Chương III: Những Nơi Bác Yên Nghỉ | Việt Nam
1. Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bun-ga-ri, thi hài Lê-nin và Đi-mi-tơ-rốp thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y-sinh-hoá, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ gìn thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.
Sau nhiều cuộc họp, Ban chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả ba phương án hành quân: Đường không, đường thuỷ và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thuỷ có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.
Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hoà nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường. Sau những tính toán, cân nhắc, Ban chỉ đạo quyết định chọn xe Zin 157. Loại xe này lớn và khoẻ, có 3 cầu, độ xóc ít hơn các loại xe khác. Con đường, Ban chỉ đạo nhận định không thể dùng công nhân sửa chữa ồ ạt, như vậy dễ bị lộ bí mật. Nhưng không sửa chữa thì dù xe tốt đến đau cũng không tránh được hiện tượng rung xóc. Không còn cách nào khác ngoài việc cho người đi khảo sát rồi giao cho lữ đoàn 144 chuẩn bị phương án sửa chữa những đoạn đường và những cây cầu xấu nhất ngay trong đêm hành quân. Khi đoàn xe đặc biệt đi qua lập tức phải xóa dấu vết để cầu và đường trở lại về tình trạng vốn có của nó…
Sau cuộc họp của Ban chỉ đạo, cán bộ, chiến sĩ và công nhân xưởng 49, Bộ tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, cải tạo lại chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau ba tuần chiếc xe Zin bình thường đã biến đổi hình dạng và khoác lên mình một màu áo mới xanh thẫm. Bên trong thiết kế hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến lại. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.
Cùng với xưởng 49 Công binh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Thông tin cũng được giao nhiệm vụ làm hai chiếc hòm lớn, một chiếc dùng để bảo quản thi hài Bác khi hành quân và một chiếc khác dùng để chứa bể thuỷ tinh.
Sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ, con đường lên K84 ngày ấy bị hư hại nặng. Do tính chất đặc biệt của cuộc di chuyển và do yêu cầu đặt ra rất khắt khe đối với người lái xe nên Ban chỉ đạo đã quyết định phải tích cực tập luyện để tránh những sai sót, dù rất nhỏ có thể xảy ra khi bước vào cuộc di chuyển chính thức.
Để đảm bảo bí mật, hầu hết những cuộc tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Không biết bao nhiêu lần, chiếc Zin 157 đã lặng lẽ rời 75A khi thành phố vừa lên đèn để lao vào màn đêm đang trùm phủ lên những cánh đồng, làng mạc ở ngoại ô thành phố. Người lái xe vừa chạy xe, vừa quan sát, ghi nhận những đoạn đường và những chỗ khó đi. Nhiều đêm các đồng chí trong Ban chỉ đạo đã thay nhau nằm trên thùng xe theo dõi, giám sát độ rung xóc của xe cũng như phát hiện kịp thời những đoạn đường cần phải sửa chữa.
Cứ như vậy, gần ba tháng trời ròng rã, chiếc Zin 157 đã lăn bánh đi, về một cách kiên nhẫn sáu, bảy tiếng đồng hồ trên một con đường quen thuộc. Ban đêm tập luyện, ban ngày rút kinh nghiệm. Những địa danh, những lối rẽ, những đoạn đường dốc… đã in sâu vào trí nhớ không chỉ của người lái xe mà cả của các đồng chí trong Ban chỉ đạo. Cùng với các chiến sĩ lái xe, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc di chuyển cũng bước vào những buổi luyện tập công phu. Thường vào các buổi chiều, lữ đoàn 144 được cải trang rải quân dọc hai bên đường, để ban đêm khi chiếc xe Zin 157 xuất phát lên đường, họ đã có thể thông báo cho nhau biết xe đang ở vị trí nào, sắp tới vị trí nào. Những người ở nhà cũng vất vả trong luyện tập. Từng động tác nhỏ nhất như khiêng linh cữu lên xe, xuống xe, khiêng bể thuỷ tinh, cách chuyển các bình hoá chất… đều phải tập đi tập lại căng thẳng. Tất cả đều phải hết sức thuần thục, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất, một va chạm khẽ đều có thể dẫn tới một hậu quả không lường trước được. Có lẽ việc luyện tập khó khăn nhất là khiêng chiếc bể thuỷ tinh lớn. Chiếc bể vừa to vừa trơn. Sau một vài buổi tập luyện các chiến sĩ đã nghĩ ra một cách: may băng tải luồn dưới đáy bể rồi quàng qua cổ người khiêng ở hai bên thành bể. Nếu lỡ tuột tay thì băng tải vẫn giữ được chiếc bể.
Ngày 20 tháng 12 năm 1969, cuộc họp giữa Ban chỉ đạo và Bộ phận gìn giữ thi hài Bác kéo dài quá nửa đêm. Ngay từ đầu hội nghị đã xác định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo, động viên các bộ phận thực hiện tốt nghị quyết của Quân uỷ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt di chuyển sắp tới, đạt các yêu cầu: nhanh, gọn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.
Hội nghị cùng một lúc phải bàn triển khai tất cả các mặt công tác cụ thể: sắp xếp lại tổ chức, ai đi, ai ở, lên phương án hành quân, tổ chức nghi binh và triển khai công tác chính trị trong hành quân cũng như khi đến địa điểm mới. Tất cả mọi việc đã được rà xét, cân nhắc kỹ lương như chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Khi đồng chí Kinh Chi đứng lên kết luận hội nghị thì kim đồng hồ đã chỉ đúng 2 giờ sáng.
Ngày hôm sau, 21 tháng 12, quyết tâm của hội nghị được phổ biến xuống từng bộ phận. Một cuộc chuẩn bị rất khẩn trương. Ai cũng hiểu kết quả của ba tháng trời rèn luyện vất vả sắp được thể hiện một cách cụ thể. Không khí bỗng lắng xuống, trang nghiêm khi mọi người bất chợt nghĩ đến Bác. Nỗi đau của những ngày lễ tang đột ngột trở lại. Lòng mọi người đều nhói lên khi nhận thấy sau khi qua đời, Bác vẫn không được yên nghỉ trọn vẹn. Chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và không biết Bác sẽ còn vất vả, gian khổ đến bao giờ?
2. Buổi sáng ngày 22 tháng 12, một bộ phận của tổ y tế đặc biệt được lệnh cùng với hai chuyên gia Liên Xô mang bể thuỷ tinh lên K84 trước để chuẩn bị. Các đơn vị của lữ đoàn 144 bí mật rải quân dọc hai bên đường. Cứ 5 ki-lô-mét lại có một trạm trang bị máy thông tin liên lạc. Trước đó, các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã liên hệ với công an địa phương, nắm tình hình ở các xóm trên trục đường hành quân. Tất cả đều được dự tính trước để bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đúng 23 giờ ngày 23 tháng 12, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã có mặt đông đủ ở 75A để tiễn Bác. Đêm đó trời lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về thổi giật từng cơn trên các lùm cây dọc hai bên đường. Phía sau đoàn xe, Hà Nội với những ánh đèn vàng lùi xa dần, cho đến lúc chỉ còn là một quầng sáng mờ đục trên bầu trời thành phố. Đoàn xe lặng lẽ vượt qua một thị trấn, bò xuống cây cầu rồi vượt lên bờ đê. Đoàn xe đi vào một thị xã, lúc đó đã chìm trong giấc ngủ. Mặt đường chỉ còn lác đác một vài bóng người cắm cúi đạp xe và thỉnh thoảng một đoàn xe quân sự chạy ngược chiều, đèn pha quét sáng rực thành từng vòm sáng trên những lùm cây xà cừ ướt đẫm.
Dầu sao, chặng đường vừa trải qua vẫn là một chặng đường đơn giản vì phần lớn mặt đường được rải nhựa. Nhưng đoạn đường tiếp theo cho đến đích là một thử thách không nhỏ đối với họ. Khi đoàn xe vừa ra khỏi rặng cây xà cừ của thị xã, đường nham nhở, đầy “ổ gà”, “ổ trâu” lần lượt hiện ra trước mặt. Các chiến sĩ cảnh vệ đang tay cuốc, tay xẻng san lấp khẩn trương để bảo đảm xe qua. Sau khi đoàn xe đi qua họ lại xoá hết mọi dấu vết của cuộc di chuyển đặc biệt.
Ngoài chiếc Zin 157 chở thi hài của Bác còn có bốn chiếc xe khác. Xe đi đầu là chiếc Gát 69A, xe bảo ôn bảo vệ phía trước, xe bảo ôn bảo vệ phía sau, cuối cùng là xe của các đồng chí trong Ban chỉ đạo. Theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô, để đề phòng những diễn biến bất trắc xảy ra dọc đường, tổ y tế phải chuẩn bị một cơ số thuốc dự bị đi cùng xe thi hài để khi cần có thể dừng lại làm thuốc bổ sung.
Đêm mùa đông, càng về khuya trời càng se lạnh. Gió bỗng nhiên tắt lặng và những vì sao hiện ra mờ nhạt sau những tảng mây xám ngắt. Con đường trườn qua những sườn đồi, bò xuống những thung lũng, băng qua các cây cầu vừa được sửa chữa gấp gáp. Không gian hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên đường đầy sỏi đá sàn sạt. Mỗi lần qua một đoạn đường xấu, một ý nghĩ, một câu hỏi cùng một lúc vụt đến với mọi người: liệu Bác có làm sao không?
Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trời bên ngoài giá lạnh, trong xe càng lạnh hơn bởi những khối nước đá xếp đầy trong xe và xung quanh linh cữu Bác thay cho máy điều hoà nhiệt độ. Đồng chí I-go, chuyên gia Liên Xô cùng tình nguyện lên xe thi hài, ngồi cùng với bác sĩ Quyền và đồng chí Kinh Chi ngồi bên buồng lái. Thỉnh thoảng đồng chí Kinh Chi lại hỏi: “Thế nào, vẫn yên ổn cả chứ?”, đồng chí Nguyễn Gia Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung xóc của xe. Mỗi lần đồng chí Kinh Chi hỏi, nhìn cặp kính vẫn nằm yên ở vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lần nào cũng trả lời ngắn gọn: “Báo cáo, không có chuyện gì xảy ra cả”.
Trời vừa hửng sáng thì chiếc xe cuối cùng trong đội hình hành quân của đoàn cũng mất hút trong cánh rừng của khu căn cứ. Đoàn xe đi vào con đường ngang qua một hồ nước lớn bàng bạc sương mù để lên đồi. Hai bên đường, lau, sậy mọc đầy, quệt hai bên thành xe lạt sạt. Lúc đoàn xe tắt máy dừng lại đã thấy rất đông người đứng đón Bác trước ngôi nhà kính. Trong cùng một lúc, cả người mới đến và người ra đón đều đổ xô đến chiếc xe Zin chở thi hài Bác. Cánh cửa sau xe vừa mở, đồng chí I-go và đồng chí Nguyễn Gia Quyền bước xuống, khuôn mặt hai người tái nhợt nhưng không giấu được xúc động. Đồng chí Phùng Thế Tài bước đến nắm lấy bàn tay to, lạnh giá của bác sĩ I-go và hỏi: “Đồng chí ngồi trong đó lạnh, nhưng yên ổn phải không?”. “Tốt, tốt”, đồng chí I-go trả lời. Mọi người cùng thở phào. Họ hiểu: như vậy có nghĩa là không có gì xảy ra đối với thi hài Bác.
Buổi sáng ngày 24 tháng 12, đến với khu căn cứ thật yên tĩnh nhưng cũng thật sôi động. Cuộc di chuyển hoàn toàn thắng lợi. Mọi người khẩn trương đưa thi hài Bác vào nhà kính, nhanh chóng làm mọi công việc chuyên môn kỹ thuật. Các bộ phận khác thì củng cố nơi ăn, ở mới. Ai cũng ngơ ngác trước vẻ đẹp kỳ lạ của khu rừng. Trước đây khi các chiến sĩ công binh phải chặt bỏ một số cây thông để xây nhà ở và đào công sự, Bác chỉ cho phép chặt những cây không thể để lại được, cây nào còn có thể giữ được thì phải giữ lại bằng mọi cách. Bởi thế, ngay giữa tiền sảnh của ngôi nhà lớn trước đây là nơi họp của Bộ Chính trị, mọi người còn thấy một cây thông lớn chui vượt qua trước hiên ngạo nghễ toả bóng xuống khu rừng. Điều này chứng tỏ Bác không chỉ yêu mà còn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên đến mức nào.
Có lẽ cũng cần phải nói thêm về tình hình dân cư ở xung quanh địa bàn đóng quân của đơn vị. Trước năm 1945, ở khu vực này có một cơ sở nhỏ của Quốc dân Đảng. Trong chống Pháp trở thành vùng địch kìm kẹp có đồn bốt của lính Pháp. Cơ sở Đảng trong vùng yếu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Trước khi di chuyển thi hài Bác lên, Cục Bảo vệ đã làm việc kỹ với các tổ chức Đảng, chính quyền ở địa phương. Do phải giữ bí mật nên cả tỉnh uỷ, huyện uỷ và nhân dân trong vùng không ai biết rằng quê hương của họ đang được nhận một vinh dự lớn: thay mặt cho cả nước gìn giữ thi hài Bác. Những ngày đầu ở K84 đã trôi qua trong những khó khăn, thiếu thốn tưởng như rất vô lý. Mọi người không ai được ra ngoài nên nguồn thực phẩm chủ yếu là ra rừng với thức ăn khô, và từng bộ phận phải tự lo liệu lấy. Hầu hết các bộ phận: y tế, bảo vệ, công binh, thông tin, cục đối ngoại… anh em cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị về, đơn vị cũ đã cắt quân số, nhưng đơn vị mới thì chưa được thành lập chính thức, do đó việc bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm… gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả trong các ngày Tết Nguyên đán năm đó, đã sát tết rồi nhưng cán bộ chiến sĩ ở đây vẫn chỉ có cơm độn ngô với canh rau rừng. Trước tình hình đó, tuy thời gian đã muộn nhưng đơn vị đã cố gắng cử người về các cơ quan cũ liên hệ xin được đảm bảo một phần tiêu chuẩn hương vị ngày Tết cho anh em. Riêng với các đồng chí chuyên gia, những chiến sĩ quốc tế đã vượt hàng vạn dặm đến vùng rừng hẻo lánh này để đóng góp một phần chủ yếu vào việc giữ gìn thi hài Bác, đã được Cục Đối ngoại và đơn vị chăm sóc hết sức chu đáo.
Sau Tết Nguyên đán, các bộ phận tích cực triển khai công tác tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhiều vạt đất ven hồ nước dưới chân đồi đã được phát quang để trồng rau, trồng sắn. Những đàn gà đầu tiên đã xuất hiện. Cuộc sống dần dần thay đổi.
Ngày 16 tháng 2 năm 1970, Bộ Tổng tham mưu công bố quyết định thành lập Đoàn 69, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu do trung tá Nguyên Văn Hanh làm chính uỷ. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những tia nắng mùa xuân chợt hửng lên ửng vàng trên các tán rừng. Dưới kia, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy. Từ đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông sóng bạc như một lưỡi kiếm sắc. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, những con người đã từ lâu gắn bó trong một nhiệm vụ thiêng liêng ngồi yên lặng lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Hanh đọc quyết định thành lập Đoàn. Kết thúc buổi lễ, mọi người đứng dậy, sát vai nhau với lời hô: “Trung thành vô hạn, vượt mọi khó khăn, quyết tâm gìn giữ tốt nhất thi hài Bác”.
Ít lâu sau, theo quyết định của Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Đoàn 69 cũng thành lập. Các đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Văn Quán, Đinh Viết Phụng được chỉ định vào Đảng uỷ.
Chính uỷ Nguyễn Văn Hanh trong những ngày đầy khó khăn ấy đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và củng cố đơn vị. Ban ngày anh xắn quần tham gia lao động với anh em, đêm về lại chong đèn suy nghĩ tìm ra những biện pháp tốt nhất để thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ: “Phải tự lực tự cường, không ỷ lại chờ trên, phát huy hết thế mạnh tại chỗ, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội, từng bước xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt”.
Vừa làm nghiệp vụ vừa lao động sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm dần dần trở thành một nếp sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều người dân trong vùng ngày ấy, mỗi khi đi qua đường thấy những chiến sĩ không mang quân hàm, quân hiệu, cặm cụi cày cuốc đã lầm tưởng nơi đây là một khu cải tạo những quân nhân bỏ ngũ. Vì thế, trong những lần tiếp xúc, các chiến sĩ đã phải im lặng, làm ngơ trước những lời trêu chọc bóng gió, đôi khi rất nặng nề của các cô gái. Điều này phần nào đã xác nhận sự thành công của công tác giữ gìn bí mật.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng uỷ Đoàn đã đề ra nghị quyết về công tác đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. Nơi ăn, chỗ ở được củng cố. Những vạt đất trồng rau, trồng sắn, trồng lúa được mở rộng, không còn manh mún, nhỏ lẻ như trước. Ban chỉ huy Đoàn còn tổ chức chăn nuôi bò, lợn. Ngoài chỉ tiêu rau xanh chia cho từng bộ phận, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn còn lần lượt thay nhau đi chăm sóc đàn bò. Các cán bộ chỉ huy Đoàn cũng dành mỗi tháng một ngày đi chăm sóc đàn bò với các chiến sĩ.
Ngày 23 tháng 5 năm 1970, một phái đoàn chuyên gia của Viện thi hài Lê-nin sang Hà Nội. Một Hội đồng khám nghiệm thi hài Bác gồm các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã được thành lập. Sau khi tổ chức khám nghiệm ở K84, hội đồng đã kết luận: Qua tám tháng đầu bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một nước khí hậu nhiệt đới, mặc dù phải di chuyển xa nhưng hình dáng bên ngoài và các bộ phận trên cơ thể Người vẫn được bảo tồn đầy đủ, phù hợp với hình thể lúc Người còn sống.
