Chương II: Giai đoạn Kháng Chiến Chống Pháp (1946 - 1954)
Có thể bạn quan tâm
Chương II
GIAI ĐOẠN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
(1946-1954)
Cách mạng tháng tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta, kết thúc 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân và hàng nghìn năm áp bức của chế độ phong kiến, đồng thời cũng bắt đầu thời kỳ xây dựng một nền y dược học Việt nam mang tính “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Từ nay nhân dân ta thực sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Việc tiếp quản các bệnh viện Bạch Mai, Phủ Doãn, Viện Mắt, Viện bào chế TW...tiến hành thuận lợi. Các bác sỹ trẻ, sinh viên, cán bộ, nhân viên được Cách mạng tiếp thêm sức mạnh đã tập hợp nhau lại giải quyết các công việc chuyên môn trong một không khí hăng say, hào hùng thật không tả xiết!
Chính phủ lâm thời đã cử bác sỹ Phạm Ngọc Thạch giữ chức vụ Bộ trưỏng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cũng như ở các công sở và bệnh viện khác, đội ngũ công nhân viên chức của Viện Mắt hăng hái trở lại tiếp tục công việc thường ngày của mình với tinh thần làm chủ thực sự. Xếp Tây không còn nữa, quân phiệt Nhật đã bại trận, mọi người cảm thấy thoải mái, phấn chấn hẳn lên. Ngay cả đến người bệnh cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi vào ra Viện, không còn sợ hãi, khép nép như trước.
Đầu tháng 11.1945, Giám đốc Viện là BS. Nguyễn Xuân Nguyên bàn giao công việc cho Giám đốc mới là BS. Tôn Thất Hoạt, để đi nhận công tác khác. BS. Hoạt sinh ngày 11.11.1909 tại Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ năm 1937 tại trường Đại học Y khoa Hà Nội và có đi tu nghiệp 2 năm ở Pháp. Ông là một con người khiêm tốn, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức rộng, chuyên sâu về bệnh glôcôm và đục thể thuỷ tinh. Đặc biệt là trong công tác chuyên môn, ông rất chặt chẽ về nguyên tắc, thận trọng trong phẫu thuật, ông luôn luôn nhắc nhở anh em phải chú ý từng thao tác nhỏ, từng đường kim mũi chỉ. Trong việc giảng dạy, ông tận tình chỉ bảo, không dấu nghề. Trong việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, ông rất tỷ mỷ, sâu sát. Theo hệ thống chức danh của Pháp, cao nhất là giáo sư, dưới là giảng sư (chargé de cours, còn dịch là giảng viên, phó giáo sư, hoặc khi chính quyền về ta thì được dịch là "quyền giáo sư"), rồi đến phụ giảng (gồm trưởng khoa, trưởng labo), dưới nữa là trợ giảng (có khi dịch là trợ lý). Có thể nói ông là một người thầy mẫu mực và có tài.
Sau cách mạng tháng Tám, chỉ có cán bộ giảng dạy Y – Dược là có chức danh rõ ràng, do bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm. Còn các trường khác, các thầy được gọi theo bằng cấp, hoặc là ông, là cụ… Trước hôm khai giảng 12 ngày, danh sách "quyền giáo sư" phụ trách các bộ môn do hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đề nghị, đã được Bộ trưởng Vũ Đình Hoè chấp nhận bằng một Nghị định chính thức (3.11.1945): Hồ Đắc Di (vẫn là giáo sư), Tôn Thất Tùng, Ngô Quang Phú, Trương Cam Cống, Hoàng Tích Trí, Vũ Công Hoè, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng, Trần Văn Bảng, Nguyễn Đình Hào, Nguyễn Đình Hoàng, Nguyễn Đình Cát, Tôn Thất Hoạt, Đặng Vũ Hỷ, Phạm Khắc Quảng, Đặng Vũ Kha, Nguyễn Văn Định (Ban Dược có 14 vị, Nha khoa 14 vị). Thầy Đặng Văn Ngữ không có tên vì đang tu nghiệp ở Nhật Bản.
Trong 1 năm đầu sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, công việc của Viện dần dần ổn định và bắt đầu chuyển biến tốt. Nhưng đế quốc, thực dân không để chúng ta yên.
