Chữ “Văn” Và Những Nét Nghĩa - Enews@.vn
Có thể bạn quan tâm
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường hay nghe nói: “Anh ấy cư xử rất có văn hóa”, “Câu chuyện đậm tính nhân văn”, “Nó nói chuyện rất văn vẻ”, thậm chí có kiểu trách móc: “Học văn mà cư xử chẳng ‘văn’ tí nào cả!”; rồi trong triều đình phong kiến xưa bên cạnh quan võ có quan “Văn”; cha mẹ đặt tên cho con (chủ yếu con trai) cũng gắng đệm vào một chữ “Văn”… Có thể thấy, chữ “Văn” đã gắn liền với đời sống người Việt từ nhiều thế hệ nay, đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực xã hội, trở thành một chuẩn mực quan trọng ở mức độ nào đó để phán đoán, đánh giá phẩm chất con người hay tính chất của sự việc, hiện tượng.
Nhắc đến “Văn”, chúng ta thấy trong kho từ vựng tiếng Việt có một loạt các từ như: văn nhân, văn hóa, văn tự, đồng văn, văn kiện, văn ngôn, văn bản, văn minh, văn vật, văn khoa, văn thư, văn chương, văn miếu, văn bằng, văn đàn, văn học, văn nghệ, văn hiến, văn thể, nhân văn… Chữ “Văn” trong các trường hợp trên được thể hiện với nhiều nét nghĩa, vừa phong phú vừa lý thú, có khi cụ thể và đôi khi cũng khá trừu tượng.
Các nét nghĩa của “Văn”
Nhìn chung, các từ điển đều giải thích chữ “Văn” theo nhiều nét nghĩa, có quyển giải thích khá khái quát, chung chung; trong khi có quyển giải thích chi tiết, tỉ mỉ hơn. Ở đây, người viết xin rút ra những nét nghĩa chung nhất, cơ bản nhất và có tính điển hình nhất của chữ “Văn” trong tiếng Việt.
1. Văn là những đường nét tinh vi
Có thể hiểu đây là nét nghĩa đầu tiên trong quá trình hình thành của chữ viết “Văn”. Chữ “Văn” 文trong trường hợp này đồng nghĩa với “Văn” 紋 (có bộ mịch, 糸), có nghĩa là những đường nét tinh vi. Nhìn vào cấu trúc chữ “Văn”, chúng ta thấy có 4 nét cấu tạo qua lại đan xen nhau tạo nên chữ có hình dáng cân đối, hài hòa. Từ đó, “Văn” được dùng để chỉ đường nét dài ngắn khác nhau tạo nên những đồ hình hài hòa, cân đối. Người ta có cách nói “văn thạch” để chỉ loại đá hoa (đá có vân).
2. Văn là chữ viết, là hệ thống kí hiệu cấu thành ngôn ngữ
Từ điển Từ Hải giải thích: “Văn là những phù hiệu để ghi chép tạo thành ngôn ngữ”. Chúng ta có thể thấy chữ “Văn” mang nét nghĩa này trong những từ sau: văn tự, Anh văn, Trung văn, Hán văn, quốc văn... Như vậy, có thể thấy “Văn” từ chỗ là những đường nét cấu tạo thành chữ viết (văn tự, văn bằng), đặc biệt là đối với dạng chữ viết biểu ý như chữ Hán, đã chuyển sang nét nghĩa chỉ một hệ thống ngôn ngữ nào đó (Anh văn, Trung văn...). Sự chuyển biến về nghĩa này là một kiểu hoán dụ tu từ trong hệ thống từ vựng tiếng Việt.
Liên quan đến nét nghĩa này, từ điển Từ Hải giải thích “quan văn” trong sự đối lập với “quan võ” như sau: “Phần tử trí thức sử dụng chữ viết, văn tự làm phương tiện hoạt động chủ yếu, đối lập với đối tượng sử dụng võ nghệ và vũ khí làm phương tiện hoạt động”. Từ điển Hán- Việt Thiều Chửu cũng giải thích “các quan làm việc về văn tự gọi là quan văn”. Như vậy, chúng ta có thể thấy chữ “Văn” trong những trường hợp này muốn nhắm đến đối tượng giỏi chữ nghĩa, vận dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc. Như vậy người nghiên cứu lịch sử, địa lý, triết học trong triều đình xưa cũng là các quan văn.