Hội đồng còn khẳng định, thi hài của Bác có đầy đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài. Đây là một phần thưởng hết sức quý giá đối với những cán bộ trong tổ y tế và tất cả cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Họ đã giành được thắng lợi trong chặng đường đầu tiên, chặng đường này sẽ là một tiền đề quan trọng cho tất cả thế hệ mai sau, khi họ được giao nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Ngày 22 tháng 8, đồng chí Vũ Văn Cần, uỷ viên Ban chỉ đạo từ Hà Nội lên chỉ thị cho Ban chỉ huy Đoàn chuẩn bị đón đoàn đại biểu của Trung ương và Quân uỷ lên viếng Bác. Nhận được lệnh các đồng chí chuyên gia và tổ y tế khẩn trương làm việc: làm thuốc, chỉnh hình, cải tạo đèn ở phòng viếng… công việc kéo dài tới 5 giờ chiều. Mọi người hiểu rằng, chỉ một thay đổi nhỏ trên khuôn mặt quen thuộc của Bác cũng sẽ làm cho chúng ta đau lòng. Vì thế, các đồng chí chuyên gia và các cán bộ y tế đã chú ý tới từng chi tiết nhỏ nhất trên cơ thể của Bác.
Sáng ngày hôm sau, 23 tháng 8, tại buồng thi hài ở khu căn cứ đã diễn ra một lễ viếng giản dị và trang nghiêm. Các đồng chí Trung ương và Quân uỷ do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu bồi hồi đứng trước linh cữu Bác. Mới đó mà đã một năm trời Bác đi xa. Một năm với biết bao nhiêu nỗi đau, nỗi nhớ! Giờ đây, đứng trước thi hài Bác, những người học trò, những người đồng chí trung thành của Bác đều bàng hoàng, không tin rằng Bác đã đi mãi mãi, đều ngỡ ngàng tưởng như Người còn đang trong giấc ngủ.
Sau lễ viếng, đồng chí Lê Duẩn đã gặp mặt thăm hỏi các đồng chí chuyên gia và Ban chỉ huy Đoàn, Đồng chí nhận xét: Thi hài của Bác giữ gìn rất tốt như thi hài Lê-nin ở Mát-xcơ-va. Xế trưa đoàn mới rời K84 trở về Hà Nội.
3. Cuối năm 1970, cuộc sống của những người chiến sĩ Đoàn 69 – “Đội cận vệ đỏ của Bác” – như anh em thường gọi, dần dần đi vào ổn định. Khu rừng không chỉ có những cây thông, cây lim cổ thụ mà còn có những nương sắn, nương ngô, những ruộng lúa nước đang được thu hoạch. Những buổi chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng trong phòng làm thuộc hoặc ngoài nương rẫy, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn lại sôi nổi hoạt động thể thao quanh sân bóng, và khi buổi tối đến, từng bộ phận lại tổ chức sinh hoạt, đọc báo, hoặc diễn đàn thanh niên hay biểu diễn văn nghệ… Nghị quyết của Đảng uỷ Đoàn đã được cụ thể hoá trong từng việc làm, từng ý nghĩ của mỗi người. Ai cũng nghĩ rằng đơn vị sẽ ở đây, sẽ giữ gìn thi hài Bác tại khu đồi thơ mộng này cho đến ngày Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn. Những phương án chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài ở khu căn cứ đã được Ban chỉ huy Đoàn chuẩn bị và dự tính kỹ lưỡng. Nhưng một biến cố bất chợt đang xảy ra đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt đang đi vào ổn định của Đoàn.
Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 11, tiếng máy bay trực thăng đột ngột vang lên trên bầu trời khu căn cứ. Từ trong nhà, mọi người cùng bật dậy, lao ra ngoài. Thấp thoáng sau những tán lá rừng, có nhiều chiếc trực thăng bật đèn hiệu nối nhau bay qua. Nhiều người tưởng không quân mình diễn tập. Nhưng chỉ một lát sau, khi nghe tiếng máy bay phản lực gầm rú, thì mọi người đều hiểu, có một chuyện gì đó không bình thường đã xảy ra.
Ngày 24, Ban chỉ huy Đoàn đã nhận được điện khẩn của đồng chí Phùng Thế Tài: “Trước đây các anh đổ nước vào thì bây giờ chuẩn bị múc nước ra”. Mặc dù nội dung bức điện chỉ ngắn gọn như vậy, nhưng Ban chỉ huy Đoàn đã hiểu: có lệnh chuẩn bị di chuyển thi hài Bác!
Ngày hôm sau, các đồng chí Phùng Thế Tài và Kinh Chi trực tiếp lên đơn vị phổ biến quyết định di chuyển thi hài Bác về Hà Nội. Lúc ấy mọi người mới được biết, cái hiện tượng “Diễn tập của không quân” thực chất là đêm phiêu lưu của lực lượng biệt kích Mỹ, hòng giải thoát những tên giặt lái đã bị bắt, ở một trại tù binh. Nhưng bọn biệt kích đã vồ hụt, sau một lúc sục sạo không thấy gì, trại tù binh trống rỗng, bọn chúng bỏ chuồn thẳng.
Sau biến cố trên, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nhận định, khu đồi K84 tuy là một vị trí hẻo lánh, nhưng có nhiều đồi trọc, rất thuận cho việc đổ bộ đường không của Mỹ. Hơn nữa, không quân Mỹ lại có khả năng trinh sát điện tử rất hiện đại, kết hợp với gián điệp nội địa, rất có thể chúng phát hiện ra khu vực này. Mặc dù xác định được rằng một cuộc tập kích đổ bộ đường không như đã xảy ra ở Sơn Tây nếu diễn ra ở khu đồi K84, địch vẫn không thể cướp nổi thi hài Bác, nhưng sự đụng độ rất dễ gây ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn thi hài. Bởi vậy, Bộ Chính trị quyết định di chuyển Bác về lại Hà Nội. Ở Hà Nội, dù liều lĩnh đến mấy, không quân Mỹ cũng không thể tiến hành nổi một cuộc đổ bộ chớp nhoáng như đã diễn ra đêm 20 tháng 11. Nhận lệnh di chuyển gấp, Đảng uỷ và Ban chỉ huy Đoàn họp và triển khai nhiệm vụ đến từng bộ phận, phân công người về, người ở. Bộ phận ở lại bảo quản cơ sở vật chất của khu căn cứ được giao cho đồng chí Vũ Văn Quán phụ trách.
Đêm mồng 3 tháng 12, cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn 144 được lệnh rải quân bảo vệ tuyến đường hành quân. Trước đó hai ngày, các chuyên gia Liên Xô và một số cán bộ trong tổ y tế đặc biệt cũng lên đường trở về 75A chuẩn bị đón Bác.
22 giờ đêm, đoàn xe đặc biệt lại lặng lẽ rời căn cứ. Đêm đó trời quang đãng, gió chạy lang thang trên những khu đồi trống trải. Ở những đoạn đường nhiều ổ gà và những cây cầu hỏng lại thấy thấp thoáng bóng các chiến sĩ cảnh vệ với cuốc xẻng, quang, sọt. Khi đoàn xe chạy qua, họ im lặng đưa mắt nhìn theo như để đưa tiễn Bác rồi lại vội vã xoá sạch dấu vết của cuộc di chuyển. Do đã rút được kinh nghiệm sau lầu di chuyển trước nên đợt di chuyển này mọi việc đã diễn ra hết sức nhanh gọn.
3 giờ sáng ngày 4 tháng 12, đoàn xe về tới Hà Nội. Thành phố đang chìm sâu trong giấc ngủ, những ngọn gió buốt như kìm châm vào các khớp xương nhức nhối, mấy chiếc là khô cuộn mình ngủ yên trên hè phố bị ngọn gió thức dạy, chốc chốc lại trở mình xào xạc. Khi chiếc xe Zin vừa dừng lại trước công trình 75A, các chuyên gia Liên Xô lên kiểm tra ngay hai miếng gạc đắp hai bàn tay Bác. Hai miếng gạc vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ. Mọi người thở phào. Như vậy có nghĩa là trong quá trình hành quân, thi hài Bác đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Từ địa bàn rừng núi chuyển về thành phố, các chiến sĩ Đoàn 69 cũng như ban chỉ huy Đoàn đều rất yên tâm trong nhiệm vụ của mình. Ở Thủ đô đời sống sinh hoạt thuận lợi hơn. Công tác phục vụ bạn cũng đỡ vất vả, thiếu thốn. Nhưng cũng như ở K84 mọi người vẫn phải hết sức giữ bí mật. Ngay cả các đồng chí trong Ban chỉ đạo hay chuyên gia, mỗi khi vào làm thuốc cho Bác đều phải ngồi trong xe bịt kín, thư từ của mọi người gửi về nhà đều phải để ngỏ. Sự đi lại hết sức hạn chế… Tuy vậy, không một người nào cảm thấy bức bối, khó chịu. Mọi người chấp hành các quy định nghiêm ngặt ấy một cách nghiêm túc, hoàn toàn tự nguyện, bởi họ hiểu rằng, sự hy sinh của họ là để phục vụ cho một nhiệm vụ cao cả. Họ không cảm thấy thiếu thốn bởi Bác luôn luôn ở bên cạnh họ, ở trong trái tim và tình cảm của họ.
Ở Thủ đô, mùa xuân rồi mùa hè năm 1971 trôi qua một cách bình lặng. Những chiến sĩ của Đoàn 69 theo Bác về Hà Nội tiếp tục một cuộc sống âm thầm và căng thẳng bên thi hài Bác. Những người ở lại căn cứ tiếp tục tăng gia sản xuất, bảo hành máy móc, gây dựng cơ sở thành một hậu cứ vững chắc để khi cần lại sẵn sàng đón Bác lên.
