Có Phải Cai Thuốc Lá Gây Tăng Cân? - Phổi Việt

Có phải cai thuốc lá gây tăng cân?

Có phải cai thuốc lá gây tăng cân?

TS BS Lê Khắc Bảo

Giảng viên Bộ môn Nội – Đại học Y dược TPHCM

Cố vấn chuyên môn trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

1. Chấp nhận sự thật !

Tăng cân rất thường gặp khi cai thuốc lá.

Tác giả Williamson tiến hành một nghiên cứu kéo dài trong 10 năm đánh giá tăng cân do cai thuốc lá trên hàng ngàn người, kết quả nghiên cứu có đến 2/3 người cai thuốc lá tăng cân trong đó mức tăng cân trung bình là 2,8 kg ở nam và 3,8 kg ở nữ.

Vì thế khi cai thuốc lá chúng ta sẽ phải chấp nhận sự thật là trong đa số trường hợp sẽ tăng cân.

2. Nói lại cho đúng !

Thực ra không phải là người cai thuốc lá tăng cân mà là người hút thuốc lá gầy quá mức và khi cai thuốc lá người cai thuốc lá phục hồi lại cân nặng bình thường.

Khi so sánh cân nặng trung bình của người không hút thuốc lá với người hút thuốc lá, người ta nhận thấy cân nặng trung bình của người hút thuốc lá bao giờ cũng thấp hơn cân nặng người không hút thuốc lá có cùng giới tính, chiều cao, tuổi tác. Người hút thuốc lá sau khi cai thuốc lá thì cân nặng của họ có tăng lên nhưng cuối cùng thì cân nặng trung bình của những người cai thuốc lá sau khi tăng cân lại không hơn cân nặng trung bình của những người không hút thuốc lá.

Như vậy cần phải nói lại cho đúng ở đây là người hút thuốc lá sau khi cai thuốc lá đã “phục hồi cân nặng bình thường” chứ không phải là “tăng cân” sau khi cai thuốc lá.

3. Hiểu rõ cơ chế !

Nicotin có trong thuốc lá làm tăng cường quá trình tiêu thụ năng lượng của cơ thể thông qua các cơ chế sau:

(1) Kích thích men lipoprotéin – lipase làm tăng cường huy động mỡ dự trữ, tăng cường quá trình ly giải lipide, giảm thiểu quá trình tổng hợp lipide. Giảm khối lượng mỡ đi kèm với việc tái phân phối lượng mỡ trong cơ thể, mỡ tập trung ở bụng nhiều hơn ở hông và hình thành biểu hình nam (khác với biểu hình nữ là tập trung mỡ ở hông nhiều hơn ở bụng)

(2) Kích thích hệ thần kinh giao cảm làm tăng tổng hợp cathecolomin, tăng tốc độ chuyển hóa, tăng tạo nhiệt. Mỗi điếu thuốc lá hút vào làm tăng tiêu thụ năng lượng từ 8 – 10 Kcal do tăng tạo nhiệt và tăng tốc độ chuyển hóa. Như thế hút từ 20 – 30 điếu thuốc lá mỗi ngày thì mức tiêu hao năng lượng cộng thêm sẽ từ 200 – 300 kcal mỗi ngày. 3

(3) Ức chế tiết insulin, gây tăng đường huyết, làm giảm cảm giác đói, giảm nhu cầu ăn vào.

Nicotin giảm khi cai thuốc lá như vậy sẽ dẫn đến:

(1) Giảm hoạt hóa men lipoprotein – lipase làm tăng tổng hợp và dự trữ mỡ; Giảm kích thích hệ thần kinh giao cảm làm giảm tốc độ chuyển hóa, cơ thể sẽ “tiết kiệm” được từ 200 – 300 Kcal mỗi ngày; Tăng tiết insulin làm giảm đường huyết tăng cảm giác đói và nhu cầu ăn vào.

(2) Ăn uống nhiều hơn là hậu quả của việc tăng cường dự trữ mỡ trong cơ thể, giảm đường huyết, ngòai ra còn là hậu quả của thay đổi tương quan về thời gian giữa lúc ăn và thời điểm xuất hiện cảm giá no – đói với sự xuất hiện sớm cảm giác đói và xuất hiện muộn cảm giác no. Sự phục hồi tính nhạy cảm của các đầu dây thần kinh vị giác và khứu giác giúp người cai thuốc lá cảm thấy thức ăn ngon miệng hơn trước.

Như vậy một người cai thuốc lá nếu không tiết giảm ăn uống sẽ có dư thừa mỗi ngày từ 400 – 500 Kcal (trong khi đó nhu cầu năng lượng bình thường mỗi ngày của một người trưởng thành chỉ từ 2500 – 3000 Kcal). Hậu quả là chỉ cần vài tuần sau cai thuốc lá, người cai thuốc lá sẽ dễ dàng tăng từ 2 -3 kg.

4. Cũng có trường hợp ngọai lệ !

Có rất nhiều khác biệt trong số cân nặng tăng thêm sau cai thuốc lá.

