Chụp X Quang Cho Trẻ Em Có Hại Không? - Bệnh Viện Vinmec

1. Chụp X quang là gì?

Tia X là một dạng sóng điện từ. Bước sóng của tia X ngắn hơn tia tử ngoại và dài hơn tia gamma. Vì thế nó có khả năng xuyên qua vật chất nên thường được dùng trong chẩn đoán y tế, nghiên cứu tinh thể,...

Chụp X quang là phương pháp phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, các tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể để tạo ra hình ảnh. Từ những hình ảnh thu được, các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh hơn.

Tuy nhiên, các mô đặc như xương sẽ cản trở tia X nhiều. Mô độ đậm đặc cao thì càng ít tia X xuyên qua. Còn không khí và nước cho độ đậm thấp hơn nên tia X dễ dàng xuyên qua.

Chụp X quang cho trẻ em có hại không?
Chụp X quang là phương pháp phát ra các chùm tia X có bức xạ cao

2. Chụp X quang cho trẻ em có hại không?

Nhiều người còn thắc mắc về vấn đề chụp X quang có hại không? Thực tế, việc thực hiện chụp X quang là một chỉ định thật sự cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh lý ở con người, như xương khớp, hô hấp, tim mạch vì nó có tình an toàn. Trẻ em cũng cần phải chụp X quang vì nhiều lý do liên quan đến sức khỏe như gãy xương, đau bụng không rõ nguyên nhân... đây là phương pháp có giá trị quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho bác sĩ điều trị. Vậy trẻ em chụp X quang có ảnh hưởng gì không? Theo đó, cha mẹ có thể yên tâm bởi:

  • Chụp X quang được sử dụng rộng rãi trong y khoa, đối với cả trẻ em và người lớn, bởi tính an toàn và chính xác tương đối cao. Việc chụp X quang cho trẻ em không đáng lo ngại bởi sẽ có các loại máy chụp chuyên biệt dành cho trẻ nhỏ với mức năng lượng phóng xạ điều chỉnh thấp nhất nhưng vẫn đủ để quan sát rõ hình ảnh, cấu trúc bên trong cơ thể, giúp hạn chế nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ ở trẻ.
  • Mặc dù, có nghiên cứu chỉ ra rằng các mô sống có thể bị nguồn năng lượng từ bức xạ phá vỡ cấu trúc ổn định các vật liệu di truyền trong nhân tế bào và dẫn đến tổn thương, nhưng điều này chỉ xảy ra khi bạn tiếp xúc với nguồn bức xạ năng lượng cao ở một liều lượng rất lớn. Trong khi đó, năng lượng bức xạ tia X được sử dụng khi chụp X quang ở con người là rất thấp, nhất là đối với các trường hợp chỉ định chụp cho trẻ nhỏ.
  • Ngoài ra, trong trường hợp cần chụp X quang ở những bộ phận nhạy cảm như: Tuyến giáp, tinh hoàn, hay buồng trứng,... thì các kỹ thuật viên sẽ sử dụng các biện pháp che chắn cẩn thận, giảm thiểu tối đa nguy cơ phơi nhiễm tia X ở trẻ.

Do đó, việc “chụp X quang cho trẻ em có hại không?” thì các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, vì giá trị của việc chụp X quang mang lại nhiều hơn so với rủi ro.

Chụp X quang cho trẻ em có hại không?
Việc chụp X quang cho trẻ em không đáng lo ngại

3. Chụp X quang cho bé có lưu ý gì?

Để ngăn ngừa tình trạng rò rỉ phóng xạ, phương pháp chụp X quang được thực hiện trong phòng kín, đảm bảo các tiêu chuẩn về cách ly với quy trình tiến hành diễn ra vô cùng đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, khi chụp X quang ở trẻ nhỏ, cần lưu ý như sau:

  • Trước khi chụp, trẻ sẽ được thay quần áo phù hợp, đồng thời tháo bỏ các vật dụng bằng kim loại như vòng tay, vòng cổ, móc khóa...
  • Trẻ càng nhỏ thì việc hợp tác chụp X quang sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi trẻ dễ hoảng sợ và quấy khóc. Nhưng với trẻ lớn, có thể hướng dẫn giúp bé tạo tư thế thích hợp để chụp được vùng cần khảo sát.
  • Khi chụp X quang cho trẻ em, tuy không gây nguy hiểm nhưng tia X lại có tính độc hại, nếu tiến hành chụp X quang trong điều kiện không an toàn, phòng chụp không đúng tiêu chuẩn, thiết bị chụp không an toàn do Bộ Y tế và tổ chức thế giới thẩm định, bác sĩ không có chuyên môn và kiến thức đầy đủ sẽ gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Vì thế, khi lựa chọn địa điểm chụp X quang cho trẻ, phụ huynh nên cho trẻ tới những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé.
  • Trước khi chụp X quang, cha mẹ có thể yêu cầu bác sĩ cung cấp đầy đủ thông tin về lợi ích sức khỏe đối với bệnh lý của trẻ và có thể hỏi bác sĩ về các đồ bảo hộ cho trẻ như: Các vật dụng che chắn, nhất là với những bộ phận nhạy cảm như tuyến giáp hoặc cơ quan sinh dục; thuốc cản quang nếu có...
  • Chụp X quang thông thường sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất của trẻ, tuy nhiên, không vì thế mà cho trẻ chụp nhiều lần. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải hạn chế cho trẻ chụp X quang quá nhiều. Chỉ nên chụp khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ đi chụp X quang khi không thực sự cần thiết.
  • Khi chụp cho trẻ, thông báo rõ ràng về tình trạng sức khỏe của trẻ để bác sĩ có quyết định đúng, cũng như giải thích cho trẻ hiểu để trẻ hợp tác trong quá trình chụp X quang.
  • Phụ huynh nên cung cấp chính xác chiều cao và cân nặng của trẻ để kỹ thuật viên điều chỉnh lượng phóng xạ phù hợp khi chụp X quang cho bé.
Chụp X quang cho trẻ em có hại không?
Phụ huynh nên cung cấp chính xác chiều cao và cân nặng của trẻ để kỹ thuật viên điều chỉnh lượng phóng xạ phù hợp khi chụp X quang cho bé

Từ khóa » X Quang Trẻ Em