Cuộc sống cứ như vậy lặng lẽ trôi qua. Những người dân Thủ đô không ai biết rằng Bác đang ở rất gần họ. Bác vẫn đang được bảo vệ, giữ gìn như khi Người còn sống, và đến một ngày nào đó, họ sẽ lại được đến viếng Bác như những ngày đầu tháng 9 năm 1969, những ngày không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi một người dân trong thành phố.
Cho tới mùa thu năm ấy, lại một biến cố khác xảy ra, không kém phần dữ dội đã làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt, nếp sống của những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác.
Thời gian này, Ních-xơn đã phải xuống thang, tuyên bố ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc. Nhưng âm mưu phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân thì vẫn không hề thay đổi. Đó là việc dùng hoá chất tác động vào thiên nhiên gây ra lũ lụt, hòng dập tắt sự chi viện của hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Trong mùa thu năm ấy, Mỹ đã sử dụng 277 lần chiếc máy bay với 8.312 đơn vị hoá chất được thả xuống vùng trời Hà Nội và các vùng rừng núi thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà, tạo ra những đám mây lạnh xúc tác trong không khí, gây ra những trận mưa lớn, dữ dội. Theo số liệu của Mỹ thì mực nước của năm 1971 đã lên tới 16 phân Anh. Trong đó 7 phân Anh do chiến dịch “mở mắt” của Mỹ gây ra, còn lại 9 phân Anh do lượng mưa vốn có của thiên nhiên.
Bọn cầm quyền Nhà trắng tính rằng, với lượng mưa lớn như vậy, nước sông Hồng, sông Đà sẽ dâng lên tàn phá đề điều, nhấn chìm các làng mạc, thành phố, các trục đường giao thông quan trọng, buộc Chính phủ ta phải giảm bớt các cuộc tiến công trên chiến trường và nhân nhượng chúng trong các cuộc hội đàm đang dồn chúng vào ngõ cụt tại Pa-ri.
Chưa bao giờ, kể từ 50 năm lại đây, bầu trời miền Bắc gặp những trận mưa lớn, dai dẳng đến thế. Ngày 18 tháng 8, đê sông Đuống bị vỡ ở cuống Thôn, gây ra nạn lụt lớn ở các địa phương thuộc hai tỉnh Hà Bắc và Hải ưng. Cả một vùng dân cư đông đúc, nông nghiệp trù phú bị nhấn chìm trong nước lũ, mực nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng cao tới mức kỷ lục: 14,10 mét tại Hà Nội. Trong những ngày ấy, dòng sông trở nên rộng mênh mông, đục ngầu, xô chảy cuồn cuộn, cuốn trôi nhiều thuyền mảng, tre gỗ băng qua gầm cầu Long Biên, đổ về phía hạ lưu. Thủ đô Hà Nội bị đe doạ. Nhiều đường phố bị ngập, nước tràn vào các nhà dân, các công sở, Uỷ ban chống lụt, bão trung ương đã phải tính đến chuyện chuẩn bị di tản dân ta khỏi thành phố.
Trước tình hình đó, ban chỉ huy và đảng uỷ Đoàn 69 họp phiên khẩn cấp, quyết định đề nghị Quân uỷ cho di chuyển thi hài bác về lại căn cứu, bởi nếu xảy ra lũ lụt ở Hà Nội, thi hài Bác sẽ không có đủ điều kiện để bảo vệ. Trong khi chờ quyết định của trên, ban chỉ huy Đoàn phải chuẩn bị cả hai phương án: di chuyển và chống lụt tại chỗ. Những ngày này, đồng chí Kinh Chi thường xuyên có mặt ở 75A. Nhiều cán bộ được cử đi trinh sát tìm kiếm các điểm cao trong thành phố để đưa Bác lên nếu đê sông Hồng bị vỡ. Một số khác thì chuẩn bị cho phương án di chuyển Bác lên các ngôi nhà cao tầng ở bệnh viện trong tình huống cấp bách nhất. Chiếc máy điện thoại đặt trong phòng làm việc của Ban chỉ huy Đoàn réo liên tục, dồn dập thông báo mực nước của sông Hồng, lượng mưa đo được trong ngày và khả năng thời tiết trong những ngày sắp tới…
Ngày 16 tháng 8, bầu trời vẫn nặng như chì, mưa vẫn sầm sập giội xuống không dứt. Nước sông Hồng vẫn tiếp tục dâng lên. Không khí phòng chống lũ lụt sôi động khắp thành phố. Suốt ngày đêm, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 bồn chồn, họ liên tục cử người chạy ra bờ đê sông hồng xem tình hình mực nước, khuôn mặt người nào cũng bợt bạc, phờ phạc vì ngấm nước. Không ai lo cho mình mà chỉ lo cho Bác. Không biết những gì sẽ xảy ra và thi hài Bác sẽ ra sao nếu như nước sông Hồng lên cao, bất ngờ phá vỡ đê tràn vào thành phố? 4. Trưa ngày 18 tháng 8, trời vẫn mưa như trút, đứng trên bờ đê nhìn xuống, dòng sông Hồng trở nên hung dữ. Tất cả nhà cửa, đường sá ở bãi sông đều bị nhấn chìm trong nước. Trên mặt đê san sát các lều bạt, giường tủ. Những đứa trẻ tóc ướt sũng, bó gối ngồi co ro trước cửa lều.
Đúng 1 giờ chiều, đồng chí Phùng Thế Tài trực tiếp đến phổ biến quyết định của Quân uỷ di chuyển thi hài Bác trở lại căn cứ. Một cuộc họp khẩn cấp lập túc được triệu tập. Sau đó ai về việc nấy, hối hả chuẩn bị suốt đêm 18. Vì là lần di chuyển thứ ba nên mọi việc diễn ra hết sức thuận lợi. Nhưng vì khối lượng công việc nhiều nên đúng vào lúc hai tấn nước đá được xếp lên xe Zin 157 thì trời cũng vừa hửng sáng.
8 giờ ngày 19, đồng chí Kinh Chi xuống phổ biến mệnh lệnh hành quân rồi cùng với một số cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đi K84 trước. Thời gian này, đồng chí chính uỷ Nguyễn Văn Hanh đi Liên Xô nên đồng chí Kinh Chi phải thường xuyên có mặt tại Đoàn, trực tiếp chỉ đạo từ những công việc cụ thể nhất. 11 giờ trưa hôm ấy, đoàn xe được lệnh rời khỏi công trình 75A. Cuộc di chuyển lần này diễn ra vào ban ngày lên tất cả các xe đều cắm cờ hoả tốc và đều có giấy phép đi vào tất cả mọi con đường cấm. Khác với những cuộc di chuyển trước, vì nhiều đoạn đường bị ngập nên trong đội hình hành quân có thêm chiếc xe Páp, một loại xe đặc chủng của Công binh vừa có thể chạy trên bộ vừa có thể chạy dưới nước, trong mọi địa hình và thời tiết phức tạp. Lần này, đồng chí Nguyễn Gia Quyền cũng lại được phân công ngồi trên xe chở thi hài Bác. Các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phùng Thế Tài cùng hành quân đưa tiễn Bác.
Đoàn xe chạy trong mưa lạnh. Những con đường trong thành phố đều ngập nước. Suốt dọc hai bên đường hành quân, những cánh đồng lúa vừa bén rễ cũng bị nhấn chìm trong nước. Khắp nơi không khí chống lụt diễn ra khẩn cấp. Tiếng máy bơm tiếng gầu tát nước vang lên trong tiếng sấm và tiếng mưa ào ào không dứt.
Khó khăn nhất vẫn là đoạn đường cuối của cuộc di chuyển. Đường trơn nhầy nhụa, lầy lội, đoàn xe phải chạy với tốc độ rất chậm. Ngồi trong xe chở thi hài Bác, đồng chí Nguyễn Gia Quyền nhiễm lạnh, giọng nói qua ống nghe máy điện thoại lập bập, rời rạc. Thấy vậy, đồng chí Phùng Thế Tài quyết định cho đoàn xe dừng lại nghỉ một lúc để mọi người lấy sức.
5 giờ chiều, đoàn xe về tới địa phận khu căn cứ. Lúc này trời đã ngớt mưa nhưng đoạn đường rẽ vào căn cứ ngập nước, xe Zin không thể vượt qua được, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, người được cử lên trước cùng một số cán bộ khác làm vệ sinh công nghiệp chuẩn bị đón Bác không lúc nào vắng mặt ở đoạn đường ngập lụt này. Cứ bốn mươi phút, bác sĩ Châu lại báo về Hà Nội. Nhưng cho đến lúc đoàn xe chở thi hài Bác đã đỗ ở quãng đường bên kia, nước sông vẫn tiếp tục tràn vào làm cho khu đồi như một hòn đảo.