Nấp dưới bóng đế quốc Anh vào giải giáp quân Nhật ở miền Nam, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 25.8.1945, Sài Gòn dành được chính quyền thì ngày 23.9 tiếng súng Nam Bộ kháng chiến bùng nổ và từ đó chiến tranh lan rộng dần. Sau hiệp định 6/3/1946, ở miền Bắc thực dân Pháp cũng bắt đầu tráo trở. Chúng đưa ra hết yêu sách này đến yêu sách khác. Riêng về y tế, chúng đòi lấy lại Bệnh viện Đồn Thuỷ (còn gọi là Bệnh viện De Lanessan, nay là Bệnh viện Hữu Nghị và Quân y viện 108), và Viện Pasteur (nay là Viện Vệ sinh Dịch tễ). Ta phải nhân nhượng một phần. Nhưng chúng càng lấn tới.
Chính quyền nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách.... Hơn 90% dân số mù chữ. Các tệ nạn xã hội tràn lan, sức khoẻ nhân dân suy kiệt. Các dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển khắp nơi.
Cuối tháng 5, phái đoàn Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu và Hồ Chủ tịch là thượng khách được Chính phủ Pháp mời sang họp Hội nghị Fontainebleau, nhưng không đi đến kết quả gì. Hồ Chủ tịch lên đường về nước, trên chiến hạm Dumond d’Urville. Ngày 3.10 tàu cập bến Hải Phòng. Ra đón Chủ tịch nước có Cụ Nguyễn Văn Tố, đại diện cho Quốc hội, Bộ trưởng Lê Văn Hiến, đại diện của Chính phủ, và có cả BS. Nguyễn Xuân Nguyên, Chủ tịch UBHC Hải Phòng (nguyên Giám đốc Viện Mắt).
Tình hình giữa ta và Pháp ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngày 20.11.1946, Pháp cho đổ bộ hàng ngàn quân lính vào Đà Nẵng, đồng thời nổ súng đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, giáp biên giới Trung Quốc. Tình hình Thủ đô Hà Nội trở nên căng thẳng. Trong hồi ký của mình, Giáo sư Hồ Đắc Di viết: những tháng cuối năm 1946, không khí ở Hà Nội nặng nề ngột ngạt như trước một cơn giông tố. Sau vụ gây hấn ở Hải Phòng, bọn Pháp luôn luôn giở những trò khiêu khích ở Hà Nội. Lính mũ đỏ Pháp nghênh ngang trên đường phố, chúng phóng xe Jeep bừa bãi, chẹt chết cả người đi đường. Chúng bắn vào đồng bào ta ở phố Yên Ninh, Hàng Bún. Từ khu Cửa Bắc chúng bắn súng cối ra, làm đổ nhà cửa của nhân dân ở các phố chung quanh. Nhân dân Thủ đô căm phẫn, chỉ muốn Hồ Chủ tịch và Chính phủ ra lệnh cho diệt bọn Pháp ngay. Nhưng Hồ Chủ tịch khuyên đồng bào ta phải bình tĩnh. Nỗi uất ức như than hồng âm ỉ trong lòng mọi người. Ở các đường phố, anh chị em tự vệ đã đào hào, đắp ụ, sẵn sàng chiến đấu. Ban đêm trong thành phố những đoàn xe nhà binh Pháp rú còi lồng lộn. Đây đó lác đác tiếng súng nổ. Tình hình hết sức căng thẳng…
Đêm 19.12.1946, tiếng súng đại bác của ta từ pháo đài Láng đã nổ vang rền, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sáng ngày 20, Đài phát thanh Việt Nam phát đi lời kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên chống thực dân xâm lược Pháp của Hồ Chủ tịch:
“ Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người gi người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội, 2002,t4, tr 480).
1. HOẠT ĐỘNG NHÃN KHOA Ở VÙNG KHÁNG CHIẾN
Các cơ quan, công sở, bệnh viện được lệnh sơ tán ra vùng ngoại thành để tiếp tục hoạt động và phục vụ chiến đấu. Tại Viện Mắt cũng vậy. BS. Tôn Thất Hoạt, Giám đốc Viện cùng một số anh chị em cán bộ, nhân viên, di chuyển về Vân Đình (thuộc tỉnh Hà Đông) xây dựng cơ sở, mới đầu gọi là bệnh viện chữa mắt Liên khu 3, dưới sự chỉ đạo của BS. Nguyễn Xuân Nguyên (lúc đó là Giám đốc Sở Y tế Liên khu 3).
Chiến sự ngày càng lan rộng.
