Có Thực Là Dòng Vốn FDI đang Rút Khỏi Việt Nam? - Detail

Ảnh hưởng trong ngắn hạn của đợt dịch lần thứ tư

Theo khảo sát mới nhất của AmCham Việt Nam và Eurocham Việt Nam, 18-20% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác và 16% khác đang thảo luận do những ảnh hưởng của đợt bùng phát thứ tư.

Trong báo cáo vừa công bố, VDSC Research cho biết, với giả định rằng khoảng 30% công ty nước ngoài có thể điều hướng đơn hàng sang nước khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV.

Mặc dù vậy, theo nhận định của đơn vị trên, chiến lược này chỉ là tạm thời chứ không phải là xu hướng lâu dài do kỳ nghỉ lớn cuối năm sắp đến và một số công ty phải chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài Việt Nam để tránh tình trạng gián đoạn trong việc đáp ứng đơn hàng.

Trước khi đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 xảy ra, Việt Nam đã nổi lên như một lựa chọn thay thế hàng đầu cho sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ nhiều yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thành công trong việc kiểm soát đại dịch trong năm 2020 và sự phục hồi gần đây trong chi tiêu tiêu dùng ở các nước phát triển.

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI tăng 6,8% so với cùng kỳ trong khi tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6%. Tuy nhiên, sự bùng phát mạnh của đại dịch từ tháng 5 đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang tâm thế thận trọng, dẫn đến việc suy giảm vốn FDI thực hiện trong tháng 7 và tháng 8.

Do đó, trong 8 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân chỉ tăng 2% so với cùng kỳ và vốn FDI đăng ký giảm 2,1% mặc dù FDI đăng ký mới tăng trưởng khá mạnh (tăng 16,3% so với cùng kỳ).

Đối với câu hỏi liệu các công ty FDI có di chuyển ra khỏi Việt Nam hay không, VDSC có cái nhìn lạc quan, đặc biệt là trong kịch bản cơ sở của nhóm phân tích rằng, đại dịch sẽ được kiểm soát trong quý cuối.

Do đại dịch, các công ty toàn cầu cần xem xét lại chuỗi cung ứng của họ nhằm linh hoạt hơn về mạng lưới sản xuất. Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, do đó các công ty FDI sẽ không chuyển cơ sở sản xuất hiện có của họ ra khỏi thị trường Việt Nam, thay vào đó, họ sẽ cố gắng cải thiện tính linh hoạt của chuỗi cung ứng của mình.

"Điều quan trọng cần lưu ý là chuỗi cung ứng rất phức tạp. Chiến lược của các công ty FDI sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ đa dạng hóa cơ sở tìm nguồn cung ứng, chi phí sản xuất, sự không chắc chắn về quỹ đạo của Covid-19…", chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

Theo đó, công ty chứng khoán này hy vọng rằng khi đại dịch được kiểm soát, Việt Nam sẽ một lần nữa là điểm đến của dòng vốn FDI sau đại dịch.

Xuất khẩu của nhóm FDI vẫn tăng trưởng mạnh

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tăng trưởng xuất khẩu của tháng 8 chỉ thấp hơn 1,7% so với cùng kỳ và 2,3% so với tháng trước, khả quan hơn mức sụt giảm 5,4% so với cùng kỳ theo ước tính của Tổng cục thống kê.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu dương 3,3% so với cùng kỳ trước những bất ổn trong hoạt động do đại dịch gây ra. Ngược lại, xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 13,3% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư.

Nhấn để phóng to ảnh

Nhập khẩu tiếp tục tăng vượt xuất khẩu, tăng 20,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 6,1% so với tháng trước. Thâm hụt thương mại thu hẹp xuống còn 109 triệu USD, từ mức thâm hụt 1,2 tỷ USD một tháng trước đó.

Tính chung 8 tháng, tổng xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt là 21,8% và 33,5% so với cùng kỳ. Thâm hụt thương mại lũy kế khoảng 2,3 tỷ USD, so với mức thặng dư 13,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.

Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm, giảm mạnh nhất là túi xách, giày dép và đồ gỗ. Xuất khẩu các sản phẩm điện tử và kim loại là điểm sáng, tăng lần lượt ở mức 17,3% và 19,4% so với tháng trước.

Tăng trưởng nhập khẩu hạ nhiệt so với tháng trước, từ mức tăng 31,8% so với cùng kỳ trong tháng 7 còn 20,4% so với cùng kỳ trong tháng 8. Mặc dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng nhập khẩu nguyên liệu thô đã giảm trên diện rộng nếu so với tháng 7.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may giảm 16,6% trong khi mức giảm của nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi lên đến 35,1%. Ngược lại, nhập khẩu đầu vào trung gian cho các sản phẩm công nghệ tiếp tục tăng ở mức 14,1% so với cùng kỳ và 10,1% so với tháng trước.

Nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho dệt may và thức ăn chăn nuôi giảm đồng nghĩa với việc tăng trưởng xuất khẩu dệt may và thủy sản tiếp tục suy yếu. Ngược lại, xuất khẩu hàng điện tử được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì khả năng phục hồi trong thời gian tới mặc dù tăng trưởng sẽ không tăng mạnh như 6 tháng đầu năm.

 

Từ khóa » Eu Rút Khỏi Việt Nam