Biết rằng không thể dừng xe chờ nước rút, Ban chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ xe Zin sang xe hồng thập tự rồi chuyển toàn bộ xe hồng thập tự lên xe Páp. Chỉ có cách ấy mới có thể vượt qua được đoạn đường này. Theo kế hoạch đã được dự tính từ trước, hai thanh ray nhỏ được bắc thành cầu cho xe hồng thập tự bò lên xe Páp. Trong cùng một lúc chiếc xe Páp theo hai thanh sắt lên thùng xe. Công việc diễn ra rất căng thẳng vì trong xe hồng thập tự là thi hài Bác. Chỉ do một sơ suốt nhỏ, hậu quả xảy ra sẽ không sao lường hết được. Lái chiếc xe hồng thập tự hôm đó là đồng chí Nguyễn Văn Sướng. Trời lạnh mà trên trán đồng chí Sướng lấm tấm mồ hôi. Phải cho đến khi chiếc xe hồng thập tự nằm gọn trên thùng xe Páp mọi người mới thở phào, nhẹ nhõm. Chiếc Páp dừng lại một lát như để lấy sức rồi từ từ bò xuống ngầm. Xung quanh xe, nước ào ào chảy. Chiếc xe như một con tàu nhỏ vượt sông. Tất cả mọi người vượt sông. Tất cả mọi người khẩn trương lên xe Páp để vào khu căn cứ.
Khi chiếc xe Páp dừng lại, tắt máy trước cửa ngôi nhà kính, hai thanh sắt lại được bắc song song ở phía sau thùng xe. Lại những phút giây căng thẳng mới, đưa xe lên đã khó, đưa xe xuống lại càng khó khăn hơn. Chiếc xe hồng thập tự nổ máy. Hai bánh sau của xe rồi hai bánh trước bám vào hai thanh ray từ từ lùi xuống. Cả bốn bánh xe đã nằm gọn trên hai thanh sắt ở một độ dốc 30 độ. Bên dưới là khoang trống. Xung quanh bỗng im phắc, mọi người như nín thở. Không ai còn nghe thấy tiếng gió chạy rào rào giữ nước trong rừng thông. Không gian chỉ còn tiếng xe rú nhè nhẹ, bốn bánh xe từ từ lăn trên hai thanh sắt. Và khi chiếc hồng thập tự đỗ thăng bằng đủ bốn bánh trên mặt đất mọi người ồn lên. Vì quá căng thẳng và xúc động, đồng chí Sướng xỉu thiếp đi trên vòng tay lái.
Sau tám tháng trời xa cánh, trở lại K84 lần này mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của khu căn cứ. Mặc dù chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại nhưng cơ sở vật chất được phát triển khá phong phú. Ngay buổi tối hôm ấy, để mừng thắng lợi của cuộc di chuyển, Ban chỉ huy Đoàn đã cho anh em một bữa liên hoan bằng những vật phẩm của các chiến sĩ làm ra.
Ngày hôm sau, để đề phòng địch đổ bộ đường không, Đoàn đã tổ chức cho anh em nguỵ trang cắm cọc bố phòng ở những khoảng trống. Ba khẩu đội pháo 14 ly 5 của E20 F361 Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân cũng được điều về bổ sung cho Đoàn, bố trí trên ba ngọn đồi xung quanh căn cứ, tạo thành một thế chân kiềng vững chãi. Ngoài ra, những ngày tiếp theo Bộ Tổng tham mưu còn điều tiếp một đại đội bộ binh của lữ đoàn 144 đứng ở vòng ngoài, sẵn sàng tiêu diệt bọn biệt kích một khi chúng liều lĩnh đổ bộ xuống căn cứ.
Vẫn chưa thật yên tâm, đồng chí Phùng Thế Tài còn chỉ thị cho xây ba lô cốt xung quanh nhà kính. Nhưng Ban chỉ huy Đoàn đề nghị Bộ điều cho ba chiếc xe tăng thay cho việc xây lô cốt. Ba xe tăng cũng là ba chiếc lô cốt nhưng có khả năng cơ động cao. Ý kiến của Đoàn được Bộ Tổng tham mưu chấp thuận, và ba chiếc T34 có trang bị pháo ĐKZ84 của Trường sĩ quan Thiết giáp đã được điều về đứng trong đội hình chiến đấu của Đoàn.
Do các đơn vị phối thuộc nhiều như vậy, quân số của Đoàn tăng vọt lên, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ, chiến sỹ các đơn vị mới đến phải nằm võng. Địa bàn đứng chân rộng, bếp ăn lại tập trung nên việc đi lại, ăn uống cũng rất vất vả, có những bộ phận phải đi xa hàng cây số lấy cơm về.
Trước tình hình đó, có hai nhiệm vụ mà Đảng uỷ và Ban chỉ huy Đoàn chú trọng triển khai cùng một lúc: Bảo đảm giữ gìn thi hài Bác ở mức độ tốt nhất, đi đôi với việc khắc phục chỗ ăn, chỗ ở cho từng bộ phận, nhất là các bộ phận mới đến.
Nhờ có tính năng động của các cán bộ và chiến sĩ trong Đoàn, chỉ sau một thời gian ngắn, tất cả các ngôi nhà dột nát đã được sửa chữa, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng. Tuy chưa thật khang trang nhưng cũng đủ để các bộ phận sinh hoạt và làm việc.
Giải quyết xong chỗ ăn, chỗ ở, Ban chỉ huy Đoàn lại gặp khó khăn khác, đó là tư tưởng chán nản, không thông suốt với nhiệm vụ của một số đơn vị mới đến, đặc biệt là ở đơn vị pháo cao xạ. Số anh em ở bộ phận này phần lớn nhập ngũ từ những năm 1962, 1963, đã từng trải qua nhiều thử thách, lập được nhiều chiến công nhưng quân hàm vẫn chỉ là binh nhì, binh nhất. Quyền lợi chính trị cũng không được giải quyết thoả đáng…
Sự chán nản nảy sinh cũng còn bởi một lẽ, anh em không hề biết mình về đây để làm gì. Đang lao vào cuộc chiến đấu sôi nổi, bỗng dưng bị thu về một góc rừng, lại quá nhàn rỗi, không được tiếp xúc với dân. Anh em có mặc cảm như đang phải chịu một hình thức kỷ luật.
Ban chỉ huy Đoàn hiểu rằng, nếu được nói rõ cho anh em chiến sĩ cao xạ hiểu, họ đang lãnh nhận một nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ thi hài Bác thì dù khó khăn đến đâu, thiệt thòi đến đâu, chắc chắn sẽ không một ai kêu ca, phàn nàn. Nhưng những gì thuộc về nguyên tắc thì phải tuyệt đối tôn trọng. Hơn nữa công tác bảo mật luôn luôn được Đoàn đặt lên hàng đầu, coi đó là yếu tố quan trọng nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Trước tình hình đó, một mặt, Ban chỉ huy Đoàn tích cực động viên anh em, mặt khác đề nghị với Bộ Tổng tham mưu giải quyết tất cả các mặt tồn đọng của chính sách, và đơn vị đã đi sâu vào tâm tư, tình cảm của anh em giải quyết từng việc cụ thể, chỉ một thời gian ngắn, đơn vị pháo cao xạ đã trở thành một đơn vị mạnh của Đoàn.
Cùng chia sẻ gian khổ với cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn là các chuyên gia Liên Xô. Công việc chủ yếu của các đồng chí chuyên gia là làm thuốc cho Bác. Bạn được ưu tiên ở một khu nhà riêng biệt, sát cạnh ngôi nhà kính dể thi hài Bác. Thường xuyên giao dịch với bạn chỉ có các đồng chí trong Ban chỉ huy Đoàn và bộ phận đối ngoại. Biết những người đồng chí phải xa gia đình quê hương sang sống giữa vùng rừng núi heo hút này vì một nghĩa vụ cao cả, Ban chỉ huy Đoàn cũng như bộ phận đối ngoại đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để làm dịu bớt những thiếu thốn vật chất và tình cảm mà những người đồng chí, những người bạn đang phải chịu đựng. Một lần biết đồng chí Đê-bốp, trưởng đoàn chuyên gia rất thích nuôi chim, Đoàn đã cử nguời về Hà Nội mua một chiếc lồng và một con vẹt thật đẹp. Đồng chí Đê-bốp rất thích. Hầu như rảnh lúc nào đồng chí Đê-bốp cũng ngồi trước lồng chim. Những lúc đó đôi mắt ông nheo lại, miệng huýt sáo khe khẽ. Có một đêm, do làm thuốc cho Bác quá khuya, khi Đê-bốp đi nghỉ thì đã 12 giờ đêm. Sáng ra bác sĩ Nguyễn Gia Quyền có việc lên phòng của Đê-bốp, bỗng phát hiện ra con vẹt đã cắn đứt nân lồng bay đi mất. Biết Đê-bốp còn ngủ cho tới 10 giờ trưa, đồng chí Quyền một mặt cho người chuẩn bị về Hà Nội mua lại một con vẹt khác, một mặt cho anh em chia nhau vào rừng tìm. Tìm một con chim giữa rừng quả không khác gì “tìm kim đáy bể”. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ 15 phút sau, các chiến sĩ cảnh vệ đã tìm thấy con vẹt đã khéo léo bắt được nó đem về trong khi đồng chí Đê-bốp còn đang ngủ. Câu chuyện nhỏ này chứng tỏ tấm lòng của những cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn đối với các đồng chí chuyên gia chu đáo và tế nhị biết chừng nào…
Như để đáp lại tấm lòng ấy, các đồng chí chuyên gia Liên Xô cũng làm việc hết sức mình, đáp ứng mọi yêu cầu của những người bạn đồng nghiệp Việt Nam. Vừa làm việc, vừa truyền lại những kinh nghiệm, những bài học mà bạn được phép truyền đạt. Sau giờ làm việc mỗi ngày, bạn cũng có mặt ở sân bóng chuyền, bóng bàn hoặc đi dạo mát dưới những rặng thông thoáng đãng vàng rực trong ánh hoàng hôn đang lặn xuống sau những dãy núi cao hùng vĩ…
Thời gian lại lặng lẽ trôi qua trên khu đồi thơ mộng và yên tĩnh. Con sông sau mùa lũ lụt dữ dội hiếm thấy trong lịch sử lại thu mình chảy hiền hòa, êm đềm giữa hai bờ lau sậy xanh biếc. Rồi Tết đến, một cái Tết thật yên ả. Mọi người đón xuân bên những cành đào, những đồng bánh chưng xanh. Đó là một mùa xuân đầy đủ, ít xáo động nhất của những người lính Đoàn 69 kể từ khi được thành lập. Đó cũng là mùa xuân thứ ba, đất nước ta, dân tộc ta vắng Bác.
