Chứng Nghiệm Thánh Lễ Misa Của Một Mục Sư Tin Lành

Đỗ Trân Duy

CHỨNG NGHIỆM THÁNH LỄ MISA CỦA MỘT MỤC SƯ TIN LÀNH

Tiến sĩ Scott Hahn là mục sư thuộc giáo phái Protestant. Trong hơn 20 năm học hỏi Thánh Kinh, ông bị ám ảnh bởi những cảnh kỳ bí trong sách Khải Huyền. Ông đã cố dùng đủ loại học thuyết để khai mở những thị kiến huyền bí của thánh Gioan, nhưng đều thất bại. Thêm vào đó, ông nhận thấy kinh điển của giáo hội thời sơ khai, có những từ ngữ lạ như “nghi lễ”, “hiến tế”, “Mình Thánh Chúa” được nhắc tới nhiều lần. Ông biết những từ ngữ này đã được người Công Giáo dùng trong Thánh Lễ của họ. Ông tự hỏi có lẽ Thánh Lễ Công Giáo có một dạng khai triển nào đó hợp với những ‎‎ý niệm cổ truyền đó chăng. Tuy nhiên theo giáo huấn của giáo phái Tin Lành, Thánh Lễ của Công Giáo là lạc đạo vì đó là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng. Về nội dung, Thánh Lễ sai lầm vì những người tham dự có mục đích tái sát hại Đức Giêsu. (1)

Tiến Sĩ Scott Hahn

Với tinh thần của một học giả, tiến sĩ Scott Hahn muốn biết “cái” mà người Công Giáo gọi là Thánh Lễ diễn ra như thế nào. Ông viếng thăm một nhà thờ Công Giáo tại Milwaukee. Trước khi vào nhà thờ, ông khẳng định với chính mình đây chỉ là cuộc nghiên cứu và quyết không quì gối. Hahn kín đáo ngồi vào dẫy ghế cuối nhà thờ để quan sát. Khi linh mục chủ tế vào đền thờ, mọi người đứng lên ca nhập lễ, Hahn khinh khỉnh ngồi bất động. Thánh lễ diễn ra, đến đoạn đọc sách thánh, ông còn nhớ là trích đoạn sách tiên tri Asaiah và vài câu Thánh Vịnh. Nghe xong ông chỉ muốn thốt lên, “Ê! điều này tôi biết rõ quá. Tôi có thể giảng tường tận hơn.” Thánh Lễ tiếp tục, khi linh mục tuyên xưng “Này là Mình Ta… Này là Máu Ta…” lòng Hahn xao xuyến, ông tự hỏi, “Lạy Chúa, có đúng là Chúa đó không?” Rồi bỗng cả cộng đoàn hô to, “Chiên Thiên Chúa…Chiên Thiên Chúa..” sự hiệp thông của cộng đoàn khiến tâm hồn Hahn giao động. Kế đó vị linh mục nâng cao Bánh Thánh và xướng lên, “Đây Chiên Thiên Chúa…” Âm thanh vừa lọt vào tai, Hahn chợt tỉnh ngộ và lập tức quì phập xuống. Hằng bao năm học sách Khải Huyền trong mờ mịt, nay bỗng dưng mọi sự bừng sáng. Hahn kể lại, “Tôi trực giác thấy mình đang ở trong đoạn cuối của sách Khải Huyền, chương 22. Đoạn miêu tả Chiên Con ngự trên ngai trên Thiên Đường. Rồi tôi nhận ra mình đang hoà mình vào Thánh Lễ.”

Những tuần sau đó Hahn tiếp tục tham dự Thánh Lễ. Càng ngày ông càng thấy rõ ân sủng của Thánh Lễ. Không do dự, Hahn trở thành tín đồ Công Giáo. Ông hiện là giáo sư thần học của Đại Học Franciscan University tại Steubenville, bang Ohio, Hoa Kỳ. Chứng nghiệm của Hahn là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng là ơn soi sáng cho mọi Kitô hữu chúng ta. Hahn đánh thức từng linh hồn Kitô hữu chúng ta về một cảm nghiệm rất riêng tư cần có mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

