Chụp X-quang Phổi Giúp Phát Hiện Bệnh Gì, Bao Nhiêu Tiền?

Chụp X-quang phổi là kỹ thuật giúp kiểm tra, sàng lọc và phát hiện những dấu hiệu bất thường tại những vị trí khác nhau của phổi. Thông qua kết quả chụp X-quang phổi, cùng các xét nghiệm cần thiết khác, sẽ gợi ý chẩn đoán bệnh lý liên quan đến phổi, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất cho người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII Nguyễn Đình Hồ và BS Phạm Thị Huyền, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Chụp X quang phổi là gì?

Chụp xquang phổi là chỉ định thường thấy trong quá trình kiểm tra, sàng lọc các bệnh lý có liên quan đến phổi. Theo đó, chụp x-quang phổi là kỹ thuật sử dụng máy chụp X-quang tại phòng được thiết kế chuyên biệt, với bóng phát tia X có thể di chuyển được, gắn vào cần kim loại lớn. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đứng trước một tấm chứa phim X-quang, hoặc một đầu thu đặc biệt có chức năng lưu lại hình ảnh của các cơ quan thuộc lồng ngực như phổi, tim, mạch máu, bộ xương thành ngực, đường thở…

xquang phoi binh thuong
Chụp x quang phổi là chỉ định thường thấy khi cần kiểm tra, tầm soát các bệnh lý có liên quan đến phổi.

Để có thể đánh giá bệnh lý về phổi một cách toàn diện, bên cạnh các xét nghiệm lâm sàng cần thiết khác, chụp x-quang phổi là một trong những chỉ định không thể thiếu, giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác các bệnh lý về phổi.(1)

Khi nào hay những ai cần chụp x-quang phổi?

Hiện tại, chụp xquang phổi vẫn được xem là một trong những phương pháp cơ bản đầu tiên hỗ trợ các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh. Theo đó, chụp x-quang phổi được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như:

banner tâm anh quận 7 content
  • Khi bệnh nhân cần kiểm tra tình trạng tim – phổi trong quá trình thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Chỉ định chụp xquang phổi đối với những bệnh nhân có những triệu chứng như: Ho kéo dài, khó thở, đau tức ngực…
  • Nếu nghi ngờ bệnh nhân có chấn thương ngực, dập phổi, viêm phổi, lao phổi, khối u ở phổi, tràn dịch hay tràn khí màng phổi…, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán sàng lọc bệnh lý.
  • Đối với những trường hợp bệnh nhân đã có sẵn bệnh lý về phổi, chụp x quang phổi để phát hiện sớm các bất thường ở phổi, đồng thời theo dõi tiến triển.
  • Các triệu chứng về bệnh lý về tim mạch cũng cần chụp Xquang ngực.

Lợi ích và hạn chế của chụp x-quang phổi

1. Lợi ích

Có thể nói, chụp x quang phổi là kỹ thuật thăm khám hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng, giúp bác sĩ đưa ra đánh giá và theo dõi bệnh lý về phổi. Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ sẽ nhanh chóng phát hiện các bất thường về lồng ngực và lên kế hoạch điều trị bệnh hiệu quả nhất; đồng thời theo dõi tình trạng hồi phục của người bệnh nếu đang trong thời gian điều trị bệnh.

Chụp x quang phổi có những ưu điểm cụ thể như:

  • Được thực hiện nhanh chóng, không gây đau.
  • Là phương pháp thăm khám hình ảnh ít tốn kém.
  • Chụp X quang ngực có thể giúp xác định hình ảnh của các cơ quan thuộc lồng ngực như hai lá phổi, bóng tim, bộ xương thành ngực, mạch máu, đường thở.. làm cơ sở hỗ trợ để các bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
  • Chụp x-quang phổi có thể nhìn thấy các tổn thương đủ lớn, không bị chồng lấp trên trường khảo sát.

2. Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, chụp x quang phổi còn tồn tại một số hạn chế như:

  • Đến nay, kỹ thuật này không cho phép các bác sĩ thấy được những tổn thương nhỏ, hoặc bệnh lý đang ở giai đoạn sớm.
  • Khi chụp X quang phổi, tổn thương phổi có thể bị che bởi bóng tim, xương sườn…
  • Đối với những tổn thương ở vị trí khó quan sát như hai đỉnh phổi, chụp X-quang không phải là kỹ thuật tối ưu nhất.
  • Chụp X-quang ngực không thấy rõ được những đặc tính bên trong của tổn thương.
  • Chụp xquang phổi có thể là chống chỉ định tương đối đối với phụ nữ mang thai do bức xạ của tia X. Và vì những bất lợi của tia X nên việc chụp x-quang phổi phải được tiến hành trong điều kiện an toàn về mặt kỹ thuật. Phòng chụp, máy móc, trang thiết bị chụp phải đạt tiêu chuẩn an toàn do Bộ y tế và Tổ chức y tế thế giới đề ra.

Chụp X-quang phổi giúp phát hiện những bệnh gì?

Về nguyên lý, máy X-quang sẽ chiếu tia X vào ngực và cho ra các hình ảnh cụ thể. Theo đó, tia X sẽ xuyên qua các cơ quan của lồng ngực, khi gặp phim sẽ cho ra hình ảnh tim, phổi, mạch máu, bộ xương thành ngực, đường thở…(2)

Dựa vào hình ảnh này, bác sĩ có thể xác định và chẩn đoán sớm một số trường hợp bệnh lý như sau:

1. Tràn dịch màng phổi

Thông thường, trong khoang màng phổi có chứa một lượng dịch khoảng 10-15ml. Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch này nhiều hơn con số đó. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng tràn dịch màng phổi, và được biểu hiện trên phim chụp X quang ngực thẳng khi lượng dịch đủ lớn từ 175ml trở lên. Cụ thể, đối với tràn dịch màng phổi, trên phim xquang phổi thường sẽ cho hình ảnh mờ đồng nhất ở đáy phổi, xóa bờ tim và vòm hoành, tù góc sườn hoành, nếu tràn dịch lượng nhiều sẽ đẩy tim, trung thất sang bên đối diện.

Đối với trường hợp tràn dịch vừa phải, trên phim chụp xquang có thể sẽ cho thấy ranh giới trên là một đường cong lõm lên trên.

Đối với trường hợp tràn dịch nhiều, trên phim chụp X-quang có thể thấy mờ toàn bộ một bên phổi.

Ngoài ra chụp X-quang phổi được áp dụng trong chẩn đoán ung thư thanh quản, giúp các chuyên gia chẩn đoán và phân tích đúng bệnh.

xquang tran dich mang phoi
Dựa vào phim chụp xquang phổi bác sĩ có thể xác định, chẩn đoán sớm một số trường hợp bệnh lý về phổi.

2. Tràn khí màng phổi

Kỹ thuật chụp x quang tràn khí màng phổi có thể giúp phát hiện tình trạng tràn khí ở màng phổi. Đây là hiện tượng khí lọt vào giữa hai lá màng phổi. Khi đó, trên phim chụp x quang phổi sẽ thấy được hình ảnh tăng sáng không thấy bóng mờ mạch máu phổi, phổi lúc này bị ép lại, thấy rõ đường viền màng phổi tạng, rộng khoang liên sườn, đẩy tim và trung thất sang phía đối diện, vòm hoành hạ thấp.

3. Viêm phổi

Có rất nhiều loại nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi như: viêm phổi virus, viêm phổi tụ cầu, lao phổi… Nhìn chung, khi bệnh nhân bị viêm phổi, hình ảnh trên phim chụp X – quang sẽ xuất hiện có những đám mờ với nhiều hình dạng khác nhau. Những đám mờ này sẽ xuất hiện rải rác hoặc tập trung tại khu vực nhu mô phổi.