2/3 trường hợp tăng cân nghĩa là có 1/3 trường hợp không hề tăng cân sau cai thuốc lá; Cân nặng trung bình tăng 2,3 – 3,8 kg nhưng có đến 10% nam và 14% nữ tăng nhiều hơn 13 kg. Số cân nặng tăng lên còn tùy thuộc vào giới tính nữa, giới nam tăng cân ít hơn giới nữ: 52% nữ giới tăng hơn 3 kg nhưng chỉ có 44% nam giới tăng hơn 3 kg.

Như vậy cũng có một số trường hợp sau cai thuốc lá thì có “tăng cân” thực sự chứ không chỉ đơn thuần là “phục hồi cân nặng bình thường”.

Trên những trường hợp tăng cân nhiều như vậy người ta ghi nhận thấy ngoài những thay đổi trong thói quen ăn uống thông thường họ còn có thể bị rối loạn cả hành vi ăn uống, có những cơn thèm ăn mãnh liệt, đặc biệt thèm ngọt, ngay cả những người trước nay chưa từng có thói quen ăn ngọt; nguyên nhân do 1 Tăng tiết insuline gây hạ đường huyết 2 Giảm serotonine ở não làm xuất hiện cơn thèm ngọt, triệu chứng trầm cảm điển hình hay không điển hình dưới dạng rối loạn hành vi ăn uống và tăng ngủ.

5. Biện pháp nào khống chế tăng cân do cai thuốc lá ?

“ Không có gì ghê gớm cả ”:

Người cai thuốc lá nên chấp nhận sự thật sẽ tăng vài kg khi cai thuốc lá vì tăng cân sau cai thuốc rất thường gặp và đôi khi là không thể tránh được bởi vì đây là “phục hồi” cân nặng bình thường chứ không thực sự là “tăng cân”, hơn nữa tăng cân xét về phương diện y khoa nhẹ nhàng hơn nhiều so với nguy cơ của việc tiếp tục hút thuốc lá.

“ Cai thuốc lá với thuốc hỗ trợ ”:

Nicotin thay thế: đây là biện pháp có hiệu quả nhất trong chống tăng cân, nicotin thay thế có thể dùng dưới dạng miếng dán hoặc kẹo nhai, dạng nhai có hiệu quả đặc biệt cho rối loạn hành vi ăn uống. Tuy nhiên cần phải xác định với người cai thuốc lá rằng nicotin thay thế chỉ có hiệu quả làm chậm thời gian tăng cân mà thôi và khi ngưng sử dụng nicotin thay thế cân nặng sẽ tăng.

Bupropion hydrochloride: thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế bắt giữ dopamin và moradrenaline, là thuốc cai thuốc lá, đồng thời có tác dụng ức chế tăng cân do cai thuốc lá.

Varenicillin: kích thích đặc hiệu thụ thể nicotin a4b2 giúp cai thuốc lá và hạn chế tăng cân nặng. Hiện nay được xem là thuốc hiệu quả nhất trong cai thuốc lá.

“Thay đổi lối sống”:

Ăn uống:

Không phải là ăn kiêng mà là thay đổi loại thức ăn: ăn ít thức ăn nhiều ngọt, mỡ và muối, ăn nhiều trái cây và thức ăn nhiều chất xơ. Người cai thuốc lá có thể xuất hiện táo bón, việc uống nhiều nước, kê kèm thuốc xổ dạng xơ, thuốc có Mg có thể có ích.

Tập thể dục:

Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ưu tiên những môn tập thể dục nâng cao sức bền bỉ hơn là sức mạnh (ví dụ chạy bộ, bơi lội hơn là tập cử tạ); ưu tiên những môn thể thao có tính đồng đội hơn là cá nhân (ví dụ đá banh, đánh cầu).

“Khi cần thiết hãy đến khám bác sỹ”

Trong những trường hợp tăng cân bệnh lý, rối lọan hành vi ăn uống, người cai thuốc lá cần phải đến tư vấn bác sỹ chuyên khoa về cai thuốc lá, bác sỹ tâm thần và dinh duỡng để có những chế độ điều trị phù hợp dùng thuốc và không thuốc.

Khi có chỉ định các bác sỹ có thể hướng dẫn những chế độ ăn uống tập luyện đặc biệt hoặc thậm chí kê toa những lọai thuốc đặc trị như là thuốc gây chán ăn, thuốc chống trầm cảm.

Thuốc gây chán ăn: thuốc nhóm dẫn xuất éphédrine như phényl propanolamine, nhóm serotoninergic như dexfenfluramine tuy nhiên do có nhiều tác dụng phụ và nguy cơ gây nghiện nên thuốc gây chán ăn hiện không được dùng.

Thuốc chống trầm cảm nhóm serotoninergic như fluoxetine được chỉ định dùng khi người cai thuốc lá ngoài tăng cân còn xuất hiện triệu chứng trầm cảm.

Từ khóa » Bỏ Hút Thuốc Lá Có Tăng Cân Không