5. Mùa hè năm 1972, một mùa hè đỏ lửa và đẫm máu trên chiến trường miền Nam. Sau những trận đánh dữ dội ở Quảng Trị, chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Bình Long… Thế và lực giữa ta và địch đã thay đổi. Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn nhiều thị xã, thị trấn. Nhiều con đường chiến lược quan trọng đã bị cắt đứt. Học thuyết “thay màu da xác chết” của Ních-xơn đã bị giáng trả một đòn nặng nề, cơ hồ không thể nào có thể đứng vững được nữa.
Thế và lực trên chiến trường thay đổi dẫn đến sự thay đổi thế và lực trên bàn Hội nghị ở Pa-ri. Khả năng ký kết một hiệp định ngừng bắn đã xuất hiện. Nhưng giống như một con thú dữ đã bị thương nặng, Ních-xơn điên cuồng đe doạ ném bom trở lại miền Bắc. Còn Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn thì gào thét đòi tái chiếm vùng giải phóng. Suốt trong mùa thu và mùa đông năm ấy, những trận đánh dai dẳng, giành giật từng tấc đất đã diễn ra trên hầu khắp các chiến trường trọng điểm.
Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở miền Nam, Ních-xơn liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá trở lại miền Bắc, dùng thuỷ lôi phong toả mặt biển, hy vọng có thể giành được ưu thế trước khi một hiệp định ngừng bắn được ký kết.
Tất cả những diễn biến quân sự ấy đều đã được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương dự tính và chuẩn bị đối phó. Ngay từ những ngày giữa tháng 5, khi tin chiến thắng dồn dập bay về Hà Nội, Bộ Chính trị đã có kế hoạch đưa nhân dân và các cơ quan trong nội thành, nội thị và một số khu công nghiệp lớn tiếp tục sơ tán về nông thôn và các khu căn cứ rừng núi.
Vào những tháng ngày sôi động ấy, một bầu không khí lo âu bao trùm lên khu căn cứ của Đoàn. Mỗi khi có tiếng máy bay bay qua bầu trời của khu căn cứ và nghe tiếng bom rền rĩ từ Thủ đô và các vùng xung quanh dội về, lòng mọi người lại thấp thỏm, bồn chồn.
Đề phòng máy bay Mỹ có thể ném bom phá huỷ khu căn cứ, Ban chỉ huy Đoàn quyết định chuyển thi hài Bác từ nhà kính xuống hầm ngầm. Việc chuyển thi hài Bác xuống hầm ngầm không khó khăn lắm vì đã có đường ray, nhưng chuyển chiếc bể thuỷ tinh xuống theo thì không phải là một công việc đơn giản. Sau những trăn trở, tìm tòi, các chiến sĩ cảnh vệ đã tìm ra được phương pháp khắc phục rất đơn giản: dùng một chiếc giát giường đơn đặt lên bể. Đáy bể kê một tấm gỗ có đệm mút, lấy dây cột thật chặt rồi nghiêm bể đưa xuống hầm. Với phương pháp này, chỉ 20 phút sau chiếc bể đã được đưa xuống buồng trung tâm an toàn. Trong công việc âm thầm của các chiến sĩ, những cố gắng dù rất nhỏ cũng có thể được coi như một chiến công vì nó đòi hỏi không chỉ có sức lực, trí thông minh mà còn đòi hỏi cả lòng dũng cảm, dám chịu trách nhiệm trước một nhiệm vụ không được phép sai lầm, cũng như không có thời cơ để sửa chữa sai sót.
Nhưng đưa Bác xuống hầm ngầm trong tình hình máy bay Mỹ ngày càng đánh phá dữ dội miền Bắc chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi K84 mặc dù ở xa Hà Nội nhưng lại nằm trong phạm vi đường bay của máy bay giặc Mỹ. Đề phòng khả năng bị đánh trả quyết liệt, máy bay Mỹ sẽ quăng bom bừa bãi dọc đường bay để tháo chạy, Bộ Chính trị và Quân uỷ lại quyết định di chuyển thi hài Bác đến một vị trí an toàn hơn, trước ngày 15 tháng 7 năm 1972.
Song di chuyển Bác đi đâu, về hướng nào là một câu hỏi lớn đối với Ban chỉ huy Đoàn 69. Cuối tháng 6 một đoàn cán bộ do đồng chí Kinh Chi phụ trách đã tiến hành một chuyến đi khảo sát địa hình hết sức vất vả. Đoàn dùng ca nô chạy xuôi ngược ở hai bên bờ sông và hết đi xe lại đi bộ, vượt rừng, trèo núi… đoàn đã xem xét, kiểm tra hàng loạt công trình đã xây dựng sẵn. Sau khi cân nhắc, đối chiếu cái hay, cái dở, cái thuận, cái nghịch của từng công trình, cuối cùng Ban chỉ đạo quyết định chọn K2, một hang đá lớn nằm bên bờ tả ngạn dòng sông, cách K84 15 ki-lô-mét về phía bắc. Công trình này đã được cải tạo xây dựng từ năm 1966, dùng làm nơi sơ tán các cơ quan của Bộ Quốc phòng khi cần thiết.
Từ ngoài đường nhìn vào, cả khu vực hang đá K2 là một thung lũng lớn nằm khuất sâu giữa những lùm cây xanh, mọc rậm rịt từ chân tới đỉnh núi. Cách hang không xa là nhà dân, và những thửa ruộng trồng đậu, trồng sắn. Người dân ở khu vực này chất phác, cần cù. Hang đá lớn, có sức kháng lực cao, nằm gần đường nên rất thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy vậy, công trình cũng có một số nhược điểm: độ ẩm trong hang lớn, luôn luôn có nước ngầm làm cho vỏ hầm cũ bị rò rỉ, mặt khác do hang nằm gần đường, gần dân nên rất khó giữ được bí mật.
Sau khi nghe đoàn khảo sát trở về báo cáo, Ban chỉ đạo quyết định cải tạo lại K2 làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ tư lệnh Công binh với một thời hạn hết sức ngắn. Với 20 ngày đêm vừa khảo sát thiết kế và cải tạo. Tuỳ khối lượng công việc bề bộn, nhưng bù lại, đơn vị thi công sẽ được chi viện, đáp ứng mọi yêu cầu về vật tư kỹ thuật.
Ngày 15 tháng 6 năm 1972, đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh Công binh do đồng chí Bùi Danh Chiêu phụ trách lên đường đi tiền trạm và ba ngày sau, đại đội 2, tiểu đoàn 3, trung đoàn 259, lực lượng trực tiếp thi công đã có mặt ở K2. Thời gian này thời tiết miền núi mưa nắng thất thường. Sau mỗi cơn mưa, khí núi bốc lên ngùn ngụt. Muỗi và vắt rừng sinh sản nhiều vô kể.
Cũng giống như thời gian thi công cải tạo công trình K84 ở K2 các chiến sĩ tiểu đoàn 3 hăng say lao động ngày đêm. Ở K84 có “hội đèn” thì ở K2 có “hội đuốc”. Ban đêm, đèm đuốc thắp lên sáng rực trong vòm hang. Tiếng choòng phá đá vang lên trong tiếng mưa rơi ồ ạt. Sau 20 ngày đêm, các chiến sĩ công binh đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Đục phá 70 mét khối đất đá, đào xây một giếng 25 mét khối đất. Xây trát cải tạo 5 buồng và 3 bể chứa nước trong hang, lắp đặt toàn bộ thiết bị trạm điện, trạm bơm, cung cấp điện, nước, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cho công trình. Riêng buồng trung tâm, sau khi đo thông gió và nhiệt độ. Cùng với việc thi công công trình, việc đi nhận thiết bị, vật tư cũng diễn ra hết sức phức tạp. Các đồng chí đi lấy máy ở kho Đông Anh bị máy bay Mỹ ném bom ở khu vực kho, xe đi lấy máy bị hư hại nặng. Ngày hôm sau đi tiếp nhận, lại bị máy bay Mỹ ném bom trên đường về.
Đó là những ngày đêm căng thẳng. Rất ít khi trên bầu trời vắng tiếng máy bay Mỹ. Những loạt bom vang rền dội vào tâm tư các cán bộ, chiến sĩ một nỗi lo lắng đến thắt ruột.
Trong khi các chiến sĩ công binh bắt tay vào cải tạo K2, thì các chiến sĩ lữ đoàn 144 cũng bắt tay vào sửa chữa đường và luyện tập.
