Chuyên đề: đọc Hiểu Tiếng Việt A. Những Vấn... - Nghị Luận Văn Học
Có thể bạn quan tâm
Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016
CHUYÊN ĐỀ: ĐỌC HIỂU TIẾNG VIỆT A.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG: I.Phạm vi và yêu cầu của phần đọc – hiểu trong kì thi THPTQG: 1)Phạm vi: -Văn bản văn học (Văn bản nghệ thuật): + Văn bản trong chương trình (Nghiêng nhiều về các văn bản đọc thêm). + Văn bản ngoài chương trình (Các văn bản cùng loại với các văn bản được học trong chương trình). -Văn bản nhật dụng (Loại văn bản có nội dung gần gũi, bức thiết đối với cuộc sống trước mắt của con người và cộng đồng trong xã hội hiện đại như: Vấn dề chủ quyền biển đảo, thiên nhiên, môi trường, năng lượng, dân số, quyền trẻ em, ma tuý, ... Văn bản nhật dụng có thể dùng tất cả các thể loại cũng như các kiểu văn bản song có thể nghiêng nhiều về loại văn bản nghị luận và văn bản báo chí). -Xoay quanh các vấn đề liên quan tới: + Tác giả. + Nội dung và nghệ thuật của văn bản hoặc trong SGK hoặc ngoài SGK: 50% lấy trong SGK (và 50% ngoài SGK). -Dài vừa phải. Số lượng câu phức và câu đơn hợp lý. Không có nhiều từ địa phương, cân đối giữa nghĩa đen và nghĩa bóng. 2)Yêu cầu cơ bản của phần đọc – hiểu: -Nhận biết về kiểu (loại), phương thức biểu đạt, cách sử dụng từ ngữ, câu văn, hình ảnh, các biện pháp tu từ,… -Hiểu đặc điểm thể loại, phương thức biểu đạt, ý nghĩa của việc sử dụng từ ngữ, câu văn, hình ảnh, biện pháp tu từ. -Hiểu nghĩa của một số từ trong văn bản -Khái quát được nội dung cơ bản của văn bản, đoạn văn. -Bày tỏ suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn. II.Những kiến thức cần có để thực hiện việc đọc – hiểu văn bản: 1)Kiến thức về từ: -Nắm vững các loại từ cơ bản: Danh từ, động từ, tính từ, trợ từ, hư từ, thán từ, từ láy, từ ghép, từ thuần Việt, từ Hán Việt… -Hiểu được các loại nghĩa của từ: Nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa gốc, nghĩa chuyển, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu thái… 2)Kiến thức về câu: -Các loại câu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp -Các loại câu phân loại theo mục đích nói (trực tiếp, gián tiếp). -Câu tỉnh lược, câu đặc biệt, câu khẳng định, câu phủ định,… 3)Kiến thức về các biện pháp tu từ: -Tu từ về ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh, tạo âm hưởng và nhịp điệu cho câu,… -Tu từ về từ: So sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, chơi chữ, nói giảm, nói tránh, thậm xưng,… -Tu từ về câu: Lặp cú pháp, liệt kê, chêm xen, câu hỏi tu từ, đảo ngữ, đối, im lặng,… 4)Kiến thức về văn bản: -Các loại văn bản. -Các phương thức biểu đạt. III.Cách thức ôn luyện: 1)Nắm được các yêu cầu và hình thức kiểm tra của phần đọc hiểu trong bài thi quốc gia: a)Về hình thức: -Phần đọc hiểu thường là câu 2 điểm trong bài thi. -Đề ra thường là chọn những văn bản phù hợp (Trong cả chương trình lớp 11 và 12 hoặc là một đọan văn, thơ, một bài báo, một lời phát biểu trong chương trình thời sự… ở ngoài SGK) phù hợp với trinh độ nhận thức và năng lực của học sinh. b)Các câu hỏi phần đọc hiểu chủ yếu là kiến thức phần Tiếng Việt. Cụ thể: -Về ngữ pháp, cấu trúc câu, phong cách ngôn ngữ. -Kết cấu đọan văn; Các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong ngữ liệu đưa ra ở đề bài. (*Hoặc tập trung vào một số khía cạnh như: Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản? Ý nghĩa của văn bản? Đặt tên cho văn bản? Sửa lỗi văn bản…) B.NỘI DUNG ÔN TẬP: LÝ THUYẾT 1)Khái niệm và mục đích đọc hiểu văn bản: a.Khái niệm: -Đọc là một hoạt động của con người, dùng mắt để nhận biết các kí hiệu và chữ viết, dùng trí óc để tư duy và lưu giữ những nội dung mà mình đã đọc và sử dụng bộ máy phát âm phát ra âm thanh nhằm truyền đạt đến người nghe. -Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ của sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa của mối quan hệ đó. Hiểu còn là sự bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống. Hiểu là phải trả lời được các câu hỏi Cái gì? Như thế nào? Làm thế nào? Đọc hiểu là đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng - sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt. b.Mục đích: -Trong tác phẩm văn chương, đọc hiểu là phải thấy được: + Nội dung của văn bản. + Mối quan hệ ý nghĩa của văn bản do tác giả tổ chức và xây dựng. + Ý đồ, mục đích? + Thấy được tư tưởng của tác giả gửi gắm trong tác phẩm. + Giá trị đặc sắc của các yếu tố nghệ thuật. + Ý nghĩa của từ ngữ được dùng trong cấu trúc văn bản. + Thể lọai của văn bản? Hình tượng nghệ thuật? 2)Phong cách ngôn ngữ: -Yêu cầu: + Nắm được có bao nhiêu loại phong cách ngôn ngữ. + Khái niệm. + Đặc trưng. + Cách nhận biết. 2.1)Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: -Khái niệm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức, dùng để thông tin ,trao đổi ý nghĩ, tình cảm….đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống. -Đặc trưng: + Giao tiếp mang tư cách cá nhân. + Nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp. -Nhận biết: + Gồm các dạng: Chuyện trò, nhật kí, thư từ. + Ngôn ngữ: Khẩu ngữ, bình dị, suồng sã, địa phương. 