Phát Huy Nội Dung Cơ Bản Của Chiến Lược đại đoàn Kết Hồ Chí Minh ...
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược đó là sản phẩm của cả một quá trình tiếp thu, khảo nghiệm, đúc kết, sáng tạo lâu dài và cần được kế thừa, vận dụng và phát huy trong mọi thời đại.
1. Phạm trù chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là hiện thân của khối đoàn kết dân tộc, là hiện thân của tình ruột thịt Bắc – Nam. Người đúc kết vấn đề đoàn kết bằng mười ba chữ “Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công” được Bác nói tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, ngày 25-4-1961 đã trở thành chân lý của hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết có vai trò quan trọng, là vấn đề chiến lược có ý nghĩa sống còn đối với mọi sự nghiệp cách mạng, đồng thời, đại đoàn kết còn là mục tiêu hàng đầu của Đảng, của dân tộc chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời mang tính chất sách lược.
Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh là một phạm trù rất rộng, bao hàm nhiều tầng nấc, nhiều cấp độ các quan hệ liên kết giữa các lực lượng xã hội từ nhỏ đến lớn, từ vi mô đến vĩ mô, từ thấp đến cao, từ trong ra ngoài… Có thể tiếp cận và lý giải phạm trù chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp và biện pháp giáo dục, tổ chức, hướng dẫn hành động của các lực lượng cách mạng nhằm phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc, sức mạnh quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nói một cách khác, đó là chiến lược xây dựng, củng cố, mở rộng, tăng cường lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xã hội và con người.
Như vậy, tìm hiểu chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có một quan điểm toàn diện và tổng thể. Nếu chỉ dừng lại ở một cách tiếp cận nào cũng sẽ là phiến diện và làm nghèo nàn nội dung vô cùng phong phú, rộng lớn của chiến lược cách mạng này.
2. Những nội dung cơ bản của chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh cần kế thừa và phát huy trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa
Xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng đại đoàn kết nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của dân tộc, quốc tế vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và chủ nghĩa xã hội. Theo số liệu thống kê của các nhà nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã đưa ra số liệu tương đối chính xác (gần 50%) về sự xuất hiện tần số cụm từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết” trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh từ những bài đầu tiên cho đến tác phẩm cuối cùng là “Di chúc”. Qua những bài nói, bài viết, tác phẩm của Người, có thể nêu thành một số luận điểm về đại đoàn kết thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa như sau:
Một là, xây dựng một nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa xã hội là cơ sở để hình thành đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ lịch sử mới
Tiến lên chủ nghĩa xã hội sau khi giải phóng dân tộc là con đường được Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn từ những năm 30 của thế kỷ XX. Điều này được thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo và trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2 - 1930). Người viết: “Chủ trương làm cách mạng dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Đó chính là mục tiêu lý tưởng của Đảng, của dân tộc, song trên thực tế đó là một xã hội hoàn toàn mới mẻ đối với nhân dân.
Để có thể tập hợp được mọi lực lượng vào khối đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để mọi người hiểu được bản chất của xã hội chủ nghĩa, giúp cho mọi người tự giác, tự nguyện đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển. Nắm rõ nguyện vọng và hiểu sâu sắc về trình độ dân trí, Hồ Chí Minh đã diễn giải xã hội chủ nghĩa là gì và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh đó là một xã hội vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, là “làm sao cho dân giàu nước mạnh”(2), là “làm sao cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, là “nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”, là “làm cho mọi người được ăn no mặc ấm, được sung sướng, tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3)…
Tựu trung lại, bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chỉ là một. Đó là xây dựng chế độ vì độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan và nhiều khó khăn thử thách. Để vươn tới ấm no, hạnh phúc, cách duy nhất có thể thực hiện là “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có một lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(4). Đó là phương pháp củng cố niềm tin, tập hợp lực lượng trong chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Hai là, để đảm bảo đại đoàn kết trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước chăm lo, bảo vệ những lợi ích chính đáng của nhân dân lao động và xóa bỏ định kiến để vun đắp đại đoàn kết trong thời kỳ cách mạng mới
Đại đoàn kết là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc trong mọi giai đoạn cách mạng. Nhấn mạnh vấn đề này là nhấn mạnh tới vai trò của lực lượng cách mạng. Tin dân, dựa vào dân là nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Theo Người, dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng, là nền gốc của cách mạng, mà “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì quần chúng, song sự nghiệp đó chỉ có thể thành công khi quần chúng được tập hợp lại trong một tổ chức thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức ấy là Mặt trận dân tộc thống nhất - tổ chức chính trị xã hội rộng lớn mà ở đó quy tụ mọi tổ chức và cá nhân yêu nước không phân biệt tôn giáo, giai cấp, đảng phái cả trong và ngoài nước. Đảng và mặt trận có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau. Từ đó, Hồ Chí Minh luôn luôn xác định trách nhiệm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và các cán bộ đảng viên là phải chăm lo đời sống, đảm bảo lợi ích tối cao của nhân dân; phải thấm nhuần lợi ích chung, lợi ích tối cao của dân tộc; phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Những lợi ích riêng chính đáng phù hợp với lợi ích chung của đất nước và của dân tộc cần được tôn trọng. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(5). Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm, việc gì có hại cho dân thì nhỏ mấy cũng tránh, bởi “Được lòng dân thì việc gì cũng làm được/Trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”(6).
Củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới cần phải tập hợp, động viên mọi lực lượng, san bằng những hố sâu ngăn cách, rào cản. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở về nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là: “...đoàn kết cần xóa bỏ mọi thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ để cùng phục vụ nhân dân”(7). Đảng phải thu phục được đại đa số các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Đối với những người yêu nước, dù ở tầng lớp nào và trước đây đã cộng tác với đối phương, “nếu ngày nay họ thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nếu họ muốn thật thà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì chúng ta cần cộng tác với họ”(8). Và cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc xóa bỏ thành kiến giữa các dân tộc, khai thác các yếu tố tương đồng, tôn trọng những yếu tố khác biệt, nhân lên mẫu số chung về lợi ích dân tộc để phát huy sức đoàn kết trong thời kỳ cách mạng xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Ba là, nâng đường lối đối ngoại và hoạt động đoàn kết quốc tế lên một tầm cao mới
Với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là yếu tố nội sinh, có ý nghĩa quyết định, song bao giờ cũng coi trọng việc mở cửa, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thời đại Hồ Chí Minh là thời kỳ tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh luôn bao hàm phép biện chứng trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố bên trong và bên ngoài, giữa dân tộc và quốc tế. Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết dân tộc là sự nghiệp vững chắc để Đảng và Nhà nước ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời cũng cần chú ý giải quyết hiệu quả các vấn đề: phát triển kinh tế gắn với xây dựng văn hóa, đạo đức; đề cao lợi ích dân tộc, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đi đôi với củng cố an ninh quốc phòng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, trong dân, lấy đó làm sức mạnh ngăn chặn và đánh bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp sức của quốc tế để mở cửa – hội nhập theo phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác, phát triển nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiến bộ trên thế giới.
Với tầm cao trí tuệ và chủ nghĩa nhân văn cộng sản, Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề cấp bách của cách mạng thuận theo xu thế phát triển khách quan của thời đại. Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã có một sức sống kỳ diệu và trở thành một bộ phận hữu cơ trong đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã thấm nhuần vào tư tưởng, tình cảm của nhân dân và chuyển hóa thành sức mạnh vô địch giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phải kế thừa và phát huy, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
----------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr.1, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
(2). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr.226, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr.161, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
(5),(6). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr. 163, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
(7), (8). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr. 438, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011
Từ khóa » Chiến Lược đại đoàn Kết Hồ Chí Minh
-
CHIẾN LƯỢC ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Là Nguồn Sức Mạnh Cho Cuộc ...
-
Vận Dụng Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Đại đoàn Kết Là Chiến Lược Của ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc
-
Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Sự Nghiệp đại đoàn Kết Dân Tộc - HỌC TẬP ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc - Luật Minh Khuê
-
Vận Dụng Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc Trong Công ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Dân Tộc - Tổng Cục Thi Hành án
-
Sức Sống Bất Diệt Của Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Toàn ...
-
Ý Nghĩa đại đoàn Kết Dân Tộc Theo Tư Tưởng Hồ Chí Minh Trong Bối ...
-
Đại đoàn Kết Dân Tộc Trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh – Nhìn Từ Đại Hội ...
-
Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc Soi Sáng Chặng ...
-
Vài Suy Nghĩ: Học Tập, Vận Dụng Tư Tưởng đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc ...