiến thắng bằng được mặt trận thông tin toàn cầu bằng cách chiếm lĩnh các làn sóng, như nước Anh ngày xưa đã từng ngự trị trên mặt biển.” (Robert Phillipson, được Leclerc J. dẫn lại, 2006).

Các kế hoạch thống trị của Hoa Kỳ về mặt ngôn ngữ được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Anh. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Anh đã vạch ra kế hoạch biến tiếng Anh thành một “ngôn ngữ thế giới”, nghĩa là ngôn ngữ thứ hai ở những nơi nào mà nó chưa là ngôn ngữ thứ nhất.

Tưởng cũng nên nhắc lại là một ngôn ngữ có địa vị xã hội mạnh hay yếu, được nhiều người hay ít người sử dụng... thường không phải là vì những nguyên do nội tại của ngôn ngữ ấy, mà là vì sự chi phối của những yếu tố bên ngoài. Umberto Eco, nhà nghiên cứu người Ý đã cho ta thấy rõ điều này:

Các ngôn ngữ chi phối một cộng đồng phần lớn là vì những lý do ngoài ngôn ngữ. Sự thành công hiện nay của tiếng Anh là do kết quả của việc mở rộng thuộc địa và thương mại trong quá khứ của Đế quốc Anh cộng với sự chiếm lĩnh toàn cầu của công nghệ Mỹ. Người ta có thể giải thích sự thành công ấy là do tiếng Anh là ngôn ngữ có nhiều từ đơn âm tiết, nhưng nếu Hitler chiến thắng [trong chiến tranh thế giới lần thứ hai] thì chắc rằng cả thế giới sẽ nói tiếng Đức và các biển quảng cáo máy thu thanh Nhật trong các cửa hàng miễn thuế ở sân bay Hồng Kông sẽ bằng tiếng Đức.” (dẫn lại từ Leclerc J., 2006).

Từ đó ta có thể hiểu được thế nào là ngôn ngữ quốc tế. Như thể để chứng minh cho lập luận của Umberto Eco, David Crystal trong English as a global language (1997) đã ngược dòng lịch sử để tìm lời giải thích cho hai trường hợp tiếng Hy Lạp và La tinh:

Một ngôn ngữ chiếm được cương vị ngôn ngữ quốc tế vì một nguyên do chủ yếu: đó là sức mạnh chính trị của quốc gia sử dụng nó (...). Tại sao tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ của các cuộc giao tiếp ở vùng Trung Đông cách nay 2000 năm? Chắc chắn không phải là vì trí tuệ của Platon và Aristote, mà là nhờ đội quân của Alexandre Đại đế. Tại sao tiếng La tinh lại được phổ biến khắp châu Âu? Hãy hỏi các đội quân viễn chinh của Đế chế La Mã. (...) Chúng ta có thể chứng kiến một ngôn ngữ được gọi là quốc tế sống lại qua chiến thắng của quân đội hoặc của các nhà thám hiểm. Và tiếng Anh không là ngoại lệ với quy luật này.” (David Crystal, 1997, được dẫn lại từ Leclerc J., 2006).

Giải thích trên đã xua tan ảo tưởng của không ít người cho rằng tiếng Anh có được địa vị như ngày hôm nay là do những giá trị nội tại của nó, như ngữ pháp đơn giản, dễ học... Về phẩm chất của tiếng Anh, không phải vô cớ mà W. Churchill đã từng nói đùa: “Tiếng Anh là thứ ngôn ngữ dễ… nói sai nhất”. Hay gần đây, báo Peoples Journal số ra ngày 7/9/2006 đã cho rằng phần lớn học sinh Anh quốc dốt tiếng Anh, và vì thế nên dốt toán và các môn khoa học! Về quá trình phát triển, lịch sử đã cho thấy rằng tiếng Anh cũng đã từng trải qua những thời kỳ đen tối, đã suýt bị xóa sổ khi người Viking đặt chân lên hòn đảo này vào thế kỷ thứ tám. Thời ấy, chỉ còn vài trận đánh nữa là cả dân tộc Ăng-lô Sắc-xông bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ đó cho đến thế kỷ 17, tiếng Anh sống một cuộc sống lay lắt, đến nỗi nhiều học giả tiên đoán về một cái chết cận kề của nó.