2.2)Phong cách ngôn ngữ khoa học: -Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học. Là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu. -Đặc trưng + Chỉ tồn tại chủ yếu ở môi trường của những người làm khoa học. + Gồm các dạng: khoa học chuyên sâu; Khoa học giáo khoa; Khoa học phổ cập. + Có 3 đặc trưng cơ bản: (Thể hiện ở các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ,câu, đọan văn,văn bản). •Tính khái quát, trừu tượng. •Tính lí trí, lô gíc. •Tính khách quan, phi cá thể. 2.3)Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật: -Khái niệm: Là loại phong cách ngôn ngữ được dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (Văn xuôi nghệ thuật, thơ, kich). -Đặc trưng: + Tính thẩm mĩ. + Tính đa nghĩa. + Thể hiện dấu ấn riêng của tác giả. 2.4)Phong cách ngôn ngữ chính luận: -Khái niệm: Là phong cách ngôn ngữ được dùng trong những văn bản trực tiếp bày tỏ tư tưởng, lập trường, thái độ với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội. -Mục đích: Tuyên truyền, cổ động, giáo dục, thuyết phục người đọc, người nghe để có nhận thức và hành động đúng. -Đặc trưng: + Tính công khai về quan điểm chính trị: Rõ ràng, không mơ hồ, úp mở. Tránh sử dụng từ ngữ mơ hồ chung chung, câu nhiều ý. + Tính chặt chẽ trong biểu đạt và suy luận: Luận điểm, luận cứ, ý lớn, ý nhỏ, câu đọan phải rõ ràng, rành mạch. + Tính truyền cảm, thuyết phục: Ngôn từ lôi cuốn để thuyết phục; giọng điệu hùng hồn, tha thiết, thể hiện nhiệt tình và sáng tạo của người viết. (Dẫn chứng trong “Về luân lý xã hội ở nước ta” và “Xin lập khoa luật” ) 2.5)Phong cách ngôn ngữ hành chính: -Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính. Là giao tiếp giữa nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác. -Đặc trưng: Phong cách ngôn ngữ hành chính có 2 chức năng: + Chức năng thông báo: thể hiện rõ ở giấy tờ hành chính thông thường. VD: Văn bằng, chứng chỉ các loại, giấy khai sinh, hóa đơn, hợp đồng,… + Chức năng sai khiến: bộc lộ rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của cấp trên gửi cho cấp dưới, của nhà nước đối với nhân dân, của tập thể với các cá nhân. 2.6)Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn): -Khái niệm: Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thong báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Là phong cách được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề thời sự: (thông tấn có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi). -Một số thể loại văn bản báo chí: + Bản tin: Cung cấp tin tức cho người đọc theo 1 khuôn mẫu: Nguồn tin - Thời gian - Địa điểm - Sự kiện - Diễn biến - Kết quả. + Phóng sự: Cung cấp tin tức nhưng mở rộng phần tường thuật chi tiết sự kiện, miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có 1 cái nhìn đầy đủ, sinh động, hấp dẫn. + Tiểu phẩm: Giọng văn thân mật, dân dã, thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm nhưng hàm chứa 1 chính kiến về thời cuộc. 3)Phương thức biểu đạt: -Yêu cầu: + Nắm được có bao nhiêu phương thức biểu đạt (6). + Khái niệm. + Đặc trưng của từng phương thức biểu đạt. 3.1)Tự sự (kể chuyện, tường thuật): -Khái niệm: Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự việc này đẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện 1 ý nghĩa. -Đặc trưng: + Có cốt truyện. + Có nhân vật tự sự, sự việc. + Rõ tư tưởng, chủ đề. + Có ngôi kể thích hợp. Ví dụ: “Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ, sai đi bắt tôm, bắt tép và hứa, đứa nào bắt được đầy giỏ sẽ thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ, lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi bắt đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám quen được nuông chiều, chỉ ham chơi nên mãi đến chiều chẳng bắt được gì.” (Tấm Cám) 3.2)Miêu tả: -Khái niệm: Miêu tả là việc dùng từ ngữ tái hiện lại cho người đọc, người nghe nội dung những sự vật, sự việc, đã hoặc đang xảy ra, hoặc được chứng kiến. Ví dụ: “Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bên bờ sông thành một khối tím sẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát” 3.3)Biểu cảm: -Khái niệm: Là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh. Ví dụ: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa như ngồi đống than (Ca dao) 3.4)Nghị luận: -Khái niệm: Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết. Ví dụ: “Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì phải có nhiều người tài giỏi. Muốn có nhiều người tài giỏi thì học sinh phải ra sức học tập văn hóa và rèn luyện thân thể, bởi vì chỉ có học tập và rèn luyện thì các em mới có thể trở thành những người tài giỏi trong tương lai” (Tài liệu hướng dẫn đội viên) 3.5)Thuyết minh: -Khái niệm: Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức về 1 sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc, người nghe. -Đặc trưng: + Các luận điểm đưa đúng đắn, rõ ràng, phù hợp với đề tài bàn luận. + Lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, chính xác, làm sáng tỏ luận điểm .+ Các phương pháp thuyết minh : •Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích. •Phương pháp liệt kê. •Phương pháp nêu ví dụ , dùng con số. •Phương pháp so sánh. •Phương pháp phân loại ,phân tích. Ví dụ: “Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn của hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải…” (Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000) 3.6)Hành chính – công vụ: -Văn bản thuộc phong cách hành chính công vụ là văn bản được các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ban hành. Văn bản này qui định, ràng buộc mối quan hệ giữa các tổ chức nhà nước với nhau, giữa các cá nhân với nhau, giữa nhà nước với nhân dân… trong khuôn khổ hiến pháp và các bộ luật văn bản pháp lý dưới luật từ trung ương tới địa phương. Ví dụ: “Điều 5: Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu nhân dân, dung túng, bao che cho cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật." 4)Phương thức trần thuật: -Trần thuật từ ngôi thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện (Lời trực tiếp) -Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình. -Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu minh, nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọnh điệu của nhân vật trong tác phẩm (Lời nửa trực tiếp) 5)Phép liên kết: -Phương tiện liên kết là yếu tố ngôn ngữ được sử dụng nhằm làm bộc lộ mối dây liên lạc giữa các bộ phận có liên kết với nhau. Cách sử dụng những phương tiện liên kết cùng loại xét ở phương tiện cái biểu hiện được gọi là phép liên kết. -Có các phép liên kết chính sau đây: phép lặp, phép thế, phép liên tưởng, phép nghịch đối, phép nối. 5.1)Phép lặp: -Khái niệm: Phép lặp là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ, ở những bộ phận khác nhau (trước hết ở đây là những câu khác nhau) của văn bản nhằm liên kết chúng lại với nhau. Phép lặp, ngoài khả năng kết nối các bộ phận hữu quan của văn bản lại với nhau, còn có thể đem lại những ý nghĩa tu từ như nhấn mạnh gây cảm xúc, gây ấn tượng... -Các phương tiện dùng trong phép lặp là: + Các yếu tố ngữ âm (vần, nhịp), gọi là lặp ngữ âm. + Các từ ngữ, gọi là lặp từ ngữ. + Các cấu tạo cú pháp, gọi là lặp cú pháp. 5.1.1)Lặp ngữ âm: -Khái niệm: Lặp ngữ âm là hiện tượng hiệp vần và cắt nhịp đều đặn các câu trong văn bản. Vai trò của lặp ngữ âm rất hiển nhiên trong thơ. Có trường hợp văn bản tồn tại chủ yếu bằng liên kết vần nhịp, không có liên kết ở mặt ý nghĩa. (vần được in thẳng) Ví dụ: Ðòn gánh / có mấu Củ ấu / có sừng Bánh chưng / có lá Con cá / có vây Ông thầy / có sách Ðào ngạch / có dao Thợ rào / có búa... (Ngoài lặp vần nhịp, ở đây cũng còn có hiện tượng lặp cú pháp "a có b". Sự liên kết giữa những câu cụ thể với nhau thường được thực hiện cùng một lúc bằng nhiều phương tiện liên kết, và những phương tiện liên kết này có thể thuộc về những phép liên kết khác nhau. Khi chúng ta xem xét một phương tiện liên kết nào đó, hoặc một phép liên kết nào đó, là chúng ta tạm thời bỏ qua những phương tiện liên kết khác có thể đang có mặt). 5.1.2)Lặp từ ngữ: -Khái niệm: Lặp từ ngữ nhắc lại những từ ngữ nhất định ở những phần không quá xa nhau trong văn bản nhằm tạo ra tính liên kết giữa những phần ấy với nhau. Ví dụ: Buổi sáng, Bé dậy sớm ngồi học bài. Dậy sớm học bài là một thói quen tốt. Nhưng phải cố gắng lắm mới có được thói quen ấy. Rét ghê. Thế mà Bé vùng dậy, chui ra được khỏi cái chăn ấm. Bé ngồi học bài. 5.1.3) Lặp cú pháp: -Khái niệm: Lặp cú pháp là dùng nhiều lần một kiểu cấu tạo cú pháp nào đó (có thể nguyên vẹn hoặc biến đổi chút ít) nhằm tạo ra tính liên kết ở những phần văn bản chứa chúng. Lặp những cấu tạo cú pháp đơn giản và ngắn gọn để gây hiệu quả và nhịp điệu, nhờ đó gia tăng được tính liên kết (X. ví dụ về bài đồng dao trên kia) Ví dụ 1: Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu! Cấu tạo ngữ pháp ở 2 câu này là: "Ðề ngữ - dạng câu đặc biệt" (tạo sắc thái cảm thán) Ví dụ 2: Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. [4 đoạn văn tiếp theo minh họa ý này] Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho nhân dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. [4 đoạn văn tiếp theo minh họa ý này] (Hồ Chí Minh) Trong ví dụ 2, cách lặp cú pháp không chỉ 2 câu (đề ngữ - chủ ngữ - vị ngữ), mà còn cả cách tổ chức văn bản gồm 4 đoạn văn kèm theo ở mỗi câu để giải thích ý đưa ra trong mỗi câu ấy. 5.2) Phép thế: -Khái niệm: Phép thế là cách thay những từ ngữ nhất định bằng những từ ngữ có ý nghĩa tương đương (cùng chỉ sự vật ban đầu, còn gọi là có tính chất đồng chiếu) nhằm tạo tính liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng. Có 2 loại phương tiện dùng trong phép thế là thay thế bằng từ ngữ đồng nghĩa và thế bằng đại từ. -Dùng phép thế không chỉ có tác dụng tránh lặp đơn điệu, mà còn có tác dụng tu từ nếu chọn được những từ ngữ thích hợp cho từng trường hợp dùng. 5.2.1)Thế đồng nghĩa: -Khái niệm: Thế đồng nghĩa bao gồm việc dùng từ đồng nghĩa, cách nói vòng (nói khác đi), cách miêu tả thích hợp với từ ngữ được thay thế. Ví dụ: Nghe chuyện Phù Ðổng Thiên Vương, tôi tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ giản dị, như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Ðổng vẫn còn ăn một bữa cơm... (Nguyễn Ðình Thi) 5.2.2)Thế đại từ: -Khái niệm: Thế đại từ là dùng những đại từ (nhân xưng, phiếm định, chỉ định) để thay cho một từ ngữ, một câu, hay một ý gồm nhiều câu v. v... nhằm tạo ra tính liên kết giữa các phần văn bản chứa chúng. Ví dụ 1: Rõ ràng Trống Choai của chúng ta đã hết tuổi bé bỏng thơ ngây. Chú chẳng còn phải quấn quýt quanh chân mẹ nữa rồi. (Hải Hồ) Ví dụ 2: Dân tộc ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. (Hồ Chí Minh) 5.3) Phép liên tưởng: -Khái niệm: Phép liên tưởng là cách sử dụng những từ ngữ chỉ những sự vật có thể nghĩ đến theo một định hướng nào đó, xuất phát từ những từ ngữ ban đầu, nhằm tạo ra mối liên kết giữa các phần chứa chúng trong văn bản. -Phép liên tưởng khác phép thế ở chỗ trong phép thế thì dùng những từ khác nhau để chỉ cùng một sự vật; trong phép liên tưởng, đó là những từ ngữ chỉ những sự vật khác nhau có liên quan đến nhau theo lối từ cái này mà nghĩ đến cái kia (liên tưởng). -Sự liên tưởng có thể diễn ra giữa những sự vật cùng chất cũng như giữa những sự vật khác chất. 5.3.1) Liên tưởng cùng chất: Ví dụ 1 (liên tưởng theo quan hệ bao hàm): Chim chóc cũng đua nhau đến bên hồ làm tổ. Những con sít lông tím, mỏ hồng kêu vang như tiếng kèn đồng. Những con bói cá mỏ dài lông sặc sỡ. Những con cuốc đen trùi trũi len lủi giữa các bụi ven bờ. Quan hệ bao hàm còn thể hiện rõ trong quan hệ chỉnh thể - bộ phận (cây: lá, cành, quả, rễ...) hoặc trong quan hệ tập hợp - thành viên của tập hợp (quân đội: sĩ quan, binh lính......) Ví dụ 2 (liên tưởng đồng loại): Cóc chết bỏ nhái mồ côi, Chẫu ngồi chẫu khóc: Chàng ôi là chàng! Ễnh ương đánh lệnh đã vang! Tiền đâu mà trả nợ làng ngóe ơi! Ví dụ 3 (liên tưởng về số lượng): Năm hôm, mười hôm... Rồi nửa tháng, lại một tháng. (Nguyễn Công Hoan) 5.3.2) Liên tưởng khác chất: Ví dụ 1 (liên tưởng theo quan hệ định vị giữa các sự vật): Nhân dân là bể Văn nghệ là thuyền (Tố Hữu) Ví dụ 2 (liên tưởng theo công dụng - chức năng của vật): Hà Nội có Hồ Gươm Nước xanh như pha mực Bên hồ ngọn Tháp Bút Viết thơ lên trời cao (Trần Ðăng Khoa) Ví dụ 3 (liên tưởng theo đặc trưng sự vật): Mặt trời lên bằng hai con sào thì ông về đến con đường nhỏ rẽ về làng. Không cần phải hỏi thăm nữa cũng nhận ra rặng tre ở trước mặt kia là làng mình rồi. Cái chấm xanh sẫm nhô lên đó là cây đa đầu làng. Càng về đến gần càng trông rõ những quán chợ khẳng khiu nấp dưới bóng đa. (Nguyễn Ðịch Dũng) Làng được đặc trưng bằng rặng tre, cây đa, quán chợ. Ví dụ 4 (liên tưởng theo quan hệ nhân - quả, hoặc nói rộng ra: theo phép kéo theo như tuy... nhưng (nghịch nhân quả), nếu... thì (điều kiện/giả thiết - hệ quả): Ðồn địch dưới thấp còn cách