Ngày 2/3/1947, mặt trận tây nam Hà Nội bị vỡ, quân Pháp tràn ra tấn công đánh chiếm tỉnh lỵ Hà Đông, rồi nhảy dù xuống Vân Đình, chặn con đường đi Hoà Bình. Chưa kịp làm được gì thì một lần nữa, bệnh viện Mắt chuyển vào vùng Sở Kiện (Kiện Khê), thuộc tỉnh Hà Nam, vừa phục vụ nhân dân vừa làm nơi thực hành cho trường Y sĩ Liên khu 3-4. Đầu năm 1950, nhà trường bị máy bay địch oanh tạc, gây một số thiệt hại về người và của. Đến giữa năm 1950, trường chuyển hẳn vào Thanh Hoá, vùng Cổ Định (huyện Nông Cống). BS. Nguyên làm giám đốc Y tế Liên khu 3 từ năm 1948-1951 (bao gồm các tỉnh: Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình) và được cử làm Uỷ viên UBHC kháng chiến Liên khu 3 (1951-1952) . Ông phụ trách bộ môn và khoa mắt ở trường Y sĩ, đồng thời tham gia giảng dạy ở trường Nữ hộ sinh trung cấp đóng ở huyện Yên Định (Thanh Hoá) do BS. Hoàng Thuỵ Ba làm Hiệu trưởng.
Sau khi trường Y sĩ Liên khu 3 bị ném bom phải chuyển vào Thanh Hoá, thì BS. Tôn Thất Hoạt vì lý do gia đình, trở về Hà Nội mở phòng khám tư cho đến sau ngày tiếp quản mới trở lại làm việc ở Viện Mắt.
Trong số người của Viện mắt tham gia kháng chiến những năm đầu tiên còn có BS. Nguyễn Đình Cát và một số nhân viên, y tá như bác Triệu, bác Thuấn... một vài sinh viên như Nguyễn Duy Hoà... BS. Cát về làm việc ở một bệnh viện đa khoa (mạn Văn Điển) cùng với BS. Vũ Đình Tụng và BS. Đinh Văn Thắng. Đến tháng 2.1947 bệnh viện này rút về La Phù (Thanh Oai). Sau đó BS. Cát đi Vĩnh Yên, đến năm 1950 thì trở vào nội thành, phụ trách bộ môn Mắt của trường ĐHYK. BS. Ngô Như Hoà, ngay sau khi tốt nghiệp (1946) thì gia nhập quân đội, làm trưởng ban Quân y trung đoàn 77 ở Thanh Hoá (1946-1949), trưởng ban Quân y Trung đoàn 101 ở Thừa Thiên (thuộc Phân khu Bình-Trị-Thiên), rồi Giám đốc trường đào tạo Y tá K.43, kiêm Giám đốc Quân y viện K.43 (Nghệ An). Sau đó trở về Hà Nội, bị động viên vào làm bác sĩ phụ trách phòng mắt Quân y Võ Tánh.
Năm 1952 và 1953, trường y sĩ LK.4 tuyển sinh khoá 5 và khoá 6 vào học. Cuối năm 1953, trường chuyển lên Tuyên Quang để sát nhập với trường ĐHYK. Tại đồi Cây Sấu (ở Lang Quán), ẩn nấp dưới cây rừng cành lá sum sê là một khoa mắt với 20 giường bệnh, một phòng mổ, một giảng đường nhỏ. Trong số tốt nghiệp ra trường khoá 1 có hai người được chọn ở lại trường học chuyên khoa mắt là y sỹ Phan Đức Khâm và y sỹ Trần Kiện. Như vậy, ngoài giáo sư Nguyên phụ trách bộ môn còn có y sỹ Phan Đức Khâm, y sỹ Trần Kiện và y tá Đinh Văn Thuấn phụ trách dụng cụ và tài sản của bộ môn mắt.
Đầu năm 1954, Bộ Y tế cử một đoàn y sỹ do y sỹ Trần Kiện làm trưởng đoàn lên Điện Biên công tác (trong đoàn có Phạm Song, Hoàng Kim Tịnh, Nguyễn Thuyên, Anh Thành ở Viện vệ sinh dịch tễ). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, y sỹ Trần Kiện được Cục trưởng Cục trưởng Cục quân y Vũ Văn Cẩn phân công phụ trách một bệnh viện dân công hoả tuyến ở Km 63 đường Tuần Giáo - Điện Biên (Gs. Tôn Thất Tùng phụ trách ở Km 64 và bộ phận lãnh đạo của Bs. Vũ Văn Cẩn ở Km 62).