Sau vụ lụt năm 1971, Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý xe Tổng cục Hậu cần cải tạo xe Páp để chở thi hài Bác mỗi khi cần phải di chuyển. Yêu cầu cải tạo xe được đặt ra rất cao. Xe phải được sử dụng hết dung tích trên xe, bảo đảm phải có một giường nằm, một chỗ ngồi cho người chỉ huy, hai dãy tủ đựng thuốc đủ chứa các bình hoá chất. Ngoài ra, xe còn được lắp đặt một số thiết bị máy móc như máy điều hoà nhiệt độ, máy thông giá, máy điện thoại… Đặc biệt xe phải bảo đảm khả năng việt dã, lội nước cao, có thể di chuyển trong mọi địa hình, thời tiết và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn không thể xảy ra bất kỳ sự cố nào trong quá trình sử dụng.
Sau một năm trời nghiên cứu và làm việc, các cán bộ công nhân viên quốc phòng Cục Quản lý xe đã cho ra đời một chiếc Páp thoả mãn tất cả mọi yêu cầu nói trên và bàn giao cho Đoàn 69. Sau này, khi được biết chiếc Páp mà đơn vị mình cải tạo được dùng để chở thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ Cục Quản lý xe Tổng cục Hậu cần hết sức cảm động. Họ không ngờ chính họ đã được nhận niềm vinh dự đặc biệt ấy.
Để giữ bí mật với kẻ địch mặt đất cũng như trên không, các cuộc hành quân tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Nhiều đêm, đồng chí Kinh Chi trực tiếp ngồi trong xe Páp với một gói lớn bột màu, chỗ nào đường xấu, xóc nhiều, đồng chí lại rắc bột xuống đường để các chiến sĩ lữ 144 biết mà sửa chữa. Sau mỗi đêm như vậy, sáng ra quần áo, mặt mày đồng chí Kinh Chi đầy bột màu. Mệt mỏi nhưng rất vui vì mỗi lần đi kiểm tra, số bột màu rắc xuống cứ ít dần và con đường đã trở nên mềm mại dưới vành bánh xe lăn đằm và êm của chiếc xe Páp.
Khác với những lần hành quân di chuyển trước đây, lần di chuyển này phải vượt sông. Vì thế, bến sông phải cải tạo lại theo yêu cầu.
Những đêm luyện tập vượt sông cũng diễn ra hết sức căng thẳng và vất vả. Một lần, khi chiếc xe Páp vừa bò lên bến sông bờ tả ngạn thì chốt tời bị gãy. Phải dùng tời kéo kết hợp vì nước sông chảy xiết, xe không thể cập vào bến được. Chốt tời gẫy đẩy chiếc Páp vào một trạng thái “chết”. Đầu xe thì ở trên bờ, nửa sau xe thì bị chìm ở dưới nước, tiến thoái lưỡng nan. Giữa lúc đó, được một người dân ở gần bến sông đã dẫn đến một đơn vị công binh đang diễn tập gần đấy mượn xe ủi đến kéo giúp. Có xe kéo nhưng lại không có tời. Thế là lại phải chạy đến một trạm lâm nghiệp mượn tời. Tất bật, vất vả nhưng không thể chậm trễ vì trời sắp sáng, tuyến đường di chuyển dễ bị lộ, và chiếc Páp có thể trở thành mục tiêu cho máy bay địch đến đánh phá…
Sau sự cố kể trên, đồng chí Ngạch, lữ trưởng lữ đoàn 144 đã cho đào gấp một vũng lớn bên bờ tả ngạn, gọi là âu thuyền để cho xe Páp dễ dàng lên xuống. Một lần khác, sau khi diễn tập về bến K84, chiếc xe Páp đang bò lên một cách dễ dàng thì tụt xuống mất hút dưới mặt nước ngầu bọt vì độ dốc cao và trơn. Giữa lúc mọi người còn đang hốt hoảng thì chiếc Páp lại từ từ nổi lên như một chiến hạm ngầm và lại tiếp tục bám vào bến. Rất may, đó chỉ là một cuộc hành quân tập luyện.
Qua những vất vả trong việc sửa chữa đường sá, và những cuộc tập luyện, nhưng hầu như không ai nghĩ đến mình mà chỉ canh cánh một nỗi lo: làm sao có thể đưa Bác đi thật an toàn. Bởi thế, chừng nào chưa đưa được Bác đi K2 thì còn phải luyện tập cho thật thuộc đường, thuộc bến.
Trung tuần tháng 7, khi việc cải tạo K2 được mang mật danh là H21 đang ở vào giai đoạn cuối thì những đêm luyện tập cũng được lệnh tạm dừng và bước vào công tác chuẩn bị di chuyển. Đêm mồng 9 tháng 7, thi hài Bác được chuyển vào quan tài kính và đến 21 giờ ngày 11 tháng 7, đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh rời khỏi K84. Đoàn xe chậm chạp bò qua những triền đồi, những làng mạc nằm rải rác, hẻo lánh ở hai bên đường. Bầu trời chi chít những chòm sao. Màn đêm hơi bàng bạc. Con đường hiện ra đỏ sẫm trước đầu xe. Bên dưới, dòng sông hiện ra mờ nhạt như một dải lụa mềm mại. Khi đoàn xe đến bến, đã thấy ba chiếc xe lội nước K61 chờ sẵn. Mặc dù đã tập luyện nhiều, nhưng chiếc xe Páp từ từ bò xuống bến sông, tim mọi người thót lại và lo lắng. Đêm đó nước sông chảy xiết. Những đám bọt sôi ào ạt ở đầu và hai bên thành xe. Ánh đèn pha quét trên mặt sông từng vạt sáng lấp lánh. Đoàn xe lặng lẽ rời bến, xuôi theo dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Chưa đầy nửa giờ, đoàn xe đã lần lượt cấp bến bên bờ tả ngạn. Do được tập luyện tốt nên cuộc vượt sông diễn ra hoàn toàn thuận lợi. 0 giờ 15 phút ngày 12 tháng 7, đoàn xe vào tới K2. Cả khu rừng bạt ngàn trong một khoảnh khắc như đã yên lặng mở rộng lòng ra đón Bác.
6. Đưa Bác về K2, những hoạt động của Đoàn trở nên phân tán. Đoàn buộc phải chia làm ba bộ phận, một ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ duy trì nghiên cứu khoa học và bảo quản công trình 75A, một bộ phận ở K84, còn phần lớn lực lượng di chuyển lên K2.
Để giữ nền nếp, chế độ sinh hoạt. Ban chỉ huy Đoàn quyết định thành lập bộ phận K84 do đồng chí Lê Quang Châm phụ trách. Đảng uỷ Đoàn cũng ra quyết nghị thành lập chi bộ K84 do đồng chí Châm làm bí thư chi bộ.
Ở K2, đời sống và sinh hoạt của các chiến sĩ Đoàn 69 có nhiều khó khăn. Hầu hết các bộ phận đều bắt đầu từ con số không. Vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải bắt tay ngay vào việc xây dựng lán trại, nên chỉ một thời gian ngắn, các bộ phận đều đã có đủ chỗ ăn, ở và sinh hoạt.
Để khắc phục sự khan hiếm thực phẩm, một mặt Ban chỉ huy Đoàn cử cán bộ vào liên hệ với địa phương xin đất trồng rau, mặt khác duy trì sự tiếp tế sẵn có ở K84. Những đàn gà, đàn lợn ở K84 dần dần cũng được nhân đàn và san xẻ sang K2.
Một điều đáng kể là ở K2 có rất nhiều rắn. Rắn đầy trong rừng, trong hang đá, nhiều khi nằm ngủ hoặc ngồi họp, rắn bò qua dưới chân người. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, rắn cũng đã trở thành một nguồn thực phẩm đáng kẻ, mặc dù không phải ai cũng có thể săn bẫy được rắn.
Công việc giữ gìn thi hài Bác ở K2 phức tạp và vất vả hơn nhiều, nhất là với tổ y tế đặc biệt, vì ở đây không có nơi hấp sấy quần áo nên sau mỗi lần làm thuốc, anh em phải cử người gánh gồng quần áo đi bộ qua rừng, qua sông về K84 giặt giũ, hấp sấy. Cứ như vậy mỗi tuần hai lần trong suốt 7 tháng trời ròng rã.
Các chiến sĩ làm nhiệm vụ đối ngoại cũng vất vả không kém. Do ở K2 thiếu tiện nghi, dễ lộ, nên không thể để chuyên gia ở đay mà phải bố trí ở Hà Nội. Mỗi tuần hai lần làm thuốc, Đoàn phải đưa xe về Hà Nội đón bạn. Việc đưa đón bạn đi về từ K2 đến Hà Nội phải tiến hành trong ban đêm rất khó khăn, vất vả. Các đồng chí chuyên gia cũng hết lòng phục vụ họ là những người bạn tận tuỵ, thuỷ chung.
Tháng 12 năm 1972, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá Hà Nội, việc đưa đón chuyên gia gặp nhiều trở ngại, Ban chỉ huy Đoàn đã đề nghị với bạn ở lại K84 vì dù sau ở K84 cũng an toàn hơn ở Hà Nội.
