Cơ Hội Nào Cho Vận Tải Hàng Hoá Hàng Không? - VOV Giao Thông

Vậy, vì sao bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp để thành lập hãng vận tải hàng không? Điều đó có thể được thực hiện với những điều kiện nào, để vận tải hàng không Việt Nam bắt kịp xu hướng, tận dụng thời cơ lớn mà COVID-19 đang tạo ra?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không VN việc thành lập mới hãng hàng không vận tải thời điểm này chưa phù hợp. Bởi các hãng hàng không trong nước đang đứng bên bờ vực phá sản do dịch COVID-19. Vì vậy ưu tiên lúc này là tạo điều kiện cho các hãng này tồn tại, vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

"Vận tải hàng hóa hiện nay đang yếu, nhưng thay vì thành lập một hãng mới thì hãy để cho các hãng cũ đó thay đổi cơ cấu máy bay, vì nó cùng nghiệp vụ vận chuyển cả. Tất nhiên vận tải hàng hóa có một số cái đặc thù nhưng chúng ta vẫn làm đó thôi, chẳng qua chưa có máy bay chuyên dụng thì bây giờ thay đổi đi, nguồn nhân lực đang dư thừa tại sao không tận dụng mà còn thành lập mới, lại đi thuê người nước ngoài".

PSG.TS Hoàng Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT phân tích thêm, việc thành lập hãng bay vận tải cần phải tính đến yếu tố hạ tầng và an toàn bay tại các cảng hàng không.

"Có một vấn đề mà Bộ GTVT phải cân nhắc là có ảnh hưởng đến an toàn bay hay không, mở nhiều hãng quá sẽ bị dồn ứ, tắc cả trên không lẫn dưới đất, tăng mật độ lại càng khó khăn hơn. Tức là sân bay muốn khai thác mật độ nhiều thì phải đầu tư thiết bị rất hiện đại mới đảm bảo an toàn, mà đầu tư thiết bị hiện đại rất đắt tiền, nên là chỉ những sân bay lớn mới đáp ứng được".

Việc cấp phép thành lập hãng hàng không vận tải là cần thiết, đây cũng là cú hích để các hãng bay trong nước đầu tư cho mảng vận tải (Air Cargo) giành lại thị phần

Dưới góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, thị phần vận tải hàng không chủ yếu đang rơi vào tay các hãng bay nước ngoài. Vì thế, việc cấp phép thành lập hãng hàng không vận tải là cần thiết, đây cũng là cú hích để các hãng bay trong nước đầu tư cho mảng vận tải (Air Cargo) giành lại thị phần.

"Các hãng máy bay vận tải hàng không VN chưa có. Bây giờ nhu cầu tăng lên mở công ty riêng là tốt và các hãng hàng không như: Vietnam Airline hay Vietjet…mở thêm Air Cargo để mà cạnh tranh với với công ty này là rất tốt. Những công ty này có thuận lợi từ việc chở hành khách rồi, bây giờ gửi hàng hóa qua Air Cargo sẽ thuận lợi".

Đón đầu xu hướng chuyển dịch tăng thị phần vận chuyển hàng hóa, các hãng hàng không đã kịp thời tăng cường các chuyến bay vận tải nhằm bù đắp cho vận tải hành khách bị sụt giảm do đại dịch.

Theo đó, hãng Hàng không quốc gia VN đã đưa vào sử dụng 12 tàu bay thân rộng và 2 máy bay thân hẹp để chuyên chở hàng hóa. 6 tháng năm 2021 hãng này đã vận chuyển được hơn 100 nghìn tấn hàng hóa trong nước và quốc tế, trong đó khai thác được 1.100 chuyến bay chở hàng quốc tế. Ông Hồ Quang Tuấn - Trưởng ban Tiếp thị Hàng hóa Vietnam Airlines, cho biết:

"Với ưu thế mạng bay nội địa chúng tôi đã đẩy mạnh khai thác các chuyến bay chuyên chở hàng trong nước. Và tận dụng cơ hội hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động, Vietnam Airlines đã mở rộng nhiều đường bay chở hàng quốc tế, với 23 đường bay quốc tế thường lệ đi đến các thị trường trọng điểm".

Còn theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, với mạng lưới gần 70 đường bay nội địa hãng đã sớm đẩy mạnh các chuyến bay chở hàng trong nước với hơn 20% thị phần. Đặc biệt cùng với Chính phủ thực hiện các chuyến bay giải cứu; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến các khu vực thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ vận chuyển vải thiều Bắc Giang trên tất cả các chặng bay của hãng.

Bên cạnh đó, Bamboo Airway cũng tăng cường các chuyến bay chở hàng đi quốc tế, trong đó mỗi tuần khai thác 4 chuyến bay giữa Hà Nội và Incheon (Hàn Quốc) theo hợp đồng độc quyền với đối tác. Dự kiến vào cuối năm nay hãng sẽ đưa vào hoạt động 2 máy bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa.

"Hiện nay chúng tôi đang hình thành dự án Bamboo Airway Cargo, với dự án này trước mắt chúng tôi sẽ khai thác tối đa vận chuyển hàng hóa trên các dòng máy bay chuyên chở khách hiện nay. Đối với các dòng máy bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa hãng đang xem xét, có khả năng chúng tôi sẽ bắt đầu với một vài máy bay chuyên dụng chở hàng hóa vào cuối năm nay, chúng tôi sẽ thuê mua với các đối tác thuê mua".

Ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airway (bên phải) cho biết: Với mạng lưới gần 70 đường bay nội địa hãng đã sớm đẩy mạnh các chuyến bay chở hàng trong nước với hơn 20% thị phần.

Ông Thắng cũng cho biết, Bamboo Airways hiện đã được phê chuẩn bộ Tài liệu khai thác hàng hóa (COM) và Tài liệu khai thác hàng nguy hiểm (DGM) theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không VN và Hiệp hội vận tải hàng không ưuốc tế (IATA). Đồng thời giấy phép vận chuyển thương mại của hãng cho phép được vận chuyển cả hành khách và hàng hóa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với việc triển khai nghiệp vụ chở hàng của các hãng hàng không VN là hệ thống cơ sở hạ tầng, logistic chưa đáp ứng nhu cầu, chi phí logistic tại VN hiện khá cao.

Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định, việc xây dựng các trung tâm logistic phụ thuộc vào cung - cầu, các cảng hàng không đều được quy hoạch khu vực để xây dựng nhà ga hàng hóa.

"Trong quy hoạch tất cả các cảng hàng không hiện nay đều bố trí khu vực để có thể xây dựng được nhà ga hàng hóa. Khi nào có nhu cầu về cơ sở hạ tầng thì đều hoàn toàn có thể kịp thời xây dựng để đáp ứng nhu cầu vận tải về hàng hóa ở khu vực đó".

Trao đổi với VOV Giao thông ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết:

"Vừa rồi Nghị định 05/2021 sửa đổi cho phép chúng tôi được đầu tư hạ tầng thiết yếu trong kho cảng. Hiện nay đang lên kế hoạch phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng hóa, trong đó đang triển khai các kho hàng tại các cảng hàng không Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Thọ Xuân, Cần Thơ…"

Thứ trưởng Bộ GTVT ông Lê Anh Tuấn cũng cho VOV Giao thông biết, hiện Bộ đã giao cho Cục Hàng không VN nghiên cứu, xem xét và rà lại các quy định pháp luật về các điều kiện thành lập hãng hàng không vận tải. Sau khi rà soát sẽ có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Hạ tầng hàng không và hệ thống logistics chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của DN và nền kinh tế; công nghệ lạc hậu, chi phí vận chuyển cao làm giảm sức cạnh tranh (ảnh minh hoạ)

Đẩy mạnh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không là xu thế tất yếu trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, nhiều đường bay chở khách quốc tế bị tạm dừng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT, đây là cơ hội cho các hãng bay trong nước đầu tư vào lĩnh vực vận tải giành lại thị phần, nhưng việc này đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ của cả DN và nhà nước.

Hãy đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Vận tải hàng không chớp cơ hội trong đại dịch

Theo các chuyên gia về hàng không, hiện nay VN vẫn chưa có hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa, nên có tới hơn 80% thị phần này rơi vào tay các hãng bay ngoại. Trong khi đó hoạt động vận tải của các hãng bay trong nước đang được thực hiện bởi các dòng máy bay chuyên chở khách.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy bay thương mại chở khách để chở hàng hiệu quả không cao. Các hãng chủ yếu khai thác bụng máy bay hoặc tháo bỏ ghế ngồi trong khoang hành khách để chở hàng, nên khối lượng vận chuyển hạn chế. Vì thế đây chỉ là giải pháp tạm thời, tận dụng để chở các hàng hóa thiết yếu phục vụ chống dịch hay giải cứu nông sản…

Sự kiện ông vua hàng hiệu tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn xin thành lập hãng bay riêng chuyên chở hàng hóa đã “châm ngòi” cho một cuộc đua mới trong lĩnh vực này. Thế nhưng, theo Bộ GTVT việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Trước đó, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không VN đang hoạt động. Đây là cơ hội “vàng” cho các hãng bay trong nước dồn lực đầu tư tàu bay chuyên dụng và hình thành các Air Cargo.

---

Một vấn đề nữa là hạ tầng hàng không và hệ thống logistics chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của DN và nền kinh tế; công nghệ lạc hậu, chi phí vận chuyển cao làm giảm sức cạnh tranh.

Bởi lẽ ngoài hai cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất và Nội Bài có trung tâm kho hàng hóa quốc tế đủ lớn và thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu thì hầu hết các cảng hàng không còn lại hạ tầng kho hàng, bến bãi, thiết bị vận chuyển chưa được đầu tư đồng bộ và tự động hóa, khiến cho việc giải phóng hàng bị chậm.

Để phát triển vận tải hàng hóa hàng không cần hội đủ 2 yếu tố là có đội bay chuyên dụng và mạng lưới logistics hàng không đủ lớn. Bởi vậy, ngoài việc mạnh tay đầu tư các tàu bay chuyên dụng của DN hàng không thì ACV cần đẩy nhanh việc đầu tư chuỗi hệ thống logistics chuyên nghiệp, nhằm “bắt” kịp xu hướng vận tải hàng hóa hàng không ngày một tăng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp các sân bay vệ tinh cẫn cần được tính đến. Đơn cử như tại khu vực đồng bằng Sông Cửu long hiện mới chỉ có sân bay Cần Thơ là tương đối lớn, các sân bay vệ tinh năng lực còn hạn chế.

Trong khi đó hệ thống giao thông đường bộ ở khu vực này chưa phát triển, dẫn đến việc kết nối giữa các địa phương trong vùng với sân bay Cần Thơ gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa đường sắt, đường bộ, đường thủy với các cảng hàng không.

---

Nghe Sự việc & Góc nhìn trên Apple Podcast

Từ khóa » Vì Sao Air Mekong Phá Sản