Giữa lúc công việc mới bắt đầu thì đến mùa xuân năm 1954, quan ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp đầu hàng và ó tiếp sau đó là ký kết hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh xâm lược ở miền Bắc. Trường ĐHYK được lệnh chuyển về Hà Nội.
2. HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ THƯƠNG CHỮA MẮT DỐC HÀNG GÀ (HÀ NỘI)
Bộ phận nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà ở lại nội thành, sau những ngày đầu kháng chiến, dần dần phục hồi lại các hoạt động chuyên môn với số lượng dăm ba chục nhân viên, do BS. Phạm Văn Tiến làm Giám đốc. Đến cuối năm 1950 thì có thêm BS. Nguyễn Đình Cát từ ngoài kháng chiến trở vào. Ngoài ra, còn có các BS. Vũ Minh Ngọc, Lê Thành Thân, Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Ngọc Kính.
Số giường bệnh từ 120 (năm 1942), đến đầu năm 1950 tăng lên 150. Do đó số lượng bệnh nhân được nằm điều trị tăng lên gấp 3 lần so với năm 1938.
Về phương pháp điều trị, có nhiều tiến bộ hơn thời kỳ trước. Đã bắt đầu ghép giác mạc, mổ sụp mi bẩm sinh, phẫu thuật lệ đạo, mổ đục thể thuỷ tinh trong bao. Thuốc men thì có các loại kháng sinh mới (do Mỹ viện trợ) nhưng chủ yếu vẫn là các Sunfamid như Septoplix, Solufontamide, Lysapyrine, Lutazol và nhất là Dagénan. Hồi bấy giờ Dagénan được sùng bái như là một thứ thuốc chữa được bách bệnh, đến nỗi cái tên Dagénan trở thành biểu tượng của vạn năng (cán bộ nào biết làm được nhiều việc thì gọi là cán bộ Dagénan).
Về điều trị mắt hột phương pháp vẫn như trước: đánh hột cho vỡ rồi nhỏ một loại thuốc nước và tra mỡ Auréomycin. Vẫn mổ quặm theo phương pháp Panas. Nhưng có một điều mới là từ tháng 8.1950, đã ra đời cái gọi là Ban lưu động chống mắt hột, do BS. Ngô Như Hoà phụ trách. Ban lưu động này sử dụng xe cộ và thuốc men do Mỹ viện trợ, chủ yếu là khám mắt hột, phát thuốc và đánh hột, mổ quặm. Ban đã đi về một số vùng chung quanh Hà Nội như Láng, Hà Đông, Bắc Ninh, Hải Dương,... và thường làm việc ở ngay tỉnh lỵ, không đi xuống các huyện, các xã. Theo Nguyễn Văn Hanh (trong luận án tốt nghiệp bác sĩ năm 1952) thì cho đến ngày 30.6.1952 Ban lưu động đã thực hiện được 1.023.378 lần khám bệnh và cấp phát 39.204 ống thuốc mỡ Aurémycin. Trên thực tế, hoạt động của Ban lưu động chống mắt hột này rất hạn chế, kết quả điều trị khỏi mắt hột không được mấy vì khám và phát thuốc xong là hết, không bao giờ còn quay trở lại. Nhất là về mặt tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng bệnh thì hầu như không làm gì.
Cũng nên nói qua lịch sử nguồn gốc của cái được gọi là đội lưu động chống mắt hột (brigade mobile antitrachomateuse) nó ra đời từ bao giờ? Người đầu tiên có sáng kiến đề xuất ra bệnh viện lưu động là Giáo sư Belliarminov, người Nga. Năm 1893, ông đã sáng lập ra Hội Marie phục vụ người mù (Société de Marie pour le bien des aveugles; Marie là tên Hoàng Hậu Marie Alexandrovna, vợ sa hoàng Alexandre), với những đoàn xe đi về các vùng nông thôn xa xôi để khám và chữa mắt cho người nghèo khó. Từ đó mà ở nước Nga sa hoàng (và cả về sau này) đã ra đời những đội chữa mắt lưu động (Camp oculistique volant).
