Chương Trình Môn Âm Nhạc Phổ Thông Mới, Cơ Hội Và Thách Thức Với ...
Có thể bạn quan tâm
Chương trình môn Âm nhạc phổ thông mới sẽ mở rộng về phạm vi, đối tượng được giáo dục, lần đầu tiên môn Âm nhạc được đưa vào bậc Trung học phổ thông (THPT). Học sinh sẽ được làm quen với nhạc cụ, hợp xướng. Chương trình mới đề cao kỹ năng thực hành âm nhạc do đó đòi hỏi giáo viên giảng dạy phải thực sự có kỹ năng chuyên môn.
Chiều 19/01/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể. Dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới.
Chương trình môn Âm nhạc phổ thông (ANPT) mới có nhiều thay đổi nổi bật như: Mở rộng về phạm vi đối tượng giáo dục, lần đầu tiên được dạy ở trường THPT. Trong nội dung chương trình, lần đầu tiên xuất hiện nội dung nhạc cụ và hợp xướng. Chương trình vừa có nội dung tích hợp trong phần lý thuyết âm nhạc, vừa có nội dung phân hóa với phần thực hành nhạc cụ. Ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, Âm nhạc là môn học bắt buộc; ở bậc THPT, là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp.
Từ cổ đại các vĩ nhân như Plato[1] đã khẳng định những lợi ích của âm nhạc như: mang đến hạnh phúc, thư giãn và cao hơn, nó đem tới niềm vui trí tuệ trong lúc thư thả và như một phần của sự giáo dục khai phóng. Âm nhạc còn thực hiện việc thanh tẩy tâm hồn hay chức năng chữa trị bệnh tật và quan trọng hơn cả là âm nhạc đánh thức và biểu lộ những cảm xúc con người. Chương trình giáo dục do Plato đề nghị cho nước cộng hòa lý tưởng, ông đã ấn định cho âm nhạc chức năng giáo dục đạo đức. Aristotle[2] thì cho rằng: Để thưởng thức âm nhạc, đòi hỏi mỗi con người phải biết ít nhiều kỹ năng trình diễn âm nhạc. Vì lý do đó, con người nên được dạy chơi các nhạc cụ từ lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, đây phải là sự giáo dục khai phóng chứ không phải giáo dục nghề nghiệp trong âm nhạc. Người học sẽ học chơi các nhạc cụ chỉ để biết nhạc hay là gì và để ham thích nó, chứ không phải để có được kỹ năng như những nghệ sĩ bậc thầy.
Những quan điểm về âm nhạc trên đã ảnh hưởng xuyên suất lịch sử giáo dục âm nhạc Châu Âu và đã đem lại những giá trị to lớn mà ngày nay chúng ta đang học tập. Chương trình môn âm nhạc phổ thông mới chính là đang tiếp nối tư tưởng đã có từ hàng ngàn năm trước với những mục tiêu như: (1) Nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, có đời sống tinh thần phong phú, hình thành và phát triển những phẩm chất cao đẹp; (2) Trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động, phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác; (3) Hình thành và phát triển các năng lực âm nhạc đặc thù dựa trên nền tảng kiến thức và kỹ năng âm nhạc phổ thông, qua đó phát triển năng lực tự chủ và tự học; (4) Nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hoá, lịch sử, xã hội cùng các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống; (5) Phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Trong nội dung của chương trình âm nhac phổ thông mới, đáng chú ý nhất là dạy nhạc cụ. Đây là nội dung mang tính phân hóa, gồm: chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6). Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường (phương tiện dạy học, năng lực giảng dạy), giáo viên có thể dạy học sinh chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, nhạc cụ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, nhạc cụ phổ biến ở địa phương,...) hoặc nhạc cụ nước ngoài (melodica, recorder, ukulele, harmonica, guitar, keyboard,...).
Quan điểm đưa thêm nội dung nhạc cụ là để làm bối cảnh học tập trở nên đa dạng hơn, vừa giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc (nghe, hát, đọc nhạc) và năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, vừa để giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng. Thông qua nhạc cụ, môn học giúp học sinh được học bằng đa giác quan, có thể tận hưởng tiết học Âm nhạc một cách thú vị, nâng cao sự trải nghiệm âm nhạc, thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường. Ngoài ra, nhiều học sinh không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12 - 14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ sẽ là phương tiện để các em học tập và thể hiện bản thân.