Năm 1999 tiến sĩ Hahn cho xuất bản quyển “Lamb’s Supper - The Mass As Heaven On Earth” (Bữa Tiệc Của Chiên - Thánh Lễ Trên Trời Hiển Hiện Dưới Thế). Ông cố công khai triển mầu nhiệm Thánh Lễ Công Giáo để cảnh tỉnh mọi người. Sách này mau chóng trở thành một trong những sách hàng đầu trong tủ sách Công Giáo. Sau đây tôi xin được tóm tắt một vài điều chia sẻ của giáo sư Hahn.(2)

Tiệc Chiên Là Thánh Ý Thể Hiện Trên Trời Cũng Như Dưới Thế

Trong rất nhiều danh hiệu của Chúa Kitô, Thánh Lễ tuyên xưng danh hiệu “Chiên Thiên Chúa” bởi vì chiên là của tế lễ theo truyền thống Thiên Chúa giáo. Hằng ngày tại mỗi đền thờ của người Do Thái đều có hai cữ, sáng và chiều, giết chiên để tế lễ. Qua thời gian, hằng triệu con chiên đã bị giết với lòng thành dâng hiến Thiên Chúa, chưa kể những cuộc giết chiên để cầu nguyện tại tư gia. Tuy nhiên dù nhiều đến bao nhiêu, những lễ vật này chưa bao giờ thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa, vì người ta đã nhờ thú vật thế mạng để đền tội cho mình. Cho đến khi Chiên Thiên Chúa, là Đức Giêsu, tự hiến mình làm của lễ, bấy giờ cuộc hiến tế mới vẹn toàn Thánh Ý. Cuộc hiến tế Chiên Thiên Chúa đã khiến tất cả mọi cuộc hiến tế thú vật trong lịch sử nhân loại phải chấm dứt, vì chúng không còn ý nghĩa gì nữa. Thánh Lễ Misa là nghi thức chân chính thánh hiến Chiên Thiên Chúa một cách trọn vẹn nhất. Vì vậy không có nghi lễ giải tội nào có thể sánh với Thánh Lễ.

Qua cuộc tự hiến để cứu độ nhân loại, Đức Giêsu đã chuyển Thánh Lễ trở thành lễ Vượt Qua. Thủa xưa, chính Thiên Chúa đã ra lệnh cho dân Israel cử hành lễ Vượt qua và lưu truyền nghi lễ này cho hậu thế. Chúa phán, “Khi con cháu các ngươi hỏi ‘nghi lễ này nghĩa là gì?’ ngươi sẽ nói, ‘đây là nghi thức hiến tế chiên cho lễ Vượt Qua” (XH 12:26-27). Thánh Phaolô cho biết, cử hành lễ Vượt Qua theo lệnh Thiên Chúa chính là cử hành Thánh Lễ (1Co 5:7-8). Trong lễ Misa Đức Giêsu là chiên hiến tế nhưng cũng là vị thượng tế. Bởi vì không ai đủ tư cách là vị chủ tế ngoài chính Đức Giêsu. Người chịu chết nhưng chính Người lại phát ngôn về cái chết của mình theo tư cách của vị chủ tế: “Đây là Mình Ta hiến cho các ngươi… Đây là Máu giao ước mới đổ ra vì các ngươi” (Lc 22:19-20). Yếu tố chính trong nghi lễ Vượt Qua, theo lệnh Thiên Chúa, là dân Chúa phải ăn thịt chiên, ăn bánh không men, và dùng máu để ghi dấu giao ước với Thiên Chúa. Đó là điều kiện để được cứu độ. Theo nghi thức này, còn gì rõ hơn, khi  Đức Giêsu hiến thịt, máu, và kèm theo lời phán, “Nếu không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi không có sự sống nơi mình” (Ga 6:54). Điều ấy chỉ có thể xảy ra khi bánh và rượu chính là Thánh Thể thật của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa.(3)

Rất tiếc Thánh Lễ Công Giáo đã bị giáo phái Tin Lành nhìn sai lạc cho là sự phạm thánh. Trái lại chính vào lúc vị chủ tế nói, “Đây là chén Máu ta, Máu giao ước vĩnh cửu…” là nghi thức khai mở lời giao ước, vốn đóng ấn kín, giữa Thiên Chúa và loài người. Khi công đoàn tung hô “Thánh Thánh Thánh…” chúng ta đang ở trên Thiên Đường, đúng như thị kiến của thánh Gioan đã ghi trong Sách Khải Huyền chương 4 đoạn 8.