Ở Việt Nam ta, năm 1917, khi Viên toàn quyền Albert Sarraut ký quyết định chuyển đổi khoa mắt (Hà Nội) thành Viện Mắt, trong điều 2 có nói đến việc thành lập các Đội lưu động chống mắt hột và giao cho các thầy thuốc bản xứ phụ trách. Chính Talbot đã viết: bệnh viện lưu động này sẽ di chuyển từ làng này sang làng khác để khám và chữa mắt, đồng thời làm công tác tuyên truyền phòng bệnh, theo một chương trình dài hạn... Nhưng đề xuất của Talbot bị một bác sĩ nhãn khoa khác là J.Casaux phản đối với lý do là ở cái xứ sở mắt hột này, điều kiện đường sá đi lại khó khăn, làng mạc thưa thớt, v.v... Vì vậy mà mãi cho đến thập kỷ 50, mới ra đời được Ban lưu động đầu tiên, hoạt động lẻ tẻ ở một vài nơi gọi là có làm công việc chống mắt hột, kết quả đạt được không bao nhiêu. Như GS. Nguyễn Xuân Nguyên nói: nó nhằm mục đích mị dân nhiều hơn là thương dân, cứu dân.
Về công tác giảng dạy thì BS. Nguyễn Đình Cát (tốt nghiệp năm 1944), là giảng viên (chargé de cours) phụ trách bộ môn mắt của trường Y. Các sinh viên năm thứ 3, thứ 4 vẫn đến thực tập tại Viện như trước kia, mỗi năm đi liền 3 tháng. Ngoài ra, còn tổ chức các kỳ thi tuyển sinh viên nội trú và ngoại trú. Đến năm thứ 6 thì viết luận án và bảo vệ trước một Hội đồng giám khảo do 1 Giáo sư của trường Đại học Y khoa Paris sang làm Chủ tịch. Thành phần Hội đồng hầu hết là người Pháp. Luận án được viết và bảo vệ bằng tiếng Pháp.
Hai khoá thi tốt nghiệp cuối cùng của thời kỳ Pháp tạm chiếm (1946-1954) vào năm 1952 và 1953, có 7 luận án chuyên khoa mắt (xem cụ thể ở phần phụ lục).
Năm 1952 là năm có nhiều luận án tốt nghiệp nhất về chuyên khoa mắt (6 cái). Nếu trong khoảng 10 năm, từ 1935 đến 1945, trường ĐHYK Hà Nội chỉ cho ra được 147 bác sĩ mà chủ yếu là về nội, ngoại, sản và 10 năm tiếp theo từ 1945 đến 1954, chỉ được hơn 50 bác sĩ, thì con số 6 bản luận án tốt nghiệp về Mắt trong 1 năm (1952) là lớn. Không hiểu lý do vì sao nhưng dầu thế nào thì đây cũng là một đặc điểm nói lên hấp dẫn của một chuyên khoa mà trước kia ít người ham muốn. Trong số 6 bác sĩ tốt nghiệp năm ấy thì về sau có 3 người (là Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Ngọc Kính và Lê Thành Thân) vẫn gắn bó với ngành nghề.
Qua luận án của Nguyễn Ngọc Kính, chúng ta thấy bệnh mắt hột vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, tiếp đó là glôcôm. Bệnh mắt do lậu cầu vẫn còn là mối đe doạ lớn, nhất là ở trẻ sơ sinh. Trước kia viêm mủ toàn nhãn chiếm tỷ lệ cao (từ 12-20%), nhưng bắt đầu từ thập kỷ 50, nhờ có nhiều loại Sulfamid mạnh và kháng sinh nên tỷ lệ mù do viêm toàn nhãn giảm hẳn (còn 2%). Không thấy nói đến bệnh đục thể thuỷ tinh (mà ngày nay ta thấy nó là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà), phải chăng vì đục thể thuỷ tinh thuộc vào loại mù có thể chữa được bằng phẫu thuật mà hồi bấy giờ kết quả mổ cũng đã khá tốt (theo Phạm Gia Cẩn, kết quả tốt đến 75,91%).
Luận văn của Hoàng Văn Đức (về các phương pháp dân gian điều trị bệnh mắt ở Bắc Việt Nam) cho thấy các phương pháp chữa bệnh phản khoa học lưu truyền trong nhân dân cũng là nguyên nhân dẫn đến mù loà. Chẳng hạn như giật mộng thịt bằng móc thép, đánh màng bằng muối và nguy hiểm nhất là đắp mắt bằng lá trầu đập dập với da thịt con ếch, nhái để hạ hoả khi mắt đau nhức, gây ra một loại u đặc biệt (Sparganose) do một loại sán gọi là Sparganum Dibothrio céphalus Mansoni sống ký sinh trong đùi ếch nhái, từ đó chui vào mắt. Đối với lông quặm thì thầy lang vườn dùng hai thanh tre nhỏ kẹp vào phần da mi, cột chặt hai đầu cho đến khi da bị hoại tử và rụng đi, (ngày trước gọi là quyền mi), để lại đám sẹo méo mó mà quặm thì vẫn không hết.
