Chuyên Ngành Là Gì? Ngành Là Gì? Tránh “cạm Bẫy” Về Ngành Và ...

Ngành và chuyên ngành có phải là một? Tại sao nhiều trường đại học mở rất nhiều chuyên ngành đào tạo? Liệu đây có phải là “cạm bẫy” trong tuyển sinh?

Mục lục

  • 1. Chuyên ngành là gì? Sự khác nhau giữa ngành và chuyên ngành
  • 2. Những “cạm bẫy” về ngành và chuyên ngành trong tuyển sinh

1. Chuyên ngành là gì? Sự khác nhau giữa ngành và chuyên ngành

Để hiểu được chuyên ngành, trước tiên chúng ta cần biết khái niệm ngành học (ngành đào tạo) là gì? Ngành học là lĩnh vực học mang tính chuyên môn trong chỉ một lĩnh vực, mảng nào đó. Ví dụ: một người theo học Ngành Marketing sẽ được học và thực hành những kiến thức chuyên môn về Marketing như: Nghiên cứu thị trường và khách hàng, xây dựng kênh bán hàng, định giá sản phẩm, tổ chức sự kiện…

Ngành học có trong danh mục ngành quốc gia, được quy định bởi những mã ngành chung ví dụ như: Ngành Marketing mã ngành 7340115, Ngành Kế toán mã ngành 7340301, Ngành Y khoa mã ngành 7720101…

Chuyên ngành là khái niệm thu nhỏ và chi tiết hơn ngành, nó là tập hợp những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu. Ví dụ Ngành Marketing có nhiều chuyên ngành khác nhau như: Marketing quốc tế, Marketing dịch vụ, Digital Marketing, Quản trị kênh phân phối…

Trong chương trình học của trường đại học, chuyên ngành chỉ được thể hiện trên bảng điểm, còn ngành học mới là thứ được ghi trên bằng tốt nghiệp của sinh viên.

2. Những “cạm bẫy” về ngành và chuyên ngành trong tuyển sinh

Đại học cũng là một dạng “làm kinh tế”, để thu hút thí sinh theo học, nhiều trường đã marketing ngành học bằng nhiều chuyên ngành khác nhau, khi ghép tên vào nó bỗng trở thành một cái tên mang xu hướng thời thượng rất “kêu”: Quản trị khởi nghiệp, Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trí tuệ nhân tạo…

Điều này khiến nhiều học sinh khi chọn ngành, chọn nghề không phân biệt được thế nào là ngành, thế nào là chuyên ngành. Thậm chí có nhiều cái tên rất lạ và mới. Thực chất trong tuyển sinh có khá nhiều “cạm bẫy”, khi các trường đặt tên chuyên ngành. Nếu không thực sự hiểu kỹ và tỉnh táo, học sinh và phụ huynh rất dễ nhầm lẫn trong việc chọn ngành học. Có những chuyên ngành nghe tên rất “kêu” nhưng khi vào học mới biết phần lớn thời gian sinh viên được đào tạo các kiến thức chung về ngành, chỉ đến năm cuối mới được học một vài môn về chuyên ngành. Nó là tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Ví dụ như ngành Tiếng Anh báo chí – một cái tên nghe rất “kêu” và theo xu hướng khi có thêm từ báo chí, nhưng khi ra trường sinh viên vẫn sẽ chỉ được cấp bằng Cử nhân Tiếng Anh.

Các chuyên ngành thường chỉ được đào tạo một vài tín chỉ ở năm cuối, nhưng trong tuyển sinh nhiều trường lại nhấn mạnh vào chuyên ngành, nếu không tỉnh táo trong việc chọn ngành học, khi ra trường sinh viên sẽ nhận được bằng tốt nghiệp không giống như mình tưởng lúc ban đầu. Một cái tên đang rất hot trong tuyển sinh những năm gần đây như Trí tuệ nhân tạo, thực chất là một nhánh thuộc ngành Công nghệ thông tin. Người học sẽ được đào tạo về ngành Công nghệ thông tin là chủ yếu và có đi sâu một vài môn về Trí tuệ nhân tạo. Nhiều sinh viên lầm tưởng khi ra trường trên bằng tốt nghiệp sẽ ghi Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo, nhưng trên bằng chỉ ghi là Kỹ sư Công nghệ thông tin.

Đọc đến đây chắc hẳn nhiều người băn khoăn tại sao không đặt từ chuyên ngành lên thành ngành, để đến khi ra trường sinh viên sẽ được ghi trên bằng tốt nghiệp đúng chuyên ngành mà các em được học? Việc đưa thêm ngành học mới vào danh mục đào tạo của trường không phải là điều dễ dàng. Ngành học đã được quy định trong danh mục mã ngành của quốc gia, các trường không thể tự tiện đặt tên ngành. Nếu muốn đưa thêm một ngành mới vào chương trình đào tạo, các trường sẽ phải đáp ứng được điều kiện của Nhà nước về số lượng giảng viên, trình độ, cơ sở vật chất…Bởi vậy, nhiều trường đại học mở thêm chuyên ngành khác nhau trong một ngành học đã có sẵn của trường, vừa thu hút được sinh viên theo học lại không phải lo về việc đáp ứng quy định của Nhà nước.

Theo quy định, có Ngành Tiếng Anh chứ không có Ngành Tiếng Anh báo chí, có Ngành Marketing chứ không có Ngành Marketing quốc tế, có Ngành Quản trị kinh doanh chứ không có Ngành Quản trị kinh doanh bất động sản…

Đề tránh sự nhầm lẫn về Ngành và Chuyên ngành khi đăng ký theo học, phụ huynh và thí sinh cần tra mã ngành trong danh mục ngành của quốc gia, từ đó biết được mình theo học ngành nào, bằng cử nhân ghi tên ngành nào để có sự lựa chọn đúng đắn.

>>Tham khảo bí kíp lựa chọn chiến lược thi cử, chọn ngành, chọn trường phù hợp giúp nhân đôi cơ hội đỗ đại học TOP đầu: https://tuvantuyensinh.hocmai.vn/chuyen-gia-vu-khac-ngoc-tu-van-1-1

Để giải quyết nỗi băn khoăn của học sinh, phụ huynh trước ma trận 20 phương thức tuyển sinh, HOCMAI đã triển khai Dịch vụ tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp các em lựa chọn được ngành nghề, trường ĐH phù hợp nhất với bản thân.

Chương trình tư vấn ứng dụng bài trắc nghiệm tính cách nổi tiếng thế giới MBTI với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp sẽ giúp thí sinh, phụ huynh chọn được ngành nghề, trường ĐH cũng như phương thức tuyển sinh phù hợp nhất với năng lực, sở thích, tính cách cũng như điều kiện kinh tế. Quý phụ huynh, học sinh đăng ký dịch vụ để được trải nghiệm dịch vụ tư vấn hàng đầu TẠI ĐÂY

Tags
Cách chọn ngành Chuyên ngành Ngành

Từ khóa » Khác Nhau Giữa Nghề Và Ngành