Tiến sĩ Hahn nói rõ, ông không phải là người đầu tiên dự Thánh Lễ mà thấy đó là nghi lễ trên Thiên Đường. Các giáo phụ Công Giáo đã dậy như thế từ lâu. Sách Khải Huyền hơn ai hết đã mạc khải Thánh Lễ là cảnh thờ phượng Thiên Chúa trên Thiên Đường. Công Đồng Vatican II cũng cho biết “Nghi lễ dưới thế là nếm trước nghi lễ trên Thiên Đường, nơi Chúa Kitô ngồi bên hữu Chúa Cha. Thánh Lễ giúp chúng ta hợp với tất cả các đạo binh trên trời ca ngợi Thiên Chúa.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói Thánh Lễ là “cảnh thiên đường dưới thế.” Ngài giảng nghĩa rõ thêm, “Nghi lễ chúng ta tham dự dưới thế là cách tham dự một cách huyền nhiệm nghi lễ trên thiên đường.”

Lễ Bẻ Bánh Là Nhiệm Tích Do Chúa Giêsu Thành Lập

Có lẽ muốn nhắn nhủ các anh chị em Tin Lành, Hahn dành cả một chương sách để chứng minh Thánh Lễ là nghi thức thờ phượng Thiên Chúa do các Tông Đồ tiên khởi truyền lại. Vì vậy Thánh Lễ có giá trị Tông Truyền. Vào thời giáo hội sơ khai, Thánh lễ được gọi một cách nôm na là “lễ bẻ bánh”. Khi Chúa Giêsu phục sinh, Người đến với 2 môn đệ đang trên đường đến Emmau. Họ chỉ nhận ra Người qua nghi thức bẻ bánh (Lc 24:30-35). Như vậy nghi thức bẻ bánh là một phương cách cầu nguyện cá biệt do Chúa Giêsu đặt ra. Nghi thức bẻ bánh này đã được lưu truyền và đã khai sinh ra Thánh Lễ, một nghi thức cầu nguyện chính thức của Giáo Hội. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại nhiều chứng tích về tín hữu thời Giáo Hội sơ khai họp nhau lại để học hỏi giáo lý và làm lễ bẻ bánh (CV 2:42). Thánh Phaolô cũng nói về một số nghi thức cầu nguyện (1Co 11:23-25), mà chúng ta có thể nhận ra phần nào giống như Thánh Lễ Misa hiện nay. Điều tối quan trọng trong lễ bẻ bánh là tín hữu thời đó đều tin bánh và rượu là Mình Máu thật của Chúa Giêsu. Vì vậy thánh Phaolô đã nói một cách long trọng về ăn và uống, “Ai ăn và uống, mà không biết rõ về mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Co 11:29).

Ngoài kinh điển của Tân Ước cũng có nhiều tài liệu cổ trong dân gian nói về Thánh Lễ. Sách Didache (tiếng Hylạp, có nghĩa là “Giáo Huấn”) trong thế kỷ I ghi chép các nghi lễ được cử hành bởi các Tông Đồ, trong đó có lễ bẻ bánh. Đặc biệt nghi thức này đã sử dụng những từ ngữ “hiến tế” và “Mình Thánh” để chỉ bánh và rượu. Sách còn cho biết tín hữu phải xưng tội giữ mình thanh sạch trước khi nhận Mình Thánh. Năm 155 thánh Ignatius, giám mục Antioch, trong thư gửi cho hoàng đế Roma đã miêu tả rõ về Thánh Lễ trong đó có đoạn nói, “vào ngày gọi là ngày mặt trời (the day of the sun. Sau này được gọi là Sunday, chủ nhật), vị chủ tế trình diện Thánh Thể (Eucharist) là bánh, rượu và nước cho mọi người tham dự nhận lãnh.” Qua đến thế kỷ thứ III, một học giả tên là Hippolytus đã soạn cuốn “Tông Truyền” trong đoạn nói về lễ bẻ bánh có những đoạn xướng và đáp như sau:

Chủ tế: Chúa ở cùng mọi người. Cộng đoàn: Và ở cùng thần tính của ngài. Chủ tế: Hãy nâng tâm hồn lên. Cộng đoàn: Chúng tôi nâng tâm hồn lên tới Chúa. Chủ tế: Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa. Cộng đoàn: Thật là chính đáng và công chính…

