Lưu ý Khi Chọn Nguyện Vọng: Phân Biệt Ngành Và Chuyên Ngành?

Giờ này chắc hẳn các sĩ tử lớp 12 đang rất đau đầu trong việc chọn ngành học. Đây là một việc rất quan trọng khi chúng ta bước chân vào ngưỡng cửa đại học, vì việc chọn ngành bây giờ có thể sẽ quyết định đến ngành nghề và tương lai của các em sau này.

Sau này khi đi xin việc, tên NGÀNH mà em theo học sẽ được ghi trên tấm bằng Đại học của các em, và cũng là cơ sở để nhà tuyển dụng xét tuyển.

Nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp các bạn sinh viên khi ra trường mới nhận ra rằng TÊN NGÀNH ghi trên bằng đại học lại không hề giống với ngành bạn đã đăng ký để vào trường. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình xin việc sau này của các em.

Vậy tại sao lại xảy ra trường hợp như vậy? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé 

PHÂN BIỆT NGÀNH VÀ CHUYÊN NGÀNH

Trước tiên các em cần hiểu rõ được hai khái niệm NGÀNH ĐÀO TẠO và CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO.

Ngành đào tạo (ngành học): là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn của một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, khoa học nhất định. Ngành đào tạo bao gồm nhiều chuyên ngành đào tạo. Ngành đào tạo sẽ được ghi trên bằng tốt nghiệp Đại học.

Chuyên ngành đào tạo là một tập hợp những kiến thức và kỹ năng chuyên môn chuyên sâu của một ngành đào tạo. Chuyên ngành đào tạo sẽ được ghi trên bảng điểm.

Các trường đại học, cao đẳng sẽ đào tạo nhiều ngành học khác nhau vd như Ngành Kế toán, Ngành Quản trị kinh doanh, Ngành Công nghệ thông tin,.... Trong một ngành đào tạo, các trường có thể chia ra các chuyên ngành để đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu của sinh viên, ví dụ như Ngành Kế toán thường có chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, chuyên ngành kiểm toán, chuyên ngành kế toán công,....

 MẬP MỜ ĐỂ THU HÚT THÍ SINH ĐĂNG KÝ

Theo quy định, khi một trường muốn mở ngành đào tạo mới cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đủ điều kiện chuyên môn, chương trình đào tạo... Vì vậy một số trường đã lách bằng cách mở những chuyên ngành hot nằm trong một ngành nào đó của trường để thu hút thí sinh đăng ký. Một ví dụ, ngành quản trị khách sạn là một ngành khá mới nên rất khó để có đủ tiến sĩ, thạc sĩ để mở ngành, nên tại một số trường, nó trở thành chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh. Khi tuyển sinh, trường đó có thể ghi thông tin không rõ ràng để các em tưởng rằng mình đã đăng ký vào ngành quản trị khách sạn đang khá hot hiện nay. Và đến khi nhận bằng đại học, các em mới ớ ra rằng mình lại là Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh. Một số trường còn “nhét” tất cả các ngành kinh tế như Marketing, kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, du lịch, khách sạn vào một ngành Quản trị kinh doanh; có thể không sai nhưng cũng có thể là một chiêu trò khi họ không giải thích rõ cho các em trước khi đăng ký hồ sơ để thu hút thí sinh đăng ký. Sau này, sinh viên đi xin việc rất khó lý giải với nhà tuyển dụng vì sao học ngành này nhưng lại nhận bằng tốt nghiệp ngành khác. Ngược lại, những trường đại học có nhiều ngành riêng hẳn nhiên là trường vững mạnh về cơ sở vậy chất và đội ngũ giảng viên nên các em có thể yên tâm đăng ký học rồi.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT ĐÂU LÀ NGÀNH ĐÂU LÀ CHUYÊN NGÀNH?

Trong thời gian này, các em nên lựa chọn và tìm hiểu kỹ trường đại học mà mình định đăng ký nguyện vọng, để đến khi tốt nghiệp phải được cấp bằng đúng với tên ngành đã học, tránh bị lừa bởi những thông tin mập mờ, không rõ ràng.

Các ngành đào tạo đều có mã ngành riêng, được quy định chung bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi đăng ký xét tuyển, các em sẽ phải điền thông tin mã ngành do các trường đại học cung cấp vào phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp hoặc phiếu xét học bạ. Thí sinh sẽ dùng mã đó tra theo bảng mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem tên ngành có đúng như ngành các em muốn đăng ký hay không.

Mong rằng qua bài viết này sẽ giúp các em có cái nhìn rõ ràng hơn trong việc lựa chọn ngành và trường để đăng ký xét tuyển.

Chúc các em may mắn và lựa chọn được ngành học, trường học như mong muốn.

 

Tổng hợp: Phòng truyền thông và tư vấn tuyển sinh

Từ khóa » Khác Nhau Giữa Nghề Và Ngành