Dạy Môn âm Nhạc ở Trường Trung Học Cơ Sở Hải Bắc Trong đại Dịch ...

Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, gồm giọng hát và âm thanh của các loại nhạc cụ. Giáo dục và giảng dạy Âm nhạc cho học sinh phổ thông không nhằm đào tạo các em trở thành những người làm nghề Âm nhạc mà thông qua môn học này để tác động vào đời sống tinh thần của các em, nhằm góp phần cùng các môn học khác thực hiện mục tiêu của nhà trường, mục tiêu của cấp học.

Âm nhạc là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Thông qua nội dung và hình thức học tập đa dạng, giáo dục âm nhạc tạo cơ hội cho học sinh (HS) được trải nghiệm và phát triển các năng lực thẩm mỹ đặc thù ở môn học này như: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích và đánh giá âm nhạc, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc; đồng thời góp phần phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu âm nhạc.

Ta phải ghi nhận rằng: Âm nhạc vốn là môn nghệ thuật các em ham thích và hứng thú, có sức thu hút mạnh đối với tuổi học sinh.Với đặc thù là môn học nhiều thực hành, khi dạy và học, giáo viên và học sinh cần có sự tương tác rất lớn, đặc biệt qua ánh mắt, khuôn mặt, khẩu hình miệng, cử chỉ…. Nhưng với tình hình dịch bệnh Covid – 19 như  hiện nay, giáo viên và học sinh đều phải thực hiện giãn cách (5K) để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc đeo khẩu trang trong giờ học môn âm nhạc cũng gây không ít khó khăn cho giáo viên trong quá trình tổ chức hoạt động học trên lớp cho các em, đặc biệt là phân môn học hát và tập đọc nhạc.

Muốn truyền tải đầy đủ nội dung của bài học, đảm bảo an toàn phòng chống dịch mà vẫn gây được sự hứng thú học và tiếp nhận kiến thức cho học sinh, giáo viên phải luôn thay đổi các phương pháp dạy linh hoạt để học sinh không nhàm chán. Dù cho các em đeo khẩu trang giáo viên vẫn giúp các em thể hiện tốt các bài hát, các bài tập đọc nhạc và tự tin biểu diễn trước lớp.

Để đảm bảo cho việc phòng chống dịch an toàn, trước hết giáo viên phải sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh với khoảng cách phù hợp nhất có thể, tận dụng hết không gian lớp học để kê khoảng cách các bàn, ghế  rộng thoải mái. Chỗ ngồi và khoảng cách rộng cũng giúp các em vận động các động tác tại chỗ theo bài hát dễ dàng hơn. 

Cũng giống như các bộ môn khác, khi giảng dạy âm nhạc ở trường THCS, giáo viên phải biết tận dụng hết các phương pháp dạy khác nhau như thuyết giảng, trình bày, phát vấn… bên cạnh các hình thức học tập của học sinh như tự nghiên cứu, thảo luận nhóm, thuyết trình, biểu diễn. Riêng âm nhạc là bộ môn có thể phát huy được nhiều nhất thế mạnh về hướng dẫn trò chơi trong giờ học. Các trò chơi đó đã tạo ra hiệu ứng lớn trong việc giúp các em khắc sâu kiến thức, phát triển kỹ năng và đặc biệt là phát huy tính tích cực chủ động của HS theo mục tiêu đổi mới. Âm nhạc có lợi thế của nó. Đây là bộ môn nghệ thuật động, nghệ thuật của âm thanh của ca từ. Lợi thế đó rất phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý của lứa tuổi THCS, từ 11 đến 15 tuổi là hiếu động, thích được thể hiện mình. Trò chơi trong âm nhạc sẽ đưa lớp học vào một không gian đặc biệt, tạo nên được không khí sinh động trong giờ giảng. Vì thế giáo viên sẽ lựa chọn và đưa vào tiết học các trò chơi phù hợp kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin  như: Ngôi sao may mắn, Giải ô chữ, Ai nhanh tay nhanh mắt, Hát theo kí hiệu, Nhìn tranh đoán tên bài hát, Vẽ theo nội dung bài hát, Em làm nốt nhạc, Hát to hát nhỏ, Nghe giọng hát đoán tên người hát…. Những trò chơi này các em có thể chơi theo dãy nhóm, ngồi, đứng tại chỗ, và không ảnh hưởng bởi việc đeo khẩu trang khi tham gia.

 

Với niềm hăng say thích thú học môn âm nhạc, các em học sinh luôn tích cực nhiệt tình tham gia các hoạt động trong tiết học mà giáo viên hướng dẫn. Cô và trò chúng tôi mong muốn dịch bệnh mau hết để các em có thể thoải mái chạy nhảy vui chơi, giáo viên có thể tổ chức nhiều hình thức dạy học đa dạng hơn nữa để học sinh có thể học môn âm nhạc một cách hiệu quả nhất, giúp cho các em có một tâm hồn trong sáng, thị hiếu âm nhạc lành mạnh, tư duy sắc sảo, lòng khát khao sáng tạo, giàu tình cảm, luôn tự tin và có cái nhìn đẹp hơn, hoàn thiện hơn, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách toàn diện Đức - Trí - Thể - Mĩ./.

Từ khóa » Các Năng Lực đặc Thù Của Môn âm Nhạc