CHUYÊN ĐỀ VỀ KĨ THUẬT KWL VẬN DỤNG QUA MỘT TIẾT DẠY

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Kĩ thuật dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học. Các kĩ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Áp dụng các kĩ thuật dạy học tích cực trong hoạt động dạy học là một hướng đang nhận được sự quan tâm của nhà giáo dục nói chung và thầy cô giáo nói riêng, tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục và Giáo dục Tiểu học. Một trong các kĩ thuật dạy học đã được tôi vận dụng trong bài dạy của mình đó là kĩ thuật KWL. Kĩ thuật này sẽ giúp giáo viên đánh giá được học sinh đã có kiến thức nền tảng gì để lựa chọn nội dung và định hướng cho học sinh mở rộng thêm nội dung bài học. Đồng thời các em cũng có thể tự đánh giá bản thân và học hỏi từ bạn bè. Từ đó phát huy sự tham gia tích cực của HS vào quá trình dạy học, kích thích tư duy, sự sáng tạo và sự cộng tác làm việc của HS.

II. KĨ THUẬT KWL.

  1. Thế nào là kĩ thuật KWL?

    KWL do Donna Ogle giới thiệu năm 1986, vốn là một hình thức tổ chức dạy học hoạt động đọc hiểu. Học sinh bắt đầu bằng việc động não tất cả những gì các em đã biết về chủ đề bài đọc. Thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột K của biểu đồ. Sau đó học sinh nêu lên danh sách các câu hỏi về những điều các em muốn biết thêm trong chủ đề này. Những câu hỏi đó sẽ được ghi nhận vào cột W của biểu đồ. Trong quá trình đọc hoặc sau khi đọc xong, các em sẽ tự trả lời cho các câu hỏi ở cột W. Những thông tin này sẽ được ghi nhận vào cột L.

    Hiện nay kĩ thuật này được vận dụng trong nhiều môn học.

    Phát triển kỹ thuật KWL thành KWLH

    Cột H được thêm vào biểu đồ KWL là để khuyến khích học sinh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Sau khi học sinh đã hoàn tất nội dung ở cột L, các em có thể muốn tìm hiểu thêm về một thông tin. Các em sẽ nêu biện pháp để tìm thông tin mở rộng. Những biện pháp này sẽ được ghi nhận ở cột H. (H: cách thức để HS tìm tòi, nghiên cứu mở rộng thêm về chủ đề học)

  2. Mục đích sử dụng biểu đồ KWL

    Biểu đồ KWL phục vụ cho các mục đích sau:

  • Tìm hiểu kiến thức có sẵn của học sinh về chủ đề được đưa ra.
  • Đặt ra mục tiêu cho hoạt động tìm hiểu nội dung bài học.
  • Giúp học sinh tự theo dõi và đánh giá quá trình lĩnh hội kiến thức.
  • Tạo cơ hội cho HS diễn tả ý tưởng của các em vượt ra ngoài khuôn khổ bài học.
  1. Sử dụng biểu đồ KWL như thế nào?

- Chọn chủ đề (nội dung bài học) để học sinh tìm hiểu.

- Tạo bảng KWL. Giáo viên vẽ một bảng lên bảng, ngoài ra, mỗi học sinh cũng có một mẫu bảng của các em. Có thể sử dụng mẫu sau.

Đề nghị học sinh động não nhanh và nêu ra các từ, cụm từ có liên quan đến chủ đề. Cả giáo viên và học sinh cùng ghi nhận hoạt động này vào cột K. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Tổ chức cho học sinh thảo luận về những gì các em đã ghi nhận.

Một số lưu ý tại cột K (Điều em biết)

Chuẩn bị những câu hỏi để giúp học sinh động não. Đôi khi để khởi động, học sinh cần nhiều hơn là chỉ đơn giản nói với các em : "Hãy nói những gì các em đã biết về..."

Khuyến khích học sinh giải thích. Điều này rất quan trọng vì đôi khi những điều các em nêu ra có thể là mơ hồ hoặc không bình thường.

Hỏi học sinh xem các em muốn biết thêm điều gì về chủ đề. Cả giáo viên và học sinh ghi nhận câu hỏi vào cột W. Hoạt động này kết thúc khi học sinh đã nêu ra tất cả các ý tưởng. Nếu học sinh trả lời bằng một câu phát biểu bình thường, hãy biến nó thành câu hỏi trước khi ghi nhận vào cột W.

Một số lưu ý tại cột W (Điều em muốn biết – Điều em hỏi)

Hỏi những câu hỏi tiếp nối và gợi mở. Ví dụ:

"Em nghĩ mình sẽ biết thêm được điều gì sau khi em học chủ đề này?"

Chọn một ý tưởng từ cột K và hỏi: "Em có muốn tìm hiểu thêm điều gì có liên quan đến ý tưởng này không?"

Chuẩn bị sẵn một số câu hỏi của riêng bạn để bổ sung vào cột W. Có thể giáo viên mong muốn học sinh tập trung vào những ý tưởng nào đó, trong khi các câu hỏi của học sinh lại không mấy liên quan đến ý tưởng chủ đạo của chủ đề. Chú ý là không được thêm quá nhiều câu hỏi của GV. Thành phần chính trong cột W vẫn là những câu hỏi của học sinh.

Yêu cầu học sinh đọc và tự điền câu trả lời mà các em tìm được vào cột L. Trong quá trình học, học sinh cũng đồng thời tìm ra câu trả lời của các em và ghi nhận vào cột W. Học sinh có thể điền vào cột L trong khi học hoặc sau khi đã học xong chủ đề đó.

Một số lưu ý tại cột L (Điều em học)

Ngoài việc bổ sung câu trả lời, khuyến khích học sinh ghi vào cột L những điều các em cảm thấy thích. Để phân biệt, có thể đề nghị các em đánh dấu những ý tưởng của các em. Ví dụ các em có thể đánh dấu tích vào những ý tưởng trả lời cho câu hỏi ở cột W, với các ý tưởng các em thích, có thể đánh dấu sao.

Đề nghị học sinh tìm kiếm từ các tài liệu khác để trả lời cho những câu hỏi ở cột W mà bài học không cung cấp câu trả lời. (Không phải tất cả các câu hỏi ở cột W đều được bài học trả lời hoàn chỉnh). Có thể tiến hành thảo luận để cùng đưa ra những thông tin ghi nhận ở cột L.

Khuyến khích học sinh nghiên cứu thêm về những câu hỏi mà các em đã nêu ở cột W nhưng chưa tìm được câu trả lời. Các em có thể về tìm hiểu thêm thông qua các nguồn khác để tìm câu trả lời cho mình.

III. VẬN DỤNG KĨ THUẬT KWL QUA MỘT TIẾT DẠY

Vận dụng kĩ thuật KWL vào bài TNXH: Phòng cháy khi ở nhà lớp 3.

Vì nội dung cần truyền tải thông qua bài học khá nhiều, yếu tố thời gian và đặc điểm của học sinh lớp 3 nên tôi không áp dụng hình thức mỗi em một bảng KWL như đã trình bày ở trên mà linh động thay đổi cho phù hợp, trình bày trên bảng lớp.

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

Hoạt động 2: Tìm hiểu thiệt hại do cháy gây ra – Cách phòng cháy.

-Mục tiệu: Nêu được những thiệt hại do cháy gây ra, những việc cần làm để phòng cháy.

-Phương pháp: Trực quan, thảo luận, giảng giải, kĩ thuật KWL.

- Gv cho học sinh nêu những điều các em biết và những điều các em cần hỏi về thiệt hại do cháy gây ra và cách phòng cháy. -> Gv ghi bảng.

- Gv cho học sinh xem clip thông tin về thiệt hại do cháy gây ra.

- Yêu cầu học sinh nêu các thiệt hại do cháy gây ra.

- Gv nhận xét, chốt.