3. TIẾP QUẢN NHÀ THƯƠNG CHỮA MẮT – MỞ ĐẦU NHỮNG TRANG SỬ MỚI
Ngày 7.5.1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp bị quân ta đánh dập nát tơi bời, hàng ngàn binh lính và sĩ quan địch kéo cờ trắng đầu hàng. Tướng De Castries và bộ tham mưu bị quân ta bắt sống.
Ngày 20.7 Hiệp định Genève được ký kết, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc, nhưng miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn còn dưới chế độ nguỵ quyền. Vì vậy bên cạnh sự hân hoan, phấn khởi của toàn thể nhân dân thì cũng có một bộ phận nhỏ có tâm lý hoang mang, dao động. Bộ máy tuyên truyền tâm lý chiến của địch lợi dụng tình hình này để xuyên tạc, dụ dỗ, thậm chí cưỡng ép họ di cư vào Nam. Đặc biệt chúng hoạt động mạnh trong giới trí thức và tư sản công thương. Ở các công sở, cơ quan, bệnh viện, chúng phá huỷ tài liệu, máy móc và mang đi thuốc men, dụng cụ. Nhưng âm mưu thâm độc của chúng, Đảng và chính quyền ta đều biết nên đã có những biện pháp đối phó lại như triểnkhai lực lượng bí mật vào trước, dựa vào quần chúng tốt ở cơ sở, để chống phá mọi âm mưu, hành động của địch.
Riêng trong ngành Y – Dược, ngày 28.9, tại một địa điểm gần Hà Nội, hàng mấy chục giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư đã cùng nhau viết một lá thư kêu gọi anh chị em trí thức Nam – Bắc đoàn kết lại, nêu cao lòng yêu nước, đấu tranh với địch, không đi theo chúng vào Nam. Ký tên dưới lá thư là những Giáo sư, Bác sĩ, Dược sĩ có tên tuổi như các bác sỹ: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Đặng Văn Chung, Vũ Công Hoè, Đinh Văn Thắng, Phạm Khắc Quảng, v.v… trong đó có chữ ký của BS. Ngô Như Hoà (Viện Mắt). Dưới đây là trích đoạn cuối của lá thư:
..."Chúng tôi kêu gọi các anh chị em đoàn kết nhất trí và cùng tranh đấu cới các anh chị em sinh viên ở Hà nội mới vào để các anh chị em đó được dễ dàng trở về Bắc tiếp tục học tập.
Đấu tranh giúp đỡ anh chị em sinh viên tức là anh chị em làm nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch và Chính phủ giao cho toàn thể nhân dân: thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.
Anh chị em hãy hăng hái tiến lên!"
Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc tiếp quản các cơ quan, công sở ở Hà Nội, cuối tháng 8.1954, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Ban tiếp quản các bệnh viện, Viện nghiên cứu trường Đại học Y khoa, do GS. Hồ Đắc Di (Hiệu trưởng trường ĐHYK) làm Trưởng ban, 2 Phó ban là Bác sĩ Hoàng Đình Cầu (Giám đốc Sở Y tế Liên khu 3) và ông Nguyễn Đức Thắng (Phó Văn phòng Bộ Y tế), 3 uỷ viên là BS. Nguyễn Đức Khởi (Giám đốc Phân viện vi trùng học Liên khu 4), GS. Đặng Văn Ngữ (Trường ĐHYK) và Dược sĩ Trương Xuân Nam (Giám đốc Sở bào chế TW). Giúp việc cho Ban còn có thêm các bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, kỹ sư, y tá, dược tá, cán bộ chính trị, hành chính. Cộng tất cả toàn Đoàn gồm 67 người.
Trước khi về Hà Nội tiếp quản, các cán bộ, nhân viên được dự lớp bồi dưỡng của TW (thời gian gần 1 tháng) về chủ trương, chính sách đối với các vùng mới giải phóng, những điều quy định về nguyên tắc, kỷ luật đối với cán bộ tiếp quản, đặc biệt là phải biết đề cao cảnh giác, giữ vững tư cách, đạo đức của người cán bộ tiếp quản, đừng có ăn phải viên đạn bọc đường.
Cán bộ tiếp quản, mỗi người được trang bị một bộ đồng phục bằng vải ka-ki Nam Định, may cổ đứng theo kiểu Tôn Trung Sơn, 1 mũ cứng và 1 đôi giày vải.