4. Xẹp phổi

Trên phim chụp xquang phổi còn cho thấy dấu hiệu xẹp thùy phổi hoặc phân thùy phổi. Khi đó, trên phim chụp X – quang sẽ xuất hiện hình mờ dạng đường hoặc đám, gây co kéo vùng phổi bên cạnh, trung thất, rốn phổi về phía tổn thương…

5. Áp xe phổi

Hình ảnh áp xe trên phim chụp X-quang thường ở dạng hình tròn, có bờ không đều, có mức hơi – dịch bên trong.

6. Lao phổi

Tùy vào mỗi loại lao phổi mà hình ảnh chụp x quang phổi sẽ cho ra những kết quả khác nhau, cụ thể:

  • Lao sơ nhiễm: Ảnh chụp X quang sẽ có hình quả tạ được tạo nên bởi ổ sơ nhiễm lao, viêm hạch rốn phổi và đường bạch mạch.
  • Lao thâm nhiễm sớm: Ảnh chụp xquang phổi sẽ xuất hiện đám mờ không đồng đều, ranh giới không rõ ở vùng trên phổi.
  • Lao phổi mạn tính: Ảnh X quang có hình nốt, hình xơ, hình hang, co kéo xẹp phổi.
  • Lao kê: Ảnh X – quang xuất hiện nhiều chấm mờ nhỏ rải rác khắp 2 trường phổi.

7. Ung thư phổi

Dựa vào hình ảnh phim chụp x quang phổi, bác sĩ cũng có thể biết được các dấu hiệu ung thư phổi gồm: ung thư phổi di căn thể kê, ung thư phổi di căn thể thả bóng, ung thư phổi nguyên phát. Theo đó, ung thư phổi di căn thể kê, các nốt mờ thường tập trung chủ yếu ở vùng dưới phổi, gọn và rõ nét hơn lao kê.

Các bước chụp Xquang phổi và người bệnh cần lưu ý gì?

1. Chuẩn bị trước khi chụp x quang phổi

Để đảm bảo kết quả chính xác nhất, trước khi chụp xquang phổi người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Mang theo đầy đủ hồ sơ bệnh án, phiếu xét nghiệm, kết quả chụp X- quang trước đó (nếu có) để làm cơ sở giúp các bác sĩ so sánh, từ đó đưa ra kết luận chuẩn xác nhất.
  • Nếu người bệnh là phụ nữ đang mang thai, hoặc nghi ngờ mang thai thì cần phải thông báo cho bác sĩ để tránh những ảnh hưởng không tốt của tia X đến thai nhi.
  • Khi đi chụp x quang phổi, người bệnh nên mặc đồ mỏng, nhẹ hoặc mặc áo do bệnh viện phát.
  • Khi chụp X quang, người bệnh cần chú ý tháo bỏ các vật dụng như vòng cổ, nhẫn, bông tai, cặp tóc, hoặc các vật dụng kim loại khác… để tránh gây ảnh hưởng đến phim chụp. (3)

2. Tiến hành chụp

Quá trình chụp x quang phổi sẽ được thực hiện tại phòng thiết kế chuyên biệt, với trang thiết bị được lắp đặt cẩn thận để ngăn chặn tia X phóng ra ngoài gây ảnh hưởng tới người khác. Quy trình chụp x quang phổi sẽ bao gồm các bước sau:

  • Sau khi di chuyển đến phòng chụp, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn đứng gần tấm chứa phim X-quang hoặc đầu thu đặc biệt để ghi được hình ảnh vào máy tính.
  • Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách đứng chụp, hoặc di chuyển theo những vị trí, góc độ khác nhau theo yêu cầu của kỹ thuật viên để tăng độ nét cho hình ảnh X-quang. Trong trường hợp tư thế đứng gặp khó khăn, bệnh nhân có thể chụp xquang phổi trong tư thế ngồi hoặc nằm.
  • Trong lúc chụp, người bệnh cần hít một hơi sâu và nín thở trong vài giây. Việc giữ hơi thở sau khi hít vào sẽ giúp tim và phổi hiển thị rõ ràng hơn trên ảnh.
xquang tim phoi
Chụp Xquang phổi sẽ được thực hiện tại phòng thiết kế chuyên biệt, với trang thiết bị được lắp đặt cẩn thận để ngăn chặn tia X.

