Chuyện Cảm động Xung Quanh Bài Thơ “Em Liên Lạc” Của đồng Chí Lê ...

  • Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Đức Thọ với Cách mạng Việt Nam"
  • Khánh thành khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ tại Nam Định
  • Nhớ những lần tới thăm và chúc tết đồng chí Lê Đức Thọ
  • Đọc lại bài thơ “Anh chiến sĩ an ninh” của đồng chí Lê Đức Thọ

Cự Nẫm thuộc huyện Bố Trạch không những là “làng chiến đấu kiểu mẫu” của tỉnh Quảng Bình mà còn là của toàn quốc trong kháng chiến chống Pháp, vì quân dân biết tự rào làng chiến đấu, chống địch càn quét, bảo vệ cuộc sống của mình vô cùng oanh liệt.

Cự Nẫm trong chiến tranh chống Mỹ là cửa ngõ của chiến trường. Đây là nơi các đoàn quân trước khi vào Nam đều dừng lại để củng cố, trang bị thêm lực lượng, đạn dược, vũ khí. Người dân chịu nhiều đau thương do bom đạn Mỹ giội xuống, nhưng cũng tận tâm làm tròn nghĩa vụ của một hậu phương “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”. Bởi vậy, Cự Nẫm đã hai lần được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đã đi vào thơ ca, nhạc họa của nhiều tác giả nhiều thời kỳ.

Tháng 3-1948, sau nhiều trận thua đau, thực dân Pháp đã liều lĩnh mở một cuộc càn quét lớn, có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ nhằm chiếm lại những vị trí quan trọng của nhiều tuyến đường chiến lược đi qua miền trung du rộng lớn phía Tây Bố Trạch - Quảng Bình.

Đồng chí Lê Đức Thọ.

Sau 3 ngày đêm quyết tử, nhằm bảo vệ sinh lực cách mạng, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Bình, các đơn vị dân quân xã Cự Nẫm liền rút lui về các địa phương chung quanh, còn một số ở lại trong làng, bí mật chiến đấu. Chú bé Nguyễn Xuân Cang mới 15 tuổi, liên lạc viên của đại đội dân quân Cự Nẫm được điều lên làm liên lạc ở tuyến giao liên đường rừng của chiến khu U Bò - Ba Rền phía Tây Bố Trạch.

Nơi đây, có điểm cao nhất là 530m so với mặt nước biển, là điểm dừng chân, nghỉ ngơi của các đoàn dân công, bộ đội, cán bộ vào Nam hay ra Bắc để tránh các lực lượng bố phòng của Pháp và quân ngụy ở đồng bằng.

Tháng 11 - 1948, có đoàn cán bộ Trung ương từ Việt Bắc, trên đường vào Nam công tác đã dừng chân lại đây. Đoàn gồm có 4 người, do đồng chí Lê Đức Thọ (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng) làm Trưởng đoàn.

Theo kế hoạch, đoàn về làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình, lúc này đang tá túc trong rừng tại xã Xuân Trạch. Đây là tuyến đường rừng lắm dốc, lắm suối, lại hay bị địch phục kích, vì thế Nguyễn Xuân Cang có nhiệm vụ dẫn đường an toàn cho đoàn cán bộ cao cấp này. Trên đường đi, những tối cùng ngủ lại trong lán, giữa rừng, đồng chí Lê Đức Thọ đã hỏi han quê hương, gia đình, cuộc sống của Nguyễn Xuân Cang. Và những gì nghe và thấy được trên đường, đồng chí Lê Đức Thọ đã viết thành bài thơ “Em liên lạc”.

Sau 4 ngày ở lại chiến khu U Bò - Ba Rền và căn cứ Tỉnh ủy Quảng Bình ở xã Xuân Trạch, đoàn công tác của đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục lên đường vào Nam. Khi chia tay cuối dốc U Bò, đồng chí Lê Đức Thọ ôm Nguyễn Xuân Cang vào lòng, thơm lên trán em và tặng em một bộ áo quần cũ, một chiếc bi đông đựng nước.

Canh đã từ chối, nhưng, đồng chí Lê Đức Thọ bắt em phải nhận và bảo: “Em nhờ các chị chữa áo quần nhỏ lại bớt mà mặc, kẻo áo quần của em rách hết cả rồi. Còn cái bi đông nấu nước sôi đổ vào mà uống khi đi công tác. Uống nước khe nhiều là nhiễm bệnh đó!”. Rồi ông móc túi tặng em bài thơ “Em liên lạc”. Bài thơ được viết trên một tờ giấy bổi. Cang đã cất giữ được trong một thời gian dài, rồi sau đó bị nhàu nát vì mưa gió trong những lần đi công tác. Tuy nhiên, bài thơ đã được Cang học thuộc lòng. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phi - Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS sau đó là Trường PTTH Cự Nẫm, nhà thơ, hội viên Hội VHNT Quảng Bình, người cùng xóm, được anh Nguyễn Xuân Cang lúc còn sống kể lại rành rọt chuyện mình làm liên lạc và nhận bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ như thế nào, khi đang còn đương chức, rồi ghi lại bài thơ ấy từ anh Nguyễn Xuân Cang và lưu lại cho đến bây giờ.

Người viết bài này đã đối chiếu không sai sót bao nhiêu so với văn bản mà tác giả Lê Đức Thọ cho in trong tuyển tập thơ của ông do NXB Văn học ấn hành năm 1986 (trang 32 - 33), với lời đề tựa: “Tặng các em liên lạc quãng đường Ba Rền - Liên khu bốn”.