Theo kế hoạch thì việc tiếp quản Hà Nội gồm 2 phần: một phần về quân sự và một phần về hành chính. Phần hành chính phải đi trước một bước. Vì vậy, ngày 1.10.1954, đoàn tiếp quản hành chính đã có mặt tại Hà Nội, và đến ngày 9.10 phải hoàn tất công việc để ngày 10.10, đại quân ta tiến vào Thủ đô.
Bộ phận tiếp quản Nhà thương chữa mắt do BS. Nguyễn Dương Quang phụ trách, có các Y sĩ Lưu Văn Hoát, Hoàng Thị Luỹ. Sau đó còn có thêm Trần Kiện.Việc bàn giao giữa viên đại uý đại diện cho phía Pháp với đoàn ta được thực hiện trôi chảy, biên bản bàn giao được ký kết vào chiều ngày 9.10.1954.
Cũng như ở vài ba bệnh viện khác, trước ngày tiếp quản, một số anh chị em cán bộ nhân viên của nhà thương chữa mắt đã liên hệ và được sự chỉ đạo của cán bộ nội thành (đ/c Hiệp), nhờ đó họ đã có những hành động thiết thực ủng hộ cách mạng và chính quyền mới. Họ đã ngấm ngầm vận động được một số người ở lại, không đi Nam. Một nhóm gồm 8, 9 anh em (Trương Văn Thê, Chu Văn Luân, Phạm Kim Cơ, Lưu Phấn Lâm, Phạm Xuân Lương, Nguyễn Vát, Vương Đình Nhu, Nguyễn Văn Huệ…) đã cất giấu máy móc, đồ mổ, xe ôtô, đưa ra Hoàng Mai (ngoại thành Hà Nội), trốn tránh ở đó 2 tháng để chờ ngày tiếp quản. Họ tham gia vào xưởng công binh làm huy hiệu cho cán bộ tiếp quản. Dĩ nhiên là làm được những việc trên không phải dễ dàng vì lúc bấy giờ quân lính Pháp luôn luôn có mặt ở Viện. Mọi hành vi chúng nghi ngờ đều bị kiểm soát, gây khó khăn cho việc di chuyển máy móc, dụng cụ ra ngoài bệnh viện. Anh em ta đã dùng mẹo, phục rượu và thịt chó cho chúng ăn uống say khướt rồi mới hành động. Muốn lấy xe thì phải giả vờ chở bệnh nhân đi rồi lái thẳng ra Hoàng Mai và tài xế Vương Đình Nhu phải ở lại đó luôn cho đến ngày tiếp quản. Ông Phạm Kim Cơ (thường gọi là Cơ xồm) vắt cơm nắm và nấu nước cho cán bộ tiếp quản uống (để tránh nguy cơ bị đầu độc). Trong số anh em ủng hộ cách mạng có Trương Văn Thê (lúc đó là hộ lý nhà mổ) là người tích cực và gan dạ. Trước đó anh đã từng hoạt động trong đội tình báo 101 của Thành uỷ Hà Nội với tên thật của anh là Nguyễn Hữu Lô. Sau bị địch bắt rồi được thả ra, anh vào nội thành làm hộ lý nhà mổ với tên mới là Trương Văn Thê, biết mài dao kéo phẫu thuật nên giúp phòng mổ có dụng cụ sắc.
Theo lời các nhân chứng kể lại thì trước ngày tiếp quản có vài ba bác sĩ và một số nhân viên đã di cư vào Nam. Trong số này có ông Giám đốc Bệnh viện là BS. Phạm Văn Tiến. Anh em nói ông Tiến là người có lòng với cách mạng nên đã ủng hộ anh em hoạt động và có trường hợp đã bao che cho anh em trước sự hăm doạ của bọn xấu. Ông cho đóng gói sẵn một số dụng cụ, thuốc men làm ra vẻ như chuẩn bị di chuyển vào Nam, để khi có lệnh của Việt Minh thì anh em sẵn sàng mang đi cho dễ. Ông cho sửa chữa sơn quét lại nhà cửa sạch sẽ trước khi cán bộ vào tiếp quản. Riêng ông, vì lý do gia đình nên đi vào Sài Gòn và về sau ông vẫn hành nghề tại đó cho đến ngày ông mất.