Trong những bản văn cổ của thánh Giacôbê và Phêrô cũng nói về Thánh Lễ với những nghi thức tương tự như trên, cộng thêm những trích đoạn từ kinh điển Cựu Ước (một hình thức của bài đọc 1 và 2). Từ những hình thức manh nha đó mà Công Giáo có nghi thức Thánh Lễ hoàn mỹ như ngày nay. Như vậy Thánh Lễ do bởi chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ tiên khởi thành lập, chứ không phải do người đời sau đặt ra như nhiều người đã hiểu lầm.

Ý Nghĩa Cốt Tủy Của Thánh Lễ

Thật không thể nói ra hết mầu nhiệm của từng chi tiết trong nghi thức Thánh Lễ. Có thể nói Thánh Lễ là toàn bộ Kinh Thánh thu gọn. Từng chi tiết nhỏ bé của Thánh Lễ hợp thành toàn khối siêu việt của ân sủng. Chẳng hạn Sách Didache cho biết phải giữ mình thanh sạch trước khi nhận lãnh Mình Thánh, vì vậy mà Thánh Lễ đã mở đầu bằng lời xưng tội, “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, tôi là kẻ có tội…” Sau đó là phép hòa giải, cộng đoàn xướng, “Xin Chúa thương xót chúng tôi.” “Chúa Kitô thương xót chúng tôi”… Tuy lời tụng này chỉ có vài câu ngắn nhưng lại là những câu kinh tối cổ trích ra từ những thánh Vịnh và trong bộ ngũ kinh. Câu “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an cho người dưới thế” là lời thiên thần chúc tụng Đấng Kitô nhập thế. Sau đó công đoàn đứng lên lắng nghe lời Chúa, vì Ngôi Lời là để nghe không phải để đọc…. Nói chung, mọi cử chỉ đứng ngồi quì, mọi lời kinh đều có ý nghĩa thích hợp kể ra không hết.

Cao điểm của Thánh Lễ là nhiệm tích Thánh Thể (phép bẻ Bánh). Bánh và rượu trở thành Mình và Máu thật sự của Chúa Giêsu Kitô. Qua nhiệm tích bẻ bánh, Thiên Chúa mạc khải cho nhân loại biết Tân Ước không phải là quyển truyện để đọc hay là một kiến thức để giảng giải về Chúa. Tân Ước là một hành xử sống đang khai triển giữa Thiên Chúa và loài người. Qua Thánh Lễ, và chỉ có ở Thánh Lễ, Chúa Giêsu Kitô thật sự đến để hiện-tại-hóa giao ước với con người. Chính Chúa Giêsu Kitô ra lệnh “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta.” Người không nói “hãy đọc truyện này” hay “hãy viết truyện này” mà nhớ đến Ta.

Nhiều truyền thống ý thức hệ khác chú tâm vào chữ “nhớ” trong câu “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Họ cho rằng “nhớ” chỉ là một trạng thái tưởng niệm. Cử hành phép bẻ bánh chỉ là hình thức tưởng niệm một việc đã qua mà thôi. Hahn cho rằng chính sự dại dột là ở điểm ngộ nhận này. Hậu quả của lỗi lầm quá nặng vì nó khiến người ta không nhìn ra bánh và rượu là Thánh Thể Chúa Giêsu. Hãy xét lại, trong các nghi thức cầu nguyện khác chúng ta thường xuyên xưng tụng: “Thiên Chúa nhớ lời giao ước của Người đến muôn đời” (TV 104:8). Khi tuyên xưng như vậy không ai dám nghĩ Thiên Chúa chỉ tưởng niệm về một giao ước cũ kỹ trong quá khứ. Nếu chữ “nhớ” có gây ra một ýniệm hàm hồ nào đó chỉ vì đó là đặc tính bất toàn của ngôn từ loài người. Thiên Chúa không muốn nhớ tới giao ước của Mình như nghĩ về một kỷ niệm trói buộc. Trái lại giao ước là nguồn mạch sự sống. “Nhớ lời giao ước” là đang thể hiện, đang sống với, là canh tân, hay nói theo thần học là “hiện tại hóa giao ước”. Thiên Chúa hiện tại hóa giao ước của Người và Người cũng muốn chúng ta sống với giao ước ấy trong hiện tại. Bởi vì giao ước của Thiên Chúa có căn tính hằng hữu.

