CHỮA CHÁY CƠ SỞ HOÁ CHẤT - Sos Môi Trường
Có thể bạn quan tâm
Hóa chất có vai trò quan trọng và được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, những sự cố liên quan đến hóa chất luôn có thể xảy ra và chứa đựng những nguy cơ tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Hoá chất được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và các hoạt động đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục. Khi kinh tế – xã hội càng phát triển, thì nhu cầu sử dụng hóa chất cũng ngày càng tăng lên. Theo thống kê tại một số tỉnh, thành phố thì số cơ sở sản xuất, bảo quản, sử dụng và kinh doanh hóa chất (gọi tắt là cơ sở hoá chất) là rất lớn: tại TP Hà Nội có 728 cơ sở; TP Hồ Chí Minh có 484 cơ sở; TP Cần Thơ có 54 cơ sở; tỉnh Bình Dương có 1.396 cơ sở; tỉnh Hưng Yên có hơn 400 cơ sở; tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 500 cơ sở.
Các hoạt động liên quan đến sản xuất, sử dụng và bảo quản, vận chuyển hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố trên quy mô lớn, tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, kinh tế, tài sản và đồng thời để lại hậu quả lâu dài trong môi trường tự nhiên bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số sự cố, cháy, nổ lớn liên quan đến hóa chất gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình: Vụ cháy hóa chất xảy ra ngày 09/12/2011 tại Công ty TNHH Thành Công – Bình Tân – TP Hồ Chí Minh đã thiêu hủy 200m2 nhà xưởng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng và làm cho 52 CBCS bị bỏng, trong đó có nhiều đồng chí bị bỏng nặng, môi trường bị ô nhiễm nặng; Vụ cháy và nổ tại Công ty hóa chất Tân Hùng Thái – Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh ngày 16/4/2014 làm hơn 400 tấn hóa chất và 1.000m2 nhà xưởng bị thiêu trụi, hóa chất phát tán một vùng không gian rộng, 30 CBCS bị thương; Vụ cháy ngày 15/7/2015 tại kho sơn Công ty Thành Hoàng Châu – Liên Chiểu – TP Đà Nẵng làm thiệt hại 9 tỷ đồng, hơn 1.000 m2 nhà xưởng bị cháy, nhiều người bị thương trong đó có 15 CBCS bị bỏng; Vụ cháy photpho ngày 27/11/2015 xảy ra trên tàu chở hàng tại Cảng Nam Hải – TP Hải Phòng đã làm vùng không gian tại nơi xảy ra cháy ô nhiễm nặng, trong quá trình tham gia cứu chữa vụ cháy đã có trên 50 CBCS Cảnh sát PCCC Hải Phòng bị ngạt phải đưa đi cấp cứu; Vụ cháy 6.000 m2 khu xưởng Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông – TP Hà Nội xảy ra ngày 28/8/2019 thiệt hại ước tính 150 tỷ đồng, ảnh hưởng môi trường khu vực dân cư trong vòng bán kính 1,5 km … Những vụ cháy hóa chất nêu trên đều phát triển thành đám cháy lớn và phát tán chất độc từ đám cháy làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trong khu vực, gây hoang mang trong dư luận. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn PCCC hiện nay tại các cơ sở hóa chất.
Việc tổ chức dập tắt kịp thời các đám cháy tại các cơ sở hóa chất, ngăn chặn cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng đòi hỏi lực lượng tại chỗ, cũng như lực lượng Cảnh sát PCCC phải có phản ứng ngay lập tức, nếu để đám cháy phát triển kéo dài thì có nguy cơ nổ và phát tán các chất độc hại vào không khí, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân ở các khu dân cư gần đó.
Vấn đề bảo đảm an toàn cháy, nổ tại các cơ sở hoá chất
Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ tại các cơ sở hóa chất là cháy, nổ ở mức độ cao và có thể diễn ra trong thời gian rất nhanh. Nguyên nhân đầu tiên gây ra cháy, nổ trong các cơ sở hóa chất là việc vi phạm các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động của dây chuyền công nghệ trong cơ sở sản xuất. Tiếp sau là các sự cố của thiết bị điện, không tuân thủ lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống dây chuyền công nghệ; phát sinh ngọn lửa trần từ việc đốt cháy các vật liệu và sản phẩm phế liệu và cuối cùng là vi phạm các quy tắc cơ bản trong công tác bảo quản, lưu trữ của cơ sở.