Sau khi BS. Phạm Văn Tiến đi thì tạm thời BS. Lê Thành Thân phụ trách Viện và chuẩn bị cho cán bộ vào tiếp quản. Ngoài ra, còn có 3 bác sĩ ở lại là Ngô Như Hoà, Nguyễn Duy Hoà và Nguyễn Ngọc Kính (sau 300 ngày tập kết ở Hải Phòng thì BS. Kính đi vào Nam), cùng vài ba chục nhân viên các loại như y tá, hộ lý, công nhân và nhân viên hành chính, quản trị.
Sau tiếp quản khoảng 1 tháng thì GS. Nguyễn Xuân Nguyên cùng với một số anh em Y sĩ từ Tuyên Quang về đến Hà Nội, GS. Nguyên, sau đúng 10 năm xa Viện lại trở về với cương vị Giám đốc.
Trong gần 40 năm tồn tại (từ 1916-1954) dưới chế độ thực dân Pháp và chính quyền cũ, tiếng là Viện Mắt, nhưng cái nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà chỉ là một cái nhà thương nhỏ bé, hoạt động quanh quẩn trong mấy dãy nhà lụp xụp. Chỉ từ sau khi Viện Mắt trở về với cách mạng, với nhân dân thì Viện Mắt mới có điều kiện để phát triển và trưởng thành, xứng đáng là một viện chuyên khoa đầu ngành làm đầy đủ chức năng của một Viện khoa học kỹ thuật. Từ đó lịch sử đã sang trang, mở ra những trang sử mới vẻ vang cho Viện và cho cả ngành mắt trong cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ VIẾT CHƯƠNG II
Tiếng Pháp:
1. Hoàng Văn Đức: Les procédés populaires du traitement des affections des yeux au Nord-Vietnam, thèse Doctorat, 1953.
2. Nguyễn Văn Hanh: Evolution de la lutte antitrachomateuse au Vietnam, thèse Doctorat, 1952.
3. Nguyễn Ngọc Kính: Etiologie et fréquence de la cécité au Nord Vietnam, thèse Doctorat, 1952.
4. Nguyễn Xuân Nguyên: Le développement de l’Ophtalmologie au Vietnam avant et après la Révolution d’Aout, 1963-1965, Ed. Méd. Hanoi.
5. Nguyễn Xuân Nguyên: Quelques changements dans le facies nosologique de la pathologie oculaire au Nord-Vietnam, Tr.sc.1972, Ed. Méd. Hanoi.
Tiếng Việt:
1. Lịch sử cận đại Việt Nam, tập III, 1990.
2. Nguyễn Thị Sinh: (Hồi ký viết tay), 1990.
3. Nguyễn Xuân Nguyên: Bệnh sán nhái ở mắt – Kỷ yếu công trình nghiên cứu Mắt hột và Nhãn khoa số 1/1965, NXB YHTT, 1966.
4. Sơ lược lịch sử 90 năm bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, NXB Y học, 1996.
5. Sơ lược lịch sử Y tế Việt Nam, tập I, NXB Y học 1996.
6. Tiếng nói Đại học Y khoa Hà Nội. Đặc san kỷ niệm 50 năm, 1995.
Từ khóa » Trường Kỳ Kháng Chiến Chống Thực Dân Pháp Kéo Dài Từ Năm Nào
-
Trường Kỳ Kháng Chiến – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kháng Chiến Toàn Dân, Toàn Diện, Trường Kỳ, Dựa Vào Sức Mình Là ...
-
Hai Cuộc Kháng Pháp Của Dân Tộc Việt Nam - Thành ủy TPHCM
-
Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất định Thắng Lợi - Báo điện Tử Bình Định
-
Mở đầu Cuộc Kháng Chiến Trường Kỳ Của Dân Tộc
-
Khởi điểm Cuộc Trường Chinh
-
Cuộc Kháng Chiến Chống Xâm Lược Pháp đầu Tiên Của Quân Và Dân ...
-
Toàn Quốc Kháng Chiến (19/12/1946) – Lời Hịch Non Sông Và ý Nghĩa ...
-
Tái Hiện 9 Năm Kháng Chiến Chống Pháp Kể Từ Ngày Toàn Quốc ...
-
Hai Cuộc Kháng Pháp Của Dân Tộc Việt Nam
-
Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến (19/12) - Thể Hiện ý Chí, Quyết Tâm Sắt ...
-
Sức Mạnh Khát Vọng Hòa Bình Và Thống Nhất đất Nước
-
Chiến Thắng Điện Biên Phủ 1954 - Sự Kiện Mang Giá Trị Và Tầm Vóc ...
-
Đường Lối Kháng Chiến Chống Pháp Của Đảng Ta Là Gì?