Thế nhưng, để phục vụ cho mục tiêu thống trị thế giới, các lý thuyết gia của chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ đã ra sức tán dương tiếng Anh bằng cách mô phỏng mô hình thái dương hệ, trong đó tiếng Anh chiếm địa vị trung tâm của mặt trời:

Hệ thống này dựa trên một siêu tinh tú (tức tiếng Anh, ngôn ngữ được gọi là trung tâm), và khoảng một chục ngôn ngữ khác quay chung quanh nó (ngôn ngữ-hành tinh). Các ngôn ngữ này lại được khoảng 200 ngôn ngữ-mặt trăng bao quanh, và trên quỹ đạo của các ngôn ngữ mặt trăng này là khoảng 6000 ngôn ngữ khác.” (Cassen B., 2005, tr. 22).

1.4. Hiệu quả của chính sách bành trướng ngôn ngữ

Trong bản báo cáo 1987-1988, Tổng Giám đốc British Council đã nói:

Vàng đen thực sự của nước Anh không phải là dầu mỏ khai thác được ở biển Bắc, mà là tiếng Anh. Thách thức mà chúng ta phải đối diện là phải khai thác nó triệt để. (dẫn theo Philipson R., tr. 48).

Về ảnh hưởng chính trị, năm 1991, nhật báo Daily Mail của Anh đã nhận xét:

Tiếng Anh của chúng ta đã rất gần trỏ thành một ngôn ngữ phổ quát. Mới chỉ vài năm trước đây, nó còn là một trong hai ngôn ngữ chính của Cộng đồng kinh tế châu Âu. Thế mà bây giờ nó đã trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của cộng đồng. (dẫn theo Masson H., 2009, tr. 5).

Năm 1992, bên kia bờ Đại Tây Dương, nhật báo International Herald Tribune số ra ngày 7/7 cũng có cùng nhận xét ấy:

Việc sử dụng tiếng Anh làm gia tăng ảnh hưởng chính trị của các nước nói tiếng Anh còn mạnh mẽ hơn là một nền kinh tế mạnh hoặc một cường quốc quân sự. (dẫn theo Masson H., 2009, tr. 5).

Ngày 25 tháng 2 năm 1995, báo The Times đăng một bài báo của S. Jenkins dưới tựa đề Khúc Khải hoàn của tiếng Anh (The Triumph of English), có đoạn như sau:

Khi Hiệp ước Varsovie kết thúc, nó được ký kết bằng tiếng Anh. Khi nhóm G7 hội họp, nó sử dụng tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ quát của tin học, của các cơ quan thông tấn báo chí. Chỉ có một tổ chức quốc tế duy nhất tiếp tục sử dụng một ngôn ngữ nước ngoài, đó là Uỷ ban Châu Âu ở Bruxelles. Chỉ cần thêm một chút may mắn nữa thôi là chũng ta sẽ đặt dấu chấm hết lên đó. (dẫn lại từ Masson H., 2009, tr. 5).

Một nhà quản lý của một mạng lưới trường học xuyên quốc gia của Mỹ đã nói một cách ví von đầy ý nghĩa như sau: Ngày xưa, chúng ta thường gửi ra nước ngoài đại bác và các nhà ngoại giao. Ngày nay, chúng ta gửi các giáo viên tiếng Anh. (dẫn theo Philipson R., 1992, tr. 8).

2. Hiện trạng sử dụng tiếng nước ngoài xen vào tiếng Việt

Từ cuối năm 1999 cho đến năm 2001, trên các báo chí phổ thông (Tuổi trẻ Chủ nhật, Thanh niên, Thanh niên cuối tuần, Thể thao & Văn hóa, Giáo dục và Thời đại...) hay các tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ (tạp chí Ngôn ngữNgôn ngữ và Đời sống) xuất hiện hàng loạt bài viết của nhiều giới độc giả bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến việc sử dụng từ ngữ nước ngoài xen vào tiếng Việt trên báo chí hiện nay. Các ý kiến dù là đề cập đến vấn đề có nên phiên chuyển tên riêng sang tiếng Việt hay không, hoặc đến sự trong sáng của tiếng Việt trước làn sóng du nhập ồ ạt tiếng nước ngoài trong quá trình hội nhập thế giới. đều thể hiện sự lo âu trước khuynh hướng sử dụng tràn lan và tùy tiện từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt.

Gần đây, trên báo Tuổi Trẻ có một diễn đàn về tình trạng sử dụng tiếng Việt từ ngày 28/10/2009 và đã thu hút được nhiều ý kiến lo ngại về sự trong sáng của tiếng Việt trước làn sóng du nhập ồ ạt của từ ngữ tiếng nước ngoài vào tiếng Việt.

Qua các ý kiến nhận xét, ta thấy hàng loạt tính từ và danh từ mang nét nghĩa tiêu cực được dùng để chỉ hiện tượng sử dụng từ ngữ nước ngoài này, như tràn lan, bừa bãi, hỗn độn, bát nháo, cháo vữa, sính dùng, mốt… Tất cả các ý kiến đều lên án, không có một ý kiến nào bênh vực cho khuynh hướng mang tính chất ngôn ngữ học xã hội này. Điều đó cho thấy rằng lương tri của cộng đồng đã nhận thức được tính chất bất ổn của nó. Thật vậy, chỉ cần điểm qua một số ý kiến được đăng trên các báo, ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh của việc sử dụng tiếng nước ngoài xen vào tiếng Việt.

Hiện nay có một khuynh hướng khá phổ biến là: cố viết tiếng nước ngoài để làm sang về trình độ ngoại ngữ.” (Nguyễn Đức Dân, 1999, tr. 9).

Trên sách vở, báo chí hiện nay có tình trạng dùng tràn lan các từ ngữ nước ngoài, không chịu dịch ra tiếng Việt. Đó là hiện tượng cần ngăn chặn.” (Nguyễn Thiện Giáp, 2000, tr. 74).

Sử dụng tràn lan từ ngữ nước ngoài trong khi nói hoặc viết gần như là mốt tự làm sang của một số người chứ không hẳn vì tiếng Việt thiếu từ ngữ có nghĩa tương đương hoặc biểu đạt không đầy đủ sắc thái ý nghĩa của từ ngữ nước ngoài khi chỉ một hiện tượng, sự vật, sự việc nào đó.” (Lê Trung Thành, 1999, tr. 7).

Tiếng nước ngoài mà các tác giả đề cập ở trên là tiếng nào ? Vương Trí Nhàn chỉ thẳng ra đó là tiếng Anh:

“…ngôn ngữ xã hội cũng na ná như ngôn ngữ trong sách, tức là tùy tiện, lộn xộn như tình trạng xây dựng nhà cửa, hoặc xe cộ đi lại chen chúc trên đường phố (...), nổi cộm nhất phải kể hiện tượng pha phách tiếng Anh vào các thông tin cập nhật. Chẳng lẽ từ nay trở đi cứ phải chấp nhận chúng [tiếng Anh nói xen] mãi, coi chúng như tiếng Việt? (...) Chẳng lẽ cùng với quá trình toàn cầu hóa rồi ra ngôn ngữ các dân tộc sẽ pha trộn lung tung để trở nên những món cháo vữa?” (Vương Trí Nhàn, 2001, tr. 36).

Trong một công trình nghiên cứu của chúng tôi năm 2006 về hiện tượng dùng từ ngữ nước ngoài xen vào tiếng Việt trên báo chí Việt Nam hiện đại, chúng tôi nhận thấy trong tổng số 1716 từ được thống kê từ 3 tờ báo trung ương (Nhân dân cuối tuần, Tiền Phong chủ nhật và Thanh Niên cuối tuần) và 3 tờ báo địa phương (Hà Nội mới thứ bảy, Sài Gòn Giải phóng thứ bảy và Tuổi trẻ chủ nhật) phát hành năm 2000:

- có 626 từ được 2 đến 3 từ điển tiếng Việt công nhận (36,48%) và 217 từ chỉ có 1 từ điển tiếng Việt công nhận (12,64%). Đa số những từ này có nguồn gốc tiếng Pháp, và được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động ngôn ngữ đời thường, nhất là trong khẩu ngữ.

- và 873 từ chưa được bất cứ từ điển nào ghi nhận (chiếm tỉ lệ 50,87%), trong đó có:

+ 419 từ tiếng Anh mới du nhập vào Việt Nam như account, acoustic guitar, aerobic, alternative rock, baby…;

+ 329 từ có thể được xem là có nguồn gốc đôi, vì trong từ vựng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đều có (trường hợp của nhiều thuật ngữ chuyên ngành, như a cappella, Alzheimer, amphetamin, ampicilin…);

+ 92 từ tiếng Pháp, đa số được vay mượn từ thời Pháp thuộc nhưng chưa có từ điển nào liệt kê (như bắc, băngđô, barem…);

+ 33 từ của các nước trong khu vực (như aikido, bonsai, geisha, haiku…)

Phân tích 419 từ tiếng Anh xuất hiện trên báo chí Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phần lớn thuộc về lớp từ ngữ liên quan đến các lĩnh vực công nghệ thông tin (như account, CD, CD-ROM, chat…), khoa học kỹ thuật (như cloning, chip, cyborg…), vui chơi giải trí (như alternative rock, bebop, big band, big show…), nghề nghiệp mới (như barman, bartender, broker…), lối sống (như barbecue, boarding pass, book vé, boom…), thái độ (như cool)… Một số từ ngữ trong nhóm này chưa có từ tương đương trong tiếng Việt nên báo chí phải sử dụng nguyên văn trong tiếng Anh. Bên cạnh đó, cũng có không ít từ ngữ có từ tương đương trong tiếng Việt, hoặc có thể diễn đạt bằng tiếng Việt, nhưng báo chí vẫn sính dùng tiếng Anh. Đây chính là mảng từ ngữ khiến người đọc có cảm giác là tiếng Việt đang bị xâm lấn bởi tiếng nước ngoài, và đang trở thành một món «cháo vữa». Thử hình dung trong đời sống hàng ngày chúng ta chỉ sử dụng khoảng 1000 đơn vị từ ngữ (vốn từ tích cực), trong khi số lượng những từ “ngoại lai” này đã chiếm 873 từ, chúng ta sẽ thấy được mức độ xâm nhập của từ ngoại lai vào đời sống ngôn ngữ của chúng ta! Và sự xâm nhập này sẽ có điểm dừng hay không, hay là nó sẽ tiếp tục phát triển và từng bước đẩy lùi vốn từ vựng tiếng Việt ra khỏi ngôn ngữ báo chí Việt Nam ?

3. Một số đề nghị

Chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ, dù là của tiếng Latinh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong quá khứ và tiếng Anh – Mỹ trong thời đại hiện nay, đều có mục đích chung là đồng hoá văn hoá thông qua việc truyền bá ngôn ngữ, để thực hiện tham vọng thống trị thế giới về mặt chính trị, văn hoá và xã hội. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ là kẻ thù của đa dạng văn hoá, của thế giới đa ngôn ngữ, của lý tưởng bình đẳng giữa các dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập, các dân tộc trên thế giới phải đối mặt với một nguy cơ mà trước đây chỉ xuất hiện trong thời đế quốc thực dân đi xâm chiếm thuộc địa: đó là nguy cơ diệt vong ngôn ngữ. Vì thế, các dân tộc chẳng những phải thường xuyên «giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ để» của mình, mà trước hết, là phải «bảo vệ sự tồn vong của tiếng nói dân tộc» nữa.

Theo các nhà nghiên cứu, từ nay đến cuối thế kỷ 21 có khoảng 3000 ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới sẽ bị diệt vong. Nhân dịp trả lời phỏng vấn tạp chí Sciences Humaines về vai trò của ngôn ngữ học xã hội trong việc bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc, L.-J. Calvet đã chỉ rõ trách nhiệm của mỗi thành phần trong cộng đồng, mà vai trò của người sử dụng ngôn ngữ mang tính chất quyết định:

Ngôn ngữ học xã hội chỉ có thể cố gắng tìm hiểu tiến trình này [tức sự diệt vong của 3000 ngôn ngữ] và mô tả nó. Phần còn lại là công việc của người sử dụng ngôn ngữ và của các nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ, trong đó người sử dụng sẽ quyết định việc bảo tồn ngôn ngữ của mình, còn nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ sẽ can thiệp theo nguyên tắc ngôn ngữ phục vụ con ngườì chứ không phải ngược lại” (2005, tr. 37).

Gandhi đã từng nói: “Chính những người biết nói tiếng Anh của nước ta đã biến Ấn Độ trở thành nô lệ còn hơn cả người Anh nữa.” Đứng trước những nguy cơ trong thời đại toàn cầu hoá này, chúng tôi đề nghị một số biện pháp sau đây:

2.1. Ở cấp độ vĩ mô

Việc hoạch định và chỉnh đốn ngôn ngữ là một việc làm vô cùng cần thiết đối với bất cứ ngôn ngữ nào, vì mỗi ngôn ngữ đều có vấn đề riêng của nó. Ngôn ngữ là một thực thể xã hội phức tạp, hoạt động theo cơ chế riêng của nó, do đó việc buông xuôi để cho nó phát triển tự phát tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, và từ đó sẽ dẫn đến rối loạn. Đó là chưa nói đến những hệ quả đối với các ngành có liên quan như văn hóa, giáo dục... Một ngôn ngữ đẹp chắc chắn không phải là thứ ngôn ngữ cho phép người sử dụng nói sao cũng được, viết sao cũng đúng. Các ngôn ngữ lớn trên thế giới được như ngày nay cũng đều phải trải qua một quá trình gạn lọc và chỉnh đốn lâu dài. Vì thế, chúng tôi kiến nghị:

2.1.1. Thành lập cơ quan chỉnh đốn ngôn ngữ có đủ năng lực và thẩm quyền

Các nước tiên tiến trên thế giới đều tổ chức các cơ quan chỉnh đốn ngôn ngữ: ở Pháp ngoài Viện Hàn Lâm chuyên lo về việc biên soạn từ điển và ngữ pháp tiếng Pháp còn có Délégation à la langue française và các ban của nó chuyên trách theo dõi việc nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ và đề xuất giải pháp. Đối với tiếng Việt, để chỉnh đốn ngôn ngữ nhất là về mặt từ ngữ là bộ phận nhạy cảm nhất của ngôn ngữ, nhất thiết phải có một cơ quan thường trực có đủ năng lực và thẩm quyền chịu trách nhiệm:

nghiên cứu ứng dụng và nhất là tổng hợp những nghiên cứu trong xã hội về việc sử dụng từ ngữ nói chung, và từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt nói riêng, bao gồm từ ngữ ngữ văn và từ ngữ chuyên ngành, để tìm ra những yếu tố chi phối đến các hoạt động ngôn ngữ cũng như những hệ quả có thể có nhằm kịp thời có biện pháp xử lý và đề ra biện pháp khắc phục.

xây dựng Luật Ngôn ngữ và các văn bản dưới luật nhằm thể chế hóa các quy định sử dụng tiếng Việt nói chung và sử dụng từ ngữ nước ngoài nói riêng, đồng thời dự kiến các biện pháp chế tài đối với các cơ quan thông tấn, báo chí và xuất bản. Như đã nói ở trên, để hoạt động có hiệu quả, cơ quan chỉnh đốn ngôn ngữ phải có đủ thẩm quyền để xử lý những trường hợp vi phạm. Phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát và kiến nghị thi hành Luật Ngôn ngữ.

2.1.2. Xây dựng ý thức bảo vệ tiếng Việt cho người làm báo

Quốc hội khóa X đã bổ sung một mục trong điều 6 chương 3 về Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí trong Luật Báo chí sửa đổi và bổ sung (ban hành ngày 12/6/1999, và có hiệu lực kể từ ngày 1/9/1999) để nói về nhiệm vụ của báo chí đối với tiếng Việt:

«5- Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam;»

Thế nhưng dường như không mấy tờ báo quan tâm đến điều này, do còn thiếu những quy định cụ thể (như thế nào là trong sáng) và không có cơ quan chức năng nào được phân công theo dõi và có biện pháp uốn nắn kịp thời.