3. Đọc kết quả chụp xquang phổi

Thông qua phim chụp X – quang, bác sĩ sẽ có thể nhận thấy được tình trạng, dấu hiệu trên hình ảnh nghi ngờ bệnh ung thư, viêm phổi hoặc các vấn đề về phổi khác nếu có. Sau đó, các bác sĩ sẽ thảo luận về kết quả chẩn đoán và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm hoặc biện pháp khác nếu cần thiết.

Cụ thể, đối với một ảnh chụp x quang phổi có kết quả bình thường sẽ bao gồm những điều sau:

  • Kích thước và hình dáng phổi bình thường.
  • Không có khối, hay biến chứng nào trong phổi. Màng phổi bình thường.
  • Kích thước các mạch máu, bóng tim bình thường.
  • Bộ xương thành ngực bình thường.
  • Không tích tụ chất lỏng, khí, hay dị vật lạ trong khoang phổi.
hinh anh chup xquang phoi binh thuong
Hình ảnh chụp xquang phổi.

Trong trường hợp, phim chụp X – quang ngực cho ra kết quả bất thường có thể bạn đang mắc các bệnh lý liên quan như:

  • Phát hiện những chấn thương, khối u, hay phù phổi.
  • Phát hiện những dấu hiệu viêm nhiễm của bệnh lao phổi, viêm phổi.
  • Xuất hiện dịch quanh phổi, khí xung quanh.
  • Phát hiện các tổn thương xương sườn, xương đòn, cột sống ngực.
  • Trong đường thở, thực quản, phổi có sự xuất hiện của hạch to hoặc vật thể lạ.
  • Bất thường về tim hay các mạch máu lớn vùng ngực

Câu hỏi liên quan khác về chụp Xquang phổi

1. Chụp x quang phổi có cần nhịn ăn không?

Hiện nay, chụp Xquang phổi không cần nhịn ăn.

2. Chụp x quang phổi có ảnh hưởng gì không?

Tia X phát ra từ máy chụp X-quang có thể dễ dàng xuyên qua các mô mềm, chất lỏng trong cơ thể. Nếu chụp tia X quá nhiều, kèm theo cường độ mạnh có thể sẽ gây hại và làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Tuy nhiên, chụp X-quang sẽ không gây hại cho sức khỏe nếu như tần suất, và thời gian giãn cách giữa những lần chụp hợp lý. Khi chụp X – quang, cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp bệnh nhân quá lạm dụng và tự ý đi chụp. Hiện tại, bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi chụp X – quang ngực, vì lượng tia X rất thấp.

Trong trường hợp người bệnh buộc phải chụp X – quang nhiều, thì nên dùng các thiết bị giúp giảm thiểu và ngăn chặn những tác dụng phụ của tia X.

Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra những tiêu chuẩn an toàn trong việc áp dụng kỹ thuật chụp X-quang. Theo đó, quá trình chụp X-quang cần được diễn ra trong điều kiện an toàn. Thiết bị, máy móc, phòng chụp phải đạt tiêu chuẩn, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Song song đó, đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện chụp X-quang phải có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản để có thể phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. (4)

3. Chụp Xquang phổi có phát hiện ung thư phổi không?

Hình ảnh phim chụp X quang ngực có thể gợi ý các dấu hiệu ung thư phổi gồm: ung thư phổi di căn thể thả bóng, ung thư phổi di căn thể kê, ung thư phổi nguyên phát.

4. Chụp X quang phổi bao nhiêu tiền, nên chụp ở đâu?

Ngoài việc tìm hiểu các thông tin về chụp xquang phổi, thì lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn khám chữa bệnh là điều vô cùng quan trọng.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bên cạnh việc quy tụ đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện còn sở hữu cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại đạt chuẩn quốc tế, giúp mang đến kết quả khám chữa bệnh trong đó có kỹ thuật chụp xquang phổi, x quang khớp vai chính xác, an toàn, nhanh chóng.

Từ khóa » X Quang Trẻ Em