xa gần bốn trăm thước đang cháy thật, tre nứa nổ lốp bốp như cả cái thung lũng đang nổ cháy. Khói lửa dày đặc không động đậy bên dưới, mà bốc ngọn mỗi lúc một cao, ngùn ngụt, gió tạt về phía đồi chỉ huy vàng rực, chói lòe trong nắng, hơi nóng bốc lên tận những đỉnh núi bố trí. (Trần Ðăng) Có khói lửa, hơi nóng là do nổ cháy. 5.4)Phép nghịch đối: -Khái niệm: Phép nghịch đối sử dụng những từ ngữ trái nghĩa vào những bộ phận khác nhau có liên quan trong văn bản, có tác dụng liên kết các bộ phận ấy lại với nhau. Những phương tiện liên kết thường gặp dùng trong phép nghịch đối là: + Từ trái nghĩa. + Từ ngữ phủ định (đi với từ ngữ không bị phủ định). + Từ ngữ miêu tả (có hình ảnh và ý nghĩa nghịch đối). + Từ ngữ dùng ước lệ Ví dụ 1 (dùng từ trái nghĩa): Gia đình mất hẳn vui. Bà khổ, Liên khổ, mà ngay chính cả y cũng khổ. (Nam Cao) Ví dụ 2 (dùng từ ngữ phủ định): Những vấn đề vật chất giải quyết không khó đâu. Bây giờ các đồng chí gặp khó khăn, theo tôi nghĩ, một phần lớn là do không có người quản lí. Có người quản lí rất tận tụy, đồng thời rất kiên trì, thì giải quyết được rất nhiều việc. (Phạm Văn Ðồng) Ví dụ 3 (dùng từ ngữ miêu tả): ... Dẫu sao thì tôi vẫn mắc nợ anh ấy một chút lòng tử tế. Gặp lúc cần đến tôi, tôi phải lấy sự tử tế ra mà đối lại. Không lẽ tôi ghẻ lạnh? Tôi đành xếp tập giấy đang viết dở lại, đi theo anh ấy vậy... (Nam Cao) Ví dụ 4 (dùng từ ngữ ước lệ): Biết rất rõ về tôi, địch quyết bắt tôi khuất phục. Nhưng tôi quyết giữ vững lập trường chiến đấu của mình. (Nguyễn Ðức Thuận) 5.5) Phép nối: -Khái niệm: Phép nối là cách dùng những từ ngữ sẵn mang ý nghĩa chỉ quan hệ (kể cả những từ ngữ chỉ quan hệ cú pháp bên trong câu), và chỉ các quan hệ cú pháp khác trong câu, vào mục đích liên kết các phần trong văn bản (từ câu trở lên) lại với nhau. -Phép nối có thể dùng các phương tiện sau đây: Kết từ, kết ngữ, trợ từ, phụ từ, tính từ, quan hệ về chức năng cú pháp (tức quan hệ thành phần câu hiểu rộng; có sách xếp phương tiện này riêng ra thành phép tỉnh lược). 5.5.1)Nối bằng kết từ: -Khái niệm: Kết từ (quan hệ từ, từ nối) là những hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu, như và, với, thì, mà, còn, nhưng, vì, nếu, tuy, cho nên... Kết từ cũng được dùng để liên kết trong những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu. Ví dụ 1: Nguyễn Trãi sẽ sống mãi trong trí nhớ và tình cảm của người Việt Nam ta. Và chúng ta phải làm cho tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi rạng rỡ ra ngoài bờ cõi nước ta. (Phạm Văn Ðồng) Ví dụ 2: Mỗi tháng, y vẫn cho nó dăm hào. Khi sai nó trả tiền giặt hay mua thức gì, còn năm ba xu, một vài hào, y thường cho nốt nó luôn. Nhưng cho rồi, y vẫn thường tiếc ngấm ngầm. Bởi vì những số tiền cho lặt vặt ấy, góp lại, trong một tháng, có thể thành đến hàng đồng. (Nam Cao) 5.5.2) Nối bằng kết ngữ: -Khái niệm: Kết ngữ là những tổ hợp từ gồm có một kết từ với một đại từ hoặc phụ từ, kiểu như vì vậy, do đó, bởi thế, tuy vậy, nếu vậy, vậy mà, thế thì, với lại, vả lại... hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết kiểu như nghĩa là, trên đây, tiếp theo, nhìn chung, tóm lại, một là, ngược lại... Ví dụ 1: Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác, đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. (Hồ Chí Minh) Ví dụ 2: Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm. (Nam Cao) 5.5.3) Nối bằng trợ từ, phụ từ, tính từ: Một số trợ từ, phụ từ, tính từ tự thân mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết nối các bộ phận trong văn bản, chẳng hạn như cũng, cả, lại, khác... Ví dụ 1: Gà lên chuồng từ lúc nãy. Hai bác ngan cũng đã ì ạch về chuồng rồi. Chỉ duy có hai chú ngỗng vẫn tha thẩn đứng giữa sân. (Tô Hoài) Ví dụ 2: Tiếng hát ngừng. Cả tiếng cười. (Nam Cao) Ví dụ 3: Tôi biết trong vụ này anh không phải là thủ phạm. Thủ phạm là người khác cơ. 5.5.4) Nối theo quan hệ chức năng cú pháp (thành phần câu hiểu rộng): Trong nhiều văn bản, nhất là văn bản nghệ thuật, có những câu chỉ tương đương một bộ phận nào đó (một chức năng cú pháp nào đó) của câu lân cận hữu quan. Ðó là những câu dưới bậc, hoặc ngữ trực thuộc. Ví dụ 1 (câu dưới bậc tương đương bổ ngữ của động từ): Tôi nghĩ đến sức mạnh của thơ. Chức năng và vinh dự của thơ. (Phạm Hổ) Ví dụ 2 (câu dưới bậc tương đương trạng ngữ của câu): Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn. (Nam Cao) 6)Nhận diện những biện pháp tu từ nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó với việc thể hiện nội dung văn bản: 6.1)So sánh: -Khái niệm: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD: Trẻ em như búp trên cành. 6.2)Nhân hoá: -Khái niệm: Là cách dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để miêu tả vật, dùng loại từ gọi người để gọi sự vật không phải là người làm cho sự vật, sự việc hiện lên sống động, gần gũi với con người. VD: Chú mèo đen nhà em rất đáng yêu. 6.3)Ẩn dụ: -Khái niệm: Là cách dùng sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. 6.4)Hoán dụ: -Khái niệm: Là cách dùng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét liên tưởng gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. VD: Đầu bạc tiễn đầu xanh. (Người già tiễn người trẻ: dựa vào dấu hiệu bên ngoài). 