Nội dung dạy nhạc cụ trong chương trình âm nhạc phổ thông là cơ hội cho những giáo viên âm nhạc thực sự có lòng yêu nghề, có kỹ năng thực hành âm nhạc phát huy năng lực nghề nghiệp, là động lực để họ trau dồi hơn nữa kỹ năng biểu diễn nhạc cụ và phát triển trong lĩnh vực này. Ở trường trung học phổ thông, Âm nhạc là môn tự chọn, học sinh sẽ chọn khi môn học thực sự hấp dẫn và sự hấp dẫn đó phải đến từ năng lực thực sự của người giáo viên; đây là điều kiện để những giáo viên giỏi nghề có điều kiện khẳng định được bản thân.
Giờ học âm nhạc - Ảnh: Anhbaduy
Tại Cà Mau, đội ngũ giáo viên âm nhạc đã phát triển mạnh mẽ về số lượng trong hơn mười năm qua. Môn âm nhạc ở trường phổ thông đã có vị trí đúng mức và đang dần đi vào nề nếp để tiếp tục phát triển. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về số lượng, chất lượng, đội ngũ giáo viên âm nhạc trong tỉnh thời gian qua còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập như: Một bộ phận giáo viên âm nhạc chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của bộ môn. Ở đâu đó đã và đang có những giáo viên âm nhạc không thể hát và không biết sử dụng nhạc cụ trong giảng dạy. Nguyên nhân yếu kém của một bộ phận giáo viên âm nhạc này một phần do lỗi trong khâu đào tạo. Đội ngũ giáo viên âm nhạc được đào tạo từ rất nhiều nguồn với nhiều trình độ (trung cấp, cao đẳng, đại học), nhiều hình thức đào tạo (ngắn hạn, tại chức, từ xa…) trong đó không ít cơ sở đào tạo vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua những tính chất đặc thù trong việc hình thành kỹ năng âm nhạc cho người học dẫn tới chất lượng đào tạo không đảm bảo. Trước tình hình như trên, việc đưa nội dung dạy nhạc cụ vào chương trình âm nhạc phổ thông sẽ là thách thức với nhiều giáo viên âm nhạc hiện nay.
Để đáp ứng với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng trong thời gian tới, giáo viên âm nhạc cần vận dụng những kiến thức đã có để luyện tập kỹ năng thực hành các nhạc cụ đã được đào tạo; Tiếp cận học tập sử dụng những nhạc cụ phổ biến sẽ sử dụng trong chương trình mới như melodica, recorder, ukulele,... và nắm được kiến thức, kỹ năng kết hợp hòa tấu những nhạc cụ này ở mức độ cần thiết. Mỗi giáo viên cần vận dụng tốt kinh nghiệm bản thân để tạo nên những giờ học Âm nhạc thú vị và sinh động, giúp học sinh được nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, để các em có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh./.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ GD&ĐT - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2017 –
Mortimer J. Adle - Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại (Great Ideas from the Great Books).
Từ khóa » Các Năng Lực đặc Thù Của Môn âm Nhạc
-
Môn Âm Nhạc Trong Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông Mới
-
Môn âm Nhạc Trong Chương Trình Phổ Thông Có Những đặc điểm Nào?
-
Mục Tiêu Về Năng Lực đặc Thù Của Môn Âm Nhạc
-
Với đặc Thù Môn Học Giáo Dục Âm Nhạc Có Lợi Thế Giúp HS Phát Triển ...
-
Phương Pháp Dạy Học đặc Thù Môn âm Nhạc - Học Tốt
-
Chương Trình Mới Môn Âm Nhạc - Trường Tiểu Học Quang Trung
-
Chương Trình Giáo Dục Phổ Thông Môn Âm Nhạc 2018 - .vn
-
Năng Lực đặc Thù Môn âm Nhạc Tiểu Học
-
Nhận Xét Năng Lực đặc Thù Môn âm Nhạc Theo Thông Tư 27 TIỂU HỌC
-
Năng Lực Của Môn âm Nhạc - TaiLieu.VN
-
Chương Trình Môn Âm Nhạc
-
20 Câu Hỏi Trắc Nghiệm Tập Huấn Môn Âm Nhạc
-
[PDF] SGV Am Nhac 2 CT
-
Dạy Môn âm Nhạc ở Trường Trung Học Cơ Sở Hải Bắc Trong đại Dịch ...