Thánh Lễ cũng không phải là cuộc tái hiến dâng, hay cuộc “tái sát hại” Đức Giêsu như giáo phái Tin Lành kết án Công Giáo. Cuộc hiến tế của Đức Giêsu chỉ xảy ra một lần duy nhất và trọn vẹn đời đời, không cần phải lập lại. Nhưng Thánh Lễ được lập ra là vì ơn ích cho Kitô hữu chúng ta. Nhờ có Thánh Lễ mà những kẻ hậu thế như chúng ta được diễm phúc tham dự trực tiếp vào cuộc hiến tế vô cùng siêu việt của Đức Giêsu. Trên thiên đàng, Chúa Cha chuyển hết sự sống yêu thương của Người cho Chúa Con. Chúa Con dâng hết lòng yêu thương trở về Cha. Sự sống yêu thương từ Cha chuyển cho Con và từ Con chuyển về Cha chính là Thần Khí Sự Sống. Tại sao lại nhắc đến tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ở đây? Tại vì tình yêu ấy hiển hiện trong Thánh Lễ. Khi Chúa Con, tức Chiên Thiên Chúa, tự hiến mạng sống để dâng lên Chúa Cha, Ngưòi bao gồm cả chúng ta trong đó. Việc này xảy ra khi chúng ta nhận lãnh Mình Máu Chúa Giêsu Kitô, có nghĩa là chúng ta chấp nhận Giao Ước Mới, tức là chúng ta dự tiệc của Chiên Thiên Chúa. Đó là điểm cốt tủy chúng ta phải biết rõ khi tham dự Thánh Lễ.

Ghi Chú

(1) Ngẫu tượng là tranh vẽ hay tượng khắc các vị thần hay thánh. Nhà thờ Công Giáo thường có nhiều hình và tượng các thánh. Giáo phái Tin Lành hiểu lầm rằng Công Giáo tôn thờ các thánh, tức tôn thờ ngẫu tượng. Một điểm nữa, thánh lễ Misa tuyên xưng cuộc hiến tế của Đức Giêsu, giáo phái Tin Lành cho rằng Công Giáo đã cử hành cuộc tái sát hại Đức Giêsu. Thần học Công Giáo cho rằng cuộc hiến tế của Đức Giêsu đã xảy ra trong quá khứ. Cử hành thánh lễ là phương cách hiện tại hóa biến cố đó. Nhờ thế mà tín đồ của Chúa trong thời hiện tại cũng được tham dự vào bữa tiệc ly. Như vậy không có sự tái diễn. Trước sau chỉ có một bữa tiệc ly và một cuộc hiến tế duy nhất.
(2) Tiến sĩ Hahn còn là nhà diễn giảng nổi tiếng. Ông đã thực hiện khoảng 800 bài thuyết giảng về đức tin Công Giáo. Bài giảng của ông đã giúp cho hằng ngàn tín hữu Công Giáo “lơ là” và tín hữu Tin Lành trở lại với Công Giáo. Ông cũng viết nhiều bài khảo cứu và sách thần học, đồng thời lập ra học viện kinh thánh. Ông hiện là Giám đốc Trung Tâm Thần Học Thánh Kinh Thánh Phaolô ” (St. Paul Center for Biblical Theology). Gần đây, năm 2014, Hồng Y Francis Eugene George, Giám Mục Chicago, đã mời ông làm giáo sư thần học cho chủng viện Mundelein ở Chicago. Nếu muốn biết thêm về giáo sư Hahn xin tham khảo hai website: “Trung Tâm Thánh Phaolô về Thần Học Kinh Thánh”; trang mạng chính thức của tiến sĩ Hahn
(3) Bánh được dùng trong thánh lễ là bánh không men theo đúng truyền thống của lễ vượt qua. Tuy nhiên thánh Phaolô khai triển thêm một ý thức tâm linh khác, thánh cho rằng chính tâm hồn thanh tịnh của những người tham dự thánh lễ là bánh không men (1Co 5:7-8).

Từ khóa » Thánh Lễ Misa Cổ Truyền