3. Văn là một bài viết, một tác phẩm hoàn chỉnh
Từ điển Từ Hải giải thích “Văn” ở một nét nghĩa khác: “Văn là một bài, một tác phẩm được tạo thành nhờ việc sử dụng câu chữ và diễn đạt tư tưởng”. Như vậy, cách định nghĩa này nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng của “Văn” là sự hoàn chỉnh về mặt hình thức (tác phẩm, bài viết) và sự chuyển tải một nội dung tư tưởng nhất định, tức là mang một nội dung tương xứng với hình thức đó. Cách định nghĩa này khá gần gũi với lý thuyết Lý luận văn học ngày nay, tác phẩm là thể chỉnh hợp cấu thành bởi nội dung và hình thức. Do đó, đến lúc này, “Văn” đã mang nét nghĩa mà chúng ta thường thấy trong nghiên cứu văn học là nhắc đến những tác phẩm, những trứ tác của các văn nhân, thi sĩ. Chúng ta thường nghe những cách nói: văn chương, văn liệu, văn phẩm , văn bản...
4. Văn là vẻ đẹp hòa nhã, lễ độ, đạo đức, tốt đẹp
Chữ “Văn” còn được sử dụng để chỉ những chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, phẩm cách của con người. Đó là những phẩm chất tốt đẹp, chuẩn mực, làm khuôn thước cho đạo đức con người và ứng xử trong xã hội. Người ta thấy những người nói chuyện trau chuốt, mượt mà là người nói chuyện có “văn vẻ”, “văn nhã”; những người sống cẩn thận, phù hợp với tiến bộ thời đại là những người “văn minh”; những người cư xử phải phép, có suy nghĩ cặn kẽ, tận tình thấu đáo, biết tôn trọng người khác là những người có “văn hóa”; nét đẹp trong cách nhìn hay trong quan hệ đối đãi giữa con người trong xã hội là nét đẹp “nhân văn”... Ở đây, cần phải phân tích thêm chữ “văn hóa” để thấy cách suy nghĩ về giáo dục của người xưa. Người xưa quan niệm con người sinh ra còn mông muội, chưa hiểu biết, giống như một “sản phẩm thô” cần phải tinh luyện và vì vậy nhu cầu được giáo dục hình thành. Khi được học tập người ta sẽ biến thành “sản phẩm tinh”, tức là đã qua tinh luyện nên những người ấy được xem là đã “văn” hóa. Chữ “văn” ở đây với tư cách là một tính từ, còn “hóa” là một động từ hàm nghĩa biến đổi như kiểu chúng ta thường nghe nói “chuẩn hóa”, “hiện đại hóa”, “tha hóa”... Như vậy “văn hóa” trước khi mang nét nghĩa là một tính từ hay danh từ phiếm chỉ như hiện nay thì đã là một cụm động từ, hàm nghĩa làm cho con người trở nên “Văn” hơn. Do đó, các bậc cha mẹ trước đây khi sinh con trai, vô tình hay hữu ý đặt vào chữ đệm “Văn” thể hiện sự mong mỏi con cái lớn lên chữ nghĩa giỏi giang, học hành đỗ đạt lại có nhân cách tốt đẹp, thấu hiểu lẽ đời.
Dĩ nhiên, văn không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ về con người mà mở rộng phạm vi chỉ những đối tượng khác như: văn vật, văn hiến...
5. Văn là một hình thức sáng tác, một thể tài của văn chương
Ngoài các nghĩa trên, “Văn” còn là một thuật ngữ thuộc lĩnh vực văn học- nghệ thuật, chỉ một thể tài sáng tác có hình thức diễn đạt riêng bên cạnh thơ, kí, kịch bản sân khấu... Chẳng hạn thời phong kiến có văn biền ngẫu, tản văn hay thời cận hiện đại có văn chính luận, văn nghị luận...
Sự phát sinh và hình thành các nét nghĩa của “Văn”
Từ các nét nghĩa đã chỉ ra, chúng ta có thể thấy quá trình hình thành và phát triển nghĩa của chữ “Văn” như sau: Lúc đầu, “Văn” là những đường nét tinh vi, hài hòa cấu tạo nên những đồ hình và dạng chữ viết biểu ý. Người ta thấy những đồ hình này đẹp, cân đối nên dần dần “Văn” đã mang nét nghĩa đẹp đẽ, chuẩn mực, trau chuốt, từ đó chuyển sang nét nghĩa chỉ sự lễ độ, đạo đức của con người. Ở một phương diện khác, “Văn” tạo nên hệ thống chữ viết biểu ý, ngày một phát triển hoàn thiện hơn nên mang nét nghĩa chỉ hệ thống chữ viết, mà chữ viết là một bộ phận cấu thành ngôn ngữ và gắn liền với ngôn ngữ nên “Văn” mở rộng nét nghĩa chỉ một hệ thống ngôn ngữ. Từ chỗ đó, hệ thống ngôn ngữ được huy động để diễn đạt một nội dung nào đó tương ứng với hình thức hoàn chỉnh của nó nên “Văn” mang ý nghĩa là một tác phẩm hoàn chỉnh. Và từ chỗ hình thức, người ta lại quy định những dạng khác nhau, sử dụng trong những mục đích giao tiếp khác nhau, “Văn” với tư cách là một thể tài của văn chương hình thành.