- Gv yêu cầu học sinh quan sát hình 1 và hình 2 trong sgk và trả lời câu hỏi :

+ Theo bạn, bếp ở hình 1 hay hình 2 an toàn hơn trong việc phòng cháy? Tại sao?

- Gv nhận xét , chốt.

- Kiểm tra trắc nghiệm cả lớp các cách phòng cháy.

- Chốt ghi nhớ trong sách, yêu cầu học sinh đọc lại ghi nhớ.

-> Giáo dục tiết kiệm năng lượng.

- Yêu cầu Hs đọc lại nội dung kiến thức đã học trong hoạt động 2.

- Chốt, chuyển ý.

- Hs nêu.

- Hs xem clip.

- Hs nêu.

- Hs lắng nghe.

- Hs quan sát và trả lời.

- Hs theo dõi và giơ thẻ chọn Đ-S.

- Hs đọc ghi nhớ.

- Hs đọc.

- Hs lắng nghe.

- Gv cho học sinh nêu những điều các em biết và những điều các em cần hỏi về thiệt hại do cháy gây ra và cách phòng cháy. -> Trong quá trình ghi nhận lại ý kiến của các em, gv chú ý tóm gọn lại các ý chính và ý trùng lắp để viết bảng cho hợp lí.

- Gv ghi nhận câu trả lời của HS vào cột L, nhận xét, chốt.

K

( điều em biết)

THIỆT HẠI:

- Làm bị thương hoặc chết người.

- Mất mát tài sản.

CÁCH PHÒNG CHÁY:

- Ngắt nguồn điện (khoá ga) khi không sử dụng.

- Không nghịch lửa.

W

( điều em muốn biết)

- Cháy có gây ô nhiễm môi trường không?

- Những thiệt hại khác do cháy gây ra là gì?

- Sắp xếp đồ dùng thế nào để an toàn?

- Khi đun nấu cần chú ý điều gì?

L

( điều em học được)

- Ảnh hưởng đến tính mạng con người.

- Làm mất mát tài sản.

- Gây ô nhiễm môi trường.

- Tắc nghẽn giao thông.

- Không để vật dễ cháy gần bếp.

- Khi đun nấu phải trông coi cẩn thận và nhớ tắt bếp khi sử dụng xong.

IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

- Học sinh hứng thú hơn trong việc trình bày ý kiến cá nhân, tích cực tìm hiểu kiến thức mới để rút ra nội dung bài học, có khả năng liên hệ thực tế tốt.

- Giáo viên nắm được mức độ, sự hiểu biết của học sinh về chủ đề bài học được đưa ra, từ đó có thể đưa ra những tác động phù hợp để giúp các em hiểu và vận dụng nội dung bài học tốt hơn.

V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

- Tùy theo chủ đề, nội dung bài học mà GV nên sử dụng kĩ thuật nào hoặc linh động thay đổi hình thức vận dụng nào cho phù hợp với mục đích giảng dạy. Với những chủ đề mà HS đã có lượng kiến thức nhất định, cần hệ thống và tác động vào thái độ thì kĩ thuật này phát huy được ưu điểm của nó.

- Việc GV nắm được những gì mà HS đang biết là điều cần thiết để GV gợi ý những câu hỏi để định hướng HS trong việc tự tìm ra câu trả lời.

VI. KẾT LUẬN

Cùng với các PPDH và các kĩ thuật dạy học tích cực, kĩ thuật KWL là một trong số những kĩ thuật hiện đại giúp người giáo viên tiểu học gần gũi với học sinh, định hướng cho học sinh giải quyết vấn đề và xâu chuỗi những nội dung được học. Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm cá nhân khi vận dụng kĩ thuật này trong giảng dạy. Tôi tin rằng các anh chị, các bạn đồng nghiệp đã từng áp dụng kĩ thuật này sẽ có nhiều chia sẻ hay hơn. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy cô để nội dung chuyên đề thêm hoàn chỉnh giúp cho giảng dạy đạt hiệu quả cao.

Gò Vấp, ngày 09 tháng 9 năm 2019

Người viết

Chu Thị Ánh Trinh

Từ khóa » Bảng Kwl Là Gì