6.5)Điệp ngữ: -Khái niệm: Là từ ngữ (hoặc cả một câu) được lặp lại nhiều lần trong khi nói và viết nhằm nhấn mạnh, bộc lộ cảm xúc… VD: Lúa nếp là lúa nếp làng. Lúa lên lớp lớp lòng nàng nâng nâng 6.6)Chơi chữ: -Khái niệm: Là cách lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước. VD: Mênh mông muôn mẫu màu mưa Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ 6.7)Nói quá: -Khái niệm: Là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm. VD: Lỗ mũi mười tám gánh lông Chồng khen chồng bảo râu rồng trời cho 6.8)Nói giảm, nói tránh: -Khái niệm: Là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự. VD: Bác Dương thôi đã thôi rồi Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta 7)Các thao tác lập luận của đọan văn: 7.1)Thao tác lập luận giải thích: -Là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề. -Giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ được tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm. -Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời. 7.2)Thao tác lập luận phân tích: -Là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng. -Cách phân tích: Chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận theo những tiêu chí, quan hệ nhất định. 7.3)Thao tác lập luận chứng minh: -Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng. -Cách chứng minh: Xác định vấn đè chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải lô gic, chặt chẽ và hợp lí. 7.4)Thao tác lập luận so sánh: -Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác. -Cách so sánh: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết. 7.5)Thao tác lập luận bình luận: -Bình luận là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề . -Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình. 7.6)Thao tác lập luận bác bỏ: -Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai . -Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần. -Ý nhỏ phải nằm hoàn toàn trong phạm vi của ý lớn. -Nếu có thể biểu hiện nội dung của các ý bằng những vòng tròn thì ý lớn và mỗi ý nhỏ được chia ra từ đó là hai vòng tròn lồng vào nhau, không được ở ngoài nhau, cũng không được trùng nhau hoặc cắt nhau. -Mặt khác, các ý nhỏ được chia ra từ một ý lớn, khi hợp lại, phải cho ta một ý niệm tương đối đầy đủ về ý lớn, gần như các số hạng, khi cộng lại phải cho ta tổng số, hay vòng tròn lớn phải được lấp đầy bởi những vòng tròn nhỏ. -Mối quan hệ giữa những ý nhỏ được chia ra từ cùng một ý lớn hơn phải ngang hàng nhau, không trùng lặp nhau 8)Một số kiểu đoạn văn trong bài văn nghị luận: 8.1)Đoạn diễn dịch: -Khái niệm: Diễn dịch là phương pháp trình bày ý từ luận điểm suy ra các luận cứ. (Từ ý tổng quát suy ra ý cụ thể). Ví dụ minh họa: Tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Châu Á (1). Chính phủ Hàn Quốc bắt giam hai cựu bộ trưởng Bộ quốc phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận hối lộ một triệu đô la (2). Giới lập pháp ở Đài Loan hiện phải công khai tài sản của mình và rồi đây các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó (3). Cũng do tham nhũng, đảng dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã mất đa số ghế tại hạ viện (4). (Báo Tuổi trẻ, số ngày 05/08/1993) 8.2) Đoạn quy nạp: -Khái niệm: Quy nạp là phương pháp trình bày ý từ các luận cứ rút ra những nhận định tổng quát, rút ra luận điểm (Từ các ý cụ thể rút ra nhận định chung). Ví dụ minh họa: Tại Nhật Bản, do tham nhũng Đảng tự do cầm quyền đã mất đa số ghế tại hạ viện (1). Chính phủ Hàn Quốc đã bắt giam hai cựu bộ trưởng Bộ quốc phòng và hai cựu tướng lĩnh về tội nhận hối lộ một triệu đô la (2). Giới lập pháp ở Đài Loan hiện phải công khai tài sản của mình và rồi đây các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng sẽ làm điều đó (3). Tham nhũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Châu Á (4). 8.3) Đoạn song hành: -Khái niệm: Song hành là cách lập luận trình bày ý giữa các câu ngang nhau (Các câu đều là luận cứ). Luận điểm được rút ra từ việc tổng hợp các ý của luận cứ (Đoạn song hành có câu chủ đề ẩn). Ví dụ minh họa: Văn Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác (1). Văn Thạch Lam nhẹ nhàn, tinh tế (2). Văn Nam Cao giàu tính triết lí (3). Câu chủ đề ẩn: Phong cách riêng của cấc nhà văn Việt Nam. 8.4) Đoạn Tổng – Phân – hợp: -Khái niệm: Đoạn tổng – phân – hợp là đoạn nghị luận có cách triển khai ý từ luận điểm suy ra các luận cứ, rồi từ các luận cứ khẳng định lại luận điểm. Qua mỗi bước vấn đề được nâng cao hơn. Mẫu đoạn hỗn hợp liên tục (Gồm có nhiều câu và nhiều kiểu quan hệ ý nghĩa kết hợp với nhau không theo trật tự). Ví dụ minh họa 1: Tiếng Việt chúng ta rất đẹp, đẹp như thế nào đó là điều khó nói (1). Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹph như thế nào, cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên (2). Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn (3). Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp (4). (Phạm Văn Đồng) Ví dụ minh họa 2: Trước hết, ta có thể chia từ tiếng Việt thành hai bộ phận khác nhau: Những từ tình thái và những từ phi tình thái (1). Những từ tình thái là những từ không có ý nghĩa từ vựng cũng không có ý nghĩa ngữ pháp, không có quan hệ ngữ pháp với bất cứ từ nào trong câu (2). Ví dụ: Ôi chao, eo ôi, à, a, cơ mà...vv (3). Những từ phi tình thái là những từ có ý nghĩa từ vựng hay ý nghĩa ngữ pháp nhất định, có quan hệ ngữ pháp với các từ khác trong cụm từ (4). Ví dụ: Học, học trò, nó, với...vv (5). Phân tích: Câu 1 là câu mở đoạn cũng là câu chủ đề. Câu 2 là câu định nghĩa từ tình thái. Câu 3 là câu nêu ví dụ từ tình thái. Câu 4 là câu định nghĩa từ phi tình thái, câu này không có quan hệ ý nghĩa với câu 3 đứng trước nó, câu này có quan hệ song hành với câu 2. Câu 5 nêu định nghĩa từ phi tình thái. 8.5)Đoạn móc xích: -Khái niệm: Triển khai ý bằng cách câu sau kế thừa và phát triển ý câu trước, luận cứ của câu trước tạo tiền đề cho sự phát triển ý của câu sau và cứ như thế đến hết đoạn. Ví dụ minh họa: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất (1). Muốn tăng gia sản xuất thì phải có kĩ thuật tiên tiến (2). Muốn sử dụng kĩ thuật thì phải có văn hóa (3). Vậy việc bổ túc văn hóa là cực kì cần thiết (4). (Hồ Chí Minh) 9)Các thể thơ: -Đặc trưng của các thể loại thơ: Lục bát; Song thất lục bát; Thất ngôn; Thơ tự do; Thơ ngũ ngôn, Thơ 8 chữ… C.LUYỆN TẬP THỰC HÀNH: 1.BÀI TẬP 1 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau : “Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Pháp rất đậm đà là Thế Lữ. (…). Nhưng đến năm 1936, ảnh hưởng Pháp lại thấm thía thêm một tầng nữa.Trong thơ Thế Lữ ta chỉ thấy ẩn hiện đôi nhà thơ Pháp về thời lãng mạn.Xuân Diệu, nhà thơ ra đời hồi bấy giờ mới một cách rõ rệt. Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xưa ai nấy về hạ giới.Với một nghệ thuật tinh vi đã học được của Bô-đơ-le, Xuân Diệu diễn tả lòng ham sống bồng bột trong thơ Đơ-Nô-ai và trong văn Gi-nơ.(…) Ảnh hưởng Pháp trong thơ Việt đến Xuân Diệu là cực điểm. Qua năm 1938, Huy Cận ra đời, nó đã bắt đầu xuống, mặc dầu Huy Cận cũng chịu ảnh hưởng thơ Pháp gần đây, nhất là ảnh hưởng Véc-len.(…) Trái hẳn với lối thơ tả chân Hàn Mặc Tử- Chế Lan Viên .Cả hai đều chịu ảnh hưởng Bô-đơ-le và qua Bơ-đơ-le, ảnh hưởng nhà văn Mĩ ét-gaPô, tác giả tập ” Chuyện lạ”. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Bô-đơle, ét-gaPô đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại từ thơ Đường tới Bô-đơ-le, ét-gaPô và đi thêm một đoạn nữa gặp Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa.(…) Viết xong đoạn trên này đọc lại tôi thấy khó chịu. Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp. ấy chỉ vì tôi tìm ảnh hưởng để chia xu hướng .Sự thực đâu có thế.Tiếng Việt, tiếng Pháp khác nhau xa. Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hoá hoàn toàn . Sự thực thì khi tôi xem thơ Xuân Diệu, tôi không nghĩ đến Đơ-Nô-ai … Thi văn Pháp không mất bản sắc Việt Nam .Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải” (Theo Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam) a/ Đoạn trích viết theo phong cách nào ? Phương thức biểu đạt nào ? b/ Tác giả viết về vấn đề gì? Quan điểm của các tác giả đối với vấn đề đó như thế nào? c/ Tác giả đã sử dụng thao tác lập luận nào là chủ yếu? Ngoài ra trong đoạn trích còn có thao tác lập luận nào khác nữa không? Tác dụng? 2.BÀI TẬP 2 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau : “…. Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá.” a/ Đoạn trích viết theo phong cách nào? Phương thức biểu đạt nào ? b/ Xác định ý chính của đoạn văn? c/ Chỉ ra và phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn? 3.BÀI TẬP 3 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Trên những trang vở học sinh Trên bàn học trên cây xanh Trên đất cát và trên tuyết Tôi viết tên em …Trên sức khỏe được phục hồi Trên hiểm nguy đã tan biến Trên hi vọng chẳng vấn vương Tôi viết tên em Và bằng phép màu một tiếng Tôi bắt đầu lại cuộc đời Tôi sinh ra để biết em Để gọi tên em. TỰ DO! (Tự do – Pôn Ê-luy-a – SGK Ngữ văn 12, cơ bản, tập 1,tr. 120) a/ Cho biết đoạn thơ trên thuộc thể thơ nào? (0,25 điểm) b/ Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên (0,5 điểm) c/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên (0,25 điểm) d/ Anh/chị hãy giải thích ngắn gọn mục đích của tác giả khi viết từ TỰ DO ở cuối bài thơ bằng chữ in hoa? (0,5 điểm) 4.BÀI TẬP 4 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau : “Tủ rượu” của người Việt và “tủ sách” của người Do Thái”: …“(1) Hôm rồi tôi có dịp ghé nhà một ông tá hải quân cùng quê chơi. Ông hiện phụ trách quân lực của cả một vùng. Ông vừa cất xong ngôi nhà (biệt thự thì đúng hơn) và sắm xe hơi mới. Bước vào phòng khách ngôi nhà, ập vào mắt tôi chính là chiếc tủ rượu hoành tráng được gắn sát chiếm diện tích gần nửa bức tường chính diện. Thôi thì đủ thương hiệu rượu danh tiếng: từ Chivas, Hennessy, Napoleon, Johnnie Walker cho tới Vodka xịn tận bên Nga… được gia chủ bày khá ngay ngắn trên kệ. Ông đi giới thiệu cho chúng tôi xuất xứ từng chai rượu: chai này thằng bạn đi nước ngoài về tặng, chai kia đồng nghiệp cho, chai nọ do cấp dưới biếu với giọng khá hào hứng cũng như thể hiện sự am hiểu về rượu ngoại…. …(2) Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập với các bạn thói quen đọc sách của người Do Thái. “Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý.” Tác giả Nguyễn Hương trong bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện” . (Đăng trên trang tin điện tử Cinet.com của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch). …(3) Câu chuyện về cái “tủ rượu” của ông tá hải quân trong câu chuyện đầu bài và cái “tủ sách” của người Do Thái, hay câu chuyện “văn hóa đọc” của người Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với khoảng cách phát triển hiện tại giữa chúng ta với thế giới. Để đất nước và con người Việt Nam phát triển về mọi mặt, bền vững, việc đầu tiên là phải làm sao để “văn hóa đọc” của người Việt lan tỏa và thăng hoa, tạo thói quen đọc sách và yêu sách. Muốn phát triển như Âu-Mỹ, Nhật hay người Do Thái, trước hết phải học hỏi văn hóa đọc từ họ. Phải làm sao nhà nhà đều có “tủ sách” để tự hào và gieo hạt, chứ không phải là “tủ rượu” để khoe mẽ vật chất và phô trương cái tư duy trọc phú. Mọi thay đổi phải bắt đầu từ thế hệ trẻ.” (Dẫn theo: http://vanhoagiaoduc.vn/tu-ruou-cua-nguoi-viet-va-tu-sach-cua-nguoi-do-thai-19029.html) a/ Đoạn trích trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm) b/ Các ý trong đoạn trích trên được trình bày theo kiểu nào? (0,25 điểm) c/ Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên (0,5 điểm) d/ Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 giải pháp để phát triển “văn hóa đọc” của người Việt. Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng. (0,5 điểm) 5.BÀI TẬP 5 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “… Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. […] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình…” (Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức. Theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90) a/ Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? (0,25 điểm) b/ Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm) c/ Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích. (0,25 điểm) d/ Từ đoạn trích, anh/chị hãy nêu quan điểm của mình về vai trò của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm) 6.BÀI TẬP 6: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Bão bùng thân bọc lấy thân Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm Thương nhau tre không ở riêng Lũy thành từ đó mà nên hỡi người Chẳng may thân gãy cành rơi Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng Nòi tre đâu chịu mọc cong Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường Lưng trần phơi nắng phơi sương Có manh áo cộc tre nhường cho con (Tre Việt Nam – Nguyễn Duy) a/ Hãy xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm) b/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm) c/ Nêu 2 biện pháp tu từ tác giả sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm) d/ Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì? (0,25 điểm) 7.BÀI TẬP 7: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.” (Trích “Chiếu cầu hiền”- Ngô Thì Nhậm) a/ Đoạn văn được viết với phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm) Nội dung của đoạn văn là gì? (0.5 điểm) b/ Nét đặc sắc trong hình thức lập luận của tác giả trong đoạn văn trên? (1.0) c/ Theo anh (chị) tại sao tác giả lại ví “Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao”? d/ Viết một đoạn văn ngắn 7 – 9 dòng trình bày suy nghĩ của anh (chị) về việc tại sao Người hiền nên ra giúp nước? 8.BÀI TẬP 8: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.” (Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn…- Phạm Lữ Ân) a/ Gọi tên phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm) b/ Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn. (0,5 điểm) c/ Chỉ ra điểm giống nhau về cách lập luận trong 4 câu đầu của đoạn trích. (0,25 điểm) d/ Cho mọi người biết giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân bạn. Trả lời trong khoảng từ 3 – 4 câu. (0,25 điểm) 9.BÀI TẬP 9: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau : Em trở về đúng nghĩa trái tim em Biết khao khát những điều anh mơ ước Biết xúc động qua nhiều nhận thức Biết yêu anh và biết được anh yêu Mùa thu nay sao bão mưa nhiều Những cửa sổ con tàu chẳng đóng Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh (Trích Tự hát – Xuân Quỳnh) a/ Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm) b/ Nêu ý nghĩa của câu thơ Biết khao khát những điều anh mơ ước. (0,5 điểm) c/ Trong khổ thơ thứ nhất, những từ ngữ nào nêu lên những trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhân vật “em”? (0,25 điểm) d/ Điều giãi bày gì trong hai khổ thơ trên đã gợi cho anh chị nhiều suy nghĩ nhất? Trả lời trong khoảng từ 3 – 4 câu. (0,25 điểm) 10.BÀI TẬP 10: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Hai chị em chờ không lâu. Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre. – Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ. Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu hôm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về ! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn các vầng đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng”. (Trích “Hai đứa trẻ”- Thạch Lam) a/ Cảnh được miêu tả trong đoạn trích có những hình ảnh tương phản, anh (chị) hãy chỉ ra những hình ảnh tương phản đó (0,5 điểm) b/ Tâm trạng của hai chị em Liên được miêu tả trong đoạn trích có niềm khao khát gì ? (0,5 điểm) c/ Tìm phương thức biểu đạt được thể hiện trong đoạn văn?(0,5) d/ Đặt tiêu đề cho đoạn văn? (0,5) 11.BÀI TẬP 11 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. a/ Đoạn văn trên thuộc văn bản nào? Tác giả của văn bản đó là ai? Viết trong thời gian nào? (0,25 điểm) b/ Đoạn văn nói về vấn đề gì? Cách diễn đạt của tác giả có gì đặc sắc? (0,5 điểm) c/ Anh (chị) hiểu như thế nào về bề rộng và bề sâu mà tác giả nói đến ở đây? (0,25 điểm) d/ Nội dung của đoạn văn giúp gì cho anh (chị) trong việc đọc — hiểu các bài thơ mới trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông? (0,5 điểm) 12.BÀI TẬP 12 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 144) a/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0,25 điểm) b/ Văn bản sử dụng biện pháp tu từ gì? Cách sử dụng biện pháp tu từ ấy ở đây có gì đặc sắc? (0,5 điểm) c/ Anh (chị) hiểu thế nào về cụm từ “con gặp lại nhân dân” ở văn bản? (0,25 điểm) d/ Hãy nói rõ niềm hạnh phúc của nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện trong văn bản. (0,5 điểm) 13.BÀI TẬP 13: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời, Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. ( Tương tư, Nguyễn Bính ) a/ Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của nhân vật trữ tình ? b/ Phân tích hiệu quả sử dụng biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ. c/ Những yếu tố nào trong đoạn thơ thể hiện chất dân gian trong thơ Nguyễn Bính? 14.BÀI TẬP 14: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Tnú không cứu được vợ được con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó đứng đằng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, tau đi tìm bọn thanh niên. Bọn thanh niên thì cũng đã đi vào rừng, chúng nó đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con, rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” a/ Đoạn văn trên là lời ai? Nói với ai? Trong hoàn cảnh nào? b/ Người kể chuyện nhắc đi nhắc lại những chi tiết: Tnú không cứu được vợ được con, chỉ có hai bàn tay trắng nhằm mục đích gì? c/ Xác định 1 phương ngữ (Ngôn ngữ địa phương) xuất hiện trong đoạn văn? d/ Từ câu chuyện cuộc đời Tnú và đoạn đời đau thương của làng Xô Man, người kể chuyện rút ra chân lí lịch sử nào? Viết một đoạn văn (từ 5-7 câu) nêu suy nghĩ của anh/ chị về chân lí đó. 15.BÀI TẬP 15 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Lá đỏ Gặp em trên cao lộng gió Rừng lạ ào ào lá đỏ Em đứng bên đường như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa. Chào em, em gái tiền phương Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Em vẫy tay cười đôi mắt trong. (Trường Sơn, 12/1974) a/ Dựa vào những thông tin trong tác phẩm, hãy nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của bài thơ. (0,25đ) b/ Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (0,25đ) c/ Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ Em đứng bên đường như quê hương? (0,25đ) d/ Chỉ ra các hình ảnh miêu tả thiên nhiên. Các hình ảnh đó tạo nên bức tranh rừng Trường Sơn như thế nào? (0,5đ) e/ Không khí hành quân hào hùng, thần tốc được gợi lên qua hình ảnh nào? Từ hình ảnh này, anh/chị có thể liên tưởng đến hình ảnh nào trong một bài thơ đã học? (0,5đ) f/ Hình ảnh “em gái tiền phương” được khắc họa như thế nào? Hình ảnh đó gợi lên cho anh/chị suy nghĩ gì về sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc? (0,5đ) g/ Bài thơ từng được cho là có những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc. Theo anh/ chị điều đó được thể hiện qua câu thơ hoặc hình ảnh thơ nào? (0,25đ) h/ Nêu những biểu hiện của không khí sử thi và lãng mạn được thể hiện trong bài thơ (0,5đ) 16.BÀI TẬP 16: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng Ðã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng Tôi nhớ bờ tre gió lộng Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau Có tiếng gà gáy sớm Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn” Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa Trăng lên tập hợp hát om nhà a/ Bảy câu thơ cuối dùng biện pháp nghệ thuật chủ đạo là gì? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp nghệ thuật em vừa chỉ ra (0,5 điểm) b/ Cảm xúc – tư tưởng chủ đạo của nhà thơ ở đoạn thơ trên (0,5 điểm) c/ Nhận xét về đặc điểm của người lính trong đoạn trích trên? (1,0 điểm) 17.BÀI TẬP 17: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “…Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường. Con đã đi nhưng con cần vượt nữa Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương. Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa…” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên) a/ Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả? b/ Xác định những phương thức biểu đạt chủ yếu trong đoạn thơ? c/ Hình ảnh “Mẹ yêu thương” được tác giả sử dụng để chỉ ai? Vì sao? d/ Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả sử dụng? 18.BÀI TẬP 18: Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “… Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, Internet nói chung, Facebook nói riêng hàm chứa hiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức … và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô văn hóa… Không ít kẻ tung lên Facebook những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tùy tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt…” (Trích “Bàn về Facebook với học sinh”, Lomonoxop. Edu.vn) a/ Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? b/ Nội dung khái quát của văn bản trên? c/ Yếu tố nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong văn bản trên? Tác dụng? 19.BÀI TẬP 19 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. (Trích Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh). a/ Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. b/ Nêu các dạng phép điệp của văn bản và hiệu quả nghệ thuật của chúng? c/ Nội dung chính của văn bản là gì? 20.BÀI TẬP 20 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa… Chiều nay con chạy về thăm Bác Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa! Con lại lần theo lối sỏi quen Đến bên thang gác, đứng nhìn lên Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa? Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!” (Trích Bác ơi! – Tố Hữu) a/ Nêu phương thức biểu đạt của đoạn thơ?. b/ Nội dung chính của đoạn thơ là gì? c/ Xác định nhịp thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật cách sử dụng nhịp thơ ở 2 câu thơ cuối ở đoạn thơ thứ 2? 21.BÀI TẬP 21 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi Khi tôi biết thương bà thì đã muộn Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi! (Trích Đò Lèn – Nguyễn Duy) a/ Tại sao viết về bà, tác giả liên tưởng đến “dòng sông xưa ” trong đoạn thơ? c/ Các từ “đã muộn”, “nấm cỏ” có vai trò gì trong việc thể hiện tâm trạng của nhà thơ? c/ Viết đoạn văn ngắn bày tỏ suy nghĩ về vấn đề đặt ra qua đoạn thơ. 22.BÀI TẬP 22 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, Như xuân đến chim rừng lông trở biếc Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. (Trích Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên) Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau : a/ Nêu ý chính của đoạn thơ? b/ Xác định các biện pháp tu từ trong đoạn thơ và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung? c/ Nêu ngắn gọn chiều sâu triết lí trong câu thơ : Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. ? 23.BÀI TẬP 23 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…” (Trích “Chí Phèo” – Nam Cao). a/ Tác giả đã sử dụng những kiểu câu nào? b/ Văn bản trên nói về điều gì? c/ Trong văn bản trên, Chí Phèo đã chửi những ai? Tiếng chửi của Chí có ý nghĩa gì? d/ Đặt tiêu đề cho văn bản trên. 24.BÀI TẬP 24 : Đọc kỹ đoạn văn bản và trả lời các câu hỏi sau: “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?” (Trích Vợ nhặt-Kim Lân) a/ Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính? b/ Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ? c/ Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó ? d/ Dấu ba chấm (...) trong câu văn Còn mình thì... có ý nghĩa gì? e/ Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)Blog văn dành cho học sinh thi Đại học
Lưu trữ Blog
Dịch
Lưu trữ Blog
Giới thiệu về tôi
Unknown Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôiTìm kiếm Blog này
Bài đăng nổi bậtĐề bài: "Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết". (B. Bab... |
Từ khóa » Ví Dụ Về Phép Nghịch đối
-
Phép Nghịch đối Là Gì? - Selfomy Hỏi Đáp
-
Một Số Phương Tiện Và Phép Liên Kết Trong Văn Bản
-
Các Phép Liên Kết Câu Phép Nối, Lặp, Thế, Liên Tưởng, Nghịch đối
-
Liên Kết Câu Và Liên Kết đoạn Văn
-
Phép đối Là Gì? - Thư Viện Hỏi Đáp
-
Một Số Phương Tiện Và Phép Liên Kết.v - 123doc
-
(DOC) Văn Bản | Lan Phuong
-
Các Phép Liên Kết Thường Gặp Trong Câu Văn, đoạn Văn, Bài Văn
-
Nghịch đảo Phép Cộng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nghịch Nghĩa – Phép Tu Từ (TS Nguyễn Thế Truyền)
-
Một Số Phương Tiện Liên Kết Trong Văn Bản | Xemtailieu
-
đối Chiếu đặc điểm Của Phép Tu Từ Nghịch Ngữ Trong ... - Xemtailieu