Chúng ta lại có thể nhận thấy mối quan hệ giữa “Văn” với nét nghĩa là một tác phẩm hoàn chỉnh được cấu thành bởi hệ thống chữ viết với “Văn” mang nét nghĩa là sự trau chuốt, đạo đức, có văn hóa, có phẩm chất; và với “Văn” là thể tài của sáng tác nghệ thuật. Như vậy, một bước chuyển biến về ý nghĩa khác là tác phẩm văn chương phải đồng nhất với cái đẹp, cái văn hóa, cái lễ độ; và tác phẩm văn chương phải hướng đến mục đích xây dựng phẩm chất con người ngày một hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu xã hội ngày càng hiện đại. Như vậy, không phải tác phẩm nào cũng có thể gọi là văn chương, “Văn” lúc này trở thành một chuẩn mực, một yêu cầu không thể thiếu của tác phẩm.
Quan hệ các nét nghĩa với vai trò của bộ môn “Văn”
Văn là một trong những bộ môn quan trọng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Một cách lí thú, chúng ta dễ nhận ra rằng những nét nghĩa của “Văn” như đã trình bày phía trên cũng là những nội dung, mục đích mà bộ môn văn trong nhà trường phổ thông muốn hướng đến. Nói cách khác, môn văn phải góp phần bồi dưỡng năng lực vận dụng ngôn ngữ cho học sinh. Cụ thể là năng lực viết chữ, đọc chữ, dùng từ (bậc tiểu học); năng lực dùng từ, viết câu, viết bài hoàn chỉnh, viết theo từng thể loại trong các mục đích giao tiếp khác nhau; năng lực đọc hiểu văn bản (bậc trung học). Ngoài ra, môn văn còn xây dựng ở học sinh năng lực cảm thụ tác phẩm, biết phân tích cái hay, cái độc đáo cũng như mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn chương. Một vai trò rất quan trọng nữa của môn văn là bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng đời sống tâm hồn, hình thành ý thức công dân của một con người xã hội cho học sinh...
Dân tộc ta từng là dân tộc có truyền thống văn hóa 4000 năm lịch sử, có nền văn hiến và văn vật lâu đời, có tinh thần nhân văn sâu sắc, yêu văn chương và có những sáng tác thành văn hơn ngàn năm nay. Hiểu “Văn”, bảo tồn và xây dựng cuộc sống đầy chất “Văn” đó là nhiệm vụ của mọi người, nhất là của “con nhà văn”.
Thanh Phong – K. Sư Phạm
Tài liệu tham khảo:
1. Từ điển Từ Hải, Lôi Phi Hồng chủ biên, NXB Thế Nhất (Đài Loan), 2007.
2. Từ điển Hán Việt, Thiều Chửu, NXB Thanh niên, 2006.
3. Từ điển Hán Việt hiện đại, Trương Văn Giới, Lê Khắc Kiều Lục, NXB Khoa học Xã hội, 2001.
Thanh Phong – K. Sư Phạm
Từ khóa » Chữ Vân Trong Tiếng Hán Là Gì
-
Tra Từ: Vân - Từ điển Hán Nôm
-
Tra Từ: Vân - Từ điển Hán Nôm
-
Vân Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Hán Nôm
-
Vân - Wiktionary Tiếng Việt
-
Cách Viết, Từ Ghép Của Hán Tự VÂN 雲 Trang 1-Từ Điển Anh Nhật ...
-
Top 11 Nghĩa Của Từ Vân Trong Tiếng Hán Việt 2022 - Học Tốt
-
“Vân Vân Và Mây Mây” - Báo điện Tử Bình Định
-
Vân Vân Và Mây Mây V.v... - Tuổi Trẻ Online
-
Hán Văn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ Hán-Việt – Wikipedia Tiếng Việt
-
Về Từ Vạn Trong Các Từ "Vạn Buồng", "cửu Vạn" - Báo Đà Nẵng điện Tử
-
Nguyễn đại Cồ Việt - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm