​Chụp ảnh Báo Chí Nhưng Không Hiểu ảnh Báo Chí Là Gì? - Tuổi Trẻ ...

Ảnh minh họa: Internet

Những tranh cãi gần đây xung quanh bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác” của cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính làm nhiều người đặt câu hỏi các ảnh trên báo chí hiện nay có đúng là ảnh báo chí?

Bạn đọc Phạm Văn Hùng nêu ý kiến: “Thực tế ảnh báo chí Việt Nam chắc phải là 98% có sắp đặt, có sự tác động đến chủ thể... không phản ánh đúng bản chất vốn có chứ chưa cần nói đến có photoshop hay không”.

Trong khi đó chị Thu Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) băn khoăn: “Nhiều người bây giờ làm báo cũng lạ. Ảnh báo chí mà lại đem chỉnh sửa thì làm báo dễ quá”.

Anh T.H. - nhiếp ảnh gia nghệ thuật (Q.5, TP.HCM) nhận định: “Chức năng của báo chí là phản ánh sự thật khách quan nên ảnh báo chí cũng phải khách quan mới cung cấp thông tin chính xác cho bạn đọc. Chụp ảnh báo chí không phải như ảnh nghệ thuật, muốn chỉnh sao thì chỉnh”.

Người trẻ đua nhau chụp, không phân biệt được thể loại ảnh

Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến - nguyên phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN - lo lắng: “Nhiếp ảnh VN đang gặp vấn đề lẫn lộn giữa ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật. Người làm báo cứ thích chỉnh sửa cho ảnh mình trở nên đẹp hơn”. 

Trong ảnh nghệ thuật, người chụp lấy yếu tố nghệ thuật là chính nên có thể chỉnh sửa và không cần quan tâm đến việc diễn tả những thông tin như cháy nhà, lũ lụt… Còn ảnh báo chí phải có thông tin nên phải trung thực.

Theo ông Huyến, hiện rất nhiều nhiếp ảnh trẻ cứ thích đóng giả, dựng cảnh, photoshop làm người xem không biết nên tin hay không. Nhiều trường hợp ảnh nghệ thuật, ảnh kỷ niệm được đăng báo thì gọi ngay là ảnh báo chí, nhưng ít ai xem kỹ đó chỉ là hình ảnh minh họa cho một bài văn, bài thơ… Không phải cứ ảnh nào đăng báo là ảnh báo chí.

Ông Huyến bức xúc không đâu nhiều nhiếp ảnh gia, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh như VN. Nhiều người chụp được ảnh thì thích danh nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh, nhưng họ không biết điều đáng trân trọng của những danh xưng đó là sự hi sinh, gian khổ của người cầm máy.

“Sở dĩ xảy ra tình trạng này vì thực tế những môi trường đào tạo về tư duy báo chí, về bố cục hình ảnh không có mấy cơ sở: ĐH KHXH&NV, Học viện Báo chí tuyên truyền, ĐH Sân khấu điện ảnh. Trong khi đó, bên ngoài có hàng trăm nơi dạy chỉnh sửa ảnh, photoshop và giới trẻ đua nhau vào học rồi mua máy ảnh, “tự nhận” mình thành nhà nhiếp ảnh” - ông Huyến cho biết.

Hai bức ảnh “Bộ đội Trường Sơn đu dây vượt thác” với những chi tiết khác nhau được các nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu so sánh

Một bức ảnh hơn ngàn con chữ

Đó là khẳng định ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN - bởi ảnh báo chí đưa người xem hình dung, trở lại đúng hiện tượng, sự kiện trong ảnh. 

Theo ông Khánh, ảnh báo chí khác với những thông tin bằng lời, bằng chữ ở chỗ hình ảnh tĩnh nhưng cung cấp thông tin chính xác, trung thực. Đây cũng là điều kiện tiên quyết của ảnh báo chí không chỉ trong giai đoạn trước đây hay bây giờ, mà là ở mọi thời điểm.

“Sự khách quan, trung thực là điều kiện tiên quyết, là tiêu chí cao nhất của thông tin nói chung và thông tin trong ảnh báo chí nói riêng. Ảnh có những chi tiết thừa, thiếu mới đúng là ảnh báo chí, còn ảnh hoàn hảo quá, sạch sẽ và tròn vẹn quá thì không phải là ảnh báo chí” - ông Khánh nói.

Theo nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, về nguyên tắc, không chỉ ở VN, đã là ảnh báo chí thì tuyệt đối không được can thiệp. Ảnh báo chí phải thông tin càng nhanh càng tốt về những vấn đề càng cập nhật, tác động đến nhiều người.

Đã nhiều trường hợp các bức ảnh báo chí nổi tiếng trên thế giới bị phát hiện đã qua chỉnh sửa gây tranh cãi. Tựu chung, dù mục đích của người chỉnh sửa là rất tốt, nhưng điều đó đã làm mất tính chất của ảnh báo chí. 

Theo ông Huyến, nhiếp ảnh sinh ra để “làm chứng”, điều đó được thể hiện rõ qua vị trí không thể thay thế của hình ảnh trong CMND hay thẻ hộ chiếu. Với hội họa, người xem chưa chắc đã tin những gì nhìn thấy là sự thật; với văn thơ, việc miêu tả chưa chắc đã chính xác; còn âm nhạc thì càng trừu tượng. “Tính làm chứng” chỉ nhiếp ảnh mới có và do đó với ảnh báo chí, người ta càng cần sự trung thực.

“Mất trung thực là mất bản chất, là mất lòng tin bạn đọc, là mất tất cả” - ông Huyến nhấn mạnh.

Dùng kiến thức, kỹ năng để bắt khoảnh khắc

Ông Vũ Quốc Khánh cho rằng những người làm công tác báo chí nói chung và bản thân các nhà nhiếp ảnh, phóng viên ảnh phải hiểu cặn kẽ và sâu sắc hơn tính chất của ảnh báo chí. 

“Chỉ cần thêm bớt một tí thì bức ảnh có thể mất tính trung thực, sai hiện thực và không logic” - ông Khánh khẳng định. Do vậy, người nghệ sĩ nhiếp ảnh báo chí tài năng hay không thể hiện ở chỗ quá trình họ chụp ảnh. Không phải chụp xong rồi về thêm bớt là thành thể loại ảnh “vừa báo chí vừa nghệ thuật”.

Cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành đồng tình: “Với ảnh báo chí, không thể đùa bằng việc chỉnh sửa, photoshop. Có thể điều chỉnh màu sắc một vài chi tiết cho dễ nhìn nhưng phải bảo đảm bố cục như cũ và có chú thích rõ ràng, kể cả ảnh tài liệu lịch sử cũng thế”.

Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật có thể có điểm chung ở chỗ một tác phẩm ảnh báo chí vẫn có tính nghệ thuật nếu người chụp tư duy hình ảnh tốt, chọn góc, màu sắc phù hợp… nhưng về nguyên tắc, đó là hai thể loại khác nhau.

Theo nhà phê bình Vũ Huyến, không được “đụng chạm” vào ảnh báo chí. Tác giả hoàn toàn có thể can thiệp bằng hình thức, trong khoảnh khắc rất ngắn lúc chụp tác giả hãy dồn nén, tập hợp toàn bộ kiến thức, trình độ, ý tứ nội dung của mình vào tư duy hình ảnh. 

Chia sẻ thêm, ông Huyến cho rằng đầu tư cho nhiếp ảnh không phải chỉ đầu tư cho bộ máy mà phải đầu tư cái đầu, tức là tư duy hình ảnh. Đây là bài học cho những người cầm máy, đặc biệt là những bạn trẻ thích chụp ảnh.

Mời bạn đọc nghe phát biểu qua audio:

>> Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến

>> Ông Vũ Quốc Khánh

>> Phóng viên chiến trường Chu Chí Thành

Từ khóa » Bố Cục ảnh Báo Chí