Chuyện tác giả, nhân vật trong bài thơ, gia đình và bài thơ đã đi vào kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Hữu Phi những ngày còn đứng lớp của ông. Ông cho tôi biết, bài thơ của tác giả Lê Đức Thọ viết vào tháng 11/1948 dài 78 câu. Đó là một phóng sự - thơ kể lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và cậu bé liên lạc Nguyễn Xuân Cang. Sách giáo khoa Ngữ văn Trường THCS trước 1985, Bộ Giáo dục đã trích từ câu 13 đến câu 36 để đưa vào chương trình dạy và học.

Sau đây là toàn đoạn trích đó: “Tuổi em nay mới mười lăm/ Người làng Cự Nẫm chắc anh biết rồi/ Mới hôm nào, giặc đến nơi/ Cửa nhà giây phút tơi bời ra tro/ Mẹ em thất lạc đường mô/ Ngày nay sống chết, đói no thế nào?”/ (Mắt nhìn trong thăm thẳm/ Lời em nói nghẹn ngào/ Cây rừng im tiếng gió/ Lòng anh thấy nao nao)/ Rồi từ buổi ấy em liên lạc/ Khi ở Nhã Nam, khi Ngọn Rào/ Đường luồn qua rừng rậm/ Hiểm trở và gian lao/ Vách lèn thăm thẳm đứng/ Dốc ngước mấy tầm cao/ Vịn cây, em lần bước/ Có khi ngã lộn nhào/ Mắt hoa đầu gối mỏi/ Xuống dốc, người như lao/ Gió lạnh mồ hôi đẫm/ Hơi thở bật từng hồi/ “Lâu ngày quen anh ạ!/ Cực khổ mà em vui”.

Ông Nguyễn Hữu Phi kể lại một kỷ niệm khó quên, khoảng năm 1980, ông đang là giáo viên dạy văn Trường THCS Tây Trạch, huyện Bố Trạch. Hưởng ứng đợt thao giảng lấy thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) cũng là lúc sắp có tiết giảng văn đoạn trích trên. Giờ giảng đó, có đầy đủ giáo viên giảng dạy cùng bộ môn và lãnh đạo trường, đủ các thành phần đến dự.

Thật bất ngờ, gần cuối tiết học, phòng học bỗng có tiếng khóc nức nở. Mọi người giật mình, không rõ tại sao. Thì ra, đó là tiếng khóc của em Nguyễn Văn Thùy, con út của liệt sĩ Nguyễn Xuân Cang. Bố em, nhân vật trong bài thơ đang được thầy giáo Nguyễn Hữu Phi giảng dạy. Em khóc vì thấy bố mình là con người khí phách như thế. Tự hào, cảm động qua lời dạy của thầy, đã làm em trào nước mắt.

Đó là một kỷ niệm sâu sắc trong đời làm thầy giáo của nhà thơ Nguyễn Hữu Phi mà không phải ai cũng có được.

Nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Hữu Phi (bên trái) cùng anh Nguyễn Văn Thùy bên mộ liệt sĩ Nguyễn Xuân Cang tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cự Nẫm.

Nguyễn Xuân Cang trong chống Mỹ cứu nước là Trưởng trạm 14 Xăng dầu, thuộc Binh đoàn 559, đóng quân trên đường chiến lược 15A, đoạn qua Bố Trạch. Ngày 21/3/1971, anh đã hy sinh trong chuyến chỉ huy đội thuyền chở hàng phục vụ chiến trường tại phà Xuân Sơn, tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hiện nay. Gia đình và địa phương đã đưa hài cốt của anh về an nghỉ tại nghĩa trang xã Cự Nẫm, một nghĩa trang khang trang, bề thế, tôn nghiêm.

Vợ anh, bà Nguyễn Thị Đính sinh hạ với chồng được 3 đứa con trai. Bà tần tảo, một mình nuôi các con từ lúc 39 tuổi, khi chồng bà mãi mãi ra đi. Làm thân cò lặn lội vượt qua dốc cuộc đời quá nhọc nhằn và khổ ải giữa vùng quê nghèo làng Cự Nẫm này, bà Nguyễn Thị Đính quả là một hình ảnh tuyệt vời về truyền thống đảm đang, chịu thương, chịu khó của những người phụ nữ Việt Nam có chồng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Bây giờ, các con của bà đã trưởng thành. Một đang sống ở Khe Sanh, một là y tá điều dưỡng tại Bệnh viện Việt Nam - Hà Lan (Đông Hà - Quảng Trị). Riêng cậu út là Nguyễn Văn Thùy, sau những năm đi làm thợ nề nhiều nơi, đã đưa vợ và hai con về sống ở quê, để phụng dưỡng mẹ tuổi già.

Bài thơ “Em liên lạc” của tác giả Lê Đức Thọ đã góp phần làm phong phú nền thơ ca hiện đại Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và đoạn trích của bài thơ đưa vào chương trình giảng dạy ở trường THCS một thời gian dài và kỷ niệm ngày lên lớp giảng dạy đoạn thơ ấy của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Hữu Phi đã trở thành những trầm tích.

Tháng 8 năm 2018, ở tuổi 77, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Hữu Phi đã cho ra đời tổng tập “Thơ văn và cuộc đời” của mình do NXB Hội Nhà văn ấn hành, dày 458 trang, khổ 16x24cm, trong đó có chuyện kể sự ra đời của bài thơ “Em liên lạc” của tác giả Lê Đức Thọ thật hấp dẫn người đọc.

Đồng Hới, 9/2018

Từ khóa » Em Liên Lạc