Đầu năm 1973, sau những xáo động lớn, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở Đoàn 69 ở K2 dần dần đi vào ổn định. Những vườn rau, nương sắn trong thung lũng đã lên xanh. Sự vất vả đã trở nên quen thuộc đối với mọi người lính. Giữa lúc đó, lúc mà mọi người xác định giữ gìn thi hài Bác lâu dài ở K2 thì Hiệp định Pa-ri, một hiệp định mà nhân dân ta đổ không biết bao nhiêu xương máu để giành lấy từng dòng, từng chữ, đã được ký kết. Ních-xơn buộc phải tuyến bố triệt thoái toàn bộ quân Mỹ khỉ miền Nam Việt Nam.
Một nửa nguyện vọng của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” đã được thực hiện. Sự kiện này làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Cũng như ở tất cả các vùng rừng nói khác, tin Hiệp định Pa-ri được ký kết bay về K2 rất nhanh. Hoà bình, hai tiếng ấy trở nên hết sức thiêng liêng. Khi mọi người trong cùng một lúc đều nghĩ rằng, Bác sẽ không còn phải vất vả nữa, sẽ không còn những chiếc máy bay B.52, F.4, F.5 quần lượn nữa, Bác sẽ không còn phải nằm trong hang đá, điều đã trở thành nỗi đau âm thầm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong suốt một năm vừa qua.
Bằng sự nhạy cảm của một người lĩnh, các đồng chí chỉ huy Đoàn nhận thức ngay rằng, đơn vị ở lại đang đứng trước một đợt di chuyển mới, bởi ở K2 điều kiện làm việc quá khó khăn, việc đưa đón chuyên gia cũng đầy những bất lợi, nhưng di chuyển về đâu, K84 hay 75A thì không một ai có thể lường tính trước được.
Bấy giờ đang vào những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, tiết trời ấm dần lên và mùa xuân, mùa xuân hoà bình đầu tiên đã thấp thoáng trở về…
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, chính uỷ Nguyễn Văn Hanh được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho đơn vị tổ chức đón Bác về lại K84. Đã là những ngày giáp tết rồi. Trong lúc cán bộ, công nhân ở các cơ quan, xí nghiệp được về quê ăn tết với gia đình thì các chiến sĩ Đoàn 69 vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc di chuyển mới. Phương án di chuyển vẫn bằng phương tiện cũ và đi đường cũ.
Sau bảy, tám tháng trời không sử dụng, bến cũ phù sa đã lấp đầy. Do đó các chiến sĩ lữ đoàn 144 lại được lệnh làm gấp một bến mới và nghiên cứu cải tạo đường lên ở chân đồi. Thời gian gấp, các chiến sĩ lữ đoàn 144 bắt tay ngay vào công việc, không kể ngày đêm. Sau ba ngày, bến mới đã được làm xong, để xe có thể bò xuống an toàn và một con đường đất đỏ dưới chan đồi K84. Bằng con đường này, thi hài Bác sẽ luôn luôn được giữ ở trạng thái ổn định, thăng bằng bởi độ dốc đã được giảm đi tới mức thấp nhất.
Chiều 30 tết, tất cả các hệ thống bến bãi, đường sá đã được chuẩn bị hoàn tất nhưng vẫn chưa có lệnh di chuyển. Trong khi đó, đồng chí trưởng đoàn lại có lệnh về Hà Nội đón trưởng đoàn chuyên gia Đê-bốp mới từ Mát-xcơ-va sang. Mọi người đều có ý nghĩ: nếu có di chuyển thì hài Bác về K84 thì cũng phải tới sang giêng hoặc sau tết ít nhất một tuần lễ. Chính bởi tính toán như vậy mà nhiều bộ phận đã linh động cho các cán bộ, chiến sĩ quê ở gần tranh thủ về nhà ăn tết.
Đêm hôm ấy, trong dãy lán lợp lá cọ dưới chân núi, mọi người quây quần quanh cào đào đón giao thừa và chờ nghe thư chúc tết của Bác Tôn. Đồng chí chính uỷ Nguyễn Văn Hanh thay mặt Đảng uỷ và Ban chỉ huy Đoàn công bố quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, đồng thời phổ biến quyết định và giao nhiệm vụ cho từng bộ phận. Sáng mồng một tết, phá cửa hang, chuẩn bị đón Bác về lại K84.
Lúc ấy, mọi người trong đoàn mới ngớ ra, sửng sốt vì quân số còn lại kể cả Ban chỉ huy Đoàn và các chiến sĩ nuôi quân chỉ vẻn vẹn còn 25 người. 25 người với một khối lượng công việc đồ sộ. Tuy vậy, sáng mồng một, buổi sáng đầu tiên của năm mới, 25 cán bộ, chiến sĩ đã lao vào công việc đầy sôi nổi và hào hứng, 12 giờ trưa cửa hang đã được phá mở rộng để xe Páp có thể vào đón Bác.
Ngày mồng 4 tết, tức là ngày 8 tháng 2 năm 1973, sau khi các chuyên gia Liên Xô và Ban chỉ đạo xem xét, kiểm tra lại việc quản lý thi hài, lệnh di chuyển chính thức được công bố. 21 giờ đoàn xe rời hang đá ra bến sông. Hình như cho đến lúc ấy, những người dân trong vùng mới biết niềm vinh dự mà quê hương mình thời gian qua đã được giao phó. Họ đã lặng lẽ đổ ra hai bên đường. Những ánh mắt, những bàn tay giơ lên vẫy chào tạm biệt, những nụ cười ngập ngừng đã nói lên tất cả tấm lòng của họ đối với Bác, với các chiến sĩ Đoàn 69.
Đoàn xe nhẹ nhàng rời bến sông, xuôi dòng chảy chếch sang bờ bên kia nơi có ánh đèn sáng làm tín hiệu. Dòng sông vào mùa xuân chảy êm đềm trong vắt. Hai bên bờ sông sương mù phủ mỏng trông như một tấm khăn voan khổng lồ mờ ảo. Chiếc Páp vừa cập bến K84, tất cả cán bộ, chiến sĩ đã có mặt dưới bến sông để đón Bác. Họ im lặng khiêng linh cữu Người ra khỏi xe, thận trọng nhích từng bước trên con đường đã được dọn mở, sửa sang lại. Những “chiến sĩ cận vệ” khiêng linh cữu Bác trên vai, thành kính và trang nghiêm. Đêm ấy trời sáng đầy sao. Những tán lá rừng, những cánh hoa rừng rơi đầy ở hai bên lối đi thỉnh thoảng lại thả một vài cánh hoá mềm nhẹ lên linh cữu Người. Rừng ngào ngạt hương xuân. Đây là lần đầu tiên kể từ bốn năm lại đây, các chiến sĩ Đoàn 69 được khiêng linh cữu Bác trên vai, đi trên một đoạn đường dài, trong một thời gian dài đến như vậy.
Khi mọi người từ ngôi nhà kính, nơi đặt thi hì Bác trở ra thì gà nhà, gà rừng đã bắt đầu cất tiếng gáy. Công việc di chuyển kết thúc, đấy cũng là lần di chuyển thứ năm thi hài Bác. Sau này, khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, trong một lần nói chuyện với đồng bào tỉnh Long An, đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại những chuyến đi đầy gian khổ, qua sông, qua núi, ở rừng, ở hang của Bác sau khi Người qua đời, nhiều người nghe chuyện đã không cầm được nước mắt.
Còn khi ấy, vào buổi sáng ngày mồng 5 tết Quý Sửu, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong lần di chuyển thứ năm đã nghĩ ngay tới lần di chuyển thứ sáu và chắc chắn sẽ là lần di chuyển cuối cùng: Đón Bác về lại Thủ đô, về lại ngôi nhà vĩnh hằng của Người mà giờ đây đang được các nhà kiến trúc thông qua lần cuối cùng bản đồ án thiết kế và các lực lượng thi công đang triển khai để chuẩn bị khởi công xây dựng.
(còn nữa)
bqllang.gov.vn
Chia sẻ:
- Tumblr
Có liên quan
Từ khóa » H21 ở đâu
-
ĐỊA ĐIỂM MANG BA MẬT DANH: “CÔNG TRƯỜNG 5”, “K9” VÀ “K84”
-
Người Lái Xe Chở Thi Hài Bác Hồ - Sự Kiện Nhân Chứng
-
Bảo đảm Tuyệt đối An Toàn 6 Lần Di Chuyển Thi Hài Bác
-
Khu Di Tích Đá Chông, Nơi Gìn Giữ Thi Hài Bác Trong Kháng Chiến ...
-
Mã Loại Hình Xuất Khẩu H21 - Hỏi đáp Pháp Luật
-
Mã Loại Hình Xuất Nhập Khẩu
-
H21 Hospedaje Boutique, Mexico City
-
Đoàn 69, đơn Vị Tiền Thân Của Bộ Tư Lệnh Bảo Vệ Lăng Chủ Tịch Hồ ...
-
Phú Thọ Những Lần đón Bác
-
Vinh Dự, Tự Hào Của Người Lính Trong Những Năm Tháng Bảo Vệ Thi ...
-
Địa điểm Chuyên Sỉ Các Loại Hộp Nhựa Trong H21, H30, H50, H55 ở ...
-
Khu Di Tích K9 Đá Chông Nơi Lưu Giữ Dấu Chân Bác Hồ - Du Lịch Ba Vì
-
50 Năm Gìn Giữ Thi Hài Chủ Tịch Hồ Chí Minh Và Những Nhiệm Vụ ...