Vì vậy, trong số các biện pháp phòng ngừa chính cần phải tính toán để xác định các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao để tiến hành lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy có hiệu quả ngay từ ban đầu. Một trong những biện pháp phòng ngừa cháy, nổ hiệu quả nhất trong cơ sở hóa chất là loại trừ khả năng tồn chứa môi trường chất dễ cháy. Ngay ở giai đoạn thiết kế của cơ sở, các vật liệu chống cháy phải được lựa chọn sử dụng nhằm tối ưu hoá đặc tính của chúng dưới tác động của nhiệt độ cao. Khả năng chống cháy của vật liệu xây dựng là điều kiện tiên quyết ngay từ khi thẩm duyệt và khi xây dựng, lắp đặt tại các cơ sở hoá chất vì trong các tình huống khẩn cấp, nguy cơ đổ vỡ, biến dạng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự lan truyền của đám cháy. Ngoài ra, việc phân khoang cháy cũng được coi là giải pháp rất hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn các cơ sở hoá chất.
Triển khai xử lý sự cố cháy hoá chất
* Trinh sát đám cháy: Trước khi triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phải tiến hành trinh sát đám cháy, xác định rõ chủng loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng bao bì, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tình trạng đám cháy đang diễn ra (mức độ đám cháy, tình trạng thiết bị chứa, sản phẩm cháy độc hại). Xác định mức độ rò rỉ hoá chất và nguy cơ phát tán.
* Triển khai chữa cháy:
Các chiến thuật chữa cháy đám cháy hóa chất nhằm mục đích ngăn chặn sự lan rộng của đám cháy và sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất. Tùy thuộc vào loại đám cháy, tình hình diễn biến đám cháy, khả năng của lực lượng xử lý, chỉ huy lựa chọn các biện pháp sau:
– Trường hợp chưa đủ khả năng kiểm soát tình huống cần triển khai cách ly vật liệu, hóa chất ở các khu vực lân cận bằng cách sử dụng thiết bị vận chuyển di dời thiết bị chứa hóa chất ở lân cận đám cháy; đóng dây chuyền công nghệ. Sử dụng nước phun mưa làm mát ngăn cháy lan (đối với hóa chất không kị nước) để bảo vệ hoặc sử dụng hóa chất khác để trung hòa.
– Tổ chức phân vùng nguy hiểm: Đối với sự cố cháy hóa chất, khả năng nguy hiểm nhất là việc phát tán hóa chất độc hại (có thể là các sản phẩm cháy) ra khu vực xung quanh. Do vậy, sau khi trinh sát đám cháy, chỉ huy chữa cháy cần xác định vùng chịu ảnh hưởng. Sự cố hóa chất thường được phân chia thành 03 vùng: vùng nóng (khu vực sự cố hóa chất đang diễn ra), vùng ấm (khu vực ảnh hưởng của sự cố hóa chất) và vùng lạnh (khu vực an toàn). Việc xác định bán kính các vùng tùy thuộc vào loại hóa chất (căn cứ phiếu quản lý hóa chất). Khi lực lượng xử lý (chữa cháy, di dời hóa chất, xử lý sự cố) vào vùng ấm và vùng nóng phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phù hợp nhằm tránh các tác động từ hóa chất.
– Tổ chức dập tắt đám cháy:
+ Khi xác định trong cơ sở không có hóa chất kỵ nước, triển khai phun nước làm mát xung quanh và ngăn cháy lan. Sử dụng nước, bột, bọt, khí trơ hoặc các chất có tác dụng kìm hãm phản ứng cháy khác để chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy căn cứ vào từng tình huống cụ thể, căn cứ vào loại hóa chất cháy để sử dụng chất chữa cháy nào hiệu quả nhất.