Việc xây dựng ý thức bảo vệ tiếng Việt không thể chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu như hiện nay, mà phải gắn chặt với việc xây dựng các quy định cụ thể về việc sử dụng tiếng Việt như đã nói ở phần trên, với việc giáo dục tiếng Việt ở nhà trường phổ thông, cũng như phải xem năng lực ngôn ngữ của người làm báo có tầm quan trọng ngang với năng lực nghề nghiệp. Thật vậy, chẳng những báo chi có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống hàng ngày mà nó còn có tác động không thể xem thường đối với ngôn ngữ, vì thế các nhà nghiên cứu ngôn ngữ và các đơn vị đào tạo đội ngũ làm báo cần phải có những thay đổi trong quan niệm cũng như trong những biện pháp tiến hành cụ thể, như L. Guilbert đã từng nói:

Mô hình văn học truyền thống đã thay đổi. Các bài báo được chấp nhận như là cội nguồn của ngôn ngữ viết. Chúng tạo thành một thứ thể loại chuyển tiếp giữa văn bản văn học và bản tin nhanh. Điều này xuất phát từ tình hình những biến đổi kinh tế – xã hội và chính trị được phản ánh ào ạt trên báo chí. Những biến đổi ấy thường xuyên phải nhờ đến những đổi mới ngôn ngữ. Tuy nhiên, tất cả những biến đổi ấy không những xâm nhập vào từ vựng của một ngôn ngữ, mà chúng còn tạo thành một áp lực thường trực lên từ vựng, đến nỗi mà việc chọn lựa từ ngữ theo kiểu truyền thống bị xét lại” (L. Guilbert, 1975, tr. 52).

Vì thế, một phần vận mệnh ngôn ngữ của một dân tộc nằm trong tay đội ngũ nhà báo. Không thể để những nhà báo có năng lực ngôn ngữ kém tham gia quyết định vận mệnh ngôn ngữ của một dân tộc.

2.1.3. Xây dựng lòng quý trọng tiếng Việt ngay từ lứa tuổi cắp sách đến trường

Đây là việc mà chúng ta hiện còn xem nhẹ: thử quan sát ngôn từ mà thiếu niên hiện nay sử dụng, hoặc những ấn loát phẩm dành cho thanh thiếu niên, người có trách nhiệm với tương lai của dân tộc không thể không lo âu. Nói như L.-J. Calvet, chính người bản địa sẽ quyết định số phận của tiếng mẹ đẻ của họ, hoặc nói cho chính xác hơn, vận mệnh của tiếng mẹ đẻ của họ tuỳ thuộc vào chính thái độ của họ đối với tiếng mẹ đẻ của mình. Chúng ta không thể cố bám lấy mãi lòng tự hào về quá khứ bất khuất của dân tộc ta trước các thế lực ngoại bang thù địch, không thể mãi “lên dây cót tinh thần” nhau, mà cần phải tỉnh táo nhìn nhận thấu đáo các khía cạnh của vấn đề.

Để giới trẻ có lòng quý trọng đốí với tiếng Việt, trước hết đội ngũ giáo viên phảỉ gương mẫu, tài liệu sách giáo khoa phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về sử dụng tiếng Việt, xã hội phải có nền nếp kỷ cương trong việc sử dụng tiếng Việt... Tóm lại, cần phải có sự hợp lực của toàn xã hội, bởi vì mỗi yếu tố trong đời sống xã hội đều có sự tác động qua lại, và khi giải quyết vấn đề nào đó, không thể đóng khung trong một lĩnh vực riêng lẻ được.

2.2. Ở cấp độ vi mô

Trên phương diện thuần tuý ngôn ngữ, chúng tôi nhận thấy rằng cần phải tạo cho tiếng Việt những quy tắc tương đối chặt chẽ. Dĩ nhiên là không thể nào đạt được mức độ chính xác như các ngành khoa học tự nhiên, nhưng cũng không nên thảo mãn với cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “đa chuẩn” trong tiếng Việt. Tiếng Pháp sở dĩ được tôn vinh là ngôn ngữ chặt chẽ, được sử dụng trong các văn bản, hiệp ước là vì nó đã trải qua một giai đoạn dài chỉnh đốn hàng trăm năm sau giai đoạn mạnh ai nấy viết của thế kỷ 15 và 16. Vì thế, chúng tôi có mấy đề nghị chung nhất như sau:

Phải thường xuyên rà soát những từ ngữ nước ngoài được sử dụng trên báo chí để kịp thời cập nhật từ nào vào từ điển, và cập nhật ra sao (hình thức chính tả), sau đó công bố rộng rãi để mọi người áp dụng. Chúng tôi nghĩ, một khi nhìn nhận một từ là đã hội nhập vào tiếng Việt thì phải đối xử nó như là những từ tiếng Việt khác, nghĩa là phải tuân thủ các nguyên tắc về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chính tả như bao từ khác. Có như thế mới tạo sự nhất quán trong tiếng Việt, làm nền tảng cho sự nhất quán trong suy nghĩ và tư tưởng của người sử dụng tiếng Việt;

Khi quyết định hình thức chính tả để cập nhật hoá một từ nước ngoài vào tiếng Việt, cần phải chọn hình thức gần gũi với tiếng Việt nhất để mọi người có thể đọc và viết được. Không được lập luận rằng nước ta đã hội nhập vào cộng đồng thế giới thì cần phải chấp nhận hiện tượng sử dụng tiếng nước ngoài xen vào tiếng Việt như hiện nay. Cũng không nên quan niệm rằng trình độ dân trí của nước ta đã cao thì không sợ người đọc không hiểu. Ngay cả khi các từ ngữ nước ngoài được sử dụng xen vào tiếng Việt được tất cả dân chúng đều hiểu hết thì chúng cũng phải được Việt hoá, vì đó không phải chỉ là vấn đề đọc hiểu, mà còn là vấn đề quốc thể, là lòng tôn trọng bản sắc văn hoá Việt Nam. Nên nhớ là khẩu hiệu cho thời kỳ hội nhập của chúng ta là “hoà nhập chứ không hoà tan”.

cần phải có những quy định mang tính chất siêu ngôn ngữ, nghĩa là những quy định về cách xử lý cụ thể đối với những từ ngữ chưa được công nhận hội nhập, chẳng hạn đối với những từ vay mượn tạm thời phải in nghiêng hoặc để trong ngoặc kép “« và mở ngoặc đơn giải thích nghĩa. Quy định này sẽ làm mất một ít thì giờ cho người xử lý văn bản, nhưng nó khiến việc sử dụng tiếng Việt thêm chặt chẽ hơn, và đặc biệt là nó giúp người sử dụng tiếng Việt có thái độ nghiêm túc hơn và tôn trọng tiếng Việt hơn.

thường xuyên theo dõi và chấn chỉnh việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm (áp dụng nhiều biện pháp từ biện pháp nhẹ như hạn chế số lượng phát hành đến biện pháp nặng hơn như rút giấy phép xuất bản...).

Trên đây là một số kiến nghị mà chúng tôi xây dựng trên cơ sở nghiên cứu của hiện tượng dùng từ ngữ nước ngoài xen vào tiếng Việt và những bài học của một số ngôn ngữ lớn trên thế giới. Chắc chắn là các kiến nghị này sẽ gặp phải sự phản đối của không ít người, và sẽ dễ dàng rơi vào quên lãng. Nhưng với trách nhiệm của một người dân Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng để bảo vệ sự trong sáng và trường tồn của tiếng Việt thân yêu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Calvet L.-J., 2005, L’écologie des langues, tạp chí Sciences Humaines, số 162, 2005.

Cassen B., 2005,Un monde polyglotte pour échapper à la dictature de l’anglais, Le Monde Diplomatique, số tháng Giêng 2005, tr. 22-23.

Colson B, 2005, Concepts américains pour l’après-guerre froide, tham khảo tại địa chỉ http://www.stratisc.org/strati_057_Colson_tdm.html (ngày 3/3/2010).

Dương Tường, 2001, Tiếng Việt S.O.S, trongThể thao & Văn hóa, số 15, 20/2/2001.

Guilbert L., 1975, La créativité lexicale, Nxb. Larousse, Paris.

Leclerc J., 2009, La superpuissance et l'expansion de l'anglais, trong Histoire sociolinguistique des Etats-Unis, Trésor de la Langue française au Québec, Đại học Laval, Canađa, tại địa chỉhttp://www.tlfq.ulaval.ca/axl/amnord/usa_6-8histoire.htm (truy cập ngày 03/3/2006).

Lê Trung Thành, 1999, Sự vô ý thức trong việc sử dụng tràn lan từ nước ngoài, trong Giáo dục & Thời đại, số 97, 13/11/1999, tr. 7.

Masson H., 2002, Langue et domination du monde, tại địa chỉ http://users.skynet.be/aped/Forum/Forum0201/F004Masson.html (truy cập ngày 03/3/2010)

Masson H., 2009, Le «cadeau» de Gordon Brown au monde, tại http://www.droits-linguistiques.org/dokumento/Henri_Masson_Le_cadeau_de_Gordon_Brown_au_monde_31_05_2009.pdf (truy cập ngày 03/3/2010).

Nguyễn Đức Dân, 1999, Vì sự trong sáng của tiếng Việt, Thanh niên cuối tuần, 17/10/1999, tr. 7.

Nguyễn Thiện Giáp, 2000, Mấy suy nghĩ về cách phiên chuyển từ ngữ nước ngoài sang tiếng Việt, trong tạp chí Ngôn ngữ, số 2, năm 2000.

Philipson R., 1992, Linguistic Imperialism, Nxb. The Oxford University Press, London.

Philipson R., 2005, English to transform the students «whole world», SAGO, số 13, 2/2005.

Riposte Laique, 2008, Impérialisme linguistique de l’anglais et promotion des langues régionales, Langues régionales et République, n° 58, http://www.ripostelaique.com, truy cập ngày 15/10/2009.

Rothkopf D., 1997, In Praise of Cultural Imperialism, trong Foreign Policy, số 107, Summer 1997, tr. 38-53.

Seidlhofer B., 2003, Autour du concept d’anglais international: De «l’anglais authentique» à l’anglais réaliste» ?, Conseil de l’Europe xuất bản, Strasbourg.

Trần Thanh Ái, 2006, Nghiên cứu hiện tượng dùng từ ngữ nước ngoài trên báo chí Việt Nam hiện đại qua cách tiếp cận ngôn ngữ học xã hội, đề tài khoa học cấp Bộ mã số B2003-31-60, nghiệm thu năm 2006.

Vương Trí Nhàn, 2001,Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa, Thể thao & Văn hóa, số 100, 14/12/2001, tr. 36.

===

Chú dẫn:

(*) Báo cáo trong Hội thảo khoa học toàn quốc«Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay», tháng 6/2010, do Đại học HUFLIT và Đại học Sài Gòn.tổ chức, được đăng trong Kỷ yếu khoa học, trang 64-74, với tên do Ban Tổ chức biên tập lại “Tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hoá và vấn đề bảo vệ tiếng Việt ».

(1) Nguyên văn: “In this twenty-first century, the dominant power is America; the global language is English; the pervasive economic model is Anglo-saxon capitalism”. Xem Le Figaro, ngày 22/7/2000.

(2) Nhà xuất bản Oxford University Press, 1992. R. Philipson hiện nay là giáo sư tại Đại học Roskilde (Đan Mạch).

(3) Nguyên văn: «What the World needs most is about 1000 more dead languages – and one more alive », Time, ngày 12/3/1934.

(4) Nguyên văn: »I am very much interested in the question of Basic English. The widespread use of this would be a gain to us for more durable and fruitful than th annexation of great provinces », theo The Churchill Centre.

(5) Năm 2000, cả thế giới bàng hoàng khi biết được là đang tồn tại một hệ thống nghe lén các cuộc điện đàm và trao đổi thư tín điện tử, do các nước sử dụng tiếng Anh gồm Mỹ, Canađa, Anh, Úc, Niu Dilân tổ chức. Mục đích ban đầu là phục vụ chiến tranh lạnh, nhưng sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ thì hệ thống đó phục vụ cho các mục đích tình báo kinh tế của các nước thành viên.

[Về đầu trang]
Lời bình
Bình luận Tìm kiếm
Viết lời bình
Tên:
Điện thư: không thông báothông báo
Website:
Tựa:
UBBCode: [b] [i] [u] [url] [quote] [code] [img] -màu-xanh nhạtđenxanh dươngđỏ tươixámxanh lụcvàng chanhnâu sẫmxanh lơxanh ôliuđỏ tíađỏbạcxanh dương pha lụctrắngvàng -cỡ-rất nhỏnhỏvừalớnrất lớn
:D:):(:0:shock::confused:8):lol::x:P:oops::cry::evil::twisted::roll::wink::!::?::idea::arrow:
Security Image
Xin vui lòng nhập mã chống spam trong hình bên cạnh.
Powered by !JoomlaComment 3.21

3.21 Copyright (C) 2007 Alain Georgette / Copyright (C) 2006 Frantisek Hliva. All rights reserved."

Từ khóa » Dế Nghĩa Tiếng Anh