Cóc Vàng Bổ ít độc Nhiều - Tuổi Trẻ Online

Thực hư về thịt cóc vàng qua những phân tích khoa học...

--------------------------

Dù thỉnh thoảng đây đó vẫn có thông tin về những vụ ngộ độc thịt cóc với những cái chết rất thương tâm cho trẻ nhỏ, nhưng vẫn có một số phụ huynh vì quá tin tưởng, đến độ “mê tín” khả năng chữa bệnh suy dinh dưỡng, còi cọc của thịt cóc nên vẫn tự chế biến hoặc mua thịt cóc về dùng, thậm chí còn chế biến thịt cóc thành chà bông để con trẻ ăn như các món thịt, cá... thông thường khác. Gần đây hơn, lại có nhiều người chết thảm vì nghe theo tin đồn vô căn cứ, đã liều mạng ăn cóc sống nguyên con hoặc lục phủ ngũ tạng cóc sống để chữa ung thư.

vk4sOORt.jpgPhóng to
Bán cóc dạo trên đường phố -Ảnh: N.C.T.

Truy lý lịch... cậu ông trời

Cóc vàng thuộc loài lưỡng cư (amphibia), họ ếch nhái (bufonidae); cóc ở nước ta là bufo melanostictus. Khác với ếch nhái, cóc chứa chất độc trong nhựa cóc, nằm trong các nốt sần trên da hoặc tuyến sau mang tai và độc tố trong gan, trứng cóc. Trong nhựa cóc có nhiều chất độc gọi chung là bufotoxin (độc tố cóc), thành phần chính xác thay đổi tùy theo loại cóc. Trong bufotoxin gồm nhiều độc chất như: bufagin, bufotalin, bufotenine, bufothione, adrenalin, noradrenalin và serotonin. Bufotoxin gây độc cho hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp... có thể gây tử vong cao.

Trong y văn xưa nay chưa thấy có tài liệu nói đến khả năng chữa bệnh ung thư của thịt và nhựa cóc cả.

Theo GS Đỗ Tất Lợi trong Những cây thuốc và vị thuốc VN, cách chế biến thịt cóc như sau: chọn những con cóc to, cóc da đen hay da vàng đều dùng được, tránh dùng cóc mắt đỏ. Dùng dao thật sắc chặt bỏ phần đầu ngang phía dưới hai u to vứt đi. Khía dọc xương sống lột sạch da, móc bỏ hết ruột, gan, phổi và trứng cóc vì đây là những nơi chứa độc tố cóc.

Trong khi chế biến tuyệt đối không để nhựa cóc ở các khối sần da và tuyến sau tai dính lẫn vào phần thịt. Thịt cóc sau đó có thể rang khô, sấy khô cho giòn và tán thành bột, bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần. Ở Trung Quốc người ta sấy khô nguyên cả con cóc gọi là “can thiềm” để bảo quản sử dụng dần.

Trước đây đông y có dùng nhựa cóc để chữa một số bệnh hiểm nghèo. Nhựa cóc, thiềm tô, là một trong sáu vị đơn thuốc “lục thần hoàn”. Theo tài liệu cổ, nhựa cóc có vị ngọt, cay, tính ôn, có độc vào kinh vị. Nhựa cóc có tác dụng giải độc, tán thủng và giảm đau. Vì rất độc nên đông y cũng lưu ý rất cẩn thận là chỉ những lương y thật kinh nghiệm mới được dùng thiềm tô. Còn tây y không có phương thuốc nào dùng cóc và nhựa cóc để làm thuốc.

Thịt cóc: bổ nhưng hiểm!

Thịt cóc, với điều kiện không lẫn nhựa cóc, cũng chỉ có tác dụng như một loại thức ăn thông thường không hơn không kém.

Về dinh dưỡng, theo TS Nguyễn Thị Kim Liên (Viện Dinh dưỡng quốc gia), thịt cóc có hàm lượng đạm đến 22%, tương đương thịt gà; các yếu tố vi lượng cũng khá cao. Theo nghiên cứu của Viện Vệ sinh Hà Nội (1962), thịt cóc có đến 53,37% chất đạm, 12,66% chất béo, rất ít chất đường, 23,56% tro và 4,18% độ ẩm.

Trong thịt cóc có một lượng đáng kể kẽm, mangan và một số yếu tố vi lượng khác. Kẽm tham gia vào cấu tạo một số enzyme (men) quan trọng trong hoạt động hô hấp và trao đổi chất của hồng cầu (vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, tạo liên kết để giải phóng cacbonic); kẽm còn tham gia thành phần enzyme chuyển hóa chất đạm và có ảnh hưởng tới hoạt động các hormon tuyến yên, tuyến tụy (insulin). Trong thịt cóc còn chứa vitamin A và vitamin D3. Vitamin D3 giúp quá trình chuyển hóa canxi phôtpho giúp phát triển và chống còi xương, do đó thịt cóc là thức ăn tốt cho trẻ chậm lớn, trẻ suy dinh dưỡng.

Thử bình tâm nhận định một cách khoa học, chẳng lẽ chúng ta chấp nhận vì một ít giá trị dinh dưỡng quá nhỏ nhoi của thịt cóc mà cố tình quên mất cái nguy hiểm, cái độc hại chết người của độc tố cóc. Hơn nữa, trong nguồn thực phẩm phong phú hiện nay, chúng ta còn có nhiều thứ tốt hơn, an toàn hơn, thì việc gì phải chọn loại thức ăn có thể mang lại rủi ro nguy hiểm chết người này.

Từ khóa » Cóc Nhà Có độc Không