+ Trường hợp cháy hóa chất ở thể lỏng chảy loang trên mặt sàn, phải tổ chức be bờ hoặc xúc đất, cát phủ một lớp bề mặt để phun bọt, bột chữa cháy dập lửa. Khi triển khai đội hình phun bọt để loại trừ đám cháy chất lỏng chảy loang hoặc trên mặt thoáng của bể chứa thì cường độ phun cần thiết theo dung dịch là (0,08- 0,1) l/m2.s (sử dụng chất chữa cháy là bọt hòa không khí có bội số nở trung bình).
+ Trường hợp lửa đang cháy tại lỗ thủng có hóa chất thoát ra (hơi, khí cháy) trên đường ống, có thể phun tia nước đặc để cắt ngọn lửa, đồng thời phun mưa để làm mát phần đường ống đang bị nung nóng sau đó tìm biện pháp bịt lỗ thủng. Nếu cháy xảy ra đồng thời tại lỗ thủng và dưới mặt sàn do chảy loang thì trước tiên phải phun bột hoặc bọt để ngăn chặn cháy lan trên diện tích mặt cháy loang và tại lỗ thủng. Sau đó sử dụng lăng phun mưa để làm mát đoạn đường ống đang bị tác động nhiệt và làm mát cho các CBCS làm nhiệm vụ bịt lỗ thủng đó.
+ Trường hợp cháy hóa chất ở thể rắn như cao su, chất dẻo… thì cường độ phun nước là (0,14- 0,4) l/m2.s. Có thể quyết định triển khai phun tia nước đặc khi đám cháy phát triển mạnh. Sau khi đã cơ bản loại trừ đám trên toàn bộ diện tích, có thể thay đổi lăng có công suất lớn bằng lăng có công suất nhỏ để tiếp tục chữa cháy và bảo vệ các khu vực lân cận. Riêng chất dẻo khi bị cháy thường xảy ra hiện tượng chảy lỏng và vón cục nên phải phun bọt để đạt hiệu quả chữa cháy cao.
+ Trường hợp cháy hoá chất là axit dạng lỏng hoặc các hoá chất khi bị tác động bởi nhiệt độ cao…hoà trộn với H2O tạo thành axit. Khi phun nước cần lưu ý không triển khai chữa cháy bằng phun tia nước đặc trực tiếp vào đám cháy vì nguy cơ gây bắn axit vào CBCS tham gia chữa cháy gây nguy hiểm hoặc axit theo dòng nước chảy loang ra xung quanh làm đám cháy lan rộng hoặc ô nhiễm môi trường xung quanh.
Một số loại chất chữa cháy sử dụng trong đám cháy hóa chất
Khó khăn trong việc dập tắt các đám cháy trong các cơ sở hóa chất là việc lựa chọn chất chữa cháy sao cho phù hợp để đạt hiệu quả tối đa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng cơ sở sản xuất và các sản phẩm được lưu trữ trong nhà xưởng và kho, lực lượng tham gia chữa cháy cần phải có những phương thức tiếp cận khác nhau để triển khai các phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như sử dụng chất chữa cháy cho phù hợp.
Dựa vào các biện pháp chữa cháy cơ sở hoá chất, chất chữa cháy được sử dụng trong các đám cháy loại hình này được chia thành 4 loại như sau:
– Nhóm chất chữa cháy làm mát (Bao gồm nước chữa cháy): Chúng có tác dụng làm giảm đáng kể nhiệt độ trong khu vực cháy và giảm thiểu nguy cơ đám cháy lan sang các khu vực lân cận… Nước chữa cháy tại các cơ sở hóa chất được sử dụng dưới dạng tia phun sương và chỉ với mục đích hạ nhiệt độ bên ngoài. Hạn chế sử dụng nước phun trực tiếp để chữa cháy vì nước không hiệu quả với đám cháy chất lỏng, là dung môi không tan trong nước, vật liệu không thấm nước hoặc có thể phản ứng hoá học với một số hoá chất như kim loại kiềm, kiềm thổ, các loại cácbua kim loại, than sinh ra khí nguy hiểm như H2, C2H2, CO dẫn tới nguy cơ xảy ra cháy lớn hoặc nổ.
– Chất chữa cháy có tính chất cách ly (Bao gồm bột khô và bọt chữa cháy): Tác dụng của chất chữa cháy này là ngăn chặn sự tiếp xúc của oxy đến nguồn lửa. Bọt chữa cháy có bội số nở cao được sử dụng để dập tắt đám cháy chất kim loại kiềm và thiết bị điện khí hóa. Bọt bội số nở trung bình hoặc nở thấp thường được dùng để dập tắt các đám cháy hoá chất thể lỏng trong các thiết bị chứa hoặc chất lỏng cháy loang trên mặt sàn được giới hạn trong khu vực nhất định.
Ngoài ra, bọt khí áp lực cao là hỗn hợp nước (rất ít), khí nén và chất tạo bọt. Ưu điểm của nó là có độ bền cao, độ bám dính tốt trong một thời gian dài, đây là điều cần thiết trong điều kiện chữa cháy ở các cơ sở hóa chất.
– Chất chữa cháy làm loãng (Bao gồm khí trơ và khí carbonic, hơi nước): Tác dụng chính của các loại chất chữa cháy này là giảm đồng thời nồng độ oxy và hơi chất cháy. Trong số các khí trơ được sử dụng tại các cơ sở hóa chất và hóa dầu, Nitơ (N2) được sử dụng nhiều nhất. Khi chữa cháy, khí N2 lấp đầy căn phòng nơi xảy ra cháy và chiếm hết diện tích của O2. Tuy nhiên, không sử dụng khí N2 là chất chữa cháy đối với nhà xưởng có chứa vật liệu nhôm (Al), magiê (Mg), zirconi (Zr) và lithium (Li) vì khí N2 gây ra vụ nổ khi tác dụng với các kim loại này.
– Các chất chữa cháy ức chế phản ứng (Các chất ức chế bao gồm hydrocarbon halogen): Có tác dụng làm giảm hoạt động phản ứng hóa học của quá trình cháy khiến ngọn lửa giảm dần cường độ và tắt hoàn toàn. Trong thực tế, khi dập tắt chất lỏng dễ cháy, CO2 có thể sử dụng ở trạng thái hóa lỏng hoặc rắn. Tuy nhiên, có những hạn chế đối với việc sử dụng CO2 là nó không tương thích với rượu ethyl và không phù hợp với các chất và vật liệu đốt cháy mà không cần oxy. Trong khi đó, các hydrocacbon có chứa halogen là một phần của freon (CFC) và được sử dụng để dập tắt các đám cháy thiết bị có điện áp cao. Nhược điểm của những chất chữa cháy này là độc tính cao đối với con người và ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tầng Ozon. Trong điều kiện chữa cháy tại các cơ sở hóa chất, freon chỉ được sử dụng để ngăn chặn lửa bằng cách sử dụng để oxi hoá. Chúng ngăn chặn các vụ nổ trong các xưởng đặc biệt nguy hiểm của các cơ sở hóa chất: trong buồng sấy, buồng phun sơn và kho nhiên liệu.
4. Mộ số lưu ý để bảo đảm an toàn khi xử lý sự cố hóa chất
a. Trước khi tham gia xử lý sự cố:
Lực lượng tham gia xử lý sự cố cháy, nổ hóa chất phải được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ, chống độc: trang phục dương áp, mặt nạ phòng độc, quần áo chống độc, chống nhiệt… Tùy thuộc vào vùng nguy hiểm, lực lượng chữa cháy sử dụng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo hộ phù hợp bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý sự cố.
Trang phục bảo hộ dương áp cấp A (HPS)
Điều kiện cần bảo vệ cấp A: – Yêu cầu bảo vệ cao cho da, mắt và hệ hô hấp – Khu vực hơi hoặc khí độc nồng độ nguy hiểm cháy nổ và độc cao. – Khu vực hóa chất chưa biết.
Trang phục bảo hộ phòng độc cấp B (HPS Type – T)
Điều kiện cần bảo vệ cấp B: – Khu vực đã biết được loại hóa chất. – Yêu cầu bảo vệ hệ hô hấp ở mức độ cao, hóa chất ít nguy hiểm cho da và mắt (hơi hoặc khí độc ít khả năng hấp thụ qua da). – Khu vực hơi hoặc khí độc nồng độ thấp hơn ngưỡng nguy hiểm cháy nổ và độc.
Trang phục bảo hộ phòng độc cấp C (sử dụng mặt nạ lọc độc)
Điều kiện cần bảo vệ cấp C: – Khu vực đã biết được loại hóa chất. – Nồng độ Oxy thấp hơn 19%, hóa chất không nguy hiểm cho da và mắt (hơi hoặc khí độc không có khả năng hấp thụ qua da). – Khu vực hơi hoặc khí độc nồng độ thấp hơn ngưỡng nguy hiểm cháy nổ và độc.
Trang phục bảo hộ cấp D: Sử dụng trang phục chữa cháy chuyên dụng (đầy đủ quần áo chữa cháy, mũ, ủng, găng tay) trong khu vực không chịu tác động ảnh hưởng của hóa chất./.
b. Sau khi xử lý sự cố:
* Khử nhiễm hóa chất: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng khi tổ chức xử lý sự cố hóa chất nhằm loại bỏ các hóa chất bám, dính trên người, quần áo và các thiết bị, phương tiện, khu vực sự cố nhằm loại bỏ các tác nhân độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây hư hỏng thiết bị, gây ô nhiễm môi trường.
– Phương pháp khử nhiễm vật lý có thể thực hiện bằng các biện pháp như dùng nước, xà phòng để tẩy rửa (pha loãng) hóa chất bám dính (làm giảm nồng độ hóa chất); Cạo bỏ đất, cát bám dính; sử dụng phương tiện hấp thụ, thu gom chuyển đến nơi xử lý chất thải. Trong đó sử dụng nước để tẩy rửa hóa chất bám dính là biện pháp phổ biến (lưu ý đối với hóa chất kỵ nước không áp dụng biện pháp này).
– Phương pháp khử nhiễm hóa học thực hiện bằng cách sử dụng các hóa chất khác để trung hòa hóa chất nguy hiểm (có phản ứng hóa học tạo thành chất mới không nguy hại hoặc có tính nguy hại thấp hơn).
Sau khi kết thúc quá trình chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải yêu cầu người đứng đầu cơ sở phối hợp với cơ quan, đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương có phương án xử lý môi trường nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của các chất độc hại hình thành sau đám cháy đến môi trường xung quanh.
(Visited 1.864 times, 2 visits today) Tags : chữa, khử nhiễm, xử lý, cơ sở, hóa chất, cháy, sự cố FacebookGoogle-plusTwitterBình luận Hủy
Lưu tên của tôi, email, và trang web trong trình duyệt này cho lần bình luận kế tiếp của tôi.
Thông báo cho tôi bằng email khi có bình luận cho mục này
Thông báo cho tôi bằng email khi có bài đăng mới
Từ khóa » Tác Dụng Chữa Cháy Của Nước
-
Sử Dụng Nước để Chữa Các đám Cháy Nào?
-
Tính Chất Và Tác Dụng Chữa Cháy Của Nước
-
Các Chất Chữa Cháy - Tác Dụng Chữa Cháy Của Nước
-
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỮA CHÁY
-
Khái Quát Về Một Số đám Cháy Hóa Chất Không được Sử Dụng Nước ...
-
Bọt Chữa Cháy Là Gì? Tác Dụng Của Bọt Chữa Cháy
-
CÁC CHẤT CHỮA CHÁY CƠ BẢN MÀ BẠN NÊN BIẾT
-
Những Loại Lửa Không Thể Chữa Cháy Bằng Nước Bạn Có Biết
-
Bạn đã Biết Gì Về Các Phương Pháp Chữa Cháy Hiện Nay?
-
PHÂN LOẠI CHẤT CHỮA CHÁY
-
Phương Tiện Chữa Cháy Thông Dụng
-
Vì Sao Bột Chữa Cháy được Xem Là Vật Liệu Giúp Bạn Dập Tắt Nhanh Nhất
-
Bình Chữa Cháy Gốc Nước 3.0L - PCCC
-
Bình Chữa Cháy Có Mấy Loại, Công Dụng Dùng để Làm Gì