Chưa Lo Ngại Vốn Ngoại Rút Khỏi Việt Nam

Empty

Vốn ngoại được kỳ vọng sẽ sớm trở lại và trở thành một trong các trụ cột với thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, trong vòng nửa đầu tháng 3/2022, khối ngoại bán ròng gần 6.800 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HoSE. Nếu tính từ đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 9.843 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ CTCP Chứng khoán VnDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự thoái lui của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trong ngắn hạn, bởi các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc USD do xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, kỳ vọng lợi tức đồng USD tăng lên do lộ trình tăng lãi suất điều hành của FED cũng khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại Mỹ.

Trong bối cảnh dòng tiền hiện tại không hào hứng với thị trường, giới đầu tư có lý do để lo lắng đà bán ròng mạnh tay của khối ngoại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.

Dù vậy, trao đổi tại toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" tổ chức bởi Tạp chí Nhà Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa lại có góc nhìn khác. Ông dẫn giải số liệu NĐTNN bán ròng trên 3 tỷ USD nhưng thị trường hối phiếu không thay đổi lớn. Ông kết luận: ”Điều đó chứng tỏ số tiền bán ròng vẫn nằm trong nước”.

Đặc biệt, một trong những điểm tích cực khác là FED vào rạng sáng 17/3 đã quyết định chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản – ít hơn mức lo ngại là tăng 0,5%, qua đó nâng biên độ lãi suất lên mức từ 0,25% – 0,5%. Mức tăng này được TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá là chưa đủ để dòng vốn ngoại rút về Mỹ.

“Phải có những nhịp khoảng 0,5% thì dòng tiền mới rút khỏi Việt Nam về Mỹ. Do đó, tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn là tích cực mặc dù không tăng trưởng mạnh như năm 2021”, ông Nghĩa đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch UBCKNN cho rằng NĐTNN bán ròng 3 tỷ USD, nhưng chỉ rút gần 1 tỷ USD, phần còn lại vẫn nằm trong tài khoản của họ. Mặt khác, dòng vốn ngoại với tầm nhìn dài hạn chọn đầu tư vào thị trường sơ cấp, góp vốn vào các doanh nghiệp tốt.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận giá trị bán ròng của NĐTNN trong đầu năm 2022 dù cao, nhưng thực tế đã giảm 25% so với cùng kỳ. Ông Minh cũng chỉ ra, một điểm sáng tích cực là mức độ quan tâm của NĐTNN đến doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022 có dấu hiệu tăng lên, có nghĩa là họ đang dần tìm kiếm cơ hội đầu tư trở lại thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng NĐTNN sớm quay trở lại Việt Nam

Dù đà bán ròng của vốn ngoại không ảnh hưởng quá tiêu cực đến khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư trong nước, nhưng giới chuyên gia vẫn kỳ vọng dòng vốn FII sẽ sớm quay trở lại và đóng góp cho sự ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, họ còn kỳ vọng NĐTNN sẽ trở thành một trụ cột vững chắc cho thị trường trong dài hạn.

Tuy vậy, việc vốn ngoại đảo chiều mua ròng sẽ phụ thuộc vào nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Lê Xuân Nghĩa phân tích:”NĐTNN sẽ nhìn vào chỉ số kinh tế vĩ mô. Lạm phát năm nay nếu duy trì được dưới 4% có thể coi là một trong các chỉ báo tốt, bởi chỉ số này ở nhiều nước đã lên đến 10%. Đây là một lợi thế để thị trường chứng khoán Việt Nam hút vốn ngoại”.

Chưa kể, triển vọng tăng trưởng GDP năm nay ở mức 5,5% cũng là điểm sáng. Mặt khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng khả quan và đặc biệt là tỷ giá hối đoái 3 năm vừa qua vẫn duy trì ở mức ổn định, với dự trữ ngoại hối kỷ lục. Đây là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho phục hồi của xuất khẩu và FDI.

Căng thẳng địa chính trị là một trong các nguyên nhân khiến dòng vốn FII rời khỏi thị trường chứng khoán, nhưng đó cũng là cơ hội cho Việt Nam. Ông Vũ Bằng đánh giá xu hướng dịch chuyển đầu tư đã xuất hiện trong những năm gần đây và xung đột chiến sự Nga – Ukraine sẽ thúc đẩy dịch chuyển dòng vốn nhanh hơn và có những tác động nhất định tới Việt Nam. Đây chính là cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam chịu tác động lạm phát, tỷ giá, nhưng chúng ta có những ưu thế như đang trong quá trình kích thích kinh tế, dự trữ ngoại tệ cao nên tỷ giá sẽ không biến động nhiều. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine tốt, tập trung đầu tư hạ tầng và công nghệ số…. Đây sẽ là những yếu tố hấp dẫn vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Bằng nhận định.

Bài liên quan Lạm phát và chứng khoánLạm phát và chứng khoán Triển vọng thị trường chứng khoán 2022Triển vọng thị trường chứng khoán 2022 Chứng khoán không còn 'dễ ăn', nhưng nhiều nhóm ngành vẫn khả quanChứng khoán không còn 'dễ ăn', nhưng nhiều nhóm ngành vẫn khả quan Phản ứng trái chiều của chứng khoán toàn cầu trước xung đột Nga - UkrainePhản ứng trái chiều của chứng khoán toàn cầu trước xung đột Nga - Ukraine

Từ khóa » Eu Rút Khỏi Việt Nam