Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Sự Nghiệp đại đoàn Kết Dân Tộc - HỌC TẬP ...
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Hồ Chí Minh là kiến trúc sư vĩ đại và linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Người đã mở ra cho nhân dân ta một thời đại mới: Thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh là người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho nhân dân ta những di sản vô giá. Một trong những di sản đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, trong đó nổi bật là tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Theo Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng lực lượng trong nước có vai trò quyết định "để tự ta giải phóng cho ta". Theo Người, muốn có lực lượng phải đoàn kết vì "đoàn kết là lực lượng vô địch". Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối thống nhất. Đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Người viết: "Nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân ta đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất". Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược. Đó là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt quá trình cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng, có thể tập hợp được nhằm hình thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Người thường xuyên căn dặn những người cách mạng Việt Nam: Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng.
Vì vậy, muốn cách mạng thành công, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được quán triệt trong mọi chủ trương của Đảng, mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại đoàn kết dân tộc theo Hồ Chí Minh không chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc chính là sự đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" với tư tưởng truyền thống của tổ tiên "Nước lấy dân làm gốc". Mà "dân" theo tư tưởng của Người bao gồm "mọi con dân nước Việt", mọi "con Lạc, cháu Hồng" không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, người có tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai. Hồ Chủ tịch căn dặn chúng ta: Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên; phải có lòng khoan dung, đại độ với con người. Người viết: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng: Đã là con Lạc, cháu Rồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang".
Một sáng kiến lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới là việc đề xướng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 5-1983): "Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó".
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: "Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Nhiệm vụ trước mắt của chặng đường đầu tiên là "đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng ổn định tình hình kinh tế, xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ XXI". Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó, nhân dân ta phải tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thử thách và hơn bao giờ hết, phải tăng cường đoàn kết, phát huy mọi tiềm năng vật chất và trí tuệ của cộng đồng dân tộc, kết hợp sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại, thực hiện đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao mới, chiều sâu mới, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Đại hội quyết định nhiệm vụ chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: "Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ thế giới". Đại hội khẳng định: "Trước vận hội mới của đất nước, Đại hội lần này là Đại hội đoàn kết, tập hợp mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đem hết tinh thần và nghị lực tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho Tổ quốc phồn vinh, xã hội công bằng, văn minh, mọi người sống tự do, hạnh phúc, đưa nước ta hội nhập trào lưu tiến hóa chung của thời đại". Đại hội trịnh trọng công bố trước đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài Chương trình 12 điểm về đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội ra Lời kêu gọi, trong đó nêu rõ: "Đất nước Việt Nam được xây dựng và phát triển qua hàng ngàn năm là của chung, của mọi người Việt Nam. Nhân dân là người làm chủ đất nước. Sức mạnh không gì lay chuyển nổi của dân tộc bắt nguồn từ nhân dân. Ý chí của nhân dân là mệnh lệnh cao nhất. Tiếng nói quyết định là tiếng nói của nhân dân". Trước mắt chúng ta là một thời kỳ mới với những triển vọng đầy hứa hẹn, song cũng có nhiều thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đồng tâm nhất trí coi lợi ích của Tổ quốc và nhân dân là cao nhất, thiêng liêng nhất; coi vận mệnh và tiền đồ của đất nước là trên hết và gắn liền với mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Hơn bao giờ hết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân là động lực to lớn, là yếu tố quyết định để vượt qua thử thách, tận dụng thời cơ, đưa đất nước không ngừng phát triển. Hướng về tương lai, đoàn kết phấn đấu vì "một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước. Đây cũng là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta.
Qua 30 năm thực hiện Chương trình đại đoàn kết dân tộc – một chương trình cụ thể hóa đường lối đổi mới đầy sáng tạo, đúng quy luật, hợp lòng dân do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, nhân dân ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên gấp nhiều lần, tạo tiền đề cho nhân dân ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Những thành tựu đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó "Đổi mới đã luôn luôn quán triệt quan điểm "lấy dân làm gốc" vì lợi ích của nhân dân, dựa vào dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc". Những thành tựu to lớn đó đồng thời cũng là những tiền đề hết sức quan trọng để tăng cường sự đồng thuận và ổn định xã hội, để không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất tạo tiền đề thuận lợi để các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống.
Triển khai Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đề ra và Nghị quyết của các kỳ Đại hội tiếp theo, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, về người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Đặc biệt, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội" và Quyết định số 218-QĐ/TW "về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền". Những quyết định trên một lần nữa khẳng định: "Nhà nước này là Nhà nước của dân, do dân và vì dân" và "Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định.
Thực hiện những nghị quyết, chỉ thị, quyết định trên, nhiều cấp ủy đã quan tâm hơn đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đến công tác dân vận – Mặt trận, đã củng cố tổ chức và tăng cường cán bộ, phương tiện và điều kiện cho công tác Mặt trận. Chính quyền ở nhiều cấp, nhiều địa phương đã thực sự có những chuyển biến trong nhận thức và hành động về quan hệ với nhân dân. Nhiều dự án về phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của Nhà nước được ban hành nhằm chăm lo cho đời sống của nhân dân đã được thực hiện có kết quả. Quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội được thể chế hóa, đã từng bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh-quốc phòng. Đó là những nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu, đảm bảo sự ổn định chính trị-xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Cùng với những chuyển biến, tiến bộ nêu trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thấy rõ nhiều vấn đề mới đã và đang nảy sinh trong quá trình đổi mới. Đó là xã hội, giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư vẫn đang trong quá trình phân hóa. Thực tế này đã tác động mạnh đến khối đại đoàn kết. Vì vậy, tuy đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường, song chưa thật vững chắc và đang đứng trước những thách thức không thể xem thường.
Như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã nhận định: Lòng tin của một bộ phận nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý của Nhà nước có phần giảm sút. Nhân dân, nhất là nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu – những người sống chết với lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, cả đời phấn đấu cho độc lập, tự do rất bất bình trước những bất công xã hội, trước tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân; trước tình trạng kỷ cương, phép nước không nghiêm, đạo đức có lúc, có nơi, có bộ phận xuống cấp, thậm chí nghiêm trọng; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; việc chấp hành đường lối, chính sách ở một số bộ, ngành, địa phương không đến nơi, đến chốn; nói không đi đôi với làm…Các thế lực thù địch đã và đang khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị-xã hội. Để đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự là nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Đảng ta đang tiến hành Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cần làm cho cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Kết thúc Di chúc thiêng liêng và bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Kiên trì thực hiện mục tiêu cao cả đó của Người, cũng là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, bao dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện và bền vững của đất nước./.
(Sưu tầm: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/chu-tich-ho-chi-minh-voi-su-nghiep-dai-doan-ket-dan-toc-617827)
Ngọc Dung
Từ khóa » Chiến Lược đại đoàn Kết Hồ Chí Minh
-
CHIẾN LƯỢC ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Là Nguồn Sức Mạnh Cho Cuộc ...
-
Vận Dụng Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Đại đoàn Kết Là Chiến Lược Của ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc - Luật Minh Khuê
-
Vận Dụng Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc Trong Công ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc - Tổng Cục Thi Hành án
-
Phát Huy Nội Dung Cơ Bản Của Chiến Lược đại đoàn Kết Hồ Chí Minh ...
-
Sức Sống Bất Diệt Của Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Toàn ...
-
Ý Nghĩa đại đoàn Kết Dân Tộc Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh Trong Bối ...
-
Đại đoàn Kết Dân Tộc Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh – Nhìn Từ Đại Hội ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc Soi Sáng Chặng ...
-
Vài Suy Nghĩ: Học Tập, Vận